#40. Storyselling và Drama - có phải cặp bài trùng?
Con dao hai lưỡi, không biết cách dùng sẽ khiến bạn đứt tay.
Xin chào bạn!
Chúng ta đang ở giữa tháng 5, và đây cũng đã là bản tin thứ 4 của tôi về Storyselling. Càng tìm hiểu, viết lách và thảo luận với bạn đọc về chủ đề này, tôi càng khám phá ra nhiều bài toán cần giải quyết đển Storyselling có thể trở thành một kỹ năng hữu dụng cho mọi người.
Tuần này, vì nhận được câu hỏi rất hay từ thành viên trong cộng đồng viết thương mại, nên tôi quyết định thay đổi chủ đề bài viết so với dự định ban đầu.
Đây là câu hỏi trích lược:
Nhiều thương hiệu dùng Storyselling theo hướng Dramatic, lồng ghép các câu chuyện như đánh ghen, từ tay trắng mua nhà tiền tỉ, v.v… và có rất nhiều nhận xét từ người cho rằng đây là nội dung “giăng bẫy”, “lùa gà”. Vậy thì:
Có phải người đọc đã trở nên cảnh giác hơn với Storyselling không?
Yếu tố không có thật trong bài Storyselling có được chấp nhận không và nếu có thì nên dùng như thế nào?
Cảm giác khi đọc câu hỏi này của tôi là vừa nhăn trán, vừa tâm đắc. Tâm đắc vì nó quả thực rất hay, còn nhăn trán là vì nó không hề dễ để được giải quyết trọn vẹn. Nhưng trong phạm vi bản tin tuần này, tôi sẽ cố gắng giải đáp những gì thiết thực nhất.
Cùng bắt đầu nhé!
Drama là gì và yếu tố Dramatic trong Storyselling là gì?
Ý nghĩa gốc của Drama là danh từ chỉ một vở kịch - gồm các sự kiện hoặc tình tiết có yếu tố thú vị, cảm xúc, bất ngờ - được dàn dựng sẵn để trình diễn cho khán giả. Khi nhắc tới yếu tố dramatic trong Storyselling, là ta nhắc đến việc lồng ghép các tình tiết gay cấn, cao trào hoặc bất ngờ để khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế là tại Việt Nam, nhắc tới “drama” là người đọc ngay lập tức liên tưởng tới những sự việc tiêu cực. “Drama” đang bị hiểu ngang nghĩa với “Scandal”, “làm màu”, hoặc “bịa đặt”.
Ví dụ, mọi người sẽ thường nói:
“Ngày xưa tui thích bạn ca sĩ này lắm mà sau thấy nhiều drama quá nên hết thích” - ở đây ám chỉ việc nhân vật đang được nhắc tới dính vào nhiều ồn ào, scandal ngoài việc ca hát.
“Đừng chơi với con bé đó. Nó drama lắm!” - ở đây muốn nói nhân vật được nhắc tới thường xuyên làm quá mọi chuyện, hoặc sống không chân thực.
“Mấy cái thương hiệu này giờ toàn dùng drama để câu view thôi!” - ở đây muốn biểu đạt rằng thương hiệu này chuyên sử dụng các câu chuyện không có thật để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Vì vậy, “drama” bỗng dưng trở thành một từ ngữ không mấy tốt đẹp. Nhưng lỗi không nằm ở “drama”, lỗi nằm ở những thương hiệu đã sử dụng drama không đúng cách.
Đây cũng là lý do khiến người đọc ngày càng cảnh giác hơn với các nội dung có thiên hướng drama. Họ sẽ đặt câu hỏi:
Chuyện này có thật không?
Tôi dựa vào đâu để tin?
Đặc biệt, các câu chuyện càng lạ thì sẽ càng nhận được nhiều nghi vấn. Ở một chiều, cá nhân tôi lại đánh giá sự cảnh giác của khách hàng là điều tốt, bởi nó giúp thanh lọc dần những nội dung “rác”. Nhưng tất nhiên ở chiều ngược lại, điều này cũng yêu cầu người sáng tạo nội dung phải cẩn thận hơn khi sử dụng yếu tố dramatic trong bài Storyselling của mình.
Vậy làm sao để sử dụng yếu tố Dramatic một cách hiệu quả?
Muốn biết làm sao để sử dụng yếu tố Dramatic một cách hiệu quả, trước tiên, bạn cần biết khi nào nên và không nên sử dụng yếu tố này.
Bạn có thể sử dụng yếu tố dramatic khi viết các nội dung giả tưởng - với điều kiện người đọc nhận thức được đây là nội dung hư cấu. Ví dụ: các bộ phim viễn tưởng của Marvel, các cuốn tiểu thuyết kinh điển như Twilight, Harry Potter đều chứa rất nhiều yếu tố hư cấu và dramatic, nhưng độc giả biết điều đó và sẵn sàng chấp nhận nó.
Bạn không nên sử dụng yếu tố dramatic trong các nội dung cần sự thật - ví dụ như sách tự truyện, hồi ký, phim tài liệu, v.v. Với những nội dung này, cần tuyệt đối tôn trọng yếu tố trung thực.
Nếu muốn đưa yếu tố dramatic vào nội dung thương mại, bạn cần lưu ý 5 tiêu chí sau:
Nội dung cốt lõi cần được xây dựng trên cơ sở sự thật và không có ý đồ lừa dối khách hàng. Ví dụ bạn đưa ra một câu chuyện, các tình tiết xung quanh có thể hư cấu, nhưng những thông tin cốt lõi về tình năng và lợi ích của sản phẩm thì phải đúng sự thật.
Nội dung phù hợp với sản phẩm, thương hiệu và đối tượng khách hàng. Một câu chuyện về tình yêu gà bông sẽ chỉ phù hợp cho các thương hiệu dành cho đối tượng teen. Một câu chuyện về tình cảm vợ chồng sẽ chỉ có người dùng đã kết hôn quan tâm. Việc lựa chọn yếu tố kịch tính cho câu chuyện cũng cần phù hợp với sản phẩm, thương hiệu và nhóm đối tượng bạn đang hướng tới.
Dành sự tập trung vào thông điệp cốt lõi. Nếu bạn quá sa đà vào việc kể một câu chuyện hấp dẫn nhưng không tìm ra các điểm chạm để lồng ghép sản phẩm dịch vụ, bài Storyselling của bạn sẽ không thể phát huy tác dụng. Một câu chuyện không nên bị đẩy đi quá xa so với mục đích truyền thông đã đặt ra.
Đảm bảo tính nhân văn. Nghĩa là, bạn không lợi dụng nỗi đau của người khác để trục lợi (như trường hợp sỉ nhục người nghèo của TikToker Nờ ô Nô đã nhận rất nhiều sự phẫn nộ từ cộng đồng mạng). Cũng có nghĩa là, bạn không tạo ra content “bẩn”, nói những điều trái với luân thường đạo lý chỉ để thu hút sự chú ý (như câu chuyện Youtuber chia sẻ cách moi tiền bạn trai trên Tinder gây sốt thời gian qua).
Mang lại giá trị nhất định. Sau khi đọc bài, bạn muốn độc giả sẽ cảm thấy thông thái hơn, tự tin hơn, vui vẻ hơn hay muốn họ lo lắng hơn, tức giận hơn, chán nản hơn? Theo một nghiên cứu từ FracTL, top 6 cảm xúc tích cực có khả năng dẫn đến hiệu ứng viral là: Happiness (hạnh phúc), Surprise (ngạc nhiên), Admiration (ngưỡng mộ), Satisfaction (thỏa mãn), Hope (hi vọng), Love (yêu thương). Trong khi đó, các cảm xúc tiêu cực như tức giận hay buồn bã vẫn có khả năng kích thích người đọc, nhưng sẽ gây khó khăn hơn cho người viết và cũng có khả năng tạo ra “tác dụng phụ” lớn hơn. Vì vậy, lời khuyên của tôi là hãy tập trung vào những giá trị tích cực mà bạn có thể mang lại cho người đọc/người xem.
Vậy thì, có cách nào để viết Storyselling mà không phải đưa các yếu tố dramatic hay hư cấu vào bài không? Có chứ, điều này tôi sẽ chia sẻ với bạn trong bản tin tuần sau. Hãy đón đọc nhé!
Hôm nay là ngày đầu tiên của thử thách “7 ngày nhập vai Storyseller” trong cộng đồng Viết thương mại của tôi. Đã có rất nhiều người tham gia, với mục đích rèn luyện kỹ năng Storyselling cũng như giành phần thưởng là tấm vé combo Workshop về Storyselling có giá trị 599,000 VND. Hãy gia nhập cộng đồng để không bỏ lỡ các hoạt động hữu ích trong thời gian tới.
Hi vọng bản tin tuần này đã phần nào giải đáp các khúc mắc của bạn về Storyselling. Nếu bạn có thêm câu hỏi nào, đừng ngại cho tôi biết nhé. Hẹn gặp lại bạn trong tuần sau!
Nguồn tham khảo:
https://blog.influenceandco.com/positive-or-negative-heres-why-content-goes-viral