#97. Thought Leadership Content - dạng nội dung giúp bạn khẳng định vị thế khác biệt.
Khó nhưng hoàn toàn xứng đáng.
Trong thời đại ngày nay, bất cứ ai hay thương hiệu nào cũng đều khao khát tạo ra sự khác biệt. Sự khác biệt giúp thương hiệu được biết đến, được ghi nhớ và được yêu thích. Từ đó, việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Nhưng sự khác biệt đến từ đâu?
Từ cá tính và Brand Voice của thương hiệu?
Từ góc nhìn và cách làm tiếp thị?
Từ sản phẩm?
Từ chuyên môn?
Tất nhiên, cần phải có sự kết hợp của rất nhiều yếu tố mới giúp một thương hiệu trở nên khác biệt và ấn tượng. Tuy nhiên, tôi cũng đã từng gặp rất nhiều cá nhân/thương hiệu tuy đã hội tụ đủ những điều trên, song vẫn chưa thành công trong việc xây dựng nhận diện hay đến gần hơn với người đọc. Khi tư vấn cho họ, tôi thường định hướng họ hãy thử chuyên tâm hơn với Thought Leadership Content. Với cá nhân tôi, đây là một dạng nội dung có sức mạnh to lớn trong việc khẳng định vị thế thương hiệu và thực sự tạo ra sự khác biệt so với các thương hiệu khác. Trong bản tin tuần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Thought Leadership Content và cách ứng dụng loại nội dung này.
Thought Leadership Content là gì?
Đây là một định nghĩa tôi thấy khá chính xác từ tổ chức Gather Content: “Thought leadership content refers to unique opinion or viewpoint pieces—created by subject matter experts—that inform, educate, or entertain.”
Tạm dịch: Thought leadership content là các nội dung bao hàm một góc nhìn hay quan điểm độc đáo được tạo ra bởi chuyên gia trong lĩnh vực đó, với mục đích để chia sẻ thông tin, giáo dục độc giả hoặc để giải trí.
Nói một cách chi tiết hơn, thought leadership content hội tụ các đặc điểm sau:
Chia sẻ một thông tin độc đáo. Sự độc đáo đó có thể đến từ chủ đề, hoặc từ góc nhìn của người viết về chủ đề đó. Thay vì việc nói đi nói lại những nội dung đã được rất nhiều người khác chia sẻ, thought leadership content cung cấp cho người đọc những góc nhìn thực sự mới mẻ. Thậm chí, nhiều người đọc còn kỳ vọng rằng thought leadership content sẽ thách thức những suy nghĩ và hiểu biết trước đây của họ.
Tập trung vào việc phục vụ độc giả. Để được tiêu thụ, gần như tất cả các nội dung đều phải cung cấp một giá trị gì đó cho người đọc. Tuy nhiên, điểm khác biệt của thought leadership content là không được tạo ra nhằm mục đích bán hàng hay mang lại lợi nhuận cho người viết, mà chỉ tập trung hoàn toàn vào việc trao quyền cho người đọc. Bên cạnh các kiến thức, thể loại nội dung này còn khơi gợi cảm xúc một cách mãnh liệt và tạo ra sự kết nối sâu sắc với độc giả.
Được tạo ra bởi người có chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể. Giả sử, bạn là một Content Writer đa kênh và đa lĩnh vực. Bạn có đầy đủ các kỹ năng, từ nghiên cứu thông tin, tới chọn cấu trúc và hoàn thiện một bài viết chỉn chu. Tuy nhiên, hiểu biết của bạn đối với mỗi lĩnh vực dừng ở bề mặt. Nghĩa là, bạn biết các khái niệm thường được sử dụng, nắm rõ các thuật ngữ chuyên môn, biết những kiểu nội dung hay được dùng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, bạn không thực sự chìm sâu trong đó để hiểu chuyện gì đang diễn ra, thị trường đang thay đổi theo chiều hướng thế nào hay khách hàng đang tìm kiếm điều gì. Trong trường hợp đó, bạn có thể tạo ra rất nhiều các nội dung cho SEO Post, Social Post, nhưng bạn không thể tạo ra Thought Leadership content. Dạng nội dung này yêu cầu người viết ra phải là người có hiểu biết chuyên môn, có kinh nghiệm cũng như những trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực đó. Chỉ khi ấy, nội dung mới đủ sâu sắc và đủ gai góc cũng như mang lại giá trị to lớn cho người đọc.
Thought Leadership Content sẽ phát huy tác dụng trong những trường hợp nào?
Như tôi đã phân tích phía trên, không phải ai cũng có thể tạo ra Thought Leadership Content. Đồng thời, cũng không phải cá nhân hay doanh nghiệp nào cũng cần đến dạng nội dung này. Thought Leadership Content sẽ phù hợp nhất với những thương hiệu: