#43. 5 phương pháp tìm kiếm ý tưởng nội dung hữu hiệu cho cây viết mới
Để bạn luôn có một kho ý tưởng dồi dào.
Xin chào bạn,
Chúng ta lại gặp nhau trong bản tin tuần này. Sau chuỗi bài về Storyselling, giờ sẽ là lúc chúng ta tiếp tục cùng nhau giải quyết các khía cạnh khác trong viết lách Content/Copy.
“Bí ý tưởng” dường như đã trở thành một chủ đề quen thuộc, một nỗi đau mà người viết nào cũng từng phải trải qua. Đặc biệt, với những người mới bắt đầu việc viết thương mại, sự thiếu hụt trong kỹ năng và kinh nghiệm càng khiến sa mạc ý tưởng trở nên khô hạn hơn. Trước đây, tôi đã từng có một bản tin liên quan tới chủ đề này. Bạn có thể tìm đọc lại tại đây.
Tuy nhiên, câu chuyện bí ý tưởng không thể được giải quyết chỉ trong một, hai bài viết. Vì vậy, trong thời gian tới, sau khi hoàn thành chuỗi Workshop Storyselling, tôi dự định sẽ tiếp tục chia sẻ tới bạn các cách thức, kỹ năng và công cụ để tạo ra ý tưởng dồi dào cho nội dung của mình. Những thông tin này sẽ được chia sẻ trên bản tin Content Hacks và trong cộng đồng Viết thương mại - Vừa học vừa hành.
Nhưng trước hết, hãy cho tôi biết, bạn có quan tâm tới chủ đề này không?
Trong bản tin số 43, tôi muốn giới thiệu với các bạn 5 phương pháp đơn giản nhưng lại rất hữu hiệu dành cho cây viết mới trong việc tìm kiếm ý tưởng nội dung. Chúng có thể không phải phương pháp quá mới mẻ hay make wow, nhưng nếu bạn biết thực hiện đúng cách, bạn sẽ bớt “tiền đình” hơn nhiều.
Cùng bắt đầu nhé!
#1: Mở rộng
Khi bạn đã có một chủ đề trong đầu, hãy tìm cách mở rộng ý tưởng đó theo các khía cạnh khác nhau. Một số cách để bạn có thể làm được việc này là:
Mở rộng từng thành phần trong keyword. (Ví dụ: Trong “Ý tưởng nội dung” thì sẽ có “Ý tưởng” và “Nội dung” là 2 khái niệm có thể tiếp tục mở rộng thêm nữa. Bạn có thể nghĩ tới các định dạng nội dung, tiêu chí đánh giá nội dung hay các cách thức, phương pháp để tìm kiếm ý tưởng hiệu quả).
Nghĩ tới những nhóm chủ đề lớn hơn bao trùm chủ đề hiện tại. Ví dụ, nếu bạn đang có một chủ đề là “Ý tưởng nội dung”, bạn có thể nghĩ tới các chủ đề rộng hơn như “Nền tảng nội dung”, “Truyền thông”, “Marketing”...
Thay đổi góc nhìn. Thông thường, chúng ta sẽ viết nội dung dựa trên góc nhìn của thương hiệu. Tuy nhiên, hãy thử đặt mình vào vị trí của khách hàng, để xem những động lực, mục tiêu, thách thức mà họ đang đối diện là gì, hoặc đâu là điều họ đang quan tâm. Ví dụ, vẫn với chủ đề “Ý tưởng nội dung”, một Content Writer có thể sẽ tìm kiếm cách thức phát triển ý tưởng nội dung cho từng kênh như Social Media/Website/Email, trong khi đó một business owner có thể lại cần thông tin về việc phân phối nội dung trong trường hợp thiếu nhân lực.
#2: Bổ nhỏ
Nếu mở rộng là cách để bạn khám phá ra nhiều nhóm nội dung mới mẻ, thì bổ nhỏ lại là cách giúp bạn đi vào chiều sâu (và cả 2 cách đều cần thiết với người làm nội dung). Dưới đây là một số gợi ý để bạn bắt đầu bổ nhỏ:
Chia nhóm. Hãy thử phân loại từ khóa hay chủ đề chính của mình thành những thứ chi tiết và sâu hơn. Ví dụ, với chủ đề “ý tưởng nội dung”, bạn có thể phân loại chúng thành: “Ý tưởng nội dung cho Blogger”, “Ý tưởng nội dung cho Content Writer”, “Ý tưởng nội dung cho Sales Letter”...
Đưa ra quy trình. Đây luôn là cách hữu hiệu để chia nhỏ một nội dung. Bạn có thể cung cấp cả các chủ đề về quy trình tổng quan, sau đó đi sâu vào hướng dẫn từng bước trong quy trình đó. Ví dụ, tôi có thể tạo ra một list 10 bài viết trong chủ đề “Ý tưởng nội dung” bằng cách đi vào từng bước: Khoanh vùng từ khóa, Nghiên cứu khách hàng, Phân tích đối thủ, v.v.
Phân loại khách hàng mục tiêu. Việc này sẽ giúp bạn tìm hiểu được sâu hơn về các vấn đề và nhu cầu của từng nhóm khách hàng, từ đó tìm ra ý tưởng nội dung hấp dẫn hơn. Bạn có thể chia nhóm khách hàng theo trình độ, hành vi, hành trình khách hàng, v.v.
#3: Trends & News
Với người làm trong ngành Marketing - truyền thông, việc cập nhật xu hướng luôn là một trong những nhiệm vụ không thể bỏ qua. Nó không chỉ giúp bạn kịp thời điều chỉnh các định hướng nội dung, mà còn là cơ sở để bạn sáng tạo ra rất nhiều ý tưởng mới mẻ.
Hãy theo dõi tin tức, các sự kiện đang được quan tâm, các xu hướng trong lĩnh vực của bạn và cả các xu hướng xã hội, sau đó tìm cách biến chúng thành ý tưởng nội dung của mình.
Ví dụ: Baemin đã rất nhanh nhạy trong việc bắt trend với bộ phim The Glory đang hot để tạo ra nội dung mới cho fanpage của mình.
#4: Đặt và trả lời câu hỏi
Một trong những cách để nội dung được yêu thích là trả lời đúng những câu hỏi của người đọc. Bạn cũng có thể bắt đầu theo chiều ngược lại để “săn lùng” các ý tưởng cho mình. Với một chủ đề, hãy quan sát, ghi chép và đặt mình vào vị trí khách hàng xem đâu là những câu hỏi có thể sẽ xuất hiện khi họ tìm kiếm chủ đề đó.
Ví dụ, khi xây dựng list Angles cho chủ đề “Ý tưởng nội dung”, tôi đã liệt kê ra những câu hỏi như:
Thế nào là một ý tưởng nội dung dùng được?
Bắt đầu tìm ý tưởng nội dung ở đâu?
Làm sao để đa dang hóa nội dung?
…
Sau đó, dựa trên các câu hỏi này, tôi lại tiếp tục dùng kỹ thuật “mở rộng” và “bổ nhỏ” để khai thác tối đa các nội dung có thể.
#5: Sử dụng các công cụ công nghệ
Sẽ có những ngày, chúng ta quá mệt mỏi với chuyện nghĩ ý tưởng. Sẽ có những ngày, dù đã thử nhiều cách nhưng bạn vẫn không tìm được ý tưởng nào “ra hồn”. Đó là điều hết sức bình thường. Nhưng deadine vẫn phải chạy, nội dung vẫn phải lên, làm sao đây?
Đừng quên bạn có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ. Hiện giờ, có nhiều platform để cung cấp các gợi ý về ý tưởng nội dung cho bạn, chẳng hạn như:
AnswerThePublic.com: Bạn gõ một từ khóa, họ sẽ cung cấp cho bạn các câu hỏi được tìm kiếm liên quan tới từ khóa đó.
Buzzsumo.com: Cung cấp các bài viết được đọc nhiều nhất và các câu hỏi theo từ khóa.
Deckofbrilliance.com: Cung cấp các câu hỏi, gợi ý để bạn tự sáng tạo các ý tưởng của mình.
Các công cụ AI như ChatGPT, BingAI: Tìm kiếm, tổng hợp và cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Trên đây là một số cách tôi thường áp dụng và hướng dẫn cho học viên của mình để tìm kiếm ý tưởng. Bạn còn phương pháp nào khác hay có câu hỏi gì liên quan tới việc tìm ý tưởng không? Hãy để lại comment cho tôi biết nhé!
Cuối cùng, xin gửi tới bạn một số thông tin về các chương trình sắp tới của tôi:
Chuỗi Workshop Storyselling: Kể chuyện gây nghiện - Bán hàng thảnh thơi sẽ diễn ra vào tối nay.
Các buổi tư vấn miễn phí cho người quan tâm tới khóa học Becoming a Paid Copywriter - đặt lịch tại đây.
Đăng ký giữ chỗ khóa học Becoming a Paid Copywriter trước ngày 15/6/2023 để nhận voucher ưu đãi 10% học phí - tại đây.