#46. Những lỗi sai khiến Social Post của bạn bị khách chối từ.
Cùng đếm xem bạn đang mắc những lỗi nào nhé!
Nhiều Copywriter/Content Writer nghĩ rằng Social Post là dạng bài dễ viết nhất, vì nó ngắn gọn và thường được sản xuất với số lượng lớn. Tuy nhiên, trong thời gian hướng dẫn các học viên khóa Becoming a Paid Copywriter 01 viết bài ngắn cho kênh Facebook, tôi đã nhận thấy có một số lỗi sai các bạn vẫn thường mắc phải. Những lỗi sai này khiến bài Social của bạn trở nên dài dòng, kém hấp dẫn và có thể bị cả khách hàng (Client) lẫn độc giả (Target Audience) từ chối tiếp nhận.
Trong bản tin tuần này, tôi sẽ phân tích nhanh một số lỗi tiêu biểu nhất và hướng dẫn bạn cách để tránh, hoặc sửa lại các lỗi này.
Cùng theo dõi nhé!
#1: Không chọn được ý tưởng “vừa miếng”.
Social Media là các kênh truyền thông có nhiều đặc tính riêng biệt, trong số đó một vài đặc tính nổi bật là: tính cạnh tranh cao; người đọc tiếp nhận thông tin một cách thụ động (vì nội dung được phân phối trên Newsfeed); trendy.
Trước khi nói đến vai trò của người viết, hãy nhớ lại chính bạn khi lướt Newsfeed của Facebook hay Instagram. Bạn mong muốn mình sẽ nhận được gì từ hành động ấy? Một thông tin gì đó thực sự hữu ích? Một tin tức nóng hổi? Một bài viết thú vị và hài hước để giải trí?
Phần lớn thời gian, người đọc của bạn cũng có những nhu cầu tương tự như vậy. Nếu muốn tìm hiểu thực sự kĩ càng về một chủ đề, họ sẽ có xu hướng gõ keyword lên Google để tìm kiếm các bài viết long-form. Tuy vẫn có nhu cầu tiếp nhận thông tin hữu ích, song sự kiên nhẫn của người dùng trên mạng xã hội lại thấp hơn ở một số nền tảng khác. Vì vậy, nếu bạn chọn một chủ đề quá lớn để viết cho Social Post, đây sẽ là một trở ngại - trong cả cách bạn triển khai bài viết lẫn khả năng truyền đạt tới độc giả.
Hãy chọn những ý tưởng “vừa miếng” - nghĩa là đủ đơn giản để không làm khó người đọc, đủ nhỏ để bạn có thể giải quyết trọn vẹn trong một bài đăng vài trăm chữ, đủ dễ đọc để độc giả không bỏ đi.
Ví dụ: Với cùng chủ đề là hướng dẫn viết Social Post.
“Hướng dẫn viết Social Post hiệu quả” là một ý tưởng quá lớn để truyền tải trong một bài Social. Bạn có thể tách nhỏ chúng ra thành series những ý tưởng nhỏ hơn, ví dụ như “Tính chất của nền tảng Social Media”; “Cách tìm ý tưởng cho bài viết trên mạng xã hội”; “Các tiêu chí đánh giá bài đăng Social hiệu quả”; …
Nếu bạn muốn nhận thêm bài chia sẻ chi tiết hơn về cách chọn ý tưởng “vừa miếng”, hãy vote vào poll dưới đây để tôi được biết nhé!
#2: Không thiết lập cấu trúc rõ ràng cho bài viết.
Bản chất của Social Post là cô đọng, súc tích. Vậy nên cấu trúc rõ ràng và chặt chẽ là yếu tố quan trọng để tạo ra một bài viết đúng chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều Content Writer/Copywriter không có thói quen xây dựng outline và cấu trúc bài trước khi viết. Kết quả là nội dung thường được viết tùy hứng, quá dài và không có trọng tâm.
Chỉ cần bạn gõ từ khóa như “Content Formula” lên Google, bạn sẽ nhận được rất nhiều bài viết chia sẻ các cấu trúc để áp dụng cho Content/Copy. Tuy nhiên, nếu là một người mới, có thể bạn sẽ choáng ngợp bởi chưa biết áp dụng chúng ra sao.
Vậy thì, tối thiểu bạn sẽ cần nhớ một cấu trúc cơ bản nhất: Mở - Thân - Kết. Trong đó, Mở bài là phần nhận nhiệm vụ thu hút sự chú ý của độc giả và bắt đầu đặt vấn đề. Thân bài là nơi bạn cần tập trung nêu bật được lợi ích sản phẩm mang lại cho người dùng. Cuối cùng, ở kết bài, đừng quên một câu CTA thật rõ ràng và hấp dẫn.
#3: Không biết cách chắt lọc nội dung.
Social Post không giống Long-form post, vì vậy bạn không thể diễn giải mọi điều mình muốn nói một cách chi tiết. Social Post càng không giống một đoạn hội thoại bằng văn nói, nên trong quá trình viết bạn cũng sẽ phải cắt bớt rất nhiều yếu tố thừa.
Một vài ví dụ về các yếu tố thừa trong bài viết:
Những câu dẫn dắt như “Có thể bạn chưa biết”, “Có thể bạn sẽ ngạc nhiên”...
Những câu không có quá nhiều giá trị độc đáo về mặt nội dung, ví dụ như “Đây là một sản phẩm hữu ích với bạn”, “Đây là vấn đề vừa dễ vừa khó giải quyết”...
Các từ nối như “Vì thế”, “Vậy nên”, “rằng là”, “Không chỉ có vậy”...
Tôi không nói rằng chúng ta cần triệt tiêu tất cả các thành phần trên. Tuy nhiên, hãy xem xét về tần suất của chúng. Nếu câu nào cũng đang chứa các thành phần này, nội dung của bạn đang bị dài dòng một cách không cần thiết và bạn nên lược bỏ bớt.
#4: Thiếu liên kết giữa các ý trong bài.
Bên cạnh lỗi nhiều từ thừa, cũng có một nhóm người viết gặp lỗi khác là thiếu liên kết giữa các ý trong bài. Dù là một Social Post có độ dài chỉ khoảng 300 chữ, nhưng bài viết vẫn cần có cấu trúc và các thông tin được phân cấp rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người hoàn toàn quên sử dụng các phép liên kết trong bài. Điều này khiến bài viết giống như một bức tranh xé dán mà không có hồ nước, mỗi chi tiết đều có thể rơi rụng và không hiểu được tổng thể bức tranh là gì.
Bạn cũng đừng nghĩ rằng sự liên kết là thứ gì đó dẫn tới dài dòng. Nếu bạn biết cách, chỉ 1-2 từ thôi cũng làm thay đổi tình hình.
Ví dụ:
Đoạn văn thiếu liên kết:
Mùa hè nắng nóng, da đổ dầu liên tục, mặt mũi lúc nào cũng như một chảo dầu. Bạn đã thử nhiều cách nhưng vẫn không thể cải thiện tình hình. Phải làm sao? Chúng tôi xin giới thiệu sản phẩm X, sẽ giúp bạn thoải mái hơn về làn da của mình.
Đoạn văn có liên kết:
Mùa hè nắng nóng, mặt mũi lúc nào cũng như một chảo dầu. Có phải bạn đã thử nhiều cách, nhưng da vẫn đổ dầu liên tục?
Đừng lo, sản phẩm X sẽ “cấp cứu” làn da, trả lại cho bạn một mùa hè khô thoáng.
#5: Chưa hình thành được văn phong cho Social Post.
Như tôi đã nhiều lần đề cập, sự kiên nhẫn và thời gian độc giả dành cho một Social Post ngày càng ngắn. Vì thế, bạn cần hiểu được sự khác biệt giữa văn phong của nội dung trên mạng xã hội so với các hình thức long-form khác để ứng dụng vào bài viết của mình.
Tuy còn phụ thuộc một phần vào Brand Voice và mục tiêu truyền thông của thương hiệu, song phần lớn Social Post đều sở hữu một số điểm chung về văn phong:
Gần gũi, trẻ trung
Nếu như các dạng bài long-form thường chuyên nghiệp và chỉn chu, thì Social Post lại có thiên hướng gần gũi hơn với người đọc. Bạn có thể điều chỉnh cách sử dụng một số từ ngữ, để giảm bớt cảm giác xa cách trong bài đăng mạng xã hội của thương hiệu.
Ví dụ:
“Chúng tôi cung cấp bộ sản phẩm chăm sóc da mặt từ nguyên liệu thiên nhiên, giúp bạn nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh từ sâu bên trong”
⇒ “Làn da của bạn sẽ được chăm sóc chu đáo và an toàn bởi bộ sản phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên của X (tên thương hiệu)!”.
Có trọng tâm
Thay vì viết những câu dài, bạn nên chọn lọc phần quan trọng nhất trong câu và cố gắng đẩy chúng lên càng gần đầu câu càng tốt.
Ví dụ:
“Sản phẩm mì ăn liền của chúng tôi có thành phần hữu cơ, vừa ngon miệng, vừa tốt cho sức khỏe”.
⇒ “Vừa được ăn ngon, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tiết kiệm thời gian nấu nướng. Chỉ có mì ăn liền của chúng tôi mới giúp bạn có được 3 trong 1!”
Súc tích
Một tips để bạn viết súc tích hơn là ngắt một câu hoặc một đoạn thành các gạch đầu dòng (bullet point) khi chúng có sự tương đồng. Đây cũng là hình thức trình bày thường gặp trong các Social Post, giúp độc giả dễ dàng tiếp thụ nội dung hơn.
Ví dụ:
“Sản phẩm sẽ giúp bạn giải quyết nhiều vấn đề: Tóc chẻ ngọn, gãy rụng nhiều mỗi khi gội đầu hoặc chải đầu, tóc bông xù sau khi ngủ dậy, tóc thiếu sức sống”.
⇒ “Hãy sử dụng sản phẩm để cảm nhận được sự khác biệt:
Tóc không còn chẻ ngọn.
Tóc bớt gãy rụng, kể cả khi gội hay chải đầu.
Tóc vào nếp sau khi ngủ dậy.
Tóc khỏe và nhiều sức sống hơn.”
Kích thích tương tác
Social Media có một điểm mạnh là giúp thương hiệu trực tiếp tương tác với người đọc, thấy được phản ứng của họ. Để tận dụng được điểm mạnh này, các nội dung cũng cần được viết sao cho hấp dẫn, khiến độc giả có cảm hứng để tương tác với bài viết.
Ví dụ:
“Thay vì dùng dầu gội nhiều hóa chất thông thường, hãy thử dầu gội của chúng tôi để thấy mái tóc của bạn được nâng niu như thế nào”.
⇒ “Đừng để tóc khóc vì các loại dầu gội nhiều hóa chất nữa! Hãy thử nuông chiều mái tóc bằng dầu gội của chúng tôi.”
Đó là những bí kíp tôi tổng hợp được và muốn chia sẻ lại. Còn bạn, bạn có gặp vấn đề gì khi viết Social Post không? Hãy cho tôi biết nhé!
Bạn cũng có thể được hướng dẫn chi tiết hơn về tư duy và kỹ năng viết nội dung quảng cáo, không chỉ trên Social Media mà còn ở các nền tảng khác khi trở thành học viên khóa Becoming a Paid Copywriter 02 của tôi. Khóa học chỉ còn nhận thêm tối đa 3 học viên, đăng ký ngay nếu bạn không muốn bỏ lỡ!
bài viết rất thực tế và hữu ích
xin cảm ơn tác giả nhé
Uầy, ví dụ trực quan làm em nhận rõ luôn em sai chỗ nào. Thường em sẽ biết cần làm gì về mặt phương thức lý thuyết nhưng cụ thể với case nhỏ nhỏ này thì em mới nhận ra rõ lỗi.