#80. Làm sao để trở thành người viết được khách hàng cần và sẵn sàng trả giá cao?
Đó là hiểu điều khách hàng thực sự muốn ở bạn.
Có nhiều người viết vật lộn với câu hỏi: Làm sao để tìm được khách hàng? Trong khi đó, tôi nghĩ câu hỏi quan trọng hơn mà chúng ta nên trả lời là: Làm sao để khách hàng muốn làm việc với bạn?
Thực tế, khách hàng có mặt ở khắp mọi nơi. Trong các group tuyển dụng Content Writer/Copywriter, các bài đăng tin tìm người viết được chia sẻ thường xuyên. Mặc dù số lượng job vẫn còn ít so với số lượng người muốn ứng tuyển, nhưng rõ ràng nhu cầu về nội dung đang ngày càng gia tăng. Ngoài ra, khách hàng có thể là bất cứ ai: một người bạn trong friendlist đang kinh doanh nhưng “ế ẩm” vì chưa biết viết nội dung thu hút; một người đang muốn khởi tạo kênh truyền thông để làm thương hiệu và bán hàng; một chủ cửa hàng mà bạn tình cờ gặp và trò chuyện; v.v. Cơ hội luôn có ở khắp mọi nơi. Thế nên, thay vì đắm chìm vào câu hỏi quen thuộc và lao đi tìm kiếm khách hàng, bạn hãy thử dành thời gian để “mài” bản thân thành lựa chọn sắc bén nhất. Khi đó, bạn sẽ thấy việc có được job dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng “mài” như thế nào cho hiệu quả? Trong bản tin tuần này, tôi sẽ chia sẻ với bạn những bài học chính tôi đã trải qua sau hơn 1 năm trở thành Solopreneur cung cấp dịch vụ tư vấn và triển khai nội dung.
Nhưng trước tiên, bạn có thể xem video mới nhất của tôi để hiểu hơn về thực tế thị trường việc làm Freelance Copywriting tại Việt Nam.
Để được khách hàng “săn đón” và muốn tiếp tục hợp tác trong nhiều lần nữa, bạn cần phải làm tốt 5 vai trò:
Một cố vấn am hiểu thị trường.
Một fan trung thành của thương hiệu.
Một khách hàng với những insight ẩn sâu đang chờ giải quyết.
Một người viết khéo léo và đáng tin cậy.
Một đối tác chuyên nghiệp.
Cụ thể là như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ!
#1: Một cố vấn am hiểu thị trường
Hãy chấp nhận một thực tế rằng có rất nhiều chủ doanh nghiệp không biết mình muốn gì hay cần làm gì một cách cụ thể. Những yêu cầu họ đưa cho bạn có thể sẽ như thế này:
Tôi muốn có nhiều người biết đến thương hiệu của tôi hơn.
Tôi muốn quảng cáo hiệu quả hơn.
Tôi muốn tăng doanh thu lên X%.
Nhưng họ sẽ khó trả lời được những câu hỏi như:
Mục tiêu tiếp thị bằng nội dung của doanh nghiệp trong giai đoạn này là gì?
Tỷ trọng nội dung muốn phân bổ ra sao?
Và vì không biết cần làm gì, họ mới thường tìm đến một người cố vấn - một chuyên gia có am hiểu về thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực của họ. Họ cần một người có thể đưa ra những nhận định từ việc nghiên cứu, sau đó phân tích và tư vấn cho họ về việc thiết lập mục tiêu đúng hướng, và cuối cùng là gợi ý cách làm để đạt được mục tiêu ấy.
Muốn làm tốt vai trò này, bạn cần:
Chọn được một ngách cụ thể mình muốn theo đuổi.
Dành khoảng 3-6 tháng để tìm đọc các báo cáo về thị trường ngách; liên tục quan sát và phân tích các thương hiệu lớn trong ngách đó.
Kết hợp với các kiến thức truyền thông, tiếp thị khác để đưa ra các nhận định của riêng bạn liên quan tới cách phát triển trong ngách.
Chuẩn bị sẵn được kho kiến thức này, bạn có thể tự tin gặp và tư vấn cho khách hàng.
#2: Một fan trung thành của thương hiệu
Đã rất nhiều lần tôi thấy khách hàng không hài lòng với một người viết nào đó vì cảm thấy họ “không đủ tình yêu cho thương hiệu”. Ở vị trí Content Writer/Copywriter, có lẽ bạn sẽ nghĩ khách hàng thật khó tính, phiền phức. Nhưng hãy thử đặt mình vào vị trí khách hàng. Làm gì có ai không tự hào và yêu sản phẩm do mình đã dày công nghiên cứu và tạo ra, đúng không?
Bây giờ, hãy thử trả lời những câu hỏi đơn giản sau nhé:
Bạn đã chăm chú đọc hết tất cả những tài liệu về thương hiệu/sản phẩm chưa?
Bạn - chính bạn, có cảm thấy đây là một sản phẩm đáng mua hay không?
Bạn có yêu thích một điểm gì ở sản phẩm không?
Mỗi khi viết bài, bạn có háo hức muốn chia sẻ những thông tin thú vị của sản phẩm đến cho người đọc không, hay chỉ viết cho đủ chỉ tiêu?
Trả lời thành thật những câu hỏi này, bạn sẽ tự đưa ra được đáp án cho câu hỏi tại sao khách hàng thường xuyên chưa ưng ý với bài viết của mình.
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện thực tế. Khi tôi được giới thiệu cho một khách hàng là chủ thương hiệu đồ gia dụng, tôi được nghe anh phàn nàn về việc các bài viết của Content Writer cũ đều không toát lên tinh thần yêu sản phẩm. Sau đó, về nhà, tôi viết thử một bài về sản phẩm máy vắt cam - bài viết đã giúp tôi có được job ngay lập tức. Chỉ đơn giản là, trong lúc viết, tôi đã nghĩ:
Sẽ thế nào nếu việc mình đang làm bằng tay giờ có máy hỗ trợ, tiết kiệm được cả thời gian và công sức?
Sẽ thế nào nếu nhờ thế mà mình và gia đình thường xuyên được uống nước cam hơn?
Sẽ thế nào khi cái máy vắt cam đó đủ đẹp đẻ mình tự hào trưng trong căn bếp và “khoe” với bất cứ người khách nào đến chơi nhà?
Tôi thấy những điều đó thật tuyệt vời, và đưa cảm xúc ấy vào bài viết.
#3: Một khách hàng với những insight ẩn sâu đang chờ được giải quyết
Khách hàng sẽ không đi ngang qua gian hàng của bạn, nhìn một sản phẩm và nghĩ: ồ, nó đẹp nhỉ, mình sẽ mua. Họ tìm đến sản phẩm khi có một nhu cầu nào đó cần được giải quyết. Họ khao khát những điều làm cuộc sống của họ tốt đẹp hơn. Và nếu như bạn không đặt mình vào vị trí khách hàng, không nhìn thấy những điểm đau của họ, không gọi tên vấn đề của họ và sau đó cung cấp giải pháp, bạn sẽ khó giúp thương hiệu bán được hàng.
Nhiệm vụ của bạn là “giả dạng” khách hàng nhiều hơn: Quan sát họ, trò chuyện với họ, tìm hiểu và phân tích họ, ghi chép về họ và “đóng vai” của họ để tạo ra nội dung khiến họ quan tâm.
#4: Một người viết khéo léo và đáng tin cậy
Giống như con người, ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu; thương hiệu nào cũng sẽ có những điều muốn khoe ra và cả những thứ muốn hạn chế nhắc tới. Họ sẽ muốn tìm kiếm một người viết có thể:
Giúp họ làm nổi bật các điểm mạnh và lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
Hỗ trợ họ trong việc giảm nhẹ các hạn chế và khéo léo điều hướng sự chú ý của người dùng vào điểm mạnh.
Ví dụ: Một sản phẩm gia dụng chỉ được sản xuất theo công nghệ Đức thì nên tập trung viết về tính năng và công dụng thay vì nhắc nhiều tới xuất xứ. Một sản phẩm có chất liệu kém hơn thì có thể đặt trọng tâm vào giá rẻ và nhu cầu tiêu dùng nhanh. Một sản phẩm không có USP thì người viết chuyển sang khai thác câu chuyện về thương hiệu, v.v.
Luôn có rất nhiều góc độ và khía cạnh về thương hiệu, sản phẩm mà một người viết khéo léo có thể khai thác để đưa vào nội dung.
#5: Một đối tác chuyên nghiệp
Tôi đã gặp nhiều Freelancer cho rằng, mình làm với giá rẻ thì mình có quyền thiếu chuyên nghiệp. Vậy là họ viết bài một cách cẩu thả, không buồn căn chỉnh lại lề khi gửi cho khách, coi việc trễ deadline là thường tình. Nhưng hành động như vậy đã góp phần làm cho họ mãi mãi chỉ dừng lại ở mức giá đó.
“Tiền nào, của nấy” nhưng bạn phải tạo ra “của” tốt thì mới xứng đáng nhận được nhiều tiền hơn. Đến bây giờ, tuy đã ngừng nhận job triển khai nhỏ lẻ để tập trung vào tư vấn chiến lược và đào tạo, nhưng tôi vẫn thường xuyên được khách hàng liên hệ để mời hợp tác. Đáng nói, họ đều là khách hàng cũ tôi đã từng làm việc cùng thời gian trước. Tôi cũng thường xuyên được khen là chỉn chu, chuyên nghiệp. Và đây chính xác là những việc tôi đã làm:
Luôn luôn đúng hẹn. Nếu phát sinh trường hợp bất khả kháng phải sai hẹn, tôi sẽ chủ động trao đổi và đề xuất phương án khắc phục với khách hàng sớm nhất có thể.
Luôn có trách nhiệm với bất kì một nội dung nào mình tạo ra. Có thể giải thích đầy đủ khi khách hàng đặt câu hỏi.
Trình bày khoa học, gọn gàng.
Không bao giờ sai các lỗi cơ bản như chính tả, font chữ, v.v.
Giao tiếp thân thiện nhưng có chừng mực.
Hãy nâng cao tiêu chuẩn làm việc của mình, và bạn sẽ nâng được giá.
Nếu bạn đã sẵn sàng để trở thành một Content Writer/Copywriter chuyên nghiệp và cần một người đồng hành biến ước mơ thành hiện thực, mời bạn đăng ký sớm khóa Becoming a Paid Copywriter 03 - cũng là khóa cuối cùng trong năm 2023 (và còn rất lâu mới lại khai giảng khóa tiếp theo) của tôi TẠI ĐÂY.
Hẹn gặp lại bạn!