#44. Ý tưởng nào cũng có thể biến thành nội dung? Đừng nhầm lẫn!
Checklist này có thể khiến bạn thay đổi góc nhìn.
Xin chào bạn,
Chúng ta lại gặp nhau trong bản tin hàng tuần của Content Hacks. Tuần trước, bạn đã được chia sẻ về các phương pháp để tìm kiếm ý tưởng. Tôi hi vọng khi áp dụng các phương pháp đó, bạn sẽ luôn có một kho ý tưởng dồi dào. Tuy nhiên, việc có quá nhiều ý tưởng cũng chưa hẳn đã tốt, nếu như bạn không biết đánh giá tính khả dụng của chúng.
Khả dụng là sao?
Là ý tưởng đó có phù hợp để chuyển đổi thành một định dạng nội dung hay không. Giả sử bạn lên Google và dùng các công cụ tôi đã giới thiệu, tìm ra được 50 ý tưởng. Nhưng khi bạn bắt tay vào viết, bạn bỗng thấy sao mình mông lung quá, sao bài này giống như bài mình đã đọc ở nơi khác, sao viết rồi mà không muốn đăng, thì rất nhiều khả năng bạn đã bắt đầu với một ý tưởng không khả dụng.
Để giúp bạn tránh khỏi việc lãng phí thời gian vào những ý tưởng như vậy, trong bản tin tuần này, tôi sẽ cung cấp cho bạn một Checklist để đánh giá ý tưởng nội dung.
#1: Ý tưởng này có giúp người đọc hình dung được về nội dung bạn sẽ cung cấp không?
Hãy tưởng tượng thế này: bạn chỉ nói cho ai đó về ý tưởng mà không giải thích gì thêm. Liệu họ có hình dung ra được nội dung bạn sẽ đưa cho họ là gì? Nếu ý tưởng quá mơ hồ, bài viết của bạn sẽ khó để đạt được một mục đích rõ ràng.
Ví dụ: Chúng ta có chủ đề “kỹ năng Copywriting”
Ý tưởng dễ hình dung: 5 phương pháp tự rèn luyện kỹ năng Copywriting
Ý tưởng khó hình dung: Để giỏi kỹ năng Copywriting
#2: Ý tưởng này có phải từ khóa sẽ xuất hiện trong nội dung của bạn không?
Đừng nghĩ một ý tưởng vu vơ rồi lập tức biến nó thành bài viết. Hãy đảm bảo rằng ý tưởng của bạn là nội dung quan trọng nhất bạn sẽ truyền tải trong nội dung của mình. Để làm được điều ấy, bạn cần trả lời câu hỏi số 2: ý tưởng này có phải từ khóa sẽ xuất hiện trong nội dung của bạn không? Nghĩa là, nó sẽ xuất hiện ở mọi phân đoạn: tiêu đề, sapo, mở, thân và kết bài.
Ví dụ: bạn muốn viết một nội dung về con đường sự nghiệp hoặc cách thức phát triển của Newbie Copywriter. Vậy thì hãy cô đọng ý tưởng đó trong một từ khóa có thể xuất hiện xuyên suốt nội dung, như là: “lộ trình sự nghiệp cho Newbie Copywriter”.
#3: Ý tưởng này có được độc giả tìm kiếm gần đây không?
Nếu chỉ viết dựa trên những gì mình có, bạn sẽ chật vật trong việc tìm kiếm độc giả và thuyết phục họ đọc nội dung của mình. Có một cách khác hiệu quả hơn, là kiểm tra xem ý tưởng của mình có trùng khớp, hay liên quan tới những gì độc giả đang tìm kiếm không. Giả sử bạn đang có một ý tưởng là “cách bảo vệ men răng”, nhưng sau khi nghiên cứu lại thấy từ khóa “cách tẩy trắng răng” được tìm kiếm vượt trội hơn, bạn có thể nghĩ đến việc kết hợp chúng thành ý tưởng “cách bảo vệ men răng trắng tự nhiên”. Như vậy, bạn đã bổ sung một yếu tố mà người đọc quan tâm vào nội dung, tăng tỷ lệ được tìm kiếm.
#4: Ý tưởng này có giải quyết một câu hỏi nào của độc giả mục tiêu không?
Hãy nhớ rằng độc giả không đọc bài viết để hiểu thêm về bạn. Họ không có nhiều thời gian đến vậy. Phần lớn độc giả sẽ đọc bài viết của bạn để tìm giải pháp cho một vấn đề nào đó của họ. Vì vậy, hãy tự suy ngẫm xem ý tưởng của bạn có giải quyết một câu hỏi nào của độc giả mục tiêu không. Tất cả các bài viết trên Content Hacks đều được đi qua bước kiểm duyệt này. Ví dụ, bài viết bạn đang đọc là đáp án cho câu hỏi “Làm sao để biết một ý tưởng có đáng để sử dụng hay không?”
#5: Ý tưởng này có liên quan tới sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp không?
Khi đã đặt bút viết Copywriting, nghĩa là chúng ta muốn cuối cùng độc giả sẽ thực hiện một hành động nào đó (giúp chúng ta bán được hàng). Nếu viết Content, mục đích của chúng ta có thể khác đi và rộng hơn một chút (như là tăng nhận diện thương hiệu, tăng tỷ lệ tương tác, v.v.). Nhưng nhìn chung, mọi nội dung chúng ta tạo ra và cung cấp tới người đọc đều được coi như chiếc cầu nối giữa sản phẩm và khách hàng. Vì vậy, dù bạn chọn thể loại nội dung nào để cung cấp, hãy đảm bảo rằng nó liên quan tới sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Ví dụ: Nếu sản phẩm của bạn là siro ăn ngon cho con, bạn có thể viết nhiều nội dung xoay quanh sức khỏe của trẻ, mối quan hệ giữa trẻ và mẹ, tâm trạng của mẹ, v.v. Nhưng đừng đi xa tới nỗi viết cả nội dung về nuôi dạy con cái hay làm đẹp cho mẹ, vì việc này sẽ khiến độc giả khó liên tưởng tới sản phẩm bạn bán.
#6: Ý tưởng này có giống hệt một ý tưởng bạn tìm thấy ở nơi khác không?
Thật ra, hầu hết các ý tưởng chúng ta có được đều chỉ là một outcome được tạo ra từ nhiều input khác nhau, được tích lũy qua thời gian. Vì vậy, đừng chủ quan cho rằng ý tưởng của mình mới mẻ, độc nhất vô nhị. Hãy kiểm tra để xem cũng với từ khóa đó, đã có những nội dung nào được xuất bản? Chúng có giống những thứ bạn định chia sẻ không? Nếu thấy sự tương đồng lên tới 80%, bạn sẽ cần phải brainstorm lại để tìm ra ý tưởng khác.
Tất nhiên, không phải lúc nào bạn cũng phải vất vả đi tìm ý tưởng mới 100%. Đôi khi, chỉ cần một chút chỉnh sửa từ ý tưởng cũ là đã đủ.
Ví dụ: bạn định viết về chủ đề “các cách tìm ý tưởng nội dung”. Nhưng sau khi search Goolge, bạn thấy đã có vài chục bài viết với từ khóa tương tự. Cũng không sao, bạn có thể sửa thành các lựa chọn sau:
X cách tìm ý tưởng nội dung đơn giản
Tìm ý tưởng nội dung cho người mới bắt đầu
Tìm ý tưởng nội dung cho Social Post/Blog Post/Video
…
Lần tới khi bạn có một ý tưởng, hãy thử kiểm tra theo checklist này trước khi bắt tay vào sản xuất nội dung nhé. Tôi hi vọng bản tin hữu ích với bạn.
Nếu bạn muốn thành thục các kỹ năng khác, từ tìm và đánh giá ý tưởng tới sản xuất trọn vẹn bài quảng cáo hiệu quả, từ làm Portfolio tới thiết lập lộ trình phát triển cho bản thân, bạn có thể tham khảo khóa học Becoming a Copywriter 02 (sẽ khai giảng vào tháng 8) của tôi. 20/6 là hạn cuối ghi danh để nhận được ưu đãi 10%, đừng bỏ lỡ!