Trước đây, khi còn viết sáng tác, tôi yêu thích và bị ảnh hưởng nhiều bởi giọng văn của cô Nguyễn Ngọc Tư. Đó là một thứ văn chương thân thuộc, gần gũi nhưng cũng rất lạ lùng, không dễ đọc, nhưng một khi đã đọc thì sẽ đau đáu mãi không nguôi. Tôi từng mơ ước mình cũng có thể viết ra những câu văn giàu hình ảnh, đầy âm thanh và ngập tràn cảm xúc như vậy.
Thế nhưng, khi trở thành Leader của team Copywriting tại Agency, tôi đã nhiều lần phải nhíu mày khi kiểm tra bài do nhân sự viết, bởi thấy các bạn mắc một lỗi giống nhau: đưa quá nhiều dấu ấn cá nhân vào bài viết cho khách hàng.
Tại sao điều ấy lại khiến tôi không hài lòng? Và với một người viết, văn phong cá nhân quan trọng đến mức nào? Ở cương vị một người đã trải nghiệm cả 2 công việc - viết sáng tác và viết thương mại, qua 2 trường hợp - viết cho bản thân và viết cho người khác, tôi sẽ cùng bạn đi tìm đáp án cho những câu hỏi trên trong bản tin hôm nay.
Câu hỏi số 1: Một người viết có nhất thiết phải có văn phong cá nhân không?
Câu trả lời: Điều đó phụ thuộc vào mục đích viết của bạn.
Dưới đây là những trường hợp bạn cần có văn phong cá nhân:
Viết sáng tác các thế loại nội dung như: thơ, tản văn, truyện, hồi ký…
Viết sách (viết cho chính bạn chứ không phải Ghostwriting).
Viết content để xây dựng thương hiệu cá nhân (ví dụ như content trên Facebook, Instagram, Linkedin, Newsletter,...).
Còn đây là những trường hợp bạn không cần văn phong cá nhân:
Viết Ghostwriting cho một người hoặc một thương hiệu khác.
Viết Copywriting hoặc viết thương mại cho một thương hiệu khác (bao gồm cả các nội dung trên các kênh như Social, PR hay tài liệu doanh nghiệp).
Nhìn vào những gì tôi liệt kê, có lẽ bạn cũng đã hiểu điểm mấu chốt của việc xác định sự cần thiết của văn phong cá nhân nằm ở đâu. Tóm lại, nếu bạn viết nội dung nhằm mục tiêu quảng bá cho chính bạn, bạn rất nên có văn phong cá nhân. Còn trong trường hợp bạn đang viết nội dung để truyền đạt thông tin giúp một người khác, bạn không cần và cũng không nên sử dụng giọng văn riêng biệt của mình.
Vì sao lại như vậy?
Bởi vì khi đó, ngòi bút của bạn đang thể hiện tiếng nói của người khác. Trong mắt người đọc, đây là những điều thương hiệu đang muốn nói với họ. Sẽ không có độc giả nào vào fanpage của một nhãn hàng và quan tâm xem Content Writer viết ra bài viết họ đang đọc là ai. Điều họ quan tâm là thương hiệu này đang chia sẻ nội dung gì, và giá trị họ nhận được là gì. Sau đó, ở một bước xa hơn, sự tổng hòa của văn phong, nội dung, hình ảnh sẽ tạo ra cảm nhận nhất định của người đọc về thương hiệu. Vì vậy, với một Content Writer/Copywriter đang viết cho người khác, điều quan trọng không phải văn phong của bạn, mà là văn phong của thương hiệu. (Nếu bạn viết Ghostwriting, càng khó hơn nữa khi bạn cần dùng văn phong để lột tả đúng phong cách của người đứng sau câu chuyện.)
Câu hỏi số 2: Vậy có nghĩa là, khi viết thương mại cho người khác, tôi phải hoàn toàn triệt tiêu văn phong cá nhân?
Cũng không hẳn là như vậy.
Nếu như bạn đang viết cho một thương hiệu khá chuyên nghiệp và trưởng thành, mà trùng hợp giọng văn của bạn cũng khoa học, gọn gàng, bạn hoàn toàn có thể áp dụng giọng văn đó trong content của mình. Nếu như bạn đang viết cho một thương hiệu trẻ trung dành cho Gen Z, mà vừa hay bạn cũng thường xuyên dùng văn phong hóm hỉnh, nhí nhảnh để viết các nội dung cá nhân, chẳng có lý do gì bạn phải ép bản thân thay đổi. Điều quan trọng nhất ở đây là sự phù hợp.
Tất nhiên, một số khía cạnh trong văn phong cá nhân như cách đặt câu, cách sắp xếp trật tự thông tin… gần như sẽ trở thành bản năng của người viết. Vì vậy, cũng không thể nói rằng các bài viết thương mại hoàn toàn không chứa dấu ấn cá nhân của người đứng sau. Tuy nhiên, khi viết thương mại, bạn cần chú ý tới một số yếu tố sau:
Cá tính của thương hiệu là gì? Hay nói cách khác, hãy tưởng tượng, nếu là một con người, thương hiệu đó sẽ có tính cách thế nào? Sôi nổi hay điềm đạm, sang trọng hay gần gũi, nhiệt huyết hay chín chắn? Hãy chọn ra 2 -3 tính từ phù hợp nhất và ghi nhớ.
Đối tượng khách hàng mục tiêu mà thương hiệu đang nhắm đến là ai? Liệu cá tính hiện tại của thương hiệu đã phù hợp với khách hàng mục tiêu chưa? Hãy dựa vào câu hỏi này và đánh giá lại các tiêu chí bạn đã chọn.
Văn phong trong content bạn tạo ra đã thể hiện được điều (1) và phù hợp với điều (2) chưa? Đồng thời, bạn cũng cần coi trọng tính đồng bộ trong nội dung của thương hiệu trên tất cả các kênh, để xây dựng một hình ảnh nhất quán.
Câu hỏi số 3: Tôi phải làm cách nào để tìm ra văn phong đặc trưng của mình?
Trong cuốn sách “Hôm nay phải mở mang” của tác giả Nguyễn Thùy Dung có nhắc tới câu chuyện về văn phong cá nhân, bởi lẽ đây rõ ràng là trăn trở của rất nhiều người viết. Theo đó, dưới đây là những yếu tố tạo nên văn phong đặc trưng của bạn:
Cách lựa chọn từ ngữ
Cách diễn đạt
Cách sắp xếp tình tiết (hoặc thông tin)
Cách sử dụng các phép tu từ
Cách lựa chọn thể loại viết
Tư tưởng, thông điệp của tác giả
Ngoài ra, tác giả Nguyễn Thùy Dung cũng nhấn mạnh: “Nền tảng văn phong của bạn chính là con người thật của bạn”. Tôi rất đồng tình với quan điểm này. Nghĩa là, đừng cố gồng mình để thể hiện một cá tính khác không phải bạn. Nếu bạn là người hài hước, hay đùa, hãy đưa nét hóm hỉnh đó vào giọng văn. Ngược lại, nếu bạn là một người nhẹ nhàng và nghiêm túc, không cần cố gắng để bông đùa trong những bài viết của mình. Tính cách của bạn, tất cả những chuyện bạn đã trải qua, những kỷ niệm bạn từng có, những người bạn từng gặp trong đời, sau này đều sẽ hòa quyện với nhau để tạo thành cái chất của riêng bạn mà không ai sao chép được.
Để hình thành văn phong đặc trưng, tôi có một vài lời khuyên từ trải nghiệm cá nhân dành cho bạn.
Bạn cần hiểu rõ tính cách và những ưu điểm nổi bật của bản thân. Ví dụ, tôi là một người tương đối nghiêm túc trong công việc, và có lợi thế là khả năng sắp xếp cũng như diễn đạt thông tin. Vì vậy, nếu theo dõi các Newsletter của tôi, bạn sẽ thấy văn phong đặc trưng của tôi là sự chuyên nghiệp, logic và dễ hiểu. Dựa vào việc biết bản thân là người như thế nào và có ưu điểm gì, bạn cũng có thể dần xác định văn phong cho mình.
Văn phong không phải một thứ có thể hình thành trong ngày một, ngày hai. Thế nên bạn cũng không cần quá vội vàng. Nếu bạn chưa thể hình thành được văn phong đặc trưng trong giai đoạn đầu tiên tập viết, điều đó cũng không sao cả. Hãy cứ tiếp tục mài dũa ngòi bút của mình, đến một ngày bạn sẽ thấy mình đã có văn phong cá nhân rõ nét.
Không cần quá lo lắng chuyện văn phong của mình giông giống một tác giả nào đó mình đã đọc. Tôi biết đây là tình trạng rất dễ xảy ra. Thực ra, theo quan điểm của tôi, việc này không đáng sợ như bạn nghĩ. Trước khi tạo ra được văn phong của cá nhân mình, chúng ta đều phải thử và bị ảnh hưởng bởi những người khác. Tuy nhiên, văn phong, như tôi đã nói ở trên, là một tổ hợp của rất nhiều yếu tố cộng lại. Tôi có thể thích văn của cô Nguyễn Ngọc Tư, nhưng tôi không thể dùng các phương ngữ miền Tây như cô thường dùng. Thay vào đó, tôi sẽ phải tìm các từ thông thường, gần gũi hơn với cuộc sống miền Bắc. Tương tự như vậy, dù bạn có học theo cách viết của một ai đó, nội dung bạn viết ra vẫn sẽ khác biệt bởi các chi tiết nhỏ mang dấu ấn của bạn. Cứ như vậy, sau một thời gian luyện tập, bạn sẽ hình thành được màu sắc riêng mà không còn sợ bị lẫn lộn với người khác.
Hy vọng bản tin số 14 tuần này đã có thể phần nào giải đáp câu hỏi của các bạn về văn phong cá nhân. Nếu xét dưới góc nhìn về chất lượng bài viết mà tôi đã chia sẻ trong buổi Workshop về Copywriting, văn phong cá nhân nằm trong nhóm “nước sơn đẹp” - nghĩa là cách bạn diễn đạt thông tin tới người đọc. Trong trường hợp bạn chưa nhận được bảng Checklist đánh giá bài viết Copywriting của tôi, bạn có thể download miễn phí TẠI ĐÂY.
Cảm ơn bạn đã đọc trọn vẹn bản tin hôm nay. Nếu thấy nội dung hữu ích, đừng ngại để lại một Like hoặc Comment nhé!
Bữa nào Ánh chia sẻ về lên content strategy đi