73. 5 sai lầm khiến Newbie Copywriter khó kiếm được tiền.
Nếu dính mắc ở đây, bạn sẽ tự làm chậm quá trình phát triển của bản thân.
Biết tới, Tìm hiểu, Tự học, Thực hành rồi đi tìm kiếm khách hàng/công việc để tạo ra thu nhập. Có lẽ đây là hành trình mà bất cứ Newbie Copywriter/Content Writer nào cũng trải qua. Tuy nhiên, có những người đi đúng hướng, còn có những người lại đưa ra quyết định sai lầm dẫn tới sự bơ vơ, mệt mỏi, kiệt sức trong suốt quãng thời gian dài phía sau. Chưa cần nói đâu xa, ngay ở trong nhóm học viên của tôi, đã có những trường hợp:
Có bạn từng nhận viết bài với chi phí rất thấp, rồi mệt mỏi tới nỗi muốn bỏ nghề. Giờ đây, bạn deal được job với mức gia cao hơn hẳn trước đây.
Có bạn được tôi tag vào một bài tuyển dụng trên cộng đồng với hàng trăm đối thủ cạnh tranh, nhưng vẫn thành công nhận được job.
Nhiều bạn đã hiểu giá trị của mình, và kiên nhẫn chờ đợi & tìm kiếm các khách hàng chi trả xứng đáng với giá trị đó.
Không thể phù nhận, việc được đào tạo bài bản và được kết nối với các mối quan hệ của tôi là một vài trong những lợi thế cạnh tranh của các bạn. Nhưng ngay cả với những người chưa có khả năng chi trả cho khóa học, bạn cũng có thể gia tăng cơ hội kiếm tiền tốt hơn khi ở vị trí Newbie Copywriter nếu bạn có tư duy đúng.
Trong bản tin tuần này, tôi sẽ chia sẻ 5 sai lầm thường gặp của Newbie Copywriter và cách thay đổi tư duy nhằm giúp bạn tạo ra thu nhập dễ dàng hơn.
Sai lầm số 1: Quá nóng vội với việc kiếm tiền.
Tôi có mặt trong một số hội nhóm dành cho Copywriter. Trong số các bài đăng hỏi - đáp mỗi ngày, “tiền” luôn là một trong những chủ đề xuất hiện thường xuyên nhất. Đây là những câu hỏi tôi thường bắt gặp:
“Em đang là sinh viên muốn học về Copywriting, học như thế nào để kiếm được tiền?”
“Em muốn tìm thêm công việc Freelance liên quan tới Copywriting, nhờ mọi người chia sẻ kinh nghiệm”.
“Em muốn hỏi học Copywriting bao lâu thì mình có thể nhận job và kiếm tiền?”
Tất nhiên, tôi vô cùng hiểu tâm lý lo lắng về thu nhập của những bạn mới vào nghề. Chúng ta không thể chỉ sống được nhờ đam mê, chúng ta cần có tiền để duy trì đam mê ấy. Nhưng, có lẽ câu hỏi nên được điều chỉnh thành: “Tiềm năng về thu nhập của công việc này ra sao?” thì sẽ hợp lý hơn. Bởi không khó để đưa ra cho bạn một con số, đã có những tháng tôi thu về hơn 20 triệu chỉ từ các công việc liên quan tới Copywriting, Content. Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu bạn bỏ qua các yếu tố khác: như background và kinh nghiệm của bạn; tầm ảnh hưởng của bạn; các nguồn lực bạn có. Bạn không thể nhìn vào thu nhập của người khác, rồi mơ mộng mình sẽ đạt được nó chỉ sau vài tháng. Bạn càng không nên chỉ tập trung vào câu chuyện kiếm tiền khi còn chưa đánh giá được năng lực của mình đang ở nấc thang nào.
Hãy bớt đọc những bài chia sẻ theo dạng “Tôi đã kiếm được vài nghìn đô nhờ kỹ năng A/B/C như thế nào”, nếu như các nội dung đó không đi kèm với các minh chứng thực tế cùng những thông tin toàn cảnh về góc khuất phía sau. Mục đích cuối cùng của chúng ta đương nhiên vẫn là tạo ra thu nhập, nhưng nó không nên là mục tiêu của bạn trong giai đoạn bắt đầu. Bởi vì nếu quá nóng vội với câu chuyện kiếm tiền, rất có thể bạn sẽ mắc phải sai lầm số 2.
Sai lầm số 2: Cạnh tranh bằng giá.
Bạn có thấy những bài đăng kiểu thế này rất quen thuộc không?
“Em là X. Em là người mới trong lĩnh vực này. Em nhận viết bài miễn phí, hoặc chi phí tùy tâm để rèn luyện.”
Mỗi lần thấy bài đăng kiểu như vậy, tôi rất muốn nói điều gì đó với người viết ra những lời ấy. Nhưng “lực lượng” này cũng quá đông, tôi chẳng thể nào thay đổi suy nghĩ của tất cả.
Dưới đây là những lý do tôi khuyên bạn không nên làm như vậy:
Nếu bạn chưa có một chút kiến thức hay kinh nghiệm nào trong tay, dù bạn có tặng miễn phí, cũng chưa chắc người khác muốn nhận sản phẩm của bạn. Bởi nó không thể sử dụng được!
Việc hoàn toàn không thu phí và chỉ “viết vì đam mê” như thế này sẽ khiến cả bạn và khách hàng thiếu sự cam kết với nhau, dẫn tới chất lượng nội dung khó mà được để tâm đúng mực.
Những người xa lạ, không sẵn sàng trả phí cho nội dung bạn viết, thường cũng sẽ không thể dành thời gian hoặc không có năng lực góp ý để bạn tiến bộ hơn.
Đây là những gì chính bản thân tôi đã trải nghiệm và quan sát được. Việc bạn viết miễn phí, cũng gần giống với việc nhận viết với giá rẻ và nghĩ rằng giá rẻ sẽ giúp mình có được nhiều khách, kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng trên thực tế, giá cả lúc nào cũng đi đôi với chất lượng. Nếu dùng giá thấp để cạnh tranh, nghĩa là bạn đặt bản thân ở một vị trí thấp từ ban đầu.
Bạn có thể bắt đầu với giá thấp hoặc miễn phí - tôi đồng ý điều này. Nhưng hãy tìm kiếm những khách hàng thực sự tiềm năng, những người trân trọng kết quả bạn tạo ra, những người có thể trở thành khách hàng lâu dài trong tương lai.
Sai lầm số 3: Tay không bắt giặc.
Một trong những lý do khiến nhiều Newbie Copywriter phải cạnh tranh bằng giá siêu thấp đến từ việc các bạn “tay không bắt giặc”. Nghĩa là, bạn xin một công việc nhưng không có một bằng chứng hay cơ sở nào để nhà tuyển dụng biết rằng họ nên chọn bạn. Lướt qua các bài đăng tuyển trên các hôi nhóm dành cho Copywriter/Content Writer, sẽ không khó để bắt gặp các comment như:
“Em có thể làm được ạ.”
“Em có thể nhận job này ạ.”
Không thấy thêm bất cứ một thông tin nào về người đã đưa ra comment ấy. Nếu làm vậy, dù bạn có comment 10 hay 100 lần, bạn cũng sẽ không thể có được khách hàng.
Muốn tìm được công việc - dù là một công việc giá thấp đầu tiên, tối thiểu bạn cũng cần có:
Một bản CV để người đọc hiểu rõ hơn bạn là ai, thông tin về bạn ra sao.
Một bản Portfolio trong đó chứa các bài viết của bạn. Dù chưa có kinh nghiệm, bạn cũng hoàn toàn có thể tạo ra các bài mẫu và đóng gói một bản Portfolio cẩn thận, để người khác có thể đánh giá năng lực cũng như mức độ phù hợp của bạn với công việc.
Một phần giới thiệu bản thân đủ để gây ấn tượng & khiến cho người nhận muốn xem 2 file phía trên. Trong rất nhiều tin nhắn ứng tuyển gửi về, người tuyển dụng sẽ không thể đọc hết tất cả. Vì vậy, ngay trong tin nhắn đầu tiên, hãy khéo léo đưa ra các thông tin quan trọng nhất có thể thu hút và khiến họ muốn tìm hiểu thêm về bạn.
Bản báo giá cơ bản. Ít nhất, bạn cũng phải có định hình được mức phí mình muốn nhận được cho một số hạng mục công việc thường gặp. Đừng để cuộc nói chuyện bị ngắt quãng khi khách hàng trao đổi tới phần giá, bởi có rất nhiều người đang “nhăm nhe” giật lấy vị trí đó.
Sai lầm số 4: Không tìm ra giá trị cạnh tranh của chính mình.
Bạn có thể nghĩ, bản thân là Newbie Copywriter thì đường nhiên không có gì nổi bật. Nhưng điều đó không đúng. Bản thân bạn chính là nguồn lực lớn nhất mà bạn có. Thay vì xem thường nó, hãy cố gắng tìm ra những điểm đặc biệt có thể khiến mình trở nên khác biệt và biến chúng trở thành giá trị cạnh tranh.
Ví dụ, một học viên của tôi cũng đi tìm kiếm công việc khi mới chỉ đang học khóa học Becoming a Paid Copywriter. Lúc đó, học viên của tôi chọn ngách Phát triển năng khiếu cho thiếu nhi. Tình cờ, tôi thấy một trung tâm dạy vẽ đăng tuyển Content Writer và tag học viên vào. Phía dưới bài viết, có vài chục comment của các bạn khác cũng muốn ứng tuyển vào vị trí này. Nhưng cuối cùng, người nhận được job chính là học viên của tôi. Bởi vì chị đã biết cách biến đặc điểm nổi bật - là sự nhiệt tình - thành một giá trị cạnh tranh - bằng việc nghiên cứu Fanpage của thương hiệu và đưa ra một vài góp ý mà không quá quan tâm chuyện mình có được nhận hay không. Điều đó đã khiến chủ thương hiệu ấn tượng và muốn hợp tác cùng học viên của tôi.
Hãy nghĩ xem, trong cuộc sống và trong các mối quan hệ, bạn có nét tính cách nào đặc biệt và thường được mọi người yêu thích không?
Nếu bạn là người giỏi quan sát, bạn có thể tham khảo đối thủ trước rồi quay lại đưa cho khách hàng một vài so sánh, đề xuất.
Nếu bạn có khả năng về tiếng Anh, hãy ưu tiên tìm kiếm các công việc yêu cầu sử dụng tiếng Anh.
Nếu bạn là người sâu sắc và tình cảm, hãy tìm hiểu thêm về khách hàng rồi chia sẻ với họ cảm xúc của bạn về thương hiệu.
Tóm lại, bỏ câu chuyện kinh nghiệm qua một bên, vẫn có nhiều cách để bạn tạo ra lợi thế cạnh tranh và gây ấn tượng với khách hàng. Đừng viết những câu giới thiệu đại trà nữa, hãy làm gì đó khác hơn đi!
Sai lầm số 5: Không có kế hoạch tăng giá.
Có thể bạn không cạnh tranh bằng giá, nhưng bạn xuôi theo dòng chảy của thị trường. Nghĩa là, nếu thấy phần đông Content Writer đang charge mức giá 100,000 VND cho một bài viết, bạn cũng đặt mức giá tương tự như vậy. Điều này không sai, đặc biệt khi bạn mới bắt đầu.
Tuy nhiên, nếu một năm sau, mức giá của bạn vẫn là 100,000 VND, lúc này bạn cần phải xem lại. Có thật là không có khách hàng trả giá cao hơn không? Tôi nghĩ điều này không đúng, vì cá nhân tôi và nhiều người viết khác vẫn thu về mức giá gấp đôi - gấp ba, thậm chí gấp 5,10 lần. Vậy lý do bạn chưa thể tăng giá là gì? Là bởi bạn không có kế hoạch và không làm gì để tăng được giá!
Giả sử bạn viết tương đối ổn, bạn bắt đầu có một vài job, và bạn để mình bị cuốn đi với nó. Bạn tập trung vào việc kiếm thêm job chứ không phải nâng cấp bản thân. Có thể, bạn sẽ nhiều khách hàng hơn, thu nhập tốt hơn. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải làm việc nhiều hơn, bạn mệt mỏi hơn. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thay đổi từng ngày. Nếu chỉ chăm chăm làm những việc quen thuộc để kiếm tiền, bạn sẽ mất khả năng update và có thể đứng trước nguy cơ bị đào thải. Tôi đã thấy những bạn Content Writer viết bài SEO với mức giá 50,000 VND, và cứ làm nó suốt nhiều năm, rồi tới lúc lại than vãn rằng nghề viết bèo bọt. Đừng như vậy! Hãy lên kế hoạch và liên tục học tập, nâng cấp bản thân để có thể tăng giá trị của mình.
Nếu vẫn còn đang hoang mang, bạn có thể tìm đọc lại bài viết Lộ trình 6 bước để trở thành Copywriter của tôi.
Nếu muốn bắt đầu những bước đầu tiên, bạn có thể tham khảo chương trình Content Writing Starter Kit.
Còn bây giờ, xin chào và hẹn gặp bạn trong những bản tin tiếp theo!