Thấy một trend đang hot, bạn hí hửng làm theo nhưng khi đăng lên thì “flop” thê thảm, chẳng ai buồn để mắt.
Cũng là nội dung trendy, nhưng sao thấy bài của mình cứ “thiếu muối” so với người khác.
Trend thì hay lắm, ngứa ngáy muốn làm ngay nhưng lại chẳng biết ứng dụng vào nội dung của mình ra sao.
Đó có phải những vấn đề bạn đang gặp? Cùng đọc bản tin tuần này để “xử đẹp” chúng nhé!
Tóm lại, nội dung bắt trend là gì?
Từ khi Social Media phát triển, content “bắt trend” đã trở thành một phần không thể thiếu trong “thực đơn” nội dung của các thương hiệu. Nhưng bạn có chắc chắn mình đã hiểu thế nào là “trend”?
Theo từ điển Cambridge. “Trend is a general development or change in a situation or in the way that people are behaving”. Nói một cách dễ hiểu, “trend” được xem như một xu hướng tạo ra sự thay đổi lớn trong hành vi của con người. Mọi người thường nhầm lẫn giữa “hiện tượng” và “xu hướng”. Ví dụ, một tin tức vừa nổi lên và thu hút sự chú ý của một đám đông đã ngay lập tức được nhận diện là “trend”, và ngay sau đó rất nhiều content creator làm nội dung bám vào hiện tượng ấy. Trong khi đó, để đánh giá một thứ có phải trend hay không, chúng ta cần xét trên nhiều yếu tố như:
Xu hướng này có sự phát triển ổn định và được quan sát trong một thời gian đủ lâu hay không?
Xu hướng này có tầm ảnh hưởng đủ lớn đến một (hoặc một vài) nhóm đối tượng nhất định hay không?
Có dữ liệu nào đo lường về xu hướng này hay không?
Thay đổi mà nó tạo ra có rõ rệt hay không? v.v.
Ví dụ nhé: TikTok và định dạng video ngắn được coi là một trend, vì nó đã xuất hiện và phát triển 5 năm trở lại đây, tạo ra thay đổi lớn với cách tiêu thụ cũng như sản xuất nội dung của người dùng trên mạng xã hội, cũng có rất nhiều báo cáo và data để phản ánh những điều trên. Tuy nhiên, một tin tức giật gân về một người nổi tiếng, hay một sự kiện nào đó đang thu hút sự chú ý của công chúng cũng được mọi người đánh giá là “trend”, dù nó không đáp ứng đủ những tiêu chí trên.
Sự khác biệt có lẽ nằm ở chỗ: Trend cũng được chia thành 2 loại - trend ngắn hạn và dài hạn. Trend dài hạn - như ví dụ về TikTok, là xu hướng diễn ra và được quan sát trong thời gian dài với tầm ảnh hưởng lớn trên nhiều quốc gia. Trend ngắn hạn - như một bài hát mới ra, một sự kiện hấp dẫn, một tin tức nóng hổi, là những hiện tượng dễ dàng được lan truyền nhưng cũng dễ dàng biến mất sau một khoảng thời gian ngắn. Trend ngắn hạn chính là những “đề bài” mà Content Writer, Copywriter phải giải bằng cách ứng dụng vào nội dung của thương hiệu mỗi ngày.
Có lẽ trong bài viết này, tôi không cần giải thích thêm về tầm quan trọng của nội dung bắt trend nữa. Chúng ta đều hiểu rằng trendy content sẽ giúp thu hút sự chú ý của độc giả, có khả năng trở nên viral, giúp đa dạng hóa nội dung và kéo thương hiệu lại gần hơn với khách hàng mục tiêu. Câu chuyện lớn hơn cần giải quyết chính là: làm sao để tạo ra nội dung bắt trend hấp dẫn?
Những việc cần làm khi tạo ra trendy content
#1: Nhận diện và đánh giá trend
Là một người sáng tạo nội dung, bạn chắc chắn đang “nằm vùng” ở rất nhiều cộng đồng và trang tin, nơi giúp bạn nhận biết các xu hướng đang gây sự chú ý của người dùng. Theo thời gian, bạn cần phải tự trang bị cho bản thân một thứ gọi là “sense” - giúp bạn không những nhận diện, mà còn dự đoán được:
Liệu trend này có viral được không? (Ví dụ những người nhanh chóng tạo ra group “Flex đến hơi thở cuối cùng” và thu hút 1 triệu thành viên chỉ sau vài tuần).
Sắp tới có thể có trend gì hot? (Ví dụ, trước thềm kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nào cũng gây sự chú ý, nhiều brand đã nhanh trí chuẩn bị sẵn ý tưởng nội dung để tung ra đúng thời điểm).
Ngoài ra, bạn cũng cần tỉnh táo để đánh giá xem trend đó có liên quan tới ngách, lĩnh vực và thương hiệu, sản phẩm của bạn hay không. Ví dụ, nếu bạn viết nội dung cho lĩnh vực bất động sản cao cấp, bạn không thể bắt trend “lòng xào dưa” gây chấn động mạng xã hội thời gian trước, bởi đó không phải điều khách hàng xa xỉ của bạn quan tâm và nó cũng không phù hợp với những giá trị của thương hiệu, sản phẩm.
#2: Tìm điểm giao giữa trend và thương hiệu
Hãy xem như bạn đã dò được một trend đang lên, cũng khá phù hợp với sở thích của khách hàng mục tiêu. Việc tiếp theo bạn cần làm là tìm điểm giao giữa trend và thương hiệu/sản phẩm, để quyết định xem mình sẽ khai thác trend đó như thế nào.
Điểm giao ở đây có thể là:
Một nét tương đồng
Một sự liên tưởng
Một sự kết nối
…
Ví dụ, với sự kiện Black Pink tổ chức concert tại Hà Nội, các brand đã bắt trend như sau:
Durex dùng hỉnh ảnh sản phẩm màu đen và hồng, quảng cáo “săn vé không cần chen”.
Toptotoes Cosmetics và nhiều thương hiệu khác tổ chức Give Away tặng vé concert cho khách hàng.
Thương hiệu quần áo By Jolie gợi ý các set đồ tổng đen - hồng cho khách hàng đi đu idol.
Di tích nhà tù Hỏa Lò nhanh tay quy đổi giá vé concert ở các khu vực sang giá vé vào thăm di tích.
Nếu như không thể tìm thấy điểm giao này, lời khuyên của tôi là bạn đừng cố gắng ép nội dung vào trend. Bởi điều đó sẽ tạo ra cảm giác thiếu tự nhiên, thậm chí là khó chịu cho người đọc.
#3: Bổ sung giá trị cho nội dung
Như bạn đã thấy, trong các ví dụ phía trên, các thương hiệu đều cần bổ sung thêm giá trị gì đó cho người đọc, thay vì chỉ đưa tin dựa vào trend đang hot. Đây cũng là việc Content Writer, Copywriter nên làm. Bạn có thể:
Cung cấp thêm một góc nhìn, insight mới mẻ về trend.
Khiến bài viết trở nên hài hước, giải trí hơn.
Đào sâu một khía cạnh mà ít người nhắc tới.
Đưa ra lời khuyên, thông tin hữu ích cho người đọc.
…
#4: Lựa chọn cách thức thể hiện
Trend đã có, nội dung đã khoanh vùng, giờ thể hiện ra sao? Việc lựa chọn hình thức thể hiện nội dung sẽ phụ thuộc vào một vài yếu tố như:
Bạn có bao nhiêu nguồn lực?
Độc giả của bạn thích định dạng nội dung nào?
Đâu là cách sẽ giúp bạn diễn đạt ý tưởng của mình hấp dẫn nhất?
Quay lại ví dụ về chuyện gợi ý outfit cho khách hàng đi xem concert của thương hiệu By Jolie ở phía trên. Khi nhắc tới thời trang, chẳng có gì thu hút và dễ hình dung hơn cách thể hiện bằng video. Tuy nhiên, sản xuất video lại mất nhiều thời gian. Vì vậy, thương hiệu này đã lựa chọn chủ đề về outfit đi xem concert - một topic người đọc quan tâm nhưng chưa cần ngay lập tức, để có thời gian chuẩn bị cho video một cách chu đáo nhất.
Vẫn trong chủ đề ấy, nhưng một brand cần bắt trend gấp hơn và có ít nguồn lực hơn có thể làm một cách đơn giản là cap lại màn hình cuộc trò chuyện với chủ đề liên quan tới việc mua vé đi xem concert.
#5: Đo lường và rút kinh nghiệm
Tất nhiên, đây là việc cần thiết với tất cả các nội dung bạn tạo ra và đăng tải. Tuy nhiên, vì trendy content là dạng nội dung tương đối nhạy cảm và giống như một con dao hai lưỡi, bạn lại càng cần cẩn thận hơn trong việc đo lường hiệu quả và rút kinh nghiệm cho những lần tiếp theo. Hãy xem xét:
Độc giả phản ứng như thế nào với nội dung của bạn?
Nội dung đó có mang lại hiệu quả gì liên quan tới thương hiệu và bán hàng không?
Cuối cùng, bạn hãy nhớ rằng trendy content chỉ là một trong những nội dung cần thiết trong quá trình làm truyền thông, tiếp thị của thương hiệu. Ngoài nội dung bắt trend, còn rất nhiều nội dung khác cũng mang lại những giá trị quan trọng không kém mà bạn cần chú tâm. Nếu muốn biết cách sáng tạo ý tưởng nội dung hiệu quả hơn, mời bạn đăng ký tham gia Challenge Idea Pool trong cộng đồng Commercial Writing Hub.
Còn bây giờ, tạm biệt và hẹn gặp lại trong các bài tiếp theo!