#92. Checklist đánh giá hiệu quả nội dung trên mạng xã hội
Đừng viết và đăng tải một cách cảm tính nữa!
Có bao giờ bạn đăng tải một nội dung trên Facebook, mà hoang mang không biết liệu có ai đọc nó hay không?
Có bao giờ bạn cảm thấy bài viết của mình vẫn “thiêu thiếu” cái gì đó, nhưng lại không thể tìm ra để sửa lại?
Có bao giờ bạn mất phương hướng vì đã đăng tải nhiều nội dung trên mạng xã hội, nhưng chúng chẳng đem lại hiệu quả gì?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới các vấn đề trên, nhưng một trong những nguyên nhân phổ biến mà tôi nhận thấy rất nhiều người mắc phải, là không biết cách đánh giá nội dung trước khi đăng tải. Giống như một cái cây cứ liên tục cao lên khi gốc và thân chưa đủ vững, thiếu đi bộ nguyên tắc để đánh giá, nội dung của bạn sẽ:
Mang đầy tính ngẫu hứng, cảm tính mà thiếu cơ sở logic.
Thiếu sự đồng bộ, nhất quán giữa các bài viết.
Thiếu định hướng, khó mang lại hiệu quả.
Trước đây, khi nói về Copywriting, tôi đã từng chia sẻ Checklist đánh giá bài quảng cáo và Checklist đó vẫn được nhiều bạn áp dụng đầy hiệu quả cho tới tận bây giờ. Bạn cũng có thể áp dụng Checklist đó vào bài viết trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, tính chất của nội dung trên Social Media sẽ hơi khác một chút và không phải bài đăng nào trên mạng xã hội cũng là bài quảng cáo. Vì vậy, trong bản tin tuần này, tôi sẽ chia sẻ với bạn những tiêu chí để đánh giá chất lượng một bài viết trước khi đăng tải lên Social Media.
#1. Bài viết có mang lại giá trị gì cho người đọc không?
Lý do một người đọc nội dung bạn chia sẻ thì có rất nhiều. Tuy nhiên, lý do để họ thực sự quan tâm, ghi nhớ hay chia sẻ nội dung bạn viết thì chỉ nằm trong từ khóa: họ cảm thấy được thỏa mãn. Sự thỏa mãn có thể đến từ các giá trị mà bài viết mang lại, giúp người đọc:
Biết thêm một kiến thức mới
Cảm thấy bản thân thông minh, sáng suốt hơn
Được chia sẻ về cảm xúc
Nói thay nỗi lòng họ chưa thể tự nói ra…
Nhìn chung, ngay cả khi bạn viết một nội dung quảng cáo, bạn cũng cần tự hỏi xem bài viết của mình có giúp người đọc giải quyết một vấn đề nào đó không. Chỉ khi nội dung có giá trị với người đọc, chúng ta mới nên xét tới các yếu tố khác.
#2. Bài viết có dành cho một đối tượng cụ thể nào không?
Khi viết nội dung, chúng ta thường nghĩ rằng nó dành chung cho “độc giả”/”khách hàng” của mình. Tuy nhiên, giữa 100 độc giả hay 20 khách hàng, hành vi, nhu cầu và insight của họ cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, việc tạo ra một bài viết dành cho tất cả mọi người là bất khả thi (trừ khi bạn muốn tạo ra nội dung chung chung, không đọng lại ấn tượng gì).