#15: 3 điều tạo ra sự khác biệt giữa người viết đắt giá và người viết đại trà.
Trở thành người viết như thế nào là lựa chọn của bạn!
Có một lần, trong buổi trò chuyện với chồng của một người bạn, tôi bị chê “lấy giá quá đắt” khi chia sẻ về mức phí mình yêu cầu khách hàng trả cho mỗi bài viết. Mà ở thời điểm đó, tôi mới chỉ đang rục rịch chuẩn bị cho việc ra làm Freelancer, nên giá vẫn chưa phải quá cao. Tôi khựng lại đôi chút, nhưng cũng không phật lòng. Vì tôi nhận ra “nội dung” mà tôi và anh bạn kia nhắc tới đang khác nhau.
Nội dung ở tầm giá 50 - 100k mà chồng của bạn tôi mang ra so sánh là dạng nội dung cắt ghép từ nhiều nguồn, xào xáo lại đôi chút và đọc lên thấy na ná giống nhau.
Nội dung ở tầm giá của tôi - đắt hơn gấp 4-5 lần, là nội dung được nghiên cứu cẩn thận, viết theo quy trình chuyên nghiệp và hoàn toàn độc đáo.
Những doanh nghiệp không coi trọng Content, chỉ muốn có nội dung tạm bợ để lấp đầy kênh truyền thông của họ sẽ chọn nhóm Content Writer giá rẻ. Họ có thể chọn đại một ai đó trong số danh sách rất dài những người sẵn sàng làm công việc ấy, và cũng có thể nhanh chóng thay một người khác nếu muốn.
Còn các doanh nghiệp hiểu tầm quan trọng của nội dung sẽ sẵn sàng chi trả và khao khát tìm kiếm nhóm người viết giá cao đi kèm chất lượng tương xứng. Họ tôn trọng chất xám của người viết. Họ hiểu ý nghĩa của việc dùng nội dung để xây dựng hình ảnh, tạo ra sự kết nối, và chinh phục khách hàng mục tiêu. Họ cũng có xu hướng gắn bó lâu dài với Content Writer phù hợp.
Vậy ở trong vị trí một người viết - bạn muốn mình sẽ thuộc nhóm nào?
Đương nhiên, tôi biết câu trả lời sẽ là nhóm thứ 2 - vừa được trả công xứng đáng, vừa có tầm quan trọng và giá trị nhất định.
Nhưng vì sao ai cũng muốn trở thành một người viết đắt giá, song số lượng Content Writer thuộc nhóm giá thấp vẫn đông áp đảo?
Đó là bởi phần lớn người viết không biết cách để nâng cấp giá trị bản thân. Vì không biết làm thế nào và bắt đầu từ đâu, nên nhiều bạn Content Writer mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn về cơ hội và giá trị. Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với bạn 3 điều quan trọng tạo ra khoảng cách giữa một người viết đắt giá và người viết đại trà. Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về tương lai mình muốn đi tới.
1) Tư duy người viết
Có thể bạn sẽ nghĩ mình cần có một Portfolio hoành tráng, một bản CV thật lung linh để khoe với cả thế giới về “đẳng cấp” của bạn. Nhưng với tôi, mọi thứ tốt đẹp đều cần xuất phát từ chính bên trong bạn chứ không phải một lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài. Bởi vì chính tôi đã gặp và trực tiếp phỏng vấn nhiều bạn Copywriter có Profile rất “khủng”, nhưng năng lực lại không tương xứng. Và điều nguy hiểm không phải việc người khác đánh giá bạn ra sao, mà là nỗi sợ trong lòng bạn khi bắt tay vào công việc.
Vì vậy, trước khi nghĩ tới chuyện thể hiện với người khác, hãy quay vào bên trong và tự hỏi: bạn đã có tư duy đúng đắn của một người viết chưa? Trước khi viết, bạn có hình dung được chính xác mình cần làm những gì không? Bạn có hiểu bản chất của Marketing và Branding không? Bạn có biết một nội dung quảng cáo thì khác gì với nội dung thông thường không? Nếu như bạn không thể trả lời những câu hỏi ấy, bạn cần bồi đắp lại tư duy của mình.
Bạn không thể là một người viết thành công nếu viết mỗi bài theo cảm hứng hoặc luôn phải “ngó trộm” bài của những người khác để biết mình nên làm thế nào. Một tư duy vững chắc là điều tối quan trọng, để từ đó người viết có thể sáng tạo đa dạng thể loại nội dung và đạt được hiệu quả.
Tất cả những kiến thức liên quan tới nền móng tư duy ấy sẽ được chia sẻ tới các học viên của khóa Effective Copywriting 01 - khai giảng vào cuối tháng 11 của tôi. Trong khóa học, bên cạnh tư duy, bạn cũng sẽ được hướng dẫn kỹ năng, quy trình và cách thức chi tiết để có thể tự tin viết nội dung quảng cáo. Nếu bạn muốn nhận ưu đãi đặc biệt cho 10 học viên đầu tiên, hãy đăng ký ngay tại đây.
2) Chất lượng bài viết
Khi nói về những người viết đắt giá, hầu hết chúng ta đều nghĩ tới kinh nghiệm và danh tiếng của họ. Một người viết lâu năm và có tên tuổi chắc chắn không thể có giá thấp được - tôi đoán là bạn cũng nghĩ vậy. Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện.
Trong thời gian đầu làm Freelancer, tôi được giới thiệu cộng tác với một Digital Agency nhỏ. Họ đã có một cộng tác viên Content lâu năm và quen thân, với mức giá chỉ 100,000 cho mỗi bài. Vì thế, ban đầu, họ khá lưỡng lự khi được giới thiệu tới tôi. Nhưng rồi một ngày, Agency đó nhận một job của thương hiệu lớn với yêu cầu tương đối cao. Họ tìm đến tôi viết thử. Sau một vài bài đầu tiên, tôi chiếm được sự tín nhiệm của họ, và rồi trở thành cộng tác viên được ưu tiên số một khi có job quan trọng.
Xét về thâm niên, mức độ quen thân hay cả chi phí, tôi đều không có ưu thế so với người cộng tác viên cũ.
Vậy đâu là lý do để khách hàng sẵn sàng bỏ ra số tiền cao gấp vài lần cho tôi?
Lợi thế lớn nhất của tôi đến từ chất lượng bài viết.
Người cộng tác viên kia có lối viết rập khuôn do đã dùng đi dùng lại, cách tiếp cận thiếu sáng tạo và nội dung khá cứng nhắc. Tóm lại, họ viết bằng thói quen và cách thức đã viết suốt nhiều năm. Còn khi khách hàng giao dự án cho tôi, mỗi bài viết sẽ là một góc nhìn và cách tiếp cận mới, với mạch bài logic và lối diễn đạt đa dạng.
Như vậy, chất lượng là thứ tôi dùng để thuyết phục khách hàng. Rất đơn giản, nhưng cũng cần rất nhiều nỗ lực.
Dù bạn chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng chưa ai biết đến, bạn vẫn có thể tìm kiếm được những khách hàng tốt chỉ dựa vào việc đầu tư cho chất lượng bài viết của mình. Tất nhiên, đó không phải việc dễ dàng. Bạn sẽ cần phải học cách tư duy ý tưởng, làm chủ cấu trúc, phát triển chi tiết và thu hút người đọc bằng nội dung mình viết ra. Không phải người viết lâu năm nào cũng biết những điều này. Để làm thành thục và tự tin vào nội dung mình viết ra, bạn cần luyện tập một cách có chủ đích, thường xuyên hệ thống hóa lại kiến thức và đối chiếu để rút kinh nghiệm.
Nếu bạn chưa biết thế nào là một bài quảng cáo hiệu quả, bạn có thể tham khảo Copywriting Checklist của tôi. Nếu bạn muốn được hướng dẫn chi tiết từng bước để viết đúng ngay từ đầu, khóa học Effective Copywriting sẽ đáp ứng được nhu cầu đó.
3) Thương hiệu người viết
Tôi đặt hai yếu tố tư duy người viết và chất lượng bài viết lên trước, bởi đó sẽ là những thứ giúp bạn giữ chân người đọc và khách hàng lâu dài. Bên cạnh đó, thương hiệu người viết cũng là điều rất quan trọng, vì nó sẽ giúp bạn tiếp cận đến những khách hàng mới.
Trong Marketing, khái niệm branding được biết đến như một chuỗi các hành động có chủ ý mà thương hiệu tạo ra nhằm tác động tới nhận thức của mọi người về sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu đó (Theo wix.com). Chi tiết hơn, nếu xét trên phương diện của một cá nhân, theo tôi Branding là cách bạn xây dựng hình ảnh và thương hiệu của bạn trong nhận thức của cộng đồng, để từ đó tiếp cận tới nhóm khách hàng mục tiêu.
Là một người viết, chúng ta có rất nhiều cách để xây dựng thương hiệu. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
Sử dụng chính trang Facebook cá nhân hiện tại, bởi đó là kênh bạn đang có nhiều kết nối tới bạn bè, đồng nghiệp, người quen nhất. Nếu bạn sử dụng Facebook cá nhân, hãy tập trung chia sẻ về công việc bạn đang làm, những dự án bạn tham gia, những thành quả bạn tạo ra, v.v.
Thiết lập một kênh chuyên biệt để chia sẻ về công việc. Bạn có thể tạo một trang Fanpage trên Facebook, một tài khoản Instagram, TikTok hoặc một Website, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng đầu tư về thời gian, tiền bạc.
Tạo ra các nội dung chuyên sâu. Nếu bạn đang viết trong một ngách cụ thể và có hiểu biết chuyên môn về ngách đó, bạn có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm: Ebook, Newsletter, sách, Webinar, v.v. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ cho tầm hiểu biết và kiến thức của bạn. Ví dụ, bằng việc xây dựng Newsletter Content Hacks với các nội dung được đầu tư, tôi đã bước đầu thiết lập được hình ảnh tốt với các Subcriber và thể hiện năng lực với các khách hàng, đối tác.
Xuất hiện trong các cộng đồng phù hợp. Hãy lựa chọn một vài cộng đồng có chứa tệp độc giả mục tiêu của bạn, hoạt động tích cực bằng cách chia sẻ, hỗ trợ các thành viên khác. Bạn sẽ dần nhận được sự tin tưởng, yêu mến của mọi người và có thể chuyển hóa họ thành các khách hàng tiềm năng. Tôi đã kết hợp cùng team AFD để tổ chức một Challenge nhỏ liên quan tới Copywriting, đồng thời làm Speaker trong Workshop về chủ đề viết quảng cáo. Và hai trong số những người bạn theo dõi tôi trong các hoạt động ấy đã trở thành học viên đầu tiên của khóa Effective Copywriting.
Luôn làm mọi việc một cách chuyên nghiệp. Nếu bạn được giao cho một công việc - dù nhỏ, hãy luôn đúng deadline và đảm bảo chất lượng tốt nhất trong khả năng. Nếu bạn xuất hiện trước mặt mọi người, dù là trực tiếp hay thông qua các kênh truyền thông, hãy giữ tác phong chỉn chu, nhất quán. Sự chuyên nghiệp của bạn có thể được thể hiện qua nhiều yếu tố: ngoại hình, văn phong, thái độ, các sản phẩm bạn tạo ra,... Chúng chắc chắn sẽ là đòn bẩy để bạn giữ khách hàng cũ và thu hút được thêm khách hàng mới.
Có lẽ đây sẽ là email dài nhất trong số các bản tin tôi từng gửi cho độc giả của Content Hacks. Nhưng tôi hi vọng bạn đã dành thời gian đọc tới cuối cùng, bởi mỗi nội dung trong bản tin này đều là những kinh nghiệm quý giá được chắt lọc trên hành trình làm nghề của tôi. Tôi thực sự hi vọng dù bạn đang làm công việc gì và ở vị trí nào, bạn cũng sẽ có đủ động lực để không ngừng tiến tới vị thế của một người viết đắt giá.
Cảm ơn bạn vì đã đọc!
Thích bài này của em Ánh ghê. Chắc là gần gũi rõ ràng và bổ ích :D
Các bài viết của Ánh đều rất chất lượng, rõ ràng, cụ thể với nhiều ví dụ minh hoạ nên dài mà vẫn đọc đến cuối 😉