#124. Lộ trình từ Newbie trở thành Copywriter kiếm ra tiền
Không còn hoang mang trên con đường xây dựng sự nghiệp Copywriter.
Xin chào bạn,
Càng gặp và nói chuyện với nhiều bạn Newbie muốn trở thành Copywriter, tôi càng thấy đồng cảm với các bạn. Chúng ta đều từng như vậy - từng đứng ở vạch xuất phát, từng lo sợ không biết con đường này có phù hợp với mình không, từng lạc lối vì không biết bắt đầu từ đâu, từng muốn bỏ cuộc vì đi mãi không thấy đích.
Năm 2024, tôi đã tổng hợp lại những kinh nghiệm của bản thân cùng quá trình đào tạo gần 50 học viên trong lĩnh vực Copywriting để xây dựng một lộ trình giúp các bạn Newbie Copywriter kiếm ra tiền từ công việc này.
Trong bản tin tuần này, tôi sẽ chia sẻ lộ trình đó với bạn. Đồng thời, tôi cũng muốn giới thiệu với bạn chương trình Copywriter Foundation mới ra mắt. Trong chương trình này, các nội dung hướng dẫn được sắp xếp theo đúng lộ trình để bạn đi đúng hướng từ ban đầu. Chương trình đang được ưu đãi học phí tới 15%, bạn có thể tìm hiểu thêm nếu quan tâm.
Còn bây giờ, hãy cùng bắt đầu với lộ trình kiếm ra tiền từ vị trí Newbie.
Bước 1: HỌC.
Bạn cần có một nền tảng kiến thức tối thiểu thì mới làm nghề được. Thời gian đầu, ai cũng cần phải học. Nhưng học ở đâu, học như thế nào là câu hỏi khiến nhiều bạn Newbie trăn trở.
Tôi xin gợi ý một vài kiến thức nền tảng bạn cần trang bị.
- Tìm hiểu tổng quan về khái niệm Marketing, vai trò của Marketing đối với doanh nghiệp, quy trình Marketing cơ bản, vai trò của nội dung trong quy trình Marketing.
- Tìm hiểu về Content & Copywriting để phân biệt được sự giống và khác nhau, trường hợp sử dụng từng loại nội dung.
- Tìm hiểu các trường hợp nào bạn cần sử dụng tới Copywriting và các định dạng thường gặp.
- Tìm hiểu về các quy tắc quan trọng nhất khi bắt đầu viết Copywriting.
- Tìm hiểu về xu hướng Copywriting hiện nay và bộ kỹ năng cần thiết để trở thành Copywriter.
Những thông tin này trên Google đều có rất nhiều, tôi recommend đọc tài liệu bằng tiếng Anh. Học và ghi chép, hệ thống lại là bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tự tin hơn.
Bước 2: THỰC HÀNH.
Có kiến thức cơ bản rồi, bạn cần bắt đầu thực hành các kỹ năng thiết yếu. Tôi sẽ chia ra làm 3 nhóm kỹ năng chính:
Nhóm 1 - Kỹ năng phân tích
Hãy tập thói quen xem và lưu trữ lại các nội dung quảng cáo bạn bắt gặp, ở cả môi trường offline lẫn online. Ban đầu, bạn có thể phân tích & đánh giá các nội dung này theo góc nhìn của bản thân khi ở vị trí độc giả. Dần dần, mỗi lúc học thêm được một điều mới, bạn tiếp tục áp dụng để phân tích xem tại sao nội dung quảng cáo đó lại hay hoặc chưa hiệu quả. Đâu có gì miễn phí như việc học từ kết quả của người đi trước đâu.
Bạn cũng nên lên Brands Vietnam để đọc 1 bài phân tích Case Study mỗi ngày cho mở mang thêm.
Nhóm 2 - Kỹ năng viết quảng cáo
Nạp input đủ rồi thì phải bắt tay vào viết thôi. Chọn bất kỳ một thể loại nội dung quảng cáo nào bạn thích và thử thực hành. Một vài gợi ý là:
- Bạn có thể viết lại các nội dung quảng cáo mà cá nhân bạn đánh giá là chưa hấp dẫn, rồi so sánh xem bản của mình khác gì với bản gốc.
- Tìm hiểu cấu phần một bài quảng cáo cơ bản rồi luyện viết từng phần một: Headline, Opening, Thân bài, CTA…
- Tự tìm ra một quy trình cho bản thân. Quy trình cơ bản mà mình hướng dẫn học viên là: Nghiên cứu ⇒ Chọn lọc insight ⇒ Sáng tạo ý tưởng ⇒ Đưa ra lục giác định hướng nội dung ⇒ Chọn cấu trúc ⇒ Viết ⇒ Biên tập. Bạn cũng có thể thử quy trình này.
Nhóm 3 - Kỹ năng biên tập
Đây là một phần nhỏ trong quy trình viết quảng cáo nhưng lại rất quan trọng. Nhiều bạn viết xong không biết bài của mình đã ổn chưa hay có vấn đề ở đâu, thành ra khi làm việc với KH lại càng luống cuống hơn. Hãy tìm hiểu về cách tự biên tập nội dung. Bạn cũng có thể download Copywriting Checklist miễn phí trên website của tôi.
Ở bước này, tôi nghĩ bạn cần thực hành viết tối thiểu 20 nội dung quảng cáo hoàn chỉnh trước khi chuyển sang bước tiếp theo.
Bước 3: CHUẨN BỊ
Học và tự thực hành ở 2 bước trước gần như là bạn tự làm việc với bản thân. Còn bây giờ đã tới lúc cần tích lũy kinh nghiệm. Khi bạn là Newbie, bạn có thể sẵn sàng làm không công cho người khác để có kinh nghiệm. Nhưng không phải cứ miễn phí thì họ sẽ đồng ý “sử dụng” bạn. Nhìn chung, bạn vẫn cần chuẩn bị hành trang trước khi đi tìm cơ hội.
Hành trang ở đây bao gồm:
- Các bài viết mẫu mà bạn ưng ý nhất. Tốt nhất là nên giới hạn trong 1-2 lĩnh vực cụ thể và nên được feedback từ 1-2 người đọc khác.
- CV ngắn gọn nhưng đủ thông tin.
- Portfolio trình bày vừa mắt, chỉn chu và có đủ những gì người tuyển dụng sẽ tìm kiếm.
Bước 4: TIẾP CẬN
Chưa có gì trong tay thì ta phải chủ động tìm kiếm cơ hội, còn tới lúc đã có 1-2 job mẫu kèm Testimonial tích tực từ khách hàng thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Thường thì tôi sẽ khuyến khích các học viên chủ động rà soát các mối quan hệ xung quanh để tìm kiếm và đưa ra những offer đầu tiên. Ngoài ra bạn cũng có thể tự lên list khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực mình quan tâm và chủ động mời họ sử dụng dịch vụ miễn phí/giá rẻ của mình.
Ở đây tôi có một số lưu ý:
- Nên chọn khách hàng có nhu cầu nhưng chưa biết cách triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả để tiếp cận.
- Mọi thứ - dù là miễn phí hay giá rẻ, đều cần có giới hạn và trao đổi rõ từ ban đầu.
- Muốn tiếp cận khách hàng nào thì nên dành thời gian để nghiên cứu và trao giá trị cho họ trước đã.
Nhờ làm tốt bước này mà nhiều học viên của mình đã kiếm được job rất nhanh chóng. Có bạn đỗ phỏng vấn và có công việc Full-time, có bạn được giao cho vài job Freelance để “cày”.
Bước 5: KIẾM TIỀN
Giả sử ở bước 4 bạn offer dịch vụ miễn phí để đổi lấy trải nghiệm. Vậy thì sau một thời gian, đã đến lúc bạn cần thực sự kiếm tiền.
Để kiếm tiền được từ nghề này, ngoài các hành trang đã chuẩn bị ở bước 3, bạn sẽ cần thêm:
- Một bản báo giá dịch vụ cơ bản. Bạn cần tự định giá một nội dung mình tạo ra để tiện trao đổi khi có khách hàng hỏi. (Nếu bạn muốn tìm việc Full-time, bạn cũng cần tìm hiểu và đưa ra mức lương mong muốn của bản thân).
- Một danh sách khách hàng tiềm năng. Đó có thể là người quen, một thương hiệu bạn yêu thích nhưng thấy họ làm nội dung chưa hiệu quả, một doanh nghiệp/cá nhân đăng tin tuyển dụng ở đâu đó hoặc một khách hàng được giới thiệu, v.v… Nhưng bạn cần phải có danh sách để tránh việc thất vọng khi bị từ chối 1-2 lần, rồi bỏ quên luôn kế hoạch kiếm tiền.
- Chuẩn bị sẵn sàng cho một buổi phỏng vấn/trao đổi trực tiếp. Thay vì chỉ nhắn tin, việc nói chuyện trực tiếp sẽ giúp bạn chốt deal dễ dàng hơn nhiều. Quan trọng là tìm hiểu kĩ xem họ muốn gì và bạn có gì để giải quyết vấn đề của họ.
Bước này sẽ đòi hỏi sự kiên trì nhất định, vì hiếm khi nào có chuyện bách phát bách trúng ngay lần đầu ra trận lắm. Hãy chuẩn bị tinh thần đón nhận lời từ chối và tiếp tục tìm kiếm cho đến khi cơ hội mỉm cười.
Nhìn chung, đây là hành trình để bạn đi từ số 0 đến số 1 - bắt đầu có những thu nhập đầu tiên. Tất nhiên, để tồn tại và phát triển bền vững trong nghề thì còn cần nhiều thứ nữa - lộ trình cụ thể, tầm nhìn, v.v… Nhưng rất nhiều người đã bỏ cuộc ngay trên đoạn đường đầu tiên này, nên nếu bạn làm được, bạn đã thành công một nửa rồi.
Còn nếu cần được đồng hành - hỗ trợ trên hành trình ấy, đừng quên đăng ký chương trình Copywriter Foundation của tôi nhé.
Hẹn gặp lại và chúc bạn thành công!