#26. Thiết lập 4 tư duy đúng đắn này sẽ giúp bạn viết bất kỳ bài quảng cáo nào tốt hơn.
Tư duy là nền tảng của hành động.
Xin chào bạn,
Trong suốt hơn 6 tháng phát triển bản tin Content Hacks, tôi biết rằng độc giả của mình luôn yêu thích nhất dạng bài viết hướng dẫn kỹ năng. Nghĩa là, sau khi đọc bản tin, bạn có thể áp dụng ngay vào thực tế và thu được thành quả.
(Nếu bạn quan tâm đến những bài viết như vậy, đây là danh sách dành cho bạn:
Hướng dẫn quy trình viết bài quảng cáo
Theo quy tắc thông thường, tôi nên tập trung tạo ra những bài viết như vậy để tiếp tục thu hút thêm nhiều độc giả. Tuy nhiên, tại sao gần đây phần lớn các bản tin của tôi đều hướng tới việc giúp người đọc thay đổi tư duy? Đó là vì tôi nhận ra tips & hacks chỉ là một phần rất nhỏ trong chu trình sáng tạo nội dung. Điều quan trọng đầu tiên bạn cần có là tư duy đúng đắn. Nếu bạn tư duy sai, bạn không chỉ giảm tốc độ phát triển mà còn có thể đẩy sự nghiệp viết lách của mình đi vào ngõ cụt.
Vậy nên dù biết rằng các bài viết về tư duy sẽ ít người đọc hơn, tôi vẫn viết vì tôi hi vọng có thể giúp đỡ bạn một cách hiệu quả nhất.
Quay trở lại bản tin của tuần này, tôi sẽ chia sẻ về 4 tư duy đúng đắn mà bất cứ ai muốn viết quảng cáo đều nên thiết lập cho bản thân. Những tư duy này sẽ là nền tảng để bạn tìm kiếm ý tưởng, phát triển nội dung và xa hơn và xây dựng sự nghiệp cho mình.
#1: Bạn đang viết cho độc giả của mình đọc.
Chứ không phải là cho tất cả mọi người! Đây là lời nhắc, để bạn đừng bị cuốn vào câu chuyện tiếp cận hay tương tác. Đây không phải lần đầu tôi nhấn mạnh câu chuyện liên quan tới độc giả, nhưng càng tiếp xúc với nhiều cây bút trẻ, tôi càng cảm thấy cần nhắc lại điều này bởi có quá nhiều bạn đang sa đà vào việc tạo ra nội dung hot, viral mà quên rằng mình cần dành sự ưu tiên cho độc giả mục tiêu.
Tôi sẽ lấy một ví dụ thế này: Bạn đang phụ trách viết quảng cáo cho một thương hiệu thực phẩm chức năng dành cho trẻ em, và thực sự tuyệt vọng trong việc thu hút sự quan tâm của độc giả. Fanpage của thương hiệu chỉ có vài trăm lượt follow, các bài viết gần như không có ai tương tác. Trong lúc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, bạn thấy một Fanpage F&B có một bài viết đạt tương tác khủng với nội dung: “Một người bạn tên H sẽ mời bạn ăn lẩu vào cuối tuần này”. Rất lấy làm phấn khởi, bạn bê nguyên nội dung đó về Fanpage của mình. Lượt tương tác tăng lên, bạn mừng thầm. Nhưng chỉ một ngày sau, mọi thứ lại quay về ảm đạm như cũ.
Vậy vấn đề ở đây là gì?
Đó là tệp độc giả của Hot Page kia và Fanpage của bạn hoàn toàn khác nhau! Nếu không tạo ra nội dung xuất phát từ độc giả và phục vụ độc giả, bạn sẽ không thể giữ chân họ. Vì thế, khi tìm kiếm ý tưởng để phát triển nội dung, bạn cần lưu ý:
Tìm hiểu khách hàng thật kĩ bằng cách làm đủ các bước phân tích Customer Segmentation, Customer Persona, Customer Journey.
Cách tốt nhất là xuất phát từ nhu cầu, mơ ước hoặc nỗi đau của khách hàng.
Bạn có thể học hỏi ý tưởng từ người khác, nhưng hãy điều chỉnh lại cho phù hợp với tệp khách hàng mục tiêu của mình.
Tất cả những điều trên đều xuất hiện trong khóa học Effective Copywriting của tôi. Thay vì chỉ luyện viết, mục tiêu của tôi là trang bị cho học viên của mình một mindset đúng đắn và bộ skillset có khả năng ứng dụng vào nhiều dạng nội dung khác nhau. Nếu bạn quan tâm tới khóa học, bạn có thể đăng ký tại đây.
Quay lại ví dụ ở phía trên, với một Fanpage bán thực phẩm chức năng cho trẻ em, đối tượng độc giả mục tiêu quan trọng nhất sẽ là các bà mẹ. Với họ, vòng tròn quan tâm sẽ chủ yếu xoay quanh con cái, gia đình. Vậy thì để thu hút sự chú ý của tệp khách hàng đó, hãy đưa ra các nội dung liên quan tới 2 đối tượng: con và chồng của họ. Ví dụ, bạn có thể khuyến khích họ chia sẻ ảnh hay các câu chuyện của con, tag chồng vào các bài viết hài hước liên quan đến gia đình, v.v.
#2: Quảng cáo không phải là “đánh bóng” sản phẩm.
Nhiều Copywriter trẻ cho rằng để thúc đẩy khách mua hàng, chúng ta phải làm cho họ thấy rằng đây là sản phẩm tốt nhất, xịn nhất. Tôi cho rằng đây là tư duy chưa thực sự đúng đắn. Chúng ta rất khó tìm ra những quy tắc rõ ràng để đánh giá xem thế nào là “tốt nhất”. Một sản phẩm tốt với người này, cũng có thể không tốt với người kia. Ví dụ điển hình là những cuộc tranh luận không hồi kết giữa fan của Samsung và Apple. Việc so sánh giữa khả năng tối ưu pin của Iphone và tốc độ sạc nhanh của điện thoại Samsung là rất khập khiễng, bởi nó sẽ chỉ phù hợp với nhu cầu của từng người dùng.
Vậy thì quảng cáo là làm gì?
Theo kinh nghiệm của tôi, nhiệm vụ của quảng cáo là:
Khơi gợi cho khách hàng một nhu cầu mà có thể họ chưa nghĩ tới.
Thuyết phục họ tin rằng sản phẩm là lựa chọn phù hợp nhất với họ.
Thúc đẩy họ rút ngắn quá trình cân nhắc và đưa ra quyết định.
Bạn không nhất thiết phải hoàn thành mọi nhiệm vụ này trong một bài viết. Trên thực tế, xác định rõ mục tiêu nhỏ trong mỗi bài sẽ càng giúp nội dung có trọng tâm hơn.
#3: Copywriting là một mắt xích trong chu trình tiếp thị & bán hàng.
Như tôi đã nhắc trong bản tin số 25, Copywriting không “thần thánh” tới nỗi giúp bạn bán được hàng chỉ sau một bài viết. Copywriting sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu:
Nội dung được hiển thị tới đúng người, đúng thời điểm.
Nội dung chứng minh được rằng sản phẩm có thể giải quyết chính xác vấn đề mà khách hàng đang gặp phải.
Khi tôi tư vấn chiến lược nội dung cho khách hàng, bên cạnh Sales Content (hay còn gọi là Copy), có rất nhiều các nhóm nội dung khác:
Branding Content - chia sẻ về thương hiệu để xây dựng lòng tin và sự kết nối với khách hàng.
Educational Content - chia sẻ kiến thức, khơi gợi nhu cầu, thúc đẩy niềm tin của khách hàng với sản phẩm.
Emotional Content - nội dung chạm đến cảm xúc, để khách hàng cảm thấy được lắng nghe và đồng cảm.
Interactive Content - nội dung khuyến khích khách hàng tương tác nhiều hơn.
Những bài Sales Content nên được lồng ghép trong Timeline một cách hợp lý, để khách hàng không có cảm giác bị “chèo kéo”.
#4: Bạn phải là người đầu tiên tin vào sản phẩm.
Theo quan sát của tôi, người đọc ngày càng trở nên thông thái và nhạy cảm hơn. Họ sẽ phát hiện ra nội dung nào được đầu tư, nội dung nào được tạo ra từ người viết thực sự tự tin vào sản phẩm và ngược lại. Nếu chính bạn còn đang hoang mang, năng lượng ấy sẽ được thể hiện trong nội dung bạn tạo ra. Và đương nhiên, bạn sẽ không thể thu hút được khách hàng nào.
Vậy sự tự tin sẽ đến từ đâu?
Nó đến từ:
Sự am hiểu của bạn đối với sản phẩm.
Sự thấu hiêu của bạn đối với khách hàng mục tiêu.
Thời gian bạn bỏ ra để nghiên cứu và phân tích.
Trước đây khi còn làm việc tại Agency, team Copywriter do tôi quản lý từng gặp khó khăn rất lớn khi phải viết nội dung cho các dự án bất động sản siêu sang, với giá vài chục tỷ. Mọi việc dần dần được cải thiện khi chúng tôi được tận mắt đi thăm dự án, nghe đội ngũ phát triển sản phẩm và Sales chia sẻ về những giá trị nó mang lại hoặc lý do khiến khách hàng quyết định mua. Chúng tôi dần hiểu rằng một căn biệt thự tại khu suối khoáng nóng sẽ phù hợp với khách hàng muốn dùng sự dư dả về tài chính để ưu tiên cho sức khỏe của bản thân và gia đình, hay một căn hộ cao cấp tại Quận 1 ở Sài Gòn hấp dẫn là bởi chỉ cần nghe thấy tên dự án thôi, ai cũng biết gia chủ ở đây giàu đến mức nào.
Bây giờ khi trở thành Freelancer, tôi cũng sẵn lòng từ chối nhận job nếu không cảm thấy được thuyết phục bởi sản phẩm mình đang quảng cáo. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến quá trình làm việc giữa tôi và khách hàng khá suôn sẻ. Tất nhiên, nếu bạn đang làm việc trong một tổ chức, bạn sẽ không có quyền tự quyết giống như Freelancer. Nhưng bạn cũng hoàn toàn có nhiều cách để bảo vệ niềm tin của mình dành cho thương hiệu và sản phẩm. Những cách này được tôi chia sẻ trong cuốn sách “Nghề Copywriter - từ thích đến dấn thân”. Bạn có thể tìm đọc để có thêm góc nhìn.
Tôi mong rằng dù bạn là người viết lâu năm hay mới bắt đầu, bài viết cũng đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích. Đừng quên kết nối với tôi trên các nền tảng để nhận thêm nhiều kiến thức giá trị!
Cảm ơn bạn đã đón đọc bản tin tuần này.
Hay quà à. Đọc 4 lần vẫn mới hiểu hết. Cám ơn cô
Thật, để một sản phẩm thành công thì không thể nào thiếu tư duy. Bài viết hay nè.