#31. Đâu là cách nhanh nhất để trở thành một Copywriter giỏi?
Và kiếm được nhiều tiền hơn!
Xin chào bạn,
Dù bạn mới chỉ biết đến Content Hacks hay đã theo dõi bản tin ngay từ những ngày đầu, tôi tin chắc rằng chúng ta đều có chung một mong muốn: cải thiện tư duy, kỹ năng viết quảng cáo (thậm chí là viết thương mại) và trở thành một Copywriter giỏi.
Nhưng… Khoan đã.
Bạn định nghĩa như thế nào là một Copywriter giỏi?
Từ “giỏi”, thoạt nghe thì hay, nhưng thực ra cũng rất trừu tượng. Trước đây khi còn đi học, chúng ta có một barem điểm để chấm và trao bằng khen học sinh giỏi. Thế nhưng trong những học sinh giỏi đó, năng lực của mỗi người cũng rất khác nhau. Bây giờ, khi làm một công việc mang tính sáng tạo như Copywriter, lại càng khó để đánh giá thế nào là một người viết quảng cáo giỏi. Nội dung đọc lên thấy hay ư? “Hay” và “dở” vốn là đánh giá đầy cảm tính. Nội dung bán được nhiều hàng ư? Vậy số lượng nào được coi là nhiều: 10, 100, 1000 hay hơn thế nữa? Tất nhiên, trên thế giới có những Copywriter nổi tiếng như Daniel Throssell, Ning Li hay Alex Cattoni - những người đã bán được hàng nghìn sản phẩm và mang về doanh thu khủng từ Copywriting. Nhưng có phải chỉ những người xuất chúng như vậy mới được coi là Copywriter giỏi không? Nếu nghĩ thế, có lẽ tất cả các Copywriter khác đều nản lòng và muốn bỏ nghề. Vậy thì, trước khi đi tới nội dung chính ngày hôm nay, bạn hãy cùng tôi tìm hiểu…
Định nghĩa về một Copywriter giỏi
Để làm rõ khái niệm về một Copywriter giỏi, chúng ta cần phân chia cụ thể theo từng môi trường làm việc của họ.
Một Copywriter giỏi khi làm việc tại Agency sẽ đưa ra được các ý tưởng vừa sáng tạo vừa khả thi, và năng lực của họ sẽ được thể hiện qua số lượng dự án thắng pitching, KPI cụ thể của từng chiến dịch quảng cáo, v.v.
Một Copywriter giỏi khi làm việc tại Brand sẽ biết cách đa dạng hóa nội dung và lập kế hoạch nội dung thống nhất với chiến lược Marketing của thương hiệu. Lúc này, năng lực của họ sẽ được đánh giá dựa trên chất lượng từng bài viết, các chỉ số phản ánh sự phát triển của thương hiệu & tình hình kinh doanh như số lượng lead thu được, số lượng hàng bán ra, tỉ lệ truy cập Website, v.v.
Một Copywriter giỏi trong môi trường Freelancer sẽ được ghi nhận năng lực dựa vào chuyên môn và vị thế trong ngách họ chọn cũng như kết quả khách hàng thu được từ nội dung họ tạo ra. Nếu bạn viết Blog post, đương nhiên bạn phải quan tâm tới lượt đọc, thời gian khách hàng lưu lại ở bài viết. Nếu bạn viết bài quảng cáo, bạn sẽ cần đọc các chỉ số như CPC, CPM, v.v để biết bài quảng cáo đã thật hiệu quả hay chưa. Nhìn chung, Freelance Copywriter giỏi cần thật sự am tường ngách mà mình đã chọn, từ đó liên tục phát triển và nâng cấp hiệu quả của nội dung.
Phew, nghe vẫn quá đồ sộ và khó đúng không? Nếu bạn có cảm xúc đó khi đọc nội dung trên, điều ấy cũng hết sức bình thường. Không ai có thể học hết tất cả những điều này ngay ở thời điểm bắt đầu. Vì thế, hãy cùng quay về những mục tiêu nhỏ và đơn giản nhất đã.
5 việc một Copywriter giỏi cần làm tốt
Tất cả những Copywriter kiệt xuất đều đã từng là người mới và chưa từng có kinh nghiệm. Để có thể thuyết phục khách hàng đồng ý sử dụng dịch vụ với mức giá không hề thấp của mình, tôi cũng từng có khoảng thời gian ngơ ngác giữa một biển thông tin, thậm chí còn không phân biệt được giữa “Copy” và “Content”. Vì vậy, bạn không cần quá lo lắng và sốt ruột. Nếu được học và làm đúng quy trình, chắc chắn rồi bạn cũng sẽ có những khách hàng đầu tiên, và dần dần tích lũy thêm kinh nghiệm và phát triển năng lực.
(Tất cả quy trình và những điều cần học để bắt đầu kiếm tiền từ nghề Copywriter, bao gồm cả cơ hội viết bài với khách hàng thật và nhận nhuận bút thật đều được tôi đóng gói trong khóa học Becoming a Paid Copywriter). Bạn có muốn rút ngắn thời gian và công sức phải bỏ ra để thử và sai?)
Trong phần này, tôi sẽ liệt kê ra những việc cơ bản mà một Copywriter cần làm tốt để ngày càng trở nên giỏi hơn. Tuần này, tôi cũng vừa đọc được một bài viết rất thú vị từ anh Nguyễn Đức Sơn - CEO của Học viện thương hiệu Plato, một người tôi đã theo dõi và học được nhiều điều. Trong đó, anh có một câu khẳng định như thế này: “Những người dẫn đầu đều làm rất xuất sắc những thứ cơ bản”.
Đúng vậy, có những thứ tưởng như cơ bản nhưng lại không nhiều người chú tâm làm tốt. Và nếu bạn làm được, làm thật chỉn chu, bạn sẽ tạo ra sự khác biệt.
Luôn trả lời bộ câu hỏi 5W1H trước khi viết
Bạn không bao giờ có thể tạo ra một nội dung tốt nếu không tự vạch ra các yếu tố này trước khi viết bài.
Bạn viết cho ai đọc? Họ là người mua, hay là người sẽ sử dụng sản phẩm này?
Mục đích cụ thể của bạn khi viết bài này là gì?
Bạn sẽ viết về cái gì?
Bạn sẽ đăng tải bài viết ở đâu và khi nào?
Bạn sẽ dùng cách nào để bài viết được hấp dẫn?
Những câu hỏi không mới và cũng không khó, nhưng tôi thấy nhiều Copywriter trẻ thường bỏ qua. Đó cũng là lý do khiến bài viết của họ thường rơi vào tình trạng lan man, lạc đề hoặc không có khả năng tạo ra chuyển đổi.
Xác định outline trước khi viết 1st draft
Nếu đã đi qua bước trả lời 5W1H, bạn đã có định hướng tương đối rõ nét cho bài viết của mình. Để làm rõ hơn bước này, trong các khóa học viết quảng cáo, tôi còn hướng dẫn học viên cách lập lục giác định hướng nội dung để chắc chắn bài viết đi đúng trọng tâm. Kết quả cho thấy, những học viên ưu tiên làm tốt phần này sẽ cho ra bài viết cuối cùng có chất lượng cao hơn cả.
Tiếp đến, bạn cần phải xác định outline của bài viết. Đây sẽ là lúc bạn suy nghĩ những điều như:
Đâu sẽ là nội dung hấp dẫn khách hàng nên cả và nên đẩy lên trước?
Đâu là nội dung có thể xếp xuống sau?
Đâu là trọng tâm của bài viết này?
Bài viết sẽ có mấy ý chính, các ý chính này được diễn giải như thế nào?
…
Tuy nghe có vẻ mất thời gian, nhưng thực tế đã chứng minh rằng bước xây dựng outline sẽ giúp bạn tiết kiệm cực nhiều thời gian khi viết 1st draft vì tránh được các vấn đề như viết xong đọc lại thấy bị lạc đề, viết xong không ưng nên xóa đi viết lại từ đầu…
Không viết nếu chưa research đủ
Nếu người lính ra trận cần vũ khí, thì người viết Copywriting trước khi “xông pha” cũng cần trang bị thông tin, số liệu, dẫn chứng trong tay. Nếu bạn không có đủ sự hiểu biết về sản phẩm, thị trường và khách hàng, bài viết sẽ ngay lập tức phản ánh sự thiếu hụt đó.
Tìm ra một lý do khiến độc giả muốn đọc hết bài viết của mình
Hãy nghĩ về chính bản thân bạn. Bạn đọc hết một nội dung vì lý do gì? Vì nó cần thiết cho bạn, vì nó khiến bạn tò mò, cảm động hoặc được giải trí? Với khách hàng cũng vậy. Bạn cần tìm ra một lý do khiến họ muốn đọc bài viết, và dồn sự chú ý của mình để làm cho yếu tố đó trở nên nổi bật hơn cả.
Đảm bảo ngữ pháp, chính tả, lối diễn đạt đúng chuẩn
“Đang đọc bài hay mà thấy một lỗi chính tả thì cũng vứt đi hết” - đây là bình luận tôi từng đọc được trên một trang mạng xã hội. Điều này thoáng nghe thì có vẻ cực đoan. Đâu có ai hoàn hảo và không bao giờ mắc lỗi sai? Viết cả hàng ngàn chữ thì sai một, hai chữ cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, ở cương vị một người viết, tôi muốn bạn hãy thật nghiêm túc xem xét lại vốn hiểu biết của mình về ngữ pháp, chính tả và diễn đạt. Bạn không cần luôn đúng 100%, nhưng những yếu tố cơ bản này lại là cơ sở để nhiều độc giả đánh giá mức độ chuyên nghiệp của nội dung và quyết định có đọc tiếp hay không. Vì vậy, đừng dễ dãi với bản thân, đừng chấp nhận đăng tải những bài viết chưa được kiểm tra các tiêu chí cơ bản này.
Cách nhanh nhất để trở thành một Copywriter giỏi
Đọc đến đây, bạn sẽ quay lại câu hỏi: Vậy đâu là cách nhanh nhất để trở thành một Copywriter giỏi?
Tôi nghĩ, cách nhanh nhất là kết hợp giữa ba yếu tố này:
Sự kiên trì và đều đặn trong luyện tập
Một người thầy tốt
Một môi trường làm việc tốt
Sự kiên trì và đều đặn phụ thuộc vào chính bản thân bạn, không ai có thể quyết định thay. Người thầy tốt hay môi trường làm việc tốt cũng không thiếu, quan trọng là bạn có chủ động tìm kiếm hay không. Tôi biết, hành trình tự tìm ra và sửa chữa lỗi sai của mình không bao giờ dễ dàng. Nhưng nếu bạn có một người thầy, một môi trường làm việc tốt thì mọi chuyện sẽ khác.
Còn để biết đâu là một môi trường làm việc tốt ư? Hãy đăng ký tham gia Workshop miễn phí “Newbie Copywriter - Đăng nhập vào nghề, chọn đâu cho đúng?” được tổ chức bởi team Better Commercial Writing để khám phá câu trả lời nhé! Sự kiện sẽ diễn ra vào tối ngày 15.3, và đơn đăng ký chỉ mở tới 21 ngày hôm nay. Đừng bỏ lỡ!
Hẹn gặp lại bạn trong buổi Workshop và trong những Newsletter sau!
21 rồi mà chưa thấy Newsletter mới chị ơi 😆