#82. Đừng bán sản phẩm, hãy bán cảm xúc.
Bài thứ 3 trong chuỗi bài “Đừng bán sản phẩm…”
Tôi muốn sở hữu một chiếc túi hàng hiệu, không phải vì bản thân chiếc túi, mà vì cảm giác tự hào khi tôi có thể kiếm được nhiều tiền và bỏ từng ấy tiền ra cho một món đồ.
Tôi quay lại một hàng ăn nhiều lần, một phần vì đồ ăn ngon, một phần vì cảm giác dễ chịu, thoải mái mà chủ hàng ăn mang lại cho tôi.
Tôi quyết định dừng mua hàng tại cửa hàng đó - dù giá rẻ hơn những nơi khác, vì người bán hàng khiến tôi cảm thấy mình không được tôn trọng.
Bạn có thấy những mệnh đề trên quen quen không? Đó có thể là tiếng lòng của bạn, cũng có thể là điều bạn đã nghe thấy hoặc trông thấy ở ai đó. Chúng ta có thể đưa ra rất nhiều lý lẽ cho việc mua/không mua một sản phẩm nào đó, tiếp tục hay không tiếp tục ủng hộ một thương hiệu nào đó, nhưng nếu nghĩ thật sâu xa và thành thật với chính mình, phần lớn các quyết định đó đều xuất phát từ cảm xúc.
Bạn mua một chiếc váy, vì cảm xúc phấn khích khi tưởng tượng mình sẽ xinh đẹp thế nào khi mặc nó.
Bạn mua một chiếc lò nướng, vì cảm xúc ngập tràn hi vọng vào những mẻ bánh thơm ngon.
Bạn mua một hộp kem trong siêu thị, vì cảm xúc vui vẻ khi thấy con bạn reo lên mừng rỡ và mắt long lanh nhìn hộp kem ấy.
Ẩn sau mỗi hành động mua hàng đều là một (hoặc nhiều) cảm xúc. Sau khi phát sinh cảm xúc rồi, khách hàng mới tìm kiếm các thông tin về mặt logic để chứng minh rằng lựa chọn của họ là đúng đắn.
Bạn có thể nói rằng mình mua chiếc váy kia vì nó có chất vải tốt, mặc vào mùa hè sẽ rất thoải mái; mình mua chiếc lò nướng vì nó có kích thước phù hợp với căn bếp hiện tại của bạn; mình mua hộp kem vì đằng nào cũng tới cuối tuần và cả nhà sẽ cùng ngồi quây quần ăn uống, xem phim, v.v. Nhưng bạn sẽ chẳng để tâm tới các yếu tố đó, nếu sản phẩm không khơi lên được trong bạn một cảm xúc nào. Đó là một quy luật đã được rất nhiều Marketer và Copywriter nổi tiếng ghi nhận.
Vậy thì, ở vị trí là một người viết nội dung để bán sản phẩm, chúng ta cũng cần học cách biến cảm xúc thành một điểm neo trong lòng độc giả, thành một động lực để họ ham muốn sản phẩm hơn.
Cảm xúc của con người thì rất phong phú. Theo Paul Eckman, có 6 cảm xúc cơ bản thường gặp nhất ở con người:
Happiness (Hạnh phúc)
Sadness (Buồn bã)
Disgust (Ghê tởm)
Fear (Sợ hãi)
Surprised (Ngạc nhiên)
Anger (Tức giận)
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Nếu chúng ta chỉ tiếp xúc với những cảm xúc cơ bản này, chúng ta chỉ đang chạm nhẹ vào bề mặt. Để khuấy động được sâu hơn và tạo ra sự thay đổi, bạn cần tìm hiểu những cảm xúc mãnh liệt và kín đáo hơn.