#42. Giỏi kỹ năng Storyselling để làm gì? Khám phá những tiềm năng có thể bạn chưa biết.
Những Case Studies cho bạn thấy sức mạnh của Storyselling.
Xin chào bạn,
Thời tiết Hà Nội đang vào những ngày nắng nóng, bạn có ổn không? Hi vọng bạn sẽ dành thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt.
Nếu đã theo dõi các bài viết gần đây của tôi về Storyselling, có thể đâu đó bạn sẽ nảy ra một câu hỏi như thế này: kỹ năng này cũng thú vị thật, nhưng có nhất định phải học không? Và rút cuộc, nếu giỏi Storyselling thì chúng ta có thể làm gì với nó?
Để giải đáp câu hỏi này, hôm nay tôi sẽ phân tích một số Case Study đã thành công nhờ thuần thục kỹ năng Storyselling và gợi ý ứng dụng kỹ năng này vào các mục đích khác nhau. Nếu bản tin khiến bạn muốn mài giũa kỹ năng Storyselling nhiều hơn, đừng quên chỉ còn 4 ngày để mua vé Early Bird cho chuỗi Workshop Kể chuyện gây nghiện - Bán hàng đỉnh cao của cộng đồng BCW nhé!
#1. Chà và Làn - Thế hệ Influencer lớn lên bằng Storyselling
Có lẽ, nếu là người thường xuyên theo dõi mạng xã hội, bạn sẽ biết tới hai nhân vật này. Mình tạm gọi đây là các Influencer lớn lên bằng Storyselling, vì nội dung của họ - kể cả các nội dung bán hàng, đều được thể hiện thông qua những câu chuyện. Phong cách kể chuyện gần gũi, giản dị, dễ mến đã khiến Chà và Làn nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng. Và rồi họ trở thành Influencer, với rất nhiều cơ hội mở ra:
Được trả tiền để sáng tạo các nội dung PR cho nhãn hàng và đăng tải trên kênh của mình.
Được offer các công việc liên quan, như sáng tạo nội dung, xây dựng fanpage, v.v - là những thứ chính họ đã có kinh nghiệm thực tế.
Thuận lợi hơn trong việc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, dự án cá nhân khác.
Đầu tiên, cùng ngó qua nhà Làn nhé.
Những gì Làn đang sở hữu:
Trang cá nhân 32,000 Followers và Fanpage Tivi của bố với hơn 500,000 người theo dõi.
2 cuốn sách đã xuất bản.
Một Creative agency cung cấp các dịch vụ sáng tạo nội dung và Booking.
Khóa học kể chuyện - kết hợp cùng Chà.
Theo những gì tôi quan sát, Làn là cô bé có cá tính, giàu năng lượng, nhiều tài lẻ. Nhưng không thể phủ nhận sự thành công của Làn có xuất phát từ kỹ năng Storytelling, mà sau này được chuyển hóa thành Storyselling rất mượt mà. Ban đầu, mọi người thích Làn vì những câu chuyện Làn kể. Sau này, mọi người tìm đến Làn để được giúp sáng tạo những câu chuyện, hoặc học cách kể những câu chuyện. Một quy trình đơn giản nhưng rất hợp lý, đúng không?
Nhân vật thứ hai là Chà - người giảng viên còn lại trong khóa học kể chuyện của Làn.
Tôi hay thấy mọi người share bài của Chà, vì hình dễ thương và nội dung dễ gần. Chà hiếm khi nói chuyện gì xa xôi, chủ yếu là chia sẻ về cuộc sống đời thường. Nhưng những chia sẻ ấy lại được đón nhận, vì chúng chạm tới nhiều người. Không phải câu chuyện nào của Chà cũng có twist hay cao trào, nhưng Chà vẫn rất đông fan. Tất cả là vì, Chà có kỹ năng kể chuyện tốt.
(Một bài giới thiệu để nhận booking của Chà)
Nhờ kỹ năng này, Chà đã phát triển ra sao?
Trang cá nhân 85,000 người theo dõi.
Ra mắt cuốn sách của riêng mình.
Mở lớp đào tạo kỹ năng kể chuyện (giống như Làn).
Nhận các bài booking, tạo thêm thu nhập bên cạnh công việc kinh doanh.
Đây là 2 trong số nhiều case Influencer được yêu mến bởi kỹ năng Storytelling/Storyselling. Điều này chứng tỏ độc giả vẫn dành sự yêu thích rất lớn cho thể loại nội dung này. Và, nếu bạn viết tốt, biết đâu đấy - chính bạn cũng có thể trở thành một Influencer?
#2. Di tích nhà tù Hỏa Lò - “hiện tượng” Storyselling thúc đẩy doanh số
Bất cứ ai trong giới Content Marketing cũng biết tới DTNTHL. Tất nhiên, nhiều người từ các ngành nghề khác cũng yêu thích và theo dõi fanpage này. Thậm chí, năm 2021, DTNTHL còn được báo chí ca ngợi là “Fanpage kỳ lân của Content Marketing thế hệ mới”.
Năm 2020, khi các địa điểm thăm quan, du lịch khác bị ngưng trệ hoạt động do Covid-19, DTNTHL đã nhân cơ hội này để tập trung làm truyền thông và gây được tiếng vang lớn. Tính đến hiện tại, fanpage này đã có 279,000 Followers và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
(Một post dưới dạng Storyselling trên fanpage DTNTHL)
Theo thống kê, vào dịp lễ 30/4 - 1/5 năm 2022, Di tích nhà tù Hỏa Lò đã đón lượng khách tăng mạnh, lên tới hơn 4000 lượt. Các tour thăm quan trong năm 2023 cũng thường xuyên “cháy vé”. Đặc biệt, thay vì chỉ thu hút được đối tượng khách hàng trung niên như trước kia, giờ đây phần lớn người tới thăm quan DTNTHL là bộ phận các bạn trẻ 8x, 9x. Tất cả những dữ liệu này đã cho thấy sự thành công của chiến lược Content Marketing mà DTNTHL thực hiện, trong đó một phần không nhỏ được viết theo lối Storyselling.
Bạn thấy đấy, một sản phẩm “khó nhằn” như vậy mà còn làm được, thì đâu có lý do gì ngăn cản việc bán hàng như “vũ bão” nhờ kỹ năng Storyselling nữa?
#3. SChannel - Những câu chuyện nuôi dưỡng sự phát triển của một business suốt 9 năm
Tín đồ công nghệ không có ai là không biết tới Schannel, dưới sự sáng lập và dẫn dắt của anh Nguyễn Huy. Từ mục đích ban đầu là tạo một kênh Youtube để hỗ trợ bán hàng cho chuỗi CellphoneS, Schannel đã trở thành một kênh giải trí được yêu thích, tới nỗi anh Nguyễn Huy quyết định rời khỏi CellphoneS để tập trung phát triển business này. Tới hiện tại, kênh Youtube Schannel đã có gần 4 triệu người theo dõi, kênh TikTok có gần 2 triệu Followers.
Nếu ghé thăm các trang này, bạn sẽ thấy các nội dung đều được lồng ghép câu chuyện, ví dụ như: biến việc quảng cáo điện thoại màu tím của Oppo thành một cuộc thi đoán màu sắc điện thoại các thành viên Schannel giữa nhân viên và sếp; quảng cáo TV thông qua một thử thách gợi ý tình tiết và đoán tên phim; quảng cáo thuốc trong một kịch bản cả công ty đồn sếp nghỉ hưu sớm vì trí nhớ kém, v.v. Storyselling chính là kỹ năng đã được các thành viên Schannel sử dụng triệt để nhằm khiến các nội dung trở nên hấp dẫn hơn, đến gần hơn với người xem.
Cũng từ thành công của kênh chính thức, Schannel tiếp tục phát triển theo mô hình một công ty truyền thông quảng cáo và quản lý tài năng, với hơn 30 nhà sáng tạo nội dung trực thuộc. Trong đó, có nhiều cái tên nổi tiếng như Duy Thẩm, Tân Một Cú, Hôm nay ăn gì,...
(Danh sách các Content Creators trực thuộc Schannel - ảnh: cafebiz)
Hiện giờ, với sự lên ngôi của video ngắn, rất nhiều thương hiệu cũng ráo riết chuyển các nội dung quảng cáo sang những kịch bản ngắn để sản xuất video trên các nền tảng như Instagram, TikTok. Để làm được việc này, kỹ năng Storyselling là điều không thể thiếu.
Tóm lại thì, có rất nhiều cơ hội mở ra cho bạn nếu bạn giỏi kỹ năng Storyselling:
Sáng tạo nội dung thúc đẩy việc bán hàng ở nhiều định dạng: bài post, bài Blog, Email, video, Sales Page…
Xây dựng tệp độc giả trung thành, tăng khả năng chuyển đổi.
Trở thành Influencer, đa dạng hóa nguồn thu nhập.
Trong bối cảnh AI ngày càng tân tiến, bồi đắp kỹ năng kể chuyện bán hàng chính là cách giúp bạn tạo ra sự khác biệt, thoát khỏi nỗi lo bị đào thải. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, tôi tin rằng bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong chuỗi Workshop Storyselling, được thực hiện bởi cộng đồng Better Commercial Writing và chuyên gia Đoàn Trang. Bạn muốn trở thành Early Bird mua được vé ưu đãi, hay ngậm ngùi tiếc nuối khi mọi thứ đã quá muộn?
Vậy là chúng ta đã đi qua hết nội dung của bản tin tuần này. Bạn có câu hỏi nào muốn đặt ra cho tôi không? Hãy để lại bình luận nhé!