#24. 3 thiên kiến của người đọc giúp bạn x3 hiệu quả nội dung.
Hiểu mình, hiểu người, trăm trận trăm thắng!
Xin chào bạn!
Hi vọng tuần làm việc đầu tiên trong năm 2023 của bạn trôi qua suôn sẻ. Tôi đã khởi đầu năm làm việc mới với một vài tin vui, liên quan tới những dự án mới và khách hàng mới. Nếu bạn đang làm việc tại Corporate, tôi mong bạn sẽ tìm ra nhiều cách để nâng cao kỹ năng của mình, hướng tới những vị trí cao hơn. Nếu bạn đang là một Freelancer (giống như tôi), tôi cũng chúc bạn gặp được những khách hàng trân trọng giá trị của mình.
Giờ thì chúng ta cùng đến với nội dung của bản tin số 24 - bản tin miễn phí đầu tiên trong năm 2023 nhé!
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với bạn về thiên kiến của người đọc. Tại sao ư? Bởi vì viết lách không đơn thuần là việc chúng ta kết nối những câu chữ, trau chuốt cho chúng thật mượt mà và đăng tải. Viết lách, đặc biệt là viết thương mại, là một hành trình của nghiên cứu - phân tích - tìm ý tưởng - vận dụng các kỹ thuật. Chúng ta viết nội dung cho người đọc, nên tìm hiểu về tâm lý của họ là một việc rất nên làm. Tôi đã đọc được một bài viết rất thú vị về thiên kiến con người tại Newsletter Content Writer’s Digest, và vào dịp năm mới này, tôi nghĩ đây sẽ là chủ đề thích hợp để bạn bắt đầu tìm hiểu.
Trước tiên, có lẽ bạn sẽ hỏi, “thiên kiến” (bias) nghĩa là gì?
Nói một cách dễ hiểu và ngắn gọn, “thiên kiến” là xu hướng đưa ra quyết định hoặc diễn giải sự việc theo một quan điểm nào đó, bao gồm cả việc từ chối xem xét các góc nhìn khác với niềm tin sẵn có. Thiên kiến là hiện tượng tâm lý phổ biến ở tất cả mọi người, và thiên kiến sẽ khiến chúng ta chọn lọc thông tin phù hợp với niềm tin sẵn có một cách vô thức. Trong phần sau của bản tin, tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ để cụ thể hóa khái niệm này.
Bây giờ, hãy cùng tìm hiểu 3 thiên kiến thường gặp và cách vận dụng chúng khi sáng tạo nội dung.
Thiên kiến xác nhận (Confirmation Bias)
Đây là khuynh hướng của con người khi ưa chuộng những thông tin giúp xác nhận lại các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ (theo Wikipedia).
Ví dụ: Trong xã hội luôn có những vấn đề nhận được các luồng ý kiến mạnh mẽ từ 2 chiều. Một trong số đó là câu chuyện về Vaccine. Nhóm ủng hộ Vaccine sẽ chỉ đọc những nội dung chứng minh Vaccine có tác động tích cực đến thế giới ra sao, trong khi đó nhóm phản đối cũng sẽ chỉ tiếp nhận các thông tin liên quan tới tác hại của Vaccine lên cơ thể con người. Vì vậy, các bài viết hay cộng đồng liên quan tới chủ đề này cũng sẽ thu hút một trong hai nhóm đối tượng chứ không thể ảnh hưởng tới cả hai.
Vậy thiên kiến xác nhận liên quan gì tới nội dung?
Để viết nội dung hiệu quả và có chiều sâu, trước tiên, bạn hãy cố gắng xác định xem niềm tin của độc giả mục tiêu là gì. Hãy cố gắng đảm bảo rằng những thông tin bạn đưa ra không trực tiếp phản đối những niềm tin đó của họ. Nếu cần đưa ra một ý kiến trái chiều, hãy viết khách quan và khéo léo nhất có thể. Việc này sẽ giúp bạn giữ chân được người đọc lâu hơn và tăng khả năng thuyết phục họ tin vào điều bạn đang muốn nói.
Thiên kiến tự phục vụ (Self-serving Bias)
Đây là thói quen thường gặp của con người: ghi nhận bản thân cho các kết quả tích cực, nhưng lại tìm cách đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài khi nhận được kết quả tiêu cực. Thói quen này gần như một phản xạ tự nhiên, nhằm duy trì và nâng cao lòng tự trọng hoặc các giá trị bản thân.
Ví dụ: Người viết nội dung nào cũng có những bài viết được đón nhận nồng nhiệt và những bài khác “rơi vào tĩnh lặng”. Với bài viết được đón nhận, chúng ta sẽ thường ngầm ghi nhận bản thân bởi ý tưởng sáng tạo, cách dẫn dắt thú vị, v.v. Ngược lại, khi các bài viết “flop”, chúng ta lại có xu hướng suy luận rằng có thể thuật toán Facebook đang có vấn đề, người đọc đang bị thu hút bởi một sự kiện khác, v.v.
Tuy không thể khẳng định tất cả mọi người đều nghĩ như vậy trong mọi trường hợp, nhưng đây vẫn là một thiên kiến tương đối phổ biến.
Chúng ta có thể làm gì với thiên kiến này?
Bạn có hai cách để sáng tạo nội dung dựa trên thiên kiến tự phục vụ:
Tìm ra các tác nhân bên ngoài có thể gây ảnh hưởng tới kết quả mà người dùng nhận được, bày tỏ sự thông cảm với họ và đưa cho họ phương án khắc phục.
Trao cho người đọc sự ghi nhận với những nỗ lực của họ, cùng việc tăng cường khả năng cũng như cơ hội thành công của họ thông qua sản phẩm của bạn.
Thiên kiến mỏ neo (Anchoring Bias)
Đây là dạng thiên kiến nhận thức khiến một cá nhân bị ảnh hưởng lớn bởi mẩu thông tin ban đầu họ được cung cấp cho một chủ đề nào đó. Các phán đoán tiếp theo trong quá trình đưa ra quyết định của họ sẽ bị tác động bởi thông tin ban đầu kia.
Thiên kiến này được tận dụng rất nhiều trong Marketing & bán hàng.
Một ví dụ điển hình nhất bạn có thể thấy là các đợt giảm giá. Các cửa hàng sẽ đều in tem dán mức giá ban đầu của sản phẩm, và bên cạnh là mức giá sau giảm. Khi nhìn vào đó, khách hàng sẽ có cảm giác thỏa mãn vì nghĩ rằng nếu mua sản phẩm này, họ sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Đó là một trong những yếu tố lớn thúc đẩy họ đưa ra quyết định thanh toán.
Thiên kiến này có thể ứng dụng trong nội dung như thế nào?
Trước khi đưa ra mức giá thực tế của sản phẩm, bạn hãy cố gắng tìm nhiều cách để khách hàng tin rằng giá trị sản phẩm lớn hơn như vậy nhiều lần. Như vậy, khi tiếp nhận mức giá thực tế, phần lớn trong số họ sẽ có cảm giác mình đang được “hời”. Một số gợi ý là:
Đưa ra giá gốc trước khi công bố ưu đãi và giá thực tế
Đưa ra giá đối chiếu của một số sản phẩm tương tự
Đưa ra tổng chi phí nếu mua lẻ và giá bán Combo
…
Ví dụ, với khóa học Effective Copywriting của tôi, nếu tách riêng chi phí của từng hạng mục, chúng có giá trị lên tới 21,250,000 VND. Tuy nhiên, trong khóa học, học viên sẽ được nhận tất cả những quyền lợi đó chỉ với học phí 5,000,000 VND. Đây là sự thật, nhưng cách đưa ra thông tin này cũng là một nghệ thuật để kích thích người đọc đưa ra hành động.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho bản tin đầu năm mới của Content Hacks. Quà tặng cho người đọc trả phí sẽ chỉ được áp dụng tới 15/1/2023, đừng bỏ lỡ!
Nguồn thông tin tham khảo:
https://phanphuongdat.com/2021/01/17/phan-biet-dinh-kien-thanh-kien-va-thien-kien/