#12: Cải thiện tính thuyết phục của bài viết là mấu chốt giúp bạn thực sự tạo ra chuyển đổi.
Làm sao để khiến khách hàng tin vào điều bạn đang cố nói?
Khi đi mua sắm ngoài chợ, các bà nội trợ thường có thói quen hỏi người bán hàng những câu như: “Cam này có ngọt không đấy?” “Thịt tươi hay ôi đấy?” Và rõ ràng, hầu hết người bán hàng nào cũng nhanh nhảu khen sản phẩm của mình, để thúc đẩy khách đưa ra quyết định mua cuối cùng. Nhưng tất nhiên, không phải lời khen nào từ người bán hàng cũng phản ảnh đúng sự thật về chất lượng món hàng. Dần dần, khi nhận ra sự thiếu trung thực của người bán hàng, các bà nội trợ có hai xu hướng:
Thử ngay tại chỗ những gì có thể thử được (như là sờ, ngửi, nếm…)
“Cạch mặt” những người bán sản phẩm không tốt nhưng lại khen hết lời, và trở thành khách hàng quen thuộc của những người thật thà hơn.
Khi bạn viết nội dung quảng cáo, bạn cũng giống như người bán hàng ngoài chợ. Dù không có khách hàng nào đứng trước mặt bạn, song khi đọc bài viết của bạn, chắc chắn trong đầu họ cũng nảy sinh rất nhiều hoài nghi:
“Liệu thực tế có đúng như những gì được quảng cáo không?”
“Tôi dựa vào đâu để tin vào những điều này?”
“Chắc lại bịa ra để bán hàng chứ gì!”
Nhiệm vụ của bạn là dùng ngòi bút của mình để lần lượt tháo gỡ những hoài nghi đó. Khách hàng chỉ quyết định mua khi cảm thấy được thuyết phục. Nhưng bạn không giống người bán hàng ngoài chợ, không thể đưa cho họ thử một miếng cam để biết ngọt hay chua. Là một người viết chân chính, bạn cũng sẽ không muốn thổi phồng quá đà về sản phẩm để khách hàng “một đi không trở lại”. Vậy phải làm sao để “chinh phục” khách hàng một cách khéo léo thông qua nội dung?
Trong bản tin số 12 hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn các bạn một vài cách thức.
Muốn có được khách hàng, trước tiên bạn cần hiểu họ.
Đây là điều tôi đã nhắc vô số lần trong các bản tin của mình, nhưng vẫn thấy khá nhiều người bỏ qua. Nếu bạn là Content Writer nhưng lại không bắt đầu bài viết từ nhu cầu của khách hàng, bạn khó có thể thành công. Hiểu khách hàng muốn gì và cần gì là bước đầu tiên để bạn tung ra những thông tin khiến họ phải quan tâm.
Để tôi lấy một ví dụ cho bạn dễ hiểu hơn.
Hôm vừa rồi, tôi tìm mua giày cho con gái trên shopee. Cùng một kiểu dáng, có rất nhiều shop cùng bán. Ban đầu, ý định của tôi là tìm một shop tại Hà Nội để nhanh chóng được nhận hàng. Tuy nhiên, tôi lại tìm thấy một shop ở Trung Quốc với số lượng review tích cực cao hơn và giá cũng thấp hơn đáng kể. Trong lúc đang phân vân xem nên mua ở đâu, tôi lướt nhanh phần giới thiệu sản phẩm của họ. Và đây, một câu duy nhất đã khiến tôi quyết định nhấn nút đặt hàng.
“Hàng luôn sẵn, giao ngay trong vòng 24h”.
Rõ ràng, shop nước ngoài này hiểu khách rất rõ. Khi mua hàng online, điều người mua quan tâm nhất không phải là giá rẻ hơn bao nhiêu, mà là có thể nhận hàng sau bao lâu. Cam kết này của họ cộng với các đánh giá ở dưới về việc mua quốc tế nhưng giao nhanh như ở Việt Nam đã khiến tôi hoàn toàn bị thuyết phục.
Quay trở lại với bài viết thương mại của bạn. Bạn cũng hoàn toàn có thể làm được như ví dụ nêu trên, nếu bạn nghiên cứu kỹ khách hàng của mình và biết họ cần gì, muốn gì. Sau đó, nhiệm vụ tiếp theo của bạn là…
Chọn lọc thông tin thực sự có giá trị
Đây là một lưu ý mà tác giả Victor O. Schwab dành cho người đọc trong cuốn sách “Nghệ thuật viết quảng cáo”. Đây cũng là điều tôi từng chia sẻ với bạn trong bản tin số 8. Hầu hết những người làm ra sản phẩm đều cho rằng sản phẩm của mình tốt nhất, tối ưu nhất, hiện đại nhất, đẹp đẽ nhất. Tuy nhiên, khi viết quảng cáo, chúng ta cần có một cái nhìn thực tế. Có một số điều sau bạn cần lưu ý:
Khách hàng sẽ không quan tâm tới tất cả thông tin của sản phẩm.
Mỗi nhóm khách hàng khác nhau sẽ để ý tới những thông tin khác nhau.
Thông tin đưa vào nội dung không phải để thỏa mãn người viết, mà để trả lời câu hỏi của người đọc.
Bất kỳ thông tin nào không đóng vai trò bổ trợ cho thông điệp chính của bài viết đều có thể bỏ đi.
Nhìn chung, khi chọn lọc thông tin để sử dụng, bạn cần lưu ý tới một vài tiêu chí:
Tính trung thực (để tránh khiến khách hàng mua một lần rồi từ bỏ chúng ta mãi mãi).
Tính liên quan (để tránh trình bày dài dòng nhưng lại không chứng minh được điều cần nói).
Tính cụ thể (để tránh việc sản phẩm bị nhầm lẫn với hàng tá sản phẩm tương tự khác).
Sau khi đã chọn lọc được những thông tin cần thiết, hãy tiếp tục với việc…
Tung ra bằng chứng để xây dựng lòng tin với độc giả
Hãy nhớ lại những lần bạn đi mua cam ngoài chợ. Sau khi khẳng định với bạn rằng cam rất ngọt, người bán hàng thường nói gì thêm nữa?
Cam này trồng ở Cao Phong, vừa mới hái mang xuống đêm qua ⇒ bằng chứng về nguồn gốc.
Tôi bán cam này 5 năm rồi, chưa thấy ai chê cả! ⇒ bằng chứng về kinh nghiệm.
Hôm qua có một chị khách mua thử 1kg, rồi sau quay lại lấy thêm 5kg vì ngon quá đấy! ⇒ bằng chứng về cảm nhận của khách hàng khác.
Nếu chị mang về ăn mà thấy không ngon, tôi trả lại tiền! ⇒ bằng chứng về sự cam kết.
Thông thường, những lời nói trên sẽ rất có khả năng khiến người mua động lòng, rút ví ngay lập tức. Bạn thấy không, những người bán hàng điêu luyện thực ra cũng là các Copywriter đại tài!
Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi cách họ đang làm để đưa vào bài viết của mình. Với mỗi thông tin bạn đưa ra, hãy cung cấp bằng chứng cho chúng, đồng thời giải thích công dụng mà chúng có thể đem lại cho người dùng.
Có rất nhiều loại bằng chứng bạn có thể sử dụng trong bài viết của mình:
Bằng chứng về nguồn gốc, xuất xứ
Bằng chứng về lịch sử hình thành
Bằng chứng về thành phần (nguyên liệu, cấu tạo…)
Bằng chứng về uy tín (chứng chỉ, chứng nhận, bằng cấp…)
Bằng chứng về kinh nghiệm
Bằng chứng về phản hồi từ khách hàng
Bằng chứng về sự cam kết (chế độ bảo hành, 1 đổi 1,...)
…
Đó là những phương pháp tôi muốn chia sẻ với bạn trong bản tin hôm nay. Tôi biết rằng từ lý thuyết đến thực hành là cả một chặng đường dài, với nhiều khó khăn đột ngột xuất hiện. Vì vậy, trong buổi Workshop miễn phí sắp tới đây về Câu chuyện đằng sau những bài bán hàng hiệu quả, tôi sẽ chia sẻ kỹ hơn về cách áp dụng những lý thuyết kể trên vào thực tiễn. Bạn sẽ thấy việc viết quảng cáo thực ra không quá khó khăn, mà còn có thể trở nên rất thú vị nữa! Ngoài ra, nếu đăng ký buổi Workshop, ban cũng sẽ nhận được quà mang về là một bảng Checklist chi tiết để đánh giá chất lượng bài quảng cáo. Đăng ký ngay nếu bạn quan tâm nhé!
Cảm ơn bạn đã đọc đến cuối bản tin. Sự ủng hộ, những lượt like, comment và share của bạn là động lực để tôi tiếp tục phát triển Content Hacks ngày càng chất lượng hơn. Đừng ngại để lại tương tác nếu bạn thấy bài viết này hữu ích!
Bài viết thú vị và bổ ích lắm Ánh ạ, rất cụ thể và rõ ràng ý. Cảm ơn em!