#106. Tất tần tật các bước giúp bạn xác định Brand Voice
Bao gồm Framework dễ dàng thực hiện!
Từ khi bắt đầu hoạt động mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực Content Marketing và Copywriting, các câu hỏi liên quan tới Brand Voice đã tìm đến với tôi rất nhiều lần. Thông thường, khúc mắc mà mọi người gặp phải nhiều nhất là:
Thương hiệu có nhất thiết phải có Brand Voice không?
Tại sao đã làm thương hiệu một thời gian rồi, nhưng vẫn không thể tạo ra dấu ấn gì với khách hàng?
Làm sao để xác định được Brand Voice?
Phải làm gì khi Client (khách hàng) thậm chí còn không biết Brand Voice của họ là gì?
Tôi nhận ra, dù Brand Voice đã trở thành một thuật ngữ được nhiều người nhắc đến, nhưng hầu như số đông vẫn đang mơ hồ với các cách thức để xác định Brand Voice thực sự phù hợp với thương hiệu. Gần đây, trong một phiên tư vấn với khách hàng 1:1 của khóa học Promote Your Business, khi tôi đưa ra các gợi ý về Brand Voice, khách hàng của tôi đã cảm thấy hợp lý và mang vào sử dụng ngay lập tức. Vì vậy, tôi sẽ chia sẻ với bạn một Framework giúp xác định Brand Voice cho thương hiệu. Nếu bạn là chủ thương hiệu, bạn có thể làm theo để tìm ra Brand Voice cho mình. Nếu bạn là người viết tự do, bạn có thể dựa vào đây để tư vấn cho Client của mình. (Trong trường hợp bạn không có thời gian hoặc chưa thể tự làm, bạn có thể book lịch một phiên tư vấn Brand Voice 1:1 có trả phí với tôi tại đây).
Trước tiên, bạn cần phải hiểu…
Chính xác thì Brand Voice là gì?
Có lẽ đây là một khái niệm bị hiểu sai hoặc hiểu mơ hồ tương đối nhiều. Có người nghĩ rằng Brand Voice là Tone of Voice (giọng điệu), có người lại tưởng Brand Voice là logo/hình ảnh/màu sắc thương hiệu…
Có nhiều định nghĩa về Brand Voice, nhưng tôi sẽ chia sẻ với bạn định nghĩa tôi cho là dễ hiểu nhất, từ tổ chức Gather Content.
“Brand voice—a facet of brand personality—is the distinct way a brand communicates with its audience”. [Tiếng nói thương hiệu - một phần của tính cách thương hiệu, là cách riêng biệt mà thương hiệu sử dụng để giao tiếp với độc giả của mình.]
Nói một cách cụ thể hơn, Brand Voice giống như một bộ lọc ngôn ngữ riêng mà ở đó, khi được tiếp nhận thông tin, khách hàng của thương hiệu có thể ngay lập tức nhận ra thương hiệu ấy.
Ví dụ, cùng là mì ăn liền nhưng Hảo Hảo và Omachi mang lại 2 Brand Voice hoàn toàn khác biệt. Trong khi Hảo Hảo có tiếng nói thương hiệu gần gũi, dung dị thì Omachi lại tạo ra cảm giác cao cấp, chuyên nghiệp hơn. Sự khác biệt này được thể hiện thông qua nhiều ấn phẩm truyền thông khác nhau: TVC, Billboard, Social Media Post… Bởi vậy, khi nhắc đến Hảo Hảo là khách hàng nghĩ tới một hương vị thân quen đã đi cùng gia đình qua nhiều năm tháng; còn Omachi giống như một lựa chọn “sang” hơn, sử dụng cho những dịp đặc biệt hơn.
Cần phải phân biệt một chút: Brand Voice và Tone of Voice là 2 khái niệm khác nhau, tuy rằng giữa chúng có một mối quan hệ mật thiết và dễ gây nhầm lẫn. Nói một cách dễ hiểu nhất, Brand Voice là yếu tố nhất quán và ổn định - khi đã xác định Brand Voice, thương hiệu sẽ làm nổi bật Brand Voice đó trong mọi hoàn cảnh. Còn Tone of Voice (giọng điệu) lại là một yếu tố linh hoạt, có thể thay đổi tùy theo chủ đề của nội dung, kênh đăng tải, định dạng, phân khúc khách hàng… Trong nhiều trường hợp, chúng ta sẽ phải biến hóa Tone of Voice để phù hợp với hoàn cảnh sử dụng nội dung.