#8: Sản phẩm nhiều ưu điểm, viết quảng cáo thế nào?
Có phải cứ đưa tất cả ưu điểm sản phẩm vào bài là tốt?
Trước khi viết…
“Trong bài viết này em phải đưa nhiều USP (Unique selling point) của sản phẩm vào cho anh nhé!”
“Dạ vâng!”
Sau khi viết xong…
“Anh thấy bài này chưa đạt”
“Chưa đạt ở chỗ nào ạ? Em đã đưa tất cả USP của sản phẩm vào đây rồi!”
“Anh chỉ cảm giác là nó chưa hấp dẫn thôi, còn lại sửa thế nào em tự nghĩ đi!”
Bạn có thấy đoạn hội thoại này quen quen không? Có thể bạn từng ở trong vị trí người viết, vô cùng ấm ức vì cảm thấy khách hàng thật vô lý. Cũng có có thể bạn từng giống như người kiểm duyệt bài viết, thấy không ổn nhưng lại khó để diễn đạt không ổn ở điểm nào. Thực ra, đây là tình trạng rất thường xuyên xảy ra tại các Agency và cả các doanh nghiệp. Người bán hàng luôn thấy sản phẩm của họ vô cùng tốt nhưng chưa được quảng cáo đúng cách, người viết nội dung lại nghĩ họ đã đưa hết những thông tin có thể vào bài viết rồi. Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn bạn một số cách để tận dụng USP của sản phẩm trong bài viết được hiệu quả hơn.
Trước tiên, bạn hãy đọc hai ví dụ ngắn sau về một homestay và trả lời xem mẫu quảng cáo nào sẽ khiến bạn muốn sử dụng dịch vụ hơn nhé! (Lưu ý: 2 mẫu quảng cáo này đều do tôi tự viết, với mục đích duy nhất là giúp bạn hình dung rõ nét hơn về cách đưa USP vào bài viết. Tên homestay xuất hiện trong bài viết không phải là khách hàng của tôi).
MẪU 1
Nếu bạn đang kiếm tìm một nơi lưu trú xanh, yên bình, hài hòa với thiên nhiên khi tới Huế, bạn không thể bỏ qua Sahi Homestay Retreat! Bởi tại đây, chúng tôi có mọi thứ mà bạn cần.
Không gian lý tưởng với nhiều cây xanh, thoáng mát và yên tĩnh.
Nhiều hoạt động yoga, thiền hấp dẫn liên tục được tổ chức tại homestay.
Kiến trúc mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng rất nên thơ.
Chi phí hợp lý cho đêm nghỉ dưỡng với tiện nghi đủ đầy.
Thân mời bạn ghé thăm Sahi Retreat - Chốn an trú không thể bỏ qua khi đặt chân đến Huế!
MẪU 2
Đặt chân tới Huế, nét cổ kính và không khí an tĩnh của thành phố này sẽ khiến bạn muốn sống chậm lại, tận hưởng từng khoảnh khắc. Một nơi lưu trú riêng tư, ngập chất thơ như Sahi Homestay Retreat sẽ khiến chuyến hành trình tìm về bình yên của bạn thêm phần trọn vẹn.
Được hình thành từ bàn tay kiến trúc sư tài ba Nguyễn Hữu Sơn Dương, Sahi Homestay Retreat đã chinh phục nhiều tạp chí kiến trúc lớn trong và ngoài nước nhờ thiết kế mở, xóa nhòa ranh giới giữa các không gian, đem lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên xanh mát.
Tại đây, chào đón bạn là bầu không khí ấm cúng toát ra từ vẻ đẹp thô mộc, giản dị được kết hợp giữa các loại vật liệu thân thiện như gỗ tái chế, ngói đất nung, gạch thẻ để trần…
Những làn gió tự nhiên được tận dụng tối đa, ánh nắng gay gắt của mùa hè cũng trở nên dịu nhẹ hơn nhờ việc sắp đặt khéo léo các khoảng không gian trống.
Khi bạn ngồi đọc sách ở một góc vườn, nằm tắm nắng cạnh hồ bơi hay chìm vào phút giây thiền tịnh, Sahi tin rằng bạn sẽ luôn cảm nhận được sự thư thái trọn vẹn tại không gian nơi chúng tôi đã dốc sức tạo nên.
Sahi Homestay Retreat mong được sớm gặp bạn, để cùng hàn huyên câu chuyện về hạnh phúc giản đơn nhưng rất đỗi quý giá trong nhịp sống bận rộn này!
Rõ ràng bài viết số 2 mang lại cho bạn nhiều cảm xúc tích cực hơn về Sahi Homestay Retreat đúng không? Chúng ta hãy cùng phân tích lý do tại sao nhé!
Bài Mẫu 1 sử dụng biện pháp liệt kê tất cả những ưu điểm nổi bật của Sahi: không gian, hoạt động, kiến trúc, chi phí. Trong khi đó, bài Mẫu 2 chỉ tập trung nhắc tới những ưu điểm liên quan đến không gian của homestay. Bởi vậy, bài Mẫu 2 có chiều sâu và nội dung thống nhất hơn.
Trong bài Mẫu 1, tuy được liệt kê rất nhiều nhưng các USP của Sahi lại không có dẫn chứng hay thông tin đi kèm để chứng minh cho những USP được đưa ra. Trong khi đó, tại bài Mẫu 2, mỗi ưu điểm đều được giải thích rất cặn kẽ. Đó là lý do khiến bài Mẫu 2 có sức thuyết phục hơn.
Bài Mẫu 1 viết theo lối trực diện, gạch đầu dòng các USP. Bài Mẫu 2 viết theo lối kể chuyện, tâm tình. Đối với dạng Retreat homestay như Sahi, phong cách của bài Mẫu 2 sẽ phù hợp hơn với khách hàng mục tiêu là những người thích phong cách du lịch nghỉ dưỡng, yên bình, chữa lành.
Ngoài ra, còn một số sự khác biệt về cách mở bài, cách sử dụng văn phong, từ ngữ, v.v. Tuy nhiên, trong phạm vi bản tin này, tôi sẽ chỉ tập trung phân tích các yếu tố xung quanh USP sản phẩm.
Như vậy, tôi tin rằng bạn đã tự rút ra được những Tips cho mình khi viết dạng bài quảng cáo này. Dưới đây là một số đúc kết của tôi, để bạn tiện “bỏ túi” sử dụng khi cần.
Sản phẩm có nhiều USP không có nghĩa là chúng ta cần nhồi nhét tất cả USP trong một bài viết. Bạn nên chia ra 2 loại bài: Bài tổng quan (bài khá dài - tổng hợp những ưu điểm của sản phẩm) và Bài chuyên sâu (tập trung phân tích 1 khía cạnh thực sự độc đáo của sản phẩm).
Chọn lọc những USP có liên quan tới nhau và bổ trợ cho một khía cạnh nhất định của sản phẩm sẽ giúp bạn viết bài dễ dàng và nội dung nhất quán hơn.
Đừng chỉ liệt kê, hãy chứng minh lý do khách hàng có thể tin vào những USP mà bạn đưa ra.
Đừng bao giờ quên việc mô tả lợi ích của khách hàng từ những USP của sản phẩm, dịch vụ.
Các USP trong bài viết cũng cần được trình bày theo một thứ tự nhất định. Bạn có thể đi từ tổng quan tới chi tiết, đi theo trình tự thời gian/không gian, đi theo hành trình người dùng, đi theo thông tin quan trọng nhất tới ít quan trọng nhất... Điều cần nhớ là đừng ném chúng vào bài viết một cách lộn xộn, không chủ đích.
Trong bản tin này, tôi cũng dành tặng các bạn một Template ngắn gọn để giới thiệu về USP của sản phẩm.
Tiêu đề: (Giá trị nổi bật nhất mà SPDV mang lại) + (Một lợi ích hứa hẹn cho người dùng).
Mở bài: Lý do khách hàng cần SPDV của bạn (Xuất phát từ nhu cầu, điểm đau của họ hoặc xuất phát từ xu hướng, bối cảnh thị trường, v.v). Nếu chưa biết tìm điểm đau ra sao, bạn có thể đọc lại bản tin số 6 và số 7 của tôi.
Thân bài:
USP quan trọng nhất + lý lẽ thuyết phục (các thông tin như công nghệ/lịch sử ra đời/con số chứng minh/testimonial từ người dùng…)
USP quan trọng thứ hai + lý lẽ thuyết phục
USP quan trọng thứ ba + lý lẽ thuyết phục
Kết bài:
Tóm gọn lại bằng một lời hứa về lợi ích của người dùng hoặc một câu gợi mở nhu cầu.
CTA
Khi bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy thử viết theo mẫu này trước. Ít nhất, bạn cũng sẽ có được một bài quảng cáo súc tích, dễ hiểu. Trong quá trình luyện tập, dần dần bạn sẽ học được cách để diễn đạt hay hơn và khiến bài quảng cáo trở nên thú vị hơn.
Hi vọng bản tin hôm nay đã có phần nào hữu ích với bạn. Đừng quên đón đọc A Copywriting Inspirer trong những tuần tiếp theo!
Bài viết hay!