#10: 3 cách giúp bạn không bao giờ thiếu ý tưởng cho bài viết.
Tạm biệt nỗi sợ mang tên "không biết viết gì"!
“Nhiều lúc em biết mình cần viết về chủ đề đó, nhưng lại không biết nên viết như thế nào!”
“Vẫn một sản phẩm mà phải viết ngày qua ngày nên em thấy chán, cạn ý tưởng.”
“Tôi thường xuyên rơi vào tình trạng bí ý tưởng, ngồi cả ngày không nặn ra được một bài viết”.
Đây là vài trong số rất nhiều câu hỏi tôi nhận được từ tất cả những người đang làm công việc liên quan tới viết lách: Content Writer, Copywriter, Freelancer. Phần lớn đều gặp phải một vấn đề giống nhau, đó là không thể tìm ra ý tưởng đủ thú vị cho bài viết của mình. Vì vậy, trong bản tin số 10 hôm nay, tôi sẽ gợi ý cho bạn 3 cách để tìm ý tưởng khi cần viết nội dung thương mại.
Cách số 1: Lật lại câu hỏi về nhu cầu và “điểm đau” của người dùng.
Đôi khi, bạn cho rằng mình đã khai thác hết insight của khách hàng. Nhưng điều đó không hẳn đúng. Với mỗi nhóm người, với mỗi vấn đề, chúng ta có thể tìm ra được hàng chục, thậm chí hàng trăm insight khác nhau. Không có gì là cố định, bởi mọi thứ xoay quanh cuộc sống của chúng ta đang thay đổi từng ngày. Vì vậy, đừng mãi bám chấp vào một vài insight bạn đã từng phân tích được. Khi bạn chú tâm quan sát, ghi chép, lắng nghe và thấu hiểu khách hàng của mình, bạn sẽ khám phá ra thêm nhiều điều thú vị.
Trong một buổi đào tạo của tôi với team Content Writer tại một doanh nghiệp vài tuần trước, tôi đã chia học viên thành các nhóm và yêu cầu mọi người cùng phân tích insight, tìm ra “giao điểm vàng” giữa nhu cầu của khách hàng và những gì sản phẩm có thể mang lại. Chủ thể là một sản phẩm ghế massage thông minh tại nhà, và đối tượng khách hàng là những người làm kinh doanh trong độ tuổi 30 - 45. Kết quả là, chỉ sau 15 phút suy nghĩ, các bạn học viên đã tìm ra rất nhiều “giao điểm vàng” khác nhau.
Sản phẩm giúp cải thiện tình trạng đau mỏi cổ, vai, gáy và cột sống cho những người ngồi làm việc trong thời gian dài.
Sản phẩm giúp giảm mỡ, cải thiện vóc dáng cho những người không có thời gian tập luyện.
Sản phẩm giúp gia chủ khẳng định vị thế và đẳng cấp của mình.
Sản phẩm giúp con cái bày tỏ sự quan tâm tới cha mẹ khi mua biếu, tặng.
…
Tôi chưa bàn tới tính đúng sai của những thông tin trên, bởi đây chỉ là một bài tập nhỏ để tăng cường khả năng phân tích của học viên. Nhưng rõ ràng các insight các bạn phân tích được đều đúng với nhu cầu của khách hàng, và khi được nghiên cứu kỹ càng với thông tin sản phẩm, chúng ta sẽ ra được vô số chủ đề cho bài viết.
Cách số 2: Bổ nhỏ các thông tin.
Suốt thời gian làm việc tại Agency, tôi nhận ra nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam có nhu cầu khá giống nhau: đưa càng nhiều thông tin vào bài càng tốt. Vì vậy, đa số các bài viết sẽ ở dạng liệt kê, nhắc đi nhắc lại USP của sản phẩm. Đây chính là một lý do khiến các bài viết đi vào ngõ cụt, đọc lên đều thấy na ná giống nhau.
Trên thực tế, khách hàng không có nhu cầu đọc những bài viết lặp đi lặp lại ngày qua ngày. Những bài viết tổng quát đương nhiên rất cần thiết, nhưng để tạo ra nội dung đa dạng và sâu hơn, chúng ta cũng cần học cách bổ nhỏ các thông tin.
Vậy “bổ nhỏ” là làm như thế nào?
Trước tiên, hãy phân loại các tính năng của sản phẩm.
Đâu là USP lý tính, đâu là USP cảm tính?
Có thể chia các tính năng này theo những nhóm công dụng khác nhau không?
Có thể chia các tính năng này theo những nhóm nhu cầu của người dùng không?
Có thể chia các tính năng này theo những trường hợp sử dụng khác nhau không?
…
Bằng cách đặt ra những câu hỏi như vậy, bạn sẽ thấy có rất nhiều khía cạnh để khai thác về sản phẩm của mình.
Để bạn dễ hiểu hơn, hãy cùng tôi theo dõi một ví dụ dưới đây.
Giả sử, tôi đang sản xuất nội dung cho một khách sạn tại Đà Nẵng. Bằng những câu hỏi trên, tôi sẽ tách được các thông tin và USP của khách sạn thành những nhóm khác nhau.
Phân loại theo nhóm giá trị
Phân loại theo nhóm công dụng
Phân loại theo nhóm nhu cầu khách hàng
Qua ví dụ nhỏ này, bạn có thể thấy vẫn với những thông tin đó, chúng ta có thể phát triển thành nhiều nội dung khác nhau.
Một bài viết giới thiệu về cơ sở vật chất của khách sạn
Một bài viết mô tả trải nghiệm của du khách khi lưu trú tại khách sạn
Một bài viết nhấn mạnh cảm giác thư giãn khi lưu trú tại khách sạn
Một bài viết làm nổi bật những trải nghiệm du khách có thể có khi tới khách sạn
Một bài viết dành cho dân xê dịch, ưa thích địa điểm đẹp để ở và chụp hình
Một bài viết dành riêng cho đối tượng khách hàng đi công tác, cần tìm nơi tiện lợi để làm việc và gặp gỡ đối tác
Một bài viết dành riêng cho những cặp đôi mới cưới đang tìm địa điểm trăng mật lãng mạn.
Cứ như vậy, càng bổ nhỏ và phân tách được các thông tin, bạn sẽ càng có nhiều hướng để khai thác nội dung.
Cách số 3: Tham khảo đối thủ.
Đừng cho rằng tôi đang khuyến khích bạn copy nội dung của đối thủ nhé! Đạo đức nghề nghiệp của một Content Writer chân chính sẽ không cho phép bạn làm như vậy.
Tuy nhiên, quan sát và học hỏi từ đối thủ lại là một cách làm bạn rất nên thử. Bởi không có ai là hiểu biết hết mọi thứ, và cũng không có kênh nào giúp chúng ta được học miễn phí như kênh truyền thông của đối thủ.
Nhưng cụ thể là nên tham khảo những gì và như thế nào?
Trước tiên, bạn có thể lập danh sách nội dung mà đối thủ đang làm trên các kênh của họ. Tại Agency, bước này sẽ nằm trong phần Research về đối thủ cạnh tranh.
Sau khi thu thập được thông tin, hãy phân loại chúng thành các nhóm nội dung. Từ đó, bạn sẽ biết đối thủ của mình đang dùng những dạng nội dung nào để tiếp cận người dùng.
Tiếp theo, hãy quan sát phản ứng của người đọc trên kênh của đối thủ. Đâu là bài viết được nhiều người quan tâm và tương tác? Đâu là bài viết kém hiệu quả? Từ việc quan sát này, bạn có thể rút ra kinh nghiệm về mối quan tâm của khách hàng đối với nội dung.
Bây giờ hãy quay trở lại so sánh sản phẩm của mình và đối thủ. Đâu là điểm mạnh khác biệt của bạn? Đâu là điều họ đang làm tốt và bạn còn thiếu sót? Đâu là nhu cầu bạn cho rằng khách hàng có nhưng đối thủ chưa nhắc đến? Dựa vào những điều đó, bạn hoàn toàn có thể viết ra những nội dung mạnh mẽ và hiệu quả hơn, từ đó khiến thương hiệu của mình nổi bật hơn so với đối thủ.
Tôi tin chắc rằng sau quá trình quan sát và học hỏi đó, bạn sẽ nảy ra rất nhiều ý tưởng cho nội dung của mình.
Tôi có một lời khuyên cuối cùng dành cho bạn. Đừng đợi tới lúc kẹt, bí ý tưởng rồi mới cuống cuồng đi nghiên cứu hay tìm hiểu! Nghiên cứu và review là việc bạn cần làm song song trong quá trình sáng tạo nội dung và xây dựng thương hiệu. Nếu bạn làm việc này đều đặn, bạn sẽ tự xây dựng được một “ngân hàng ý tưởng” cho mình và không bao giờ rơi vào tình cảnh “không biết viết gì” nữa. Chuyện này cũng giống như chuyện đọc sách, hay tích lũy kiến thức. Bạn sẽ khó lòng mở một cuốn sách ra, đọc vài trang rồi ngay lập tức đạt được một thành tựu trong công việc. Việc học là cả một quá trình mà nếu bạn thực hiện đều đặn, bạn sẽ nhận được trái ngọt ở một thời điểm nào đó trong tương lai.
Chúc bạn áp dụng thành công những bí quyết tôi vừa chia sẻ và luôn dồi dào ý tưởng cho bài viết của mình!
P/s: Có lẽ bạn sẽ hơi ngạc nhiên khi thấy sự thay đổi về mặt nhận diện thương hiệu của bản tin. Sau một thời gian vận hành, tôi cho rằng đây sẽ là những thứ giúp người đọc hiểu đúng hơn về tính chất cũng như lợi ích bản tin mang lại. Hi vọng bạn thích sự mới mẻ này và tiếp tục ủng hộ Content Hacks (từng được gọi là A Copywriting Inspirer)!
Cảm ơn bài viết của chị ak.
Cảm ơn bài viết của chị ạ