#30. Trở thành Copywriter - lộ trình thiết thực cho người mới bắt đầu
6 bước giúp bạn từ tay ngang trở thành Copywriter được trả phí.
Bạn muốn trở thành Copywriter, nhưng lại còn nhiều nỗi lo sợ vì mình mới chỉ đang ở vạch xuất phát? Đừng lo, bài viết này được tạo ra để giúp bạn giải quyết vấn đề đó.
Trong bản tin tuần trước, chúng ta đã cùng nói với nhau câu chuyện về giá trị của kỹ năng Copywriting, và cả cách thức kiếm tiền từ kỹ năng Copywriting (nếu đã bỏ lỡ, bạn có thể đọc lại tại đây). Tôi biết rằng trong số các bạn đọc của Content Hacks, có rất nhiều người mới chỉ vừa tìm hiểu về Copywriting và còn đang hoang mang không biết phải làm sao để khởi động hành trình của mình. Trong kết quả của khảo sát cho khóa học “Becoming a Paid Copywriter”, cũng có tới gần 70% người tham gia trả lời đều cho biết họ đang ở giai đoạn học nghề bước đầu.
Vì vậy, trong bản tin tuần này, tôi sẽ chia sẻ với bạn chi tiết 6 bước để người mới bắt đầu có thể trở thành Copywriter. Nếu bạn đang ở cấp độ Fresher, việc hình dung được những thứ mình cần làm sẽ giúp bạn bớt sợ hãi hơn. Nếu bạn đã tiến lên một vài nấc thang nào đó, bạn cũng có thể soi chiếu lại để tự rút ra một vài bài học. Bởi tôi cũng đã từng giống như bạn: học trái ngành, làm trái nghề và rất nhiều thời gian về sau mới chuyển hướng sang Content & Copywriting. Tôi cũng đi từ vị trí của một trang giấy trắng, tới trở thành quản lý team Copywriting tại Agency và bây giờ là đào tạo kỹ năng cho người khác. Vì thế, tôi tin rằng những chia sẻ của tôi sẽ rất gần gũi với bạn và những gì bạn đang trải qua.
Bạn cũng có thể xem video trên kênh Youtube Ngọc Ánh Content Hacks về chủ đề này!
Cùng bắt đầu nhé!
BƯỚC 1: HIỂU MÌNH & HIỂU THẾ GIỚI COPYWRITING HIỆN NAY
Một vấn đề nhiều bạn trẻ bước vào nghề gặp phải, đó là thiếu nguồn thông tin xác thực để tìm hiểu. Nói nôm na là, các bạn khao khát tạo ra thu nhập thật cao ở vị trí Copywriter, nhưng chưa hiểu về thị trường hay bản chất của công việc mình. Điều này sẽ có thể đẩy các bạn vào một trong hai trạng thái:
Quá sợ hãi và nghĩ rằng mình không thể làm được.
Quá lạc quan và đặt kỳ vọng thiếu thực tế.
Cả hai điều này đều có thể biến thành trở ngại, thậm chí dập tắt ước mơ trở thành Copywriter của bạn.
Ở bước này, việc bạn cần làm là tìm hiểu kĩ về bản thân và một chút về “thế giới”. Cụ thể, bạn nên tách việc tìm hiểu này thành 2 lớp: Lớp bên trong (là chính bạn) và lớp bên ngoài (là thị trường).
Với lớp bên trong, hãy tự hỏi bản thân những điều sau:
Định nghĩa của bạn về nghề Copywriter là gì?
Đâu là những động lực lớn nhất thúc đẩy bạn trở thành một Copywriter?
Bạn muốn trở thành ai?
Bạn có hình mẫu lý tưởng nào muốn học tập theo không?
Bạn muốn có một công việc như thế nào trong tương lai?
Với lớp bên ngoài, hãy tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho những điều sau:
Tìm kiếm định nghĩa về nghề Copywriter từ ít nhất 3 nguồn uy tín, sau đó đối chiếu lại với những gì bạn nghĩ và tìm ra điểm khác biệt.
Tìm kiếm một vài JD (Job Description) của nghề Copywriter và ghi chép lại những yêu cầu của phía tuyển dụng, liên quan tới kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm.
Đọc các bài viết Copy/Content mẫu, chọn lọc và lưu lại khoảng 3-5 bài bạn tâm đắc nhất. Bạn sẽ cần sử dụng chúng trong tương lai đấy.
Tìm ra 2-3 nguồn thông tin chất lượng về nghề Copywriter/kỹ năng Copywriting để theo dõi và học hỏi.
Mục tiêu của bước 1 là bạn sẽ bắt đầu hiểu bản chất của Copywriting va nắm được những yêu cầu cần thiết cho vị trí một Copywriter. Đồng thời, bạn cũng sẽ làm rõ được động lực để theo nghề. Sau này, những lúc gặp khó khăn, hãy đọc lại những gì bạn đã viết ra ở bước này để có thêm sức mạnh đi tiếp nhé.
BƯỚC 2: KIỂM TRA NGUỒN LỰC HIỆN CÓ
Chúng ta có thể bắt đầu từ số 0, nhưng mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn biết tận dụng nguồn lực hiện có. Ví dụ, tôi đã thuận lợi hơn khi ứng tuyển vào vị trí Copywriting Team Leader, vì được giới thiệu bởi người bạn đang làm quản lý tại chính Agency đó. Hoặc là, dù chưa có kinh nghiệm về viết thương mại, nhưng khả năng viết lách trôi chảy cùng “thành tích” xuất bản ba cuốn sách văn học đã giúp tôi xin được công việc Content Writer đầu tiên.
Nhìn chung, ở bước này, bạn sẽ cần suy ngẫm và soi chiếu lại toàn bộ những gì bạn đang có - bao gồm năng lực và thành tích của chính bạn, những mối quan hệ đang sở hữu, thậm chí cả khả năng tài chính để đầu tư cho hành trình này. Ví dụ, bạn có thể liệt kê những thứ như:
Tôi chưa bao giờ viết thương mại, nhưng tôi có tư duy ngôn ngữ tốt. Điều này được thể hiện ở điểm …
Tôi chưa có kinh nghiệm viết quảng cáo, nhưng tôi có kinh nghiệm viết những thứ khác. Những thứ đó là…
Tôi không học ngành Marketing hay Truyền thông, nhưng tôi đã từng tham gia vào một số sự kiện/tổ chức ở các vai trò … và đã học được những điều như …
Tôi có 1 người bạn đang làm Content Writer/Copywriter. Tôi có thể kết nối để hỏi xin cô ấy thêm kinh nghiệm.
Tôi đang tham gia trong một cộng đồng về Copywriting. Tôi cũng có thể kết nối với một số người trong cộng đồng để nhờ giúp đỡ.
Tôi chưa có nhiều tiền tiết kiệm, nhưng tôi có thể bỏ ra một khoản … nếu thực sự cần thiết để theo đuổi công việc này.
Bạn càng kể ra được nhiều nguồn lực, bạn sẽ càng dễ dàng hơn trong việc tìm cách tối ưu chúng và đặc biệt là có tâm thế tự tin hơn để bắt đầu.
BƯỚC 3: XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU, XÂY DỰNG TIMELINE ĐỂ TRỞ THÀNH COPYWRITER
Trong cuốn sách “Nghề Copywriter - Từ thích đến dấn thân”, tôi đã chia sẻ khá kĩ về tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, sau đó lên kế hoạch hành động theo các mốc thời gian cụ thể. Đó cũng là những việc bạn cần làm, khi muốn đạt được một mục tiêu nào đó. Đây cũng là cách tôi đã áp dụng để quản lý team Copywriter của mình tại Agency và tạo ra sự tiến bộ cho từng nhân sự.
Cụ thể, bạn sẽ cần đi qua hành trình sau:
Xác định mục tiêu lớn của bạn trong năm nay. Mục tiêu thật cụ thể thay vì chung chung nhé. Ví dụ: “Trở thành Copywriter tại Agency với thu nhập tối thiểu 7,000,000/tháng”, hoặc “Có hai khách hàng Freelance với thu nhập tối thiểu 5,000,000/tháng”.
Chia chúng thành các mục tiêu nhỏ hơn, dễ đạt được hơn. Một vài ví dụ là:
Học xong một khóa học Copywriting
Hoàn thành 5 bài viết mẫu ưng ý nhất
Hoàn thiện CV và Portfolio
Bắt đầu tìm khách hàng bằng cách gửi email
…
Đặt deadline cụ thể cho các mục tiêu này. Bạn cần tính toán xem bạn sẽ cần bao nhiêu thời gian để đạt được một mục tiêu, và sau khi đã điền deadline rồi, cần tự có trách nhiệm bám sát theo deadline đó.
Bạn cũng có thể sử dụng Form mẫu đơn giản mà tôi đã tạo sẵn tại đây (Truy cập ⇒ Make a Copy).
BƯỚC 4: NẠP KIẾN THỨC, RÈN KỸ NĂNG CẦN THIẾT CHO NGHỀ COPYWRITER
Sau khi hoàn thành bước 3, tôi tin rằng bạn đã biết mình cần phải làm gì trong 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và thậm chí là 1 năm tới. Tất nhiên, trước khi kiếm được tiền, bạn cần tích lũy kiến thức và mài giũa kỹ năng của mình đã. Vì đây không phải bài viết chia sẻ về kiến thức hay kỹ năng, tôi sẽ chỉ kể ra những thứ cần thiết bạn nên học để có thể tự tin tìm kiếm công việc.
Kiến thức
Kiến thức căn bản về Marketing - bạn có thể tìm đọc một số cuốn sách của Seth Godin hoặc các Website uy tín của Việt Nam như Brands Vietnam, Advertising Vietnam, Tomorrow Academy…
Kiến thức về tư duy Copywriting - bạn có thể đọc lại trong một số bản tin của Content Hacks
Bắt đầu một bài viết quảng cáo khi chưa có kinh nghiệm
Kiến thức về ngôn ngữ - bạn có thể đọc cuốn sách “Hôm nay phải mở mang” của tác giả Nguyễn Thùy Dung.
Kiến thức về sáng tạo - bạn có thể đọc cuốn sách “90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ” của anh Huỳnh Vĩnh Sơn.
Kỹ năng
Kỹ năng nghiên cứu thông tin.
Kỹ năng tìm kiếm & phân tích insight.
Kỹ năng viết cơ bản.
Kỹ năng tìm kiếm ý tưởng.
Kỹ năng viết Headline, body copy, CTA trong quảng cáo.
Kỹ năng tự biên tập.
Kỹ năng xây dựng và hoàn thiện một định dạng nội dung nhất định (Như Social Post, Blog Post,...)
Trên đây là những thứ cá nhân tôi cho rằng bạn nên dành thời gian để học nếu muốn trở thành Copywriter.
BƯỚC 5: TẠO RA CÁC SẢN PHẨM MẪU NHƯ MỘT COPYWRITER
Có rất nhiều bạn muốn trở thành Copywriter, nhưng lại lo lắng vì bản thân chưa từng có kinh nghiệm viết quảng cáo. Thực ra nỗi lo này cũng có cơ sở, vì hiếm tổ chức hay khách hàng nào có thể tin tưởng một người chưa có gì trong tay. Nhưng thay vì lo lắng vô ích, việc tốt hơn mà bạn có thể làm là bắt tay làm ra các sản phẩm mẫu của mình.
Chưa có khách hàng thuê bạn ư? Bạn có thể chọn một sản phẩm bất kì, trong một lĩnh vực ngách bạn yêu thích, bắt đầu “ăn, ngủ” với nó và viết về nó. Hoặc bạn cũng có thể ghé thăm Website/Fanpage của một thương hiệu, vận dụng các kiến thức và kỹ năng mình đang có để viết thử/sửa lại một vài bài sẵn có của họ mà bạn nghĩ rằng có thể làm cho chúng trở nên hấp dẫn hơn. Tại sao lại ngồi chờ khách hàng tới, trong khi quyền chủ động nằm trong tay bạn?
Khách hàng hoặc các tổ chức có thể không quá quan tâm tới việc bạn có bao nhiêu năm kinh nghiệm trong nghề, nếu như bạn đưa ra cho họ bằng chứng thuyết phục hơn về năng lực của bạn - chính là các sản phẩm mẫu này. Đặc biệt, hãy viết trong tâm thế của một Copywriter. Nghĩa là, bạn hãy suy nghĩ thật kĩ xem bạn sẽ đưa những thông tin HẤP DẪN NHẤT của sản phẩm tới người tiêu dùng bằng cách nào - để họ cảm thấy MUỐN MUA SẢN PHẨM ngay lập tức.
Hãy dành thời gian để tạo ra tối thiểu 5 sản phẩm mẫu, trước khi đi tới bước quan trọng cuối cùng nhé!
BƯỚC 6: “BÁN THÂN”
Khi bạn đã có kỹ năng và sản phẩm mẫu trong tay, việc tiếp theo là tìm kiếm đối tượng mục tiêu và “bán thân” - nghĩa là tìm cách để họ biết đến, cũng như quan tâm tới dịch vụ của bạn.
Nếu bạn muốn vào làm việc tại các Agency hoặc Brand, bạn sẽ cần:
Chuẩn bị CV và Portfolio chuyên nghiệp.
Tìm kiếm, chọn lọc các công ty phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Gửi CV.
Chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn.
Nếu bạn muốn tìm kiếm khách hàng Freelance, bạn sẽ cần:
Chọn ngách phù hợp với năng lực và đam mê.
Phát triển các kiến thức chuyên môn trong ngách đã chọn.
Tìm kiếm và offer khách hàng tiềm năng một vài dịch vụ miễn phí hoặc giá rẻ để có thêm trải nghiệm thực tế.
Xây dựng báo giá.
Tìm kiếm, tiếp cận và thuyết phục khách hàng trả phí.
Tôi có một gợi ý, đó là bạn có thể liên hệ với chính những khách hàng bạn đã sử dụng thông tin để tạo ra sản phẩm mẫu. Nếu bạn có thể chứng minh rằng mình có thể mang lại cho họ các sản phẩm tốt hơn những gì đang có, với một chi phí hợp lý, tôi tin rằng bạn sẽ có cơ hội để làm việc với họ.
Tất cả các nội dung trong 6 bước kể trên đều sẽ được đưa vào chương trình học “Becoming a Paid Copywriter” - khóa học giúp bạn kiếm được tiền từ Copywriting sau 90 ngày của tôi. Nếu cảm thấy việc tự học quá khó khăn, bạn có thể đăng ký học cùng tôi để được hỗ trợ một cách bài bản hơn. Hiện giờ tôi chưa mở đăng ký, nhưng bạn có thể liên hệ với tôi qua Facebook để được nhận thông tin khi công bố chính thức.
Hi vọng bài viết có ích và giúp bạn thêm vững tin trên con đường theo đuổi nghề Copywriter. Hãy share bài viết này tới những người cần nhé!
Cảm ơn và hẹn gặp lại bạn.