#36. Hai phương pháp viết Headline hiệu quả - Ngược cách thức, chung mục tiêu.
Đâu là cách bạn vẫn đang làm?
Xin chào bạn,
Hi vọng bạn đã bắt đầu tuần mới thật hứng khởi. Tuần trước, chúng ta đã trao đổi với nhau câu chuyện về tầm quan trọng của Headline và một câu hỏi có thể giúp bạn viết Headline tốt hơn ngay lập tứ. (Nếu bỏ lỡ, bạn có thể đọc lại tại đây).
Tuần này, tiếp nối chủ đề Headline, tôi sẽ cung cấp cho bạn hai phương pháp viết Headline tuy trái ngược nhau nhưng có chung một mục tiêu cuối cùng - khiến người đọc click vào bài viết. Tôi sẽ không nhận xét cách nào đúng cách nào sai, mà chỉ giới thiệu để bạn tự đưa ra góc nhìn và lựa chọn phương pháp phù hợp cho bản thân.
Phương pháp số 1: Viết Headline đầu tiên.
Theo Brian Clark từ The Copy Blogger, việc viết Headline trước tiên sẽ giúp bạn tạo ra không chỉ Headline tốt, mà cả một bài viết tốt hơn.
Tôi nghĩ, điều này có thể xảy ra vì một số lý do sau:
Headline là lời hứa mà bạn dành cho người đọc. Mà thông thường, những lời hứa luôn được đưa ra trước khi người ta bắt đầu thực hiện chúng. Khi đã đưa lời hứa vào Headline, chính bạn - tác giả của bài viết cũng sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn trong việc cung cấp nội dung đúng hướng cho độc giả.
Một Headline hấp dẫn sẽ khiến bạn có động lực để hoàn thành bài viết xuất sắc hơn.
Đôi khi, một Headline sẽ mở ra cả ý tưởng cho một (hoặc thậm chí là nhiều) bài viết.
Bản thân tôi cũng đã từng được trải nghiệm điều này. Đôi khi, tôi chỉ có một từ khóa và không biết bắt đầu bài viết thế nào. Trong quá trình thử nghiệm nhiều cách, tôi đã thử việc viết một câu tiêu đề thật hấp dẫn trước. Và thật đáng ngạc nhiên, ngay sau đó tôi nảy sinh ra ý tưởng bài viết để phục vụ cho tiêu đề mà tôi đã nghĩ ra.
Tất nhiên, cách làm này cũng có thể dẫn tới một số vấn đề như:
Nếu bạn không kiểm soát tốt mạch bài, sau khi viết xong, nội dung của bạn sẽ không liên quan lắm tới tiêu đề.
Trong quá trình viết, bạn có thể sẽ đổi ý và Headline đã viết không thể sử dụng được nữa.
Nhưng theo cá nhân tôi, viết tiêu đề trước vẫn là một cách thú vị mà bạn nên thử. Nếu bạn quyết định thử, hãy nhớ một vài lưu ý sau:
Bạn cần xác định được keyword và mục đích của bài viết trước khi đặt tiêu đề.
Tốt nhất, hãy xây dựng outline bao gồm các ý lớn của bài viết trước khi viết Headline. Việc này sẽ giúp bạn tránh mắc lỗi lạc đề sau đó.
Để tôi lấy một ví dụ giúp bạn dễ hình dung hơn. Giả sử, tôi muốn phát triển một bài viết về chủ đề tìm kiếm khách hàng cho Freelance Copywriter. Thay vì viết nội dung trước, tôi sẽ viết Headline trước và Headline sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cách tôi phát triển nội dung cho bài viết.
#1 - 3 chiến lược giúp Freelance Copywriter gấp đôi khả năng chốt deal được với khách hàng.
Nếu như đây là tiêu đề của bài viết, tôi sẽ phải đưa ra một danh sách gồm ba chiến lược để độc giả có thể sử dụng trong quá trình chốt deal, giúp họ tăng khả năng có được job.
#2 - Tôi đã làm thế nào để có khách hàng ngay trong tháng đầu tiên làm Freelance Copywriter?
Nếu như viết Headline theo hướng này, nội dung tôi cần cung cấp cho người đọc sẽ là câu chuyện riêng của tôi cùng những lời khuyên/bài học rút ra trong quá trình tìm kiếm khách hàng.
Rõ ràng là cùng một chủ đề, cùng một vài keyword, nhưng kết quả mang tới cho bạn đọc lại hoàn toàn khác nhau.
Phương pháp số 2: Viết Headline sau cùng.
Đây có lẽ là cách thức quen thuộc hơn với nhiều Copywriter. Bản thân tôi cũng thường xuyên khuyên các nhân sự hoặc học viên của mình nên thực hành theo cách này, đặc biệt trong giai đoạn mới tập viết.
Vì sao ư? Tôi có thể kể với bạn một vài lý do:
Quá trình phát triển từ ý tưởng trở thành một bài viết sẽ có rất nhiều biến động. Trong lúc viết, chúng ta có thể thay đổi, thêm hoặc bớt các ý tưởng ban đầu. Rất khó để đảm bảo Headline bạn đã viết ngay từ ban đầu vẫn phù hợp với nội dung sau cùng của bài viết.
Sau khi hoàn thành xong toàn bộ nội dung, chúng ta sẽ có cơ sở đầy đủ hơn để đưa ra lựa chọn xem mình sẽ viết tiêu đề như thế nào cho hiệu quả.
Thực tế là, khi làm việc tại Agency, Copywriter thường sẽ cần gửi trước một Plan, bao gồm Outline và Headline cho khách hàng duyệt. Thế nhưng, ngay cả khi Headline đã được thông qua, vẫn có nhiều bạn gặp khó khăn khi phải cố gắng ép nội dung theo tiêu đề đó. Đôi khi, nội dung sẽ trở nên gượng gạo. Bởi vì chỉ khi chúng ta đi vào triển khai, chúng ta mới biết có những vấn đề gì cần giải quyết để tạo ra bài viết tốt nhất.
Khi bạn chọn làm theo phương pháp này, trình tự sẽ hơi đảo ngược một chút:
Bạn chọn chủ đề và suy nghĩ ý tưởng cho bài viết.
Bạn lên outline và triển khai bài viết chi tiết.
Bạn đọc lại một lượt, chọn ra thông điệp lớn hoặc lợi ích mà người đọc sẽ nhận được trong bài viết.
Bạn phát triển Headline từ thông điệp đó .
Quay lại với ví dụ phía trên. Giả sử tôi quyết định viết một bài chia sẻ danh sách các nguồn thông tin để Freelance Copywriter có thể tìm kiếm được khách hàng. Sau khi hoàn thiện bài viết, tôi xác định lợi ích mà người đọc nhận được là 4 nguồn thông tin miễn phí, uy tín để tìm kiếm khách hàng. Vậy thì tôi có thể chọn một trong những cách sau để diễn đạt thông điệp này thành Headline hấp dẫn:
#1 - Trực diện: 4 nguồn thông tin miễn phí và uy tín cho Freelance Copywriter đang cần tìm kiếm khách hàng.
#2 - Bất ngờ: Có khách hàng dễ dàng mà không mất phí - Là Freelance Copywriter, bạn phải biết điều này!
#3 - Đồng cảm: Quá khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng? Thử ngay 4 nguồn thông tin sau dành riêng cho Freelance Copywriter!
…
Không thể nói rằng phương pháp nào là chuẩn mực hay hiệu quả hơn trong việc viết Headline. Bạn cần tự mình thử nghiệm và chọn ra phương pháp phù hợp, hoặc linh hoạt sử dụng một trong hai phương pháp trong từng trường hợp cụ thể.
Tuần này, bạn đọc trả phí của Content Hacks sẽ được nhận danh sách 20 mẫu Headline chọn lọc để có thể ứng dụng ngay. Nếu bạn quan tâm, hãy nhanh tay đăng ký bản tin Premium để không bỏ lỡ.
Bạn có gặp khó khăn hay còn câu hỏi nào về việc viết Headline không? Hãy chia sẻ thêm với tôi nhé. Hẹn gặp lại bạn trong bản tin tuần sau!
Cảm ơn chị vì một chia sẻ rất thú vị. Đọc xong bài viết này thì em mới để ý là mình đã từng thử qua cả 2 phương pháp này. Nghiệm lại thì em có một nhận định như vầy:
1) Phương pháp "viết tiêu đề trước" thường sẽ phù hợp khi người viết đã có đầy đủ kiến thức về nội dung mình viết và đã hình thành được mạch bài trong đầu khoảng 80%. Việc viết tiêu đều trước sẽ giúp hoàn thiện 20% còn lại.
Hơn nữa, vì biết quá nhiều về lĩnh vực đó nên rất dễ bị nói lạc sang những nội dung gần với chủ đề đó nhưng không thực sự liên quan. Nên việc viết tiêu đề ra trước như gieo một cái "neo ý tưởng" trong đầu người viết vậy, họ sẽ không bị đi quá xa với ý tưởng ban đầu.
Khoảng 60-70% là em làm theo cách này.
2) Phương pháp "viết tiêu đề sau" thì ngược lại, đôi khi người viết có một lượng hiểu biết nhất định về nội dung cần viết, tuy nhiên có thể còn thiếu sót một vài chỗ nên chưa thể sắp xếp một mạch trong đầu được.
Có thể trong quá trình viết cũng phải tham khảo thêm các nguồn khác, từ đó lại có thêm những ý khác. Chính vì vậy việc viết tiêu đề sau khi đã tìm hiểu và viết được một bài hoàn chỉnh sẽ hợp lý hơn trong trượng hợp này.
Lần gần nhất em sử dụng cách này là khi viết một bài chia sẻ về "Call to action" trên group "Viết thương mại". Mới đầu em chỉ nghĩ là sẽ viết một bài chia sẽ về cách viết CTA, tuy nhiên do không phải một người quá lão luyện về copywriting nên em cũng chưa hình thành được một mach bài hoàn chỉnh. Những gì em làm lúc đó là viết xuống tất cả những gì em biết về CTA, sau đó phát hiện ra CTA có thể chia làm 3 loại theo cấp độ, rồi lại nghĩ ra hình ảnh ẩn dụ cho từng loại.
Thế là sau khi viết xong bài viết đó thì em mới đăng lên với tiêu để là "Các cấp độ Call-to-action".
Ngoài ra thì cũng có rất nhiều trường hợp em viết tiêu để, rồi viết bài, rồi lại có ý tưởng về một tiêu đề khác hay hơn nên quay lại sửa. Coi như là áp dụng cả 2 cách luôn á :))))))