#78. Viết quảng cáo theo 4 tiêu chí đắt giá của Google
Để bài viết được "xếp hạng" cao trong lòng độc giả!
Có thể bạn chưa biết: Gần đây, Google đã cập nhật bộ tiêu chí để xếp hạng bài viết của họ từ E-A-T thành E-E-A-T. Đây không phải các tiêu chí áp dụng cho thuật toán của nền tảng này, mà là bộ tiêu chí được đội ngũ “Quality Raters” - người đánh giá nội dung của Google sử dụng để “chấm điểm” những người làm sáng tạo nội dung.
Một nền tảng lớn như Google lại chỉ dùng 4 chữ “nhỏ bé” này để đánh giá khối lượng nội dung khổng lồ được tạo ra mỗi ngày. Vậy thì Copywriter, Content Writer còn chờ đợi gì mà không học theo để nâng cấp chất lượng bài viết của mình? Cùng khám phá cách làm trong bản tin tuần này nhé!
E-E-A-T là gì?
Đây là cụm từ viết tắt của 4 yếu tố
E: Experience (Kinh nghiệm, trải nghiệm)
E: Expertise (Chuyên môn)
A: Authoritativeness (Sự tường tận)
T: Trustworthiness (Mức độ đáng tin cậy)
Như vậy, một nội dung được đánh giá cao trên Google sẽ cần đạt được các tiêu chí:
Thể hiện chuyên môn sâu trong một chủ đề cụ thể.
Thông tin đầy đủ chi tiết và mang lại giá trị hữu ích cho người đọc.
Tác giả là người đã thực sự có trải nghiệm thực tế liên quan tới chủ đề họ chia sẻ.
Đặc biệt, tất cả các yếu tố trên đều cần minh bạch, xác thực, đáng tin cậy.
Trong đó, “Trust” là yếu tố trọng tâm và xuyên suốt. Google chỉ ra rằng, một trang web thiếu độ tin cậy thì sẽ bị xếp hạng thấp, ngay cả khi 3 yếu tố còn lại được đánh giá cao.
Dưới đây là một số thông tin trích dẫn từ Google’s Research Quality Rater Guidelines, liên quan tới các nội dung có E-E-A-T thấp:
Tác giả thiếu kinh nghiệm thực tế cần thiết. Ví dụ: một người chưa từng ăn ở nhà hàng lại viết nội dung review về nhà hàng đó.
Tác giả thiếu chuyên môn trong lĩnh vực. Ví dụ: một người tạo ra nội dung hướng dẫn lướt sóng trong khi không có chuyên môn với môn thể thao này.
Website hoặc tác giả được đánh giá là nguồn thông tin không đáng tin.
Mục đích hoạt động của trang web không rõ ràng. Ví dụ: một trang web mua sắm nhưng lại thiếu thông tin chăm sóc khách hàng.
Ứng dụng E-E-A-T vào nội dung quảng cáo như thế nào?
Một bài Copy cũng có thể được “xếp hạng” cao trong lòng độc giả nếu follow theo các tiêu chí này. Dưới đây là những việc bạn có thể làm.
#1: Experience
Hãy tích lũy cho mình thật nhiều trải nghiệm trong một lĩnh vực, nếu bạn muốn trở thành Copywriter trong lĩnh vực ấy. Đây cũng là lý do mà chúng ta nên:
Tận dụng các sở thích, sở trường, kinh nghiệm, trải nghiệm đã từng có.
Tập trung vào một ngách trong thời điểm bắt đầu và đào sâu trong ngách ấy.
Tìm các cơ hội để gia tăng trải nghiệm thực tế thay vì chỉ đọc lý thuyết.
Trước đây, khi tôi còn làm việc tại Agency, với mỗi dự án bất động sản hay khách sạn, công ty luôn cố gắng tạo điều kiện để nhân sự trực tiếp đi tới tận dự án và trải nghiệm. Cảm nhận trong thực tế sẽ luôn khác xa so với những thông tin bạn đọc được trên Website, Brochure hay Catalogue. Ngoài ra, bạn cũng có thể:
Trò chuyện nhiều với người tạo ra sản phẩm hoặc các nhân viên sales.
Dự các hội thảo, event trong ngành và lắng nghe chuyên gia chia sẻ.
Tham gia vào các cộng đồng có chứa tệp khách hàng mục tiêu để quan sát và trò chuyện với họ.
Nhìn chung, hãy “đắm mình” vào lĩnh vực bạn đang cần sáng tạo nội dung, và bạn sẽ thấy sự khác biệt ở chất lượng bài viết.
#2: Expertise
Bạn đã bao giờ thấy một bài viết có tiêu đề rất hay, hăm hở click vào rồi ngậm ngùi nhận ra các thông tin được đưa ra chỉ mang tính chất chắp vá từ nhiều nguồn, thậm chí đến cách trình bày cũng thiếu logic và không đem lại giá trị gì? Tôi đã nhiều lần gặp phải tình trạng như vậy, và tôi tin rằng thứ hạng của các bài viết ở dạng này cũng sẽ sớm bị ảnh hưởng. Hãy nhớ rằng: Người đọc chỉ dừng lại ở những thông tin có ích đối với họ.
Ngay cả khi bạn viết quảng cáo, cũng không có nghĩa bạn có thể đơn giản đưa vào một vài thông tin ưu đãi và những lời hoa mỹ, sáo rỗng. Để quảng cáo một cách thuyết phục, bạn cần thực sự có chuyên môn trong lĩnh vực đó.
Ví dụ, trước đây khi còn làm việc tại Agency, lĩnh vực chính của tôi là bất động sản. Để viết được những bài quảng cáo bán dự án bất động sản, những Copywriter trong team tôi cần phải:
Hiểu và phân biệt được các loại hình dự án.
Hiểu về thị trường bất động sản tại địa phương và nhu cầu của người mua.
Biết cách phân tích ưu, nhược điểm của sản phẩm.
Gợi ý được cho khách hàng cách tối ưu công năng của sản phẩm.
…
Tất nhiên, không có ai là chuyên gia ngay từ ban đầu. Nhưng tối thiểu, bạn cần:
Hiểu đúng những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực.
Chăm đọc báo cáo, report, các nội dung chuyên ngành.
Tham khảo ý kiến của những người am hiểu về sản phẩm.
Tóm lại, hãy đảm bảo các thông tin bạn đưa ra là chính xác và có giá trị với người đọc. Nhớ rằng bạn đang đại diện cho cả một thương hiệu, nên bạn không thể viết bừa được!
#3: Authoritativeness
Đây là một thuật ngữ khiến tôi cảm thấy rất khó khi dịch ra tiếng Việt. Dịch nôm na nó có nghĩa là “Thẩm quyền”. Nhưng chính xác hơn, từ này ám chỉ sự rõ ràng, chi tiết, độc đáo của nội dung. Nói cách khác, bạn cần mang lại một nội dung dễ hiểu và đáng để đọc với khách hàng. Một trong những yếu tố tạo ra Authoritativeness của nội dung là việc bạn cung cấp đúng thông tin mà khách hàng đang tìm kiếm. Nghĩa là, bạn dự đoán được nhu cầu của khách hàng, tìm ra các từ khóa đánh trúng nhu cầu đó và giải quyết chúng.
Một số định dạng nội dung phù hợp với yếu tố này là:
Tutorials hoặc hướng dẫn chi tiết.
Review sản phẩm.
Những câu hỏi thường gặp.
Tổng hợp thông tin về một chủ đề
…
#4: Trust
Yếu tố về sự trung thực và đáng tin cậy là điều tôi đã nhắc rất nhiều trong các nội dung của mình. Bạn có thể thổi phồng về sản phẩm và chỉ bán được nó một lần duy nhất. Bạn có thể sử dụng feedback không trung thực và đánh mất khách hàng khi họ phát hiện ra. Nhưng thay vào đó, bạn cũng có thể nói sự thật và tìm nhiều cách hấp dẫn để truyền tải sự thật ấy tới người dùng. Như vậy, nội dung của bạn sẽ trở nên evergreen, bạn cũng sẽ xây dựng được lòng tin từ khách hàng.
Một vài gợi ý để gia tăng yếu tố “Trust” trong bài quảng cáo của bạn:
Luôn có dẫn chứng cho các tuyên bố mình đưa ra.
Research dữ liệu khách quan thay vì chỉ khẳng định chủ quan.
Cân nhắc sử dụng phản hồi thật từ khách hàng.
Dẫn nguồn cho các nội dung trích dẫn.
Nội dung quảng cáo của bạn có đang đáp ứng cả 4 tiêu chí này không? Hãy kiểm tra lại và điều chỉnh nếu cần thiết nhé!
Chưa biết bắt đầu viết quảng cáo từ đâu? Tham khảo ngay chương trình Content Writing Starter Kit dành cho người mới của tôi, chỉ mở bán tới hết tháng 9.
Chúc bạn một ngày vui vẻ!
Nguồn tham khảo: https://www.searchenginejournal.com/google-e-e-a-t-how-to-demonstrate-first-hand-experience/474446/
Mình muốn hỏi làm thế nào để Google có thể đánh giá 2 yếu tố Experience (Kinh nghiệm, trải nghiệm), Expertise (Chuyên môn) chính xác ạ? Mình cảm ơn bạn đã chia sẻ