#21. Nếu bạn lo sợ AI và khủng hoảng kinh tế sẽ “cướp” mất công việc viết lách của mình, hãy đọc bài viết này.
Để trở thành một người viết bền vững.
Bạn có muốn trở thành một người viết không-thể-bị-thay-thế?
Có lẽ ⅔ trong số những người nhận được câu hỏi này sẽ trả lời là “Có”.
Nhưng rất tiếc, tôi cho rằng gần như không có ai là không thể bị thay thế. Một vị Tổng thống - dù tài giỏi đến đâu, cũng phải đối mặt với việc rời bỏ chiếc ghế quyền lực sau một vài nhiệm kì. Một người CEO từng “hô mưa gọi gió”, cũng hoàn toàn có thể bị bãi nhiệm và rời khỏi công ty với hai bàn tay trắng. Trong giới giải trí, chỉ cần ngừng hoạt động một thời gian hoặc xảy ra scandal, nhiều thần tượng từng có hàng triệu fan hâm mộ cũng bị khán giả quay lưng và dần rơi vào quên lãng. Trong nghề viết cũng vậy. Khi một người ngừng chia sẻ, cộng đồng của họ sẽ dần biến mất. Không ai có thể đứng mãi ở đỉnh vinh quang (trừ khi họ tiếp tục trèo lên đỉnh mới). Thế nên, tôi cho rằng tham vọng trở thành một người viết không thể bị thay thế là không thực tế và cũng không cần thiết.
Bạn không cần trở thành người không ai thay thế được.
Bạn chỉ cần trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, đủ khả năng để tự mở ra những cơ hội mới khi con đường cũ đã không còn phù hợp.
Trước khi bắt đầu khóa học Effective Copywriting, tôi nhận được một câu hỏi rất thú vị của học viên: Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế này, ngoài kỹ năng viết, Writer cần làm gì để tồn tại và phát triển?
Dạo gần đây, khi lướt đọc tin tức, tôi cũng thấy rất nhiều người viết bày tỏ nỗi quan ngại về khả năng viết content của AI.
Tóm gọn lại, một nhóm người viết đang có tâm lý lo sợ, hoang mang về triển vọng của nghề trong tương lai.
Tất nhiên, đó là những nỗi lo lắng chính đáng.
Tuy nhiên, trong bản tin tuần này, tôi sẽ chỉ ra cho bạn thấy tại sao chúng ta không cần quá lo lắng và tặng bạn một danh sách những việc có thể làm để nâng cấp trình độ của bản thân.
AI có thể làm được những gì?
Tính đến hiện tại, AI có thể viết các loại nội dung khá đa dạng: Từ Blog post, bài Website chuẩn SEO tới Social Post, bài quảng cáo và cả Email.
Khi sử dụng những công cụ này, việc của bạn là “ra lệnh” cho AI bằng cách cung cấp các thông tin cần thiết và đợi kết quả.
Tôi đã thử dụng thử một số Tool viết bằng AI và nhận thấy AI có những ưu điểm sau:
Tốc độ nhanh, sau 1-2 phút đưa đề bài là đã có đáp án.
Đảm bảo về ngữ pháp, chính tả, cấu trúc câu.
Thông tin sắp xếp có logic và khoa học.
Nhìn chung, nội dung cho AI tạo ra trao cho người đọc trải nghiệm tương đối dễ chịu.
Còn dưới đây là một vài điều AI chưa làm được (theo quan điểm của tôi):
Sản xuất nội dung bằng tiếng Việt.
Sản xuất nội dung nhắm trúng vào insight khác biệt của từng đối tượng người dùng.
Sản xuất nội dung sáng tạo.
Đương nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tôi biết các công cụ AI sẽ tiếp tục được cải tiến rất nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc AI có thể làm mọi thứ mà một người viết tốt sẽ làm. Hãy cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo nhé!
Những thứ mà AI không thể (hoặc sẽ mất rất nhiều thời gian) để làm được
Dù rất hiện đại, song AI không phải một công nghệ toàn năng. Dưới đây là những thứ mà AI chưa thể đuổi kịp con người.
Thấu hiểu cảm xúc con người
Bạn là người trực tiếp quan sát, gặp gỡ, lắng nghe khách hàng. Bạn biết mơ ước, cũng biết nỗi đau của họ. AI thì không làm được điều này. Bạn có nhiều trải nghiệm sống động mà AI cũng không có. Vì vậy, những nội dung do một Copywriter giỏi viết ra chắc chắn sẽ giàu cảm xúc và có khả năng chạm tới độc giả tốt hơn.
Am hiểu sâu sắc với thị trường, ngành hàng và khách hàng
Cùng một lãnh thổ Việt Nam, mỗi vùng miền lại có vô vàn khác biệt trong văn hóa. Ví dụ, khách hàng ở khu vực miền Bắc ưa những nội dung tinh tế, trong khi ở thị trường miền Nam, khách hàng lại thích sự trực diện và gần gũi. AI không thể “chung sống” với khách hàng như bạn, để hiểu về những thói quen, tập quán khác biệt ấy.
Với một ngành hàng cũng vậy. Sự am hiểu của AI sẽ chỉ dừng lại ở các tài liệu thu thập được trên Internet, hoàn toàn thiếu trải nghiệm thực tế. Do đó, nội dung AI viết ra cũng sẽ khó để đạt tới chiều sâu mong muốn của thương hiệu.
Tầm nhìn chiến lược
AI không phải một người trong tổ chức của bạn, vì vậy AI sẽ không thể biết mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược dành cho từng đối tượng khách hàng là như thế nào. Đặc biệt, AI cũng chưa có khả năng phân tích Customer Journey để biết nên nói thông điệp gì với khách hàng trong từng giai đoạn mua hàng.
Sáng tạo
Sự sáng tạo của AI sẽ chỉ dừng lại ở việc đảo lộn thứ tự thông tin, thay đổi một vài chi tiết trong nội dung. Trong khi đó, sự sáng tạo của con người là vô hạn. Bạn có thể viết nội dung dưới dạng Storytelling, nội dung bắt trend, nội dung cảm động - còn AI không thể làm được điều đó.
Sở hữu màu sắc riêng biệt
Nếu bạn sử dụng AI để viết bài, dù có thay đổi phần Tone of Voice, kết quả trả về vẫn na ná giống nhau. AI không thể tạo ra những nội dung với màu sắc riêng biệt để thiết lập sự nhất quán cho văn phong của bạn hoặc của thương hiệu. Trong bối cảnh độc giả đều rất quan tâm tới cảm xúc, sự thiếu hụt này sẽ tác động tiêu cực đến khả năng kết nối với người đọc.
Chiến lược dành cho Content Writer và Copywriter
Vậy thì không lẽ chúng ta cứ mặc kệ AI và tiếp tục làm một người viết như trước giờ vẫn làm? Tôi thì cho rằng không phải như vậy. Dù chưa tạo ra những thay đổi lớn tại thị trường Việt Nam, song AI vẫn được dự đoán là sẽ có thể thay thế vị trí của nhiều Content Writer/Copywriter trong tương lai. Đặc biệt, khi nền kinh tế đang suy thoái, sự so sánh giữa chi phí phải trả cho công cụ AI và nhân sự “người thật việc thật” cũng có thể khiến các doanh nghiệp cân nhắc lại về vị trí của bạn.
Chúng ta không nên lo sợ, nhưng cũng cần có những chiến lược để ứng phó. Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho bạn:
Nắm vững những nguyên tắc cơ bản
Như tôi đã đề cập phía trên, điểm mạnh của AI là viết rất chính xác, gọn gàng. Vậy thì điều đầu tiên bạn cần làm là không được thua kém trong những nguyên tắc cơ bản nhất. Bạn còn viết sai chính tả và ngữ pháp không? Bạn đã biết những kiến thức nền tảng về Marketing, Content hay Copywriting chưa? Nếu chưa, bạn cần lên kế hoạch để lấp vào những chỗ trống này ngay lập tức.
Tập trung cải thiện kỹ năng mà AI không thể thay thế
Bạn thử nghĩ xem, đâu sẽ là lý do khiến doanh nghiệp tiếp tục trả tiền cho bạn, nếu kết quả bạn tạo ra cũng ngang bằng (hoặc thậm chí kém hơn) AI? Trong một email của Daniel Throssell - một trong những Copywriter lừng danh trên thế giới, anh có chia sẻ về vấn đề này và nói rằng: Muốn “chiến thắng” AI, việc của bạn là đầu tư phát triển những thứ mà AI không thể làm. Bạn có thể xem lại mục 2 trong bài viết này của tôi để biết những gì AI còn thiếu, và bắt đầu tập trung cải thiện những kỹ năng đó.
Những bài viết và tài liệu trong gói Paid Membership của tôi cũng được thiết kế để giúp bạn làm chủ từ kỹ năng cơ bản tới nâng cao, đồng thời cập nhật các xu hướng trong ngành để không trở nên lạc hậu. Để đọc nhiều nội dung chất lượng hơn, hãy cân nhắc trở thành người đọc trả phí!
Coi AI như một công cụ thay vì một đối thủ
Nếu bạn coi AI là một đối thủ, bạn sẽ không dám thử, thậm chí không muốn nhắc đến các công cụ này. Thêm vào đó, bạn sẽ ngày ngày sống trong lo sợ vì không biết bao giờ công việc của mình sẽ bị “cướp” mất. Điều này không tốt cho cả tâm lý và sự phát triển của bạn.
Trái lại, bạn có thể coi AI như một công cụ. Bạn có thể thử đưa đề bài, nhận đáp áp từ công cụ này và học hỏi, tùy chỉnh lại theo các kiến thức nâng cao của mình. Bạn cũng có thể sử dụng AI để hoàn thành một số nội dung đơn giản, giúp tiết kiệm thời gian. Khi trí tuệ nhân tạo được kết hợp với trải nghiệm và kỹ năng của con người, tôi tin rằng kết quả cuối cùng sẽ rất khả quan.
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Giờ đây, người dùng không chỉ mua hàng vì bản thân giá trị của món hàng. Rất nhiều người quyết định mua, và trở thành khách hàng trung thành của một thương hiệu bởi thiện cảm và lòng tin dành cho thương hiệu ấy. Và một trong những cách để có nhiều khách hàng là xây dựng thương hiệu cá nhân. Để tìm hiểu lại các lời khuyên về thương hiệu cá nhân, bạn có thể đọc lại bản tin số 15 của tôi hoặc theo dõi bản tin chuyên sâu
. Nhìn chung, không bao giờ là quá sớm và cũng chẳng bao giờ quá muộn để bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân. Nó có thể trở thành nguồn thu, nguồn khách hàng và cả thứ mang lại sự tự tin cho bạn.Nếu bạn đã đọc tới cuối email này, tôi thật lòng cảm ơn bạn vì đã trân trọng tâm huyết của người viết. Nếu bạn thích những bài viết dưới dạng phân tích xu hướng như thế này, hãy để lại comment cho tôi biết nhé!