Call-To-Action: Những điều cần biết để tối ưu hiệu quả bài quảng cáo
Đừng lãng phí công sức mình bỏ ra chỉ vì quên mất CTA!
“Làm thế nào để viết bài quảng cáo không bị trôi tuột đi?”
“Làm sao để bài quảng cáo có thể tạo ra chuyển đổi?”
Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi tương tự thế này từ học viên và cả những người đang bắt đầu tập viết quảng cáo. Viết được một bài quảng cáo đã khó, mà viết bài quảng cáo để người đọc thực sự hành động sau khi đọc xong lại càng khó hơn. Trong suốt một năm xây dựng bản tin Content Hacks, tôi đã chia sẻ rất nhiều bí quyết để giúp bạn viết nội dung nói chung - nội dung quảng cáo nói riêng hiệu quả hơn. Trong bản tin tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá cách bổ sung một chi tiết tuy nhỏ nhưng rất quan trọng trong bài quảng cáo - đó chính là Call-to-Action.
Trên thực tế, tôi đã thấy nhiều người viết nội dung tốt và hữu ích nhưng lại hoàn toàn thiếu hụt câu CTA ở cuối bài. Một vài lý do có thể là:
Không biết tầm quan trọng của CTA và không nghĩ phải đặt CTA vào bài.
Ngại, không muốn quảng cáo quá lộ liễu.
Không biết viết CTA thế nào cho hợp lý nên… thôi, bỏ qua luôn.
Nhưng chính việc đó khiến bạn khó lòng tạo ra chuyển đổi, dù chất lượng bài quảng cáo có tốt đến đâu!
Hãy cùng “chấn chỉnh” lại cách viết CTA trong bản tin tuần này.
CTA (Call-to-Action) là gì và tại sao phải có CTA trong bài quảng cáo?
Theo tổ chức Solution17, CTA (viết tắt của cụm từ Call To Action) là một thuật ngữ Marketing, chỉ những nội dung được thiết kế với mục đích kích thích một hành động phản hồi hoặc mua hàng ngay lập tức. CTA thường được sử dụng trong các nội dung quảng cáo nhằm thúc đẩy hành động của khách hàng.
Dưới đây là một số mẫu CTA mà có lẽ bạn sẽ thấy rất quen thuộc:
Vậy tại sao CTA lại quan trọng?
CTA giúp bạn kéo dài hành trình khách hàng. Từ một bài viết, bạn có thể kéo họ tới một Website. Từ Website, bạn có thể khiến họ để lại địa chỉ email. Từ một email, bạn tiếp tục mời họ truy cập và Landing Page để xem sản phẩm. Và từ Landing Page, bạn có thể chuyển hóa họ thành người mua hàng.
CTA giúp tối ư hiệu quả của mọi nội dung bạn tạo ra. Thay vì chỉ đọc rồi bỏ đi, bạn có thể dẫn dắt người đọc khám phá các tài nguyên khác và có kết nối sâu sắc hơn với thương hiệu.
CTA giúp khách hàng bớt bối rối và dễ hình dung hành động họ cần làm tiếp theo. Đã có nhiề thông tin chứng minh rằng không chỉ thương hiệu, mà độc giả cũng muốn đọc các bài viết có CTA rõ ràng, để họ bớt phân vân khi ra quyết định hành động.
Theo phân tích từ góc độ tâm lý học bởi MarketTailor, khi chúng ta thuyết phục được khách hàng tạo ra một hành động nhỏ (chẳng hạn như click vào một đường link), chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để thúc đẩy họ tạo ra hành động lớn hơn (như điền thông tin vào một form đăng ký, mua hàng…). Thay vì việc phải ngay lập tức đưa ra quyết định, khách hàng sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi được dẫn dắt trên hành trình mua hàng.
CTA giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate). Theo Callpage, một trang landingpage nếu biết tối ưu CTA có thể cải thiện tỷ lệ chuyển đổi lên tới 220%.
Các chiến thuật viết CTA hấp dẫn
Đọc đến đây, có lẽ bạn đã hiểu tầm quan trọng của CTA trong nội dung của mình. Nhưng bạn sẽ lại băn khoăn: Nên viết CTA như thế nào?
Từ khi làm việc trong ngành Marketing và đặc biệt là Copywriting, tôi có thói quen chú ý tới phần CTA của các bài viết/nội dung mình đọc. Quá trình này khiến tôi nhận ra, nhiều Content Writer/Copywriter đang viết CTA một cách khá hời hợt. Nghĩa là, câu CTA của họ nếu không nhàm chán thì cũng lặp đi lặp lại ở tất cả các bài viết. Đó không phải là cách làm giúp bạn để lại ấn tượng và đẩy khách hàng tới bước đưa ra hành động! Nếu trong một tuần, bạn đăng tải 3 bài Social, bài nào cũng kết thúc bằng câu: “Mua ngay!”, bạn nghĩ liệu khách hàng có muốn mua sản phẩm không?
Vì vậy, ngay bây giờ, tôi sẽ chia sẻ với bạn 3 chiến thuật giúp bạn có thể biến hóa ra hàng trăm câu CTA đa dạng, hấp dẫn cho bài viết của mình.
#1: Nhấn mạnh lợi ích
Lợi ích là điều ai cũng thích, và trong mỗi bài quảng cáo, lợi ích khách hàng có được là yếu tố tiên quyết dẫn tới thành công. Tuy nhiên, đừng chỉ nói về lợi ích ở phần đầu hay phần giữa của bài quảng cáo. Để thông tin quan trọng này không bị “rơi” khỏi tâm trí khách hàng, hãy nhấn mạnh chúng một lần nữa ở phần kết bài - cụ thể là trong câu CTA của bạn.
Chẳng có ai là không thích lợi ích, và khi kêu gọi người đọc thực hiện một hành động mang lại lợi ích cho họ, nhiệm vụ thuyết phục người đọc sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Ví dụ, tôi chuẩn bị ra mắt gói sản phẩm Content Writing Starter Kit, bao gồm 2 khóa học online, 3 tháng đọc bản tin trả phí, 1 cuốn Ebook “Tự luyện tập viết thương mại” và 30 ngày Mentoring từ xa.
Vậy thì đây là những cách tôi có thể viết CTA cho các nội dung quảng cáo của mình:
Bạn có muốn sở hữu nguồn tài nguyên giúp bạn viết thương mại hiệu quả hơn ngay lập tức?
Inbox cho tôi để được tư vấn thêm về gói sản phẩm, tiết kiệm tới gần 70% so với giá trị thực!
Đây là chương trình phù hợp nhất cho những người mới luyện viết thương mại. Bắt đầu ngay cùng với tôi!
2 khóa học, 12 bài viết chuyên sâu, 1 cuốn Ebook hơn 10,000 chữ, 30 ngày Mentoring từ xa - tất cả sẽ đồng hành cùng bạn trên hành trình tự học viết thương mại, chỉ sau một cú click chuột!