#85. Cơn sóng Freelancer - Những cơ hội và thách thức cho người muốn dấn thân.
Làm gì khi người người, nhà nhà muốn trở thành Freelancer?
Sáng nay, tôi đọc được bài viết của một thành viên trong group Tâm sự con sen, chia sẻ lại một email từ một Influencer với đại ý là: Bạn chỉ cần trở thành Freelancer là có thể đạt được mức thu nhập vài ngàn đô một tháng, thậm chí không cần phải có bằng Đại học. Những nội dung như vậy không hề hiếm gặp. Tôi đã thấy rất nhiều người dùng cách này để bán tài liệu, bán khóa học. Cách dễ dàng nhất để thu hút “con mồi” là đưa ra một miếng mồi nhử hấp dẫn khác. Tất nhiên, những khó khăn và mặt tối hoàn toàn bị giấu nhẹm đi.
Kết quả là, cách quảng cáo này đã gieo rắc một viễn cảnh màu hồng vào tâm trí rất rất nhiều bạn trẻ. Có những người tìm đến tôi, thậm chí còn chưa bao giờ viết lách nhưng đã ôm mộng trở thành Copywriter. Có những người sốt sắng hỏi mất bao lâu để kiếm được nhiều tiền như các idol trên mạng vẫn nói? Khi mọi người có mục tiêu sai lệch ngay từ ban đầu, rất khó để đưa họ về đúng quỹ đạo. Vì vậy, dù video hay bài viết của tôi chỉ có vài trăm lượt xem, tôi vẫn sẽ viết về chủ đề này nhằm mang tới cho bạn một cái nhìn thực tế hơn.
Freelancing đang là một xu hướng nở rộ trên thế giới và cả tại Việt Nam. Trước tiên, chúng ta hãy nhìn nhận về Freelancing ở khía cạnh một hình thức làm việc giàu tiềm năng.
Freelancing - Con đường rộng mở với đầy ắp tiềm năng
Trang Forbes có một bài phân tích: “The Trends Shaping the Freelance Revolution in 2023”. Trong đó, họ đưa ra nhiều báo cáo chứng minh rằng Freelancing sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa. Tôi sẽ trích dẫn và lược dịch một số thông tin quan trọng để bạn có thêm góc nhìn:
Theo số liệu từ Fiverr, 78% công ty sẽ ưu tiên sử dụng nhân sự Freelancer thay vì tuyển dụng thêm nhân sự.
Theo MBO Partners, số lượng Freelancer Full-time tại Mỹ đã tăng tới 59%. Thế nhưng, nguồn cầu có vẻ vẫn chưa đủ so với nguồn cung về người làm việc tự do toàn thời gian.
Trên thị trường, ngày càng có nhiều doanh nghiệp cung cấp các nguồn lực để đóng góp cho thành công của các Freelancers. Từ hướng dẫn kỹ năng; tới chia sẻ cách deal giá hay chiến lược, mọi thứ đều sẽ được cung cấp cho người làm việc tự do.
Nhiều công ty lớn thậm chí đang tự xây dựng các nền tảng riêng để kết nối với các Freelancer tài năng.
Một số lý do cho tiềm năng của “ngành công nghiệp Freelancing” có thể đến từ:
Sự thiếu ổn định của nền kinh tế. Trong giai đoạn khủng hoảng, nhiều công ty phải cắt giảm bớt nhân sự và thuê Freelancer để duy trì công việc với mức chi phí tính theo đầu việc. Tới khi khách hàng bắt đầu đến và công việc tăng lên, các công ty này cũng không thể tuyển dụng được nhân sự quá nhanh chóng; đồng thời cũng cảm thấy rủi ro khi chưa lường trước được diễn biến thị trường.
Tiết kiệm nguồn lực. Với việc để nhân sự làm việc tại nhà, các doanh nghiệp sẽ tối ưu được các chi phí như: phí mặt bằng, cơ sở vật chất, phí duy trì định kỳ, v.v.
Tất nhiên, đây là các số liệu từ thị trường Mỹ nên không thể ngay lập tức áp đặt lên thị trường Việt Nam. Như tôi đã phân tích nhiều lần, Freelancing vẫn đang khá tiềm năng và sôi động. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà nó trở thành một lựa chọn cho tất cả mọi người. Bạn sẽ cần biết cả những mặt tối mình có thể phải đối diện nữa.
Những rủi ro mà có thể bạn chưa lường trước được của nghề Freelance Copywriter
Vẫn theo bài báo của Forbes kể trên, cũng có một số thông tin khác đáng suy ngẫm về Freelancing:
Các sân chơi lớn dành cho Freelancer đang chứng kiến sự chững lại trong tốc độ phát triển. Freelancer.com là website Top 1 để tìm kiếm công việc cho Freelancer, nhưng vẫn chỉ có 20% trong số người dùng thực sự tìm được công việc thông qua nền tảng này.
⇒ Với mức độ cạnh tranh khủng khiếp, bạn sẽ không thể có được công việc giá cao nếu bạn không sở hữu điểm khác biệt.
Chuyển từ công việc Full-time sang Freelancing là giai đoạn khó khăn của nhiều người. Trong số những người đang trải qua giai đoạn chuyển đổi, chỉ có 44% cảm thấy được trả công xứng đáng, và chỉ có 38% có thể chấp nhận được tiến độ công việc được yêu cầu.
3 nỗi lo lắng lớn nhất của những người đang có ý định trở thành Full-time Freelancer bao gồm: thu nhập bấp bênh, mất đi các phúc lợi và cảm giác cô đơn.
Cũng trong tuần vừa rồi, tôi đọc được một bài viết khá hay về chủ đề Freelancer của tác giả Khải Đơn - cũng là một người làm công việc viết lách tự do. Trong bài viết, có một câu chuyện khiến tôi chú ý: một đôi vợ chồng là Content Creator phải đi quay từ trước 6 giờ sáng, về nhà sau 5h chiều và sau đó liên tục sản xuất nội dung trên máy tính. Đây cũng là một mặt trái khác mà gần như những người đang chia sẻ cuộc sống màu hồng của Freelancer không nói cho bạn biết.
Họ chia sẻ rằng họ kiếm được vài ngàn đô một tháng, nhưng không nói đó là thu nhập trung bình trong vòng bao lâu, hay chỉ được một tháng duy nhất rồi lụi tắt.
Họ liên tục nói về cuộc sống “trong mơ” - sáng đi chơi, tối về làm việc mà không hé lộ những khoảnh khắc tuyệt vọng vì không tìm được job, bơ phờ chạy deadline, khủng hoảng vì thiếu tiền mà khách không thanh toán.
Họ nói rằng bạn có thể trở thành Freelance Copywriter mà không cần bằng cấp, nhưng không hề nhắc tới chuyện bạn phải tự học và hệ thống rất nhiều kiến thức, chật vật tìm kiếm những khách hàng đầu tiên, rồi mất vô vàn thời gian để tự trải nghiệm những bài học cay đắng khác nếu muốn sống sót được với nghề.
Đó là chưa kể, với tốc độ phát triển của AI như hiện nay, nếu bạn học Copywriting một cách hời hợt trên bề mặt và ngay lập tức muốn mang kỹ năng ấy để đi kiếm tiền, bạn gần như không có cơ hội phát triển.
Vậy khi nào nên bắt đầu ước mơ trở thành Freelance Copywriter?
Sau tất cả những luồng ý kiến 2 chiều vừa đưa ra, tôi sẽ không đưa ra lời khuyên rằng bạn có nên chọn trở thành Freelancer hay không. Quyết định nằm ở bạn. Nhưng trước hết, hãy cùng thử trả lời một vài câu hỏi:
Động cơ và mục tiêu của bạn là gì? Luôn có những lý do đằng sau cho mỗi hành động của chúng ta. Nếu bạn chỉ muốn lao vào con đường này vì nghĩ nó dễ làm, vì đã có AI viết hộ, vì thấy nhiều người chia sẻ thu nhập “khủng” quá, bạn nên chậm lại để đọc nhiều thông tin toàn diện hơn.
Nếu bạn đã có một mục tiêu chính đáng, hãy tiếp tục nghĩ xem: Năng lực của bạn đang ở mức nào? Bạn có lợi thế cạnh tranh gì so với các Freelancer khác không? Nếu không muốn rơi vào cuộc chiến giảm giá và tăng thời gian làm việc đến kiệt sức, bạn buộc phải tìm ra lý do khiến khách hàng nên lựa chọn mình thay vì người khác.
Nếu bạn chưa thể tìm ra lợi thế cạnh tranh trong câu hỏi số 2, hãy tiếp tục trả lời câu hỏi: Bạn có những cách nào để gia tăng năng lực và tạo ra sự khác biệt? Một trong những lựa chọn tốt, nhưng tôi thường thấy nhiều người không đủ kiên nhẫn để theo đuổi, là đi làm công việc Full-time để tích lũy kinh nghiệm. Một môi trường tốt sẽ thúc đẩy bạn liên tục phát triển, “ném” bạn vào các thử thách để bạn lớn lên, cho bạn nhiều người thầy dạy bạn các bài học lớn. Đây là những thứ sẽ xuất hiện ít hơn khi bạn làm Freelancer. Là một người làm việc tự do, bạn sẽ buộc phải tự tạo động lực, tự thiết lập kỷ luật, tự tìm đến các tài liệu và khóa học để nâng cấp bản thân. Nếu như quá vội vã mơ ước trở thành Full-time Freelancer khi chưa có gì trong tay, rất có thể bạn sẽ dần trở nên tụt hậu so với những người vẫn đang đi làm và cọ xát ngoài doanh nghiệp.
Tóm lại, đừng nhìn thấy cỏ trong vườn nhà người khác xanh mà từ bỏ mảnh vườn của mình. Hãy tỉnh táo khi đọc các nội dung “ru ngủ” về con đường Freelancer. Hãy mài dũa ngòi bút trước khi hi vọng có thể kiếm được tiền từ người khác.
Chúc bạn sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân. Còn nếu bạn muốn bắt đầu một cách chắc chắn và bài bản, đừng quên rằng khóa học Becoming A Paid Copywriter 03 của tôi chỉ còn ưu đãi giảm 10% học phí tới hết ngày 5/10/2023.
Cảm ơn bạn đã đọc và hẹn gặp lại trong những bản tin sau!
Viễn cảnh mơ ước nhưng là thị trường khác nhau, số năm làm việc khác nhau và nền tảng khác nhau... thậm chí là thu nhập cao nhất khác với thu nhập trung bình nữa. Nhưng ít ai nói lên sự thật như Ánh