#76. 4 gợi ý giúp bạn tạo ra Shareable Content đắt giá
Để tối ưu nguồn lực và hiệu quả cho thương hiệu của bạn.
Trong email số 75, tôi đã chia sẻ về giá trị của Shareable Content và các yếu tố giúp tạo ra một nội dung có thể được chia sẻ. Nếu bạn bỏ lỡ bản tin này, hãy đọc lại trước khi đến với bản tin số 76. Bởi vì dựa trên các kiến thức nền tảng trong số trước, đây sẽ là phiên bản “nâng cao” và thực tế hơn: danh sách các gợi ý giúp bạn có thể thực sự tạo ra Shareable Content.
#1. Nghiên cứu và tạo ra một phiên bản nội dung mới từ đối thủ
Trong cuốn sách Nghệ thuật “đánh cắp” ý tưởng, tác giả Austin Kleon đã nói “Không thứ gì trên đời là nguyên bản”. Đây cũng là một cuốn sách rất hay về cách sáng tạo dựa trên những thứ có sẵn, bạn có thể tìm đọc để tham khảo.
Nhìn chung, những thứ chúng ta từng tiếp nhận - dù chủ động hay bị động, cũng sẽ có ảnh hưởng tới cách chúng ta sáng tạo. Thay vì cố nhồi nhét nhiều nguồn thông tin một cách lộn xộn, bạn có thể tập trung nghiên cứu một vài đối thủ “nặng ký” trong lĩnh vực của mình. Sau đó, hãy xem những nội dung họ đã chia sẻ trong khoảng 6 tháng trở lại đây, chọn ra những nội dung có lượt tương tác và chia sẻ nhiều nhất. Nhiệm vụ tiếp theo của bạn là nghiên cứu các nội dung đó và ứng dụng chúng vào nội dung của mình. Hãy lưu ý, là ứng dụng chứ không phải sao chép. Dưới đây là một số câu hỏi bạn có thể tham khảo:
Nội dung này có đang bỏ qua hay khuyết thiếu một điểm nào không?
Nội dung này có thể được hoàn thiện tốt hơn bằng cách nào không?
Liệu có cách tiếp cận nào khác để làm nội dung này trở nên mới mẻ hơn không?
Ví dụ, tôi biết rằng chủ để viral content là một chủ đề rất hot và được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, shareable lại là một thuật ngữ mới mẻ hơn, ít được biết đến hơn, độ cạnh tranh cũng thấp hơn. Sau khi research và thấy chưa có Website tiếng Việt nào cung cấp thông tin đầy đủ về Shareable Content, tôi quyết định chọn từ khóa này làm chủ đề cho 2 số bản tin của tuần này. Đó chính là cách tôi tận dụng sự nghiên cứu về đối thủ của mình.
#2. Kể một câu chuyện để chia sẻ thông điệp
Thông thường, một nội dung hữu ích sẽ đưa khách hàng đi từ điểm A tới điểm B, với giải pháp chính là sản phẩm/dịch vụ mà thương hiệu cung cấp. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào việc miêu tả hay nhấn mạnh giải pháp ấy, bài viết sẽ trở nên nặng tính quảng cáo và thiếu hấp dẫn với người đọc. Trái lại, những câu chuyện vẫn luôn có sức hút khổng lồ. Đồng thời, khi bạn kể chuyện, bạn tạo ra một tình huống giúp độc giả dễ dàng tìm được điểm tương đồng với trải nghiệm cá nhân của họ. Vì vậy, đây là một cách thức hiệu quả để tạo ra nội dung dễ dàng được chia sẻ.
Khi kể câu chuyện, hãy nhớ các yếu tố cần có:
Điểm A - điểm mà khách hàng đang đứng.
Các vấn đề, nỗi đau, thách thức của họ.
Điểm B - điểm mà họ muốn đến.
Giải pháp cần thiết để đi từ điểm A tới điểm B.
Một nhân vật và các tình huống thể hiện được câu chuyện nhưng vẫn gần gũi với đời sống.
Tôi đã có một chuỗi bài viết về Storyselling - kỹ năng kết hợp giữa Storytelling và bán hàng. Bạn có thể tìm đọc lại, hoặc mua Minibook Storyselling - nơi tôi đã tổng hợp tất cả bài viết liên quan và sắp xếp lại cho bạn tiện theo dõi.