#6: Làm sao để bắt đầu viết một bài quảng cáo khi chưa từng có kinh nghiệm?
Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu từ việc đọc bản tin này!
Bạn đã bao giờ cho một ý tưởng bài viết trôi vào quên lãng, vì không biết bắt đầu từ đâu? Trong khi đó, bạn nhận thức được rõ ràng tầm quan trọng của việc viết. Bạn biết rằng mình phải viết để giới thiệu sản phẩm, phải viết để quảng bá bản thân, phải viết để mời khách mua hàng. Thế nhưng sau khi ngồi vào bàn, đầu óc bạn trống trơn. Bạn không biết tiếp cận và bắt đầu bài viết thế nào, và sau khi ngồi một lúc mà vẫn không thể viết, bạn từ bỏ. Kịch bản này nghe có quen với bạn? Tôi đoán là có, bởi chính tôi - một Copywriter có kinh nghiệm cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Khi tôi còn làm quản lý phòng nội dung tại Agency, nhiều Copywriter cũng đến gặp tôi bởi khó khăn này. Nếu thời gian để viết một bài là 2h, thì có rất nhiều người mất 1,5h chỉ để nghĩ cách bắt đầu.
Nhưng thực sự thì mọi chuyện có khó khăn đến vậy không?
Tôi cho là không.
Dù bạn là một người mới bắt đầu tập viết, hay một người đã mệt mỏi vì viết quá nhiều, chúng ta vẫn có những cách để bắt đầu và hoàn thành một bài viết dễ dàng hơn.
Nếu không biết bắt đầu từ đâu, hãy bắt đầu từ đây!
Bước 1: Xác định mục đích của bài viết.
Ngay cả khi bạn chưa biết phải viết gì, bạn chắc chắn cần hiểu rõ mục đích mà bài viết này hướng tới. Dù bạn tự viết cho mình hay viết cho khách hàng, hãy ngồi xuống và trả lời các câu hỏi sau, càng chi tiết càng tốt.
Bạn viết bài này để làm gì? (Để giới thiệu một sản phẩm/dịch vụ, để khẳng định giá trị của một sản phẩm/dịch vụ, để đưa thông tin về chương trình ưu đãi tới khách hàng,...)
Bạn mong muốn người đọc sẽ có hành động hay cảm xúc gì sau khi đọc bài viết? (Mong muốn khách hàng thấy đồng cảm hoặc thích thú với thương hiệu, mong muốn khách hàng sẽ tương tác với bài viết, mong muốn họ bắt đầu quan tâm tới sản phẩm, inbox để mua hàng…)
Đây là việc sẽ giúp bạn xác định phương hướng đầu tiên, tránh mơ hồ khi bắt đầu và lạc lối trong quá trình viết.
Bước 2: Xác định đối tượng độc giả của bài viết.
Độc giả là ai sẽ quyết định rất nhiều yếu tố trong bài viết của bạn, từ nội dung cho tới văn phong, từ ngữ. Vì vậy, đây là bước bạn không thể bỏ qua khi viết bài quảng cáo.
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong việc xác định đối tượng độc giả, hãy cố gắng tìm ra đáp án cho những câu hỏi sau:
Ai sẽ là người trực tiếp thụ hưởng lợi ích của sản phẩm/dịch vụ bạn đang quảng cáo?
Ai sẽ là người có khả năng mua những sản phẩm/dịch vụ này?
Hãy cố gắng vẽ ra chân dung của họ trong đầu bằng những câu hỏi từ cơ bản tới nâng cao dưới đây.
Họ là ai? Họ làm công việc gì? Họ sống ở đâu? Họ bao nhiêu tuổi?
Sở thích của họ là gì? Thói quen và hành vi của họ ra sao?
Họ thường mua sắm ở đâu? Họ thích những sản phẩm như thế nào? Họ sẽ ưu tiên các tiêu chí gì khi mua sắm?
Tất nhiên, bạn sẽ không thể tự mình trả lời những câu hỏi này. Bạn sẽ cần quan sát và ghi chép liên tục, “nằm vùng” trong các hội nhóm có chứa nhóm đối tượng mục tiêu, và mất nhiều thời gian thử nghiệm để kiểm chứng những thông tin mình đã thu thập được. Tuy nhiên, dù thô sơ, bạn cũng hãy cố gắng vẽ ra một bức chân dung về những khách hàng của mình. Đừng quá lo lắng, theo thời gian, bạn sẽ tìm ra những manh mối để hoàn thiện bức chân dung này.
Bước 3: Xác định “giao điểm vàng” giữa nhu cầu của người đọc và giải pháp mà bạn có.
Tôi tạm gọi đây là “giao điểm vàng”, bởi một khi tìm ra nó, bạn sẽ ngay lập tức có hình dung rõ nét về bài viết của mình.
Vậy “giao điểm vàng” là gì? Đó là điểm giao thoa giữa nhu cầu của người đọc và giải pháp mà bạn cung cấp. Đó là lý do người đọc sẽ đọc hết bài viết của bạn. Đó cũng là động lực thúc đẩy họ đưa ra hành động.
Giả sử bạn đang bán một sản phẩm ghế massage. Sau bước 2, bạn đã xác định được khách hàng mục tiêu của mình là nhóm dân văn phòng, độ tuổi trên 35, thu nhập mỗi tháng trên 20 triệu. Lúc này, bạn sẽ cần tìm “giao điểm vàng” như tôi đã chỉ ở trên.
Nhu cầu của khách hàng:
Một thứ giúp họ thư giãn, giảm thiểu tình trạng đau mỏi cơ thể, đặc biệt là cột sống và cổ vai gáy - căn bệnh thường gặp của dân văn phòng. Đặc biệt, họ cần thứ gì đó tiện lợi và tiết kiệm thời gian, vì họ vô cùng bận rộn.
Giải pháp mà sản phẩm của bạn mang lại:
Một chiếc ghế massage đặt tại nhà, có chế độ massage riêng cho cổ vai gáy, giúp họ được xoa bóp hàng ngày một cách dễ dàng chỉ với 15 - 20 phút.
Tới đây, nếu nghĩ kĩ hơn một chút, bạn có thể tìm thấy giao điểm vàng: Giải pháp chữa đau cổ vai gáy đơn giản tại nhà.
Đây sẽ là chủ đề bạn cần làm nổi bật trong bài viết quảng cáo của mình.
Mỗi lần bạn chuẩn bị viết một bài, hãy cố gắng tìm ra một giao điểm vàng mới. Việc này sẽ giúp nội dung của bạn có trọng tâm và giải quyết đúng insight khách hàng. Nếu bạn chưa đọc bài viết của tôi về Insight, bạn có thể tìm lại tại đây.
Bước 4: Xác định cấu trúc bài viết.
Khi bạn đã quen thuộc với việc viết bài quảng cáo, bạn có thể linh hoạt chọn lựa và sáng tạo cấu trúc bài viết theo ý mình. Tuy nhiên, nếu bạn hoàn toàn chưa có một ý tưởng nào, bạn nên bỏ túi một vài cấu trúc phổ biến nhất để sử dụng khi cần. Dưới đây là một vài gợi ý cho bạn:
Cấu trúc diễn dịch: Đưa ra một câu khẳng định ở đầu bài viết và chứng minh bằng các luận điểm ở phía dưới.
Cấu trúc quy nạp: Trình bày các ý bổ nghĩa cho một thông điệp lớn, rồi tổng kết ở cuối bài.
Cấu trúc tổng - phân - hợp: Kết hợp giữa cấu trúc diễn dịch và quy nạp, bao gồm một câu khái quát ở đầu, các câu diễn giải ở đoạn giữa và câu kết thêm một lần khẳng định, mở rộng câu khái quát đầu tiên.
Trong Marketing, cũng có rất nhiều công thức cho bài viết như AIDA (Attention – Interest – Desire – Action); PAS (Problem – Agitate – Solve); BAB (Before – After – Bridge),... Bạn có thể thiết lập một danh sách các cấu trúc để tham khảo và lựa chọn trong trường hợp bí ý tưởng.
Bước 5: Hoàn thành bài viết, thêm “gia vị” nếu cần.
Khi đã có mục tiêu, chủ đề và cấu trúc bài viết, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Việc của bạn bây giờ là bắt tay vào viết. Những bài đầu tiên bao giờ cũng thật khó khăn. Bạn sẽ thấy mình lúng túng, ngượng nghịu và nghĩ mãi không ra câu mở đầu. Nhưng hãy cố gắng vượt qua cảm giác đó và hoàn thành bài viết. Dần dần, bạn sẽ xây dựng được sức mạnh cho ngòi bút của mình.
Tôi có thêm một vài gợi ý để bạn cân nhắc bổ sung cho bài quảng cáo thêm thú vị hơn.
Bạn có thể dùng một câu quote/thơ/lời bài hát nổi tiếng để mở đầu cho bài viết.
Bạn có thể bổ sung số liệu, dẫn chứng, ví dụ minh họa để giúp bài viết thêm thuyết phục.
Bạn có thể đặt các câu hỏi để tương tác với người đọc.
Bạn có thể cân nhắc đặt một tiêu đề giàu vần điệu, bắt tai. Xem lại bài hướng dẫn viết tiêu đề tại đây.
Tất nhiên, là người chưa có kinh nghiệm, bạn sẽ gặp thêm nhiều khó khăn khác khi viết quảng cáo. Đó có thể là cách phân tích insight khách hàng sao cho có độ sâu và khác biệt; cách khai thác ý tưởng tránh sự nhàm chán và lặp lại; cách tạo ra văn phong khác biệt; cách thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi của khách hàng, v.v. Các vấn đề này không thể được giải quyết trong một, hai ngày. Bạn sẽ cần một khoảng thời gian dài để thử nghiệm, đánh giá và tìm ra giải pháp mới. Nếu bạn cần một người hướng dẫn, đồng hành và hỗ trợ để quá trình đó được thuận lợi và nhanh chóng hơn, bạn có thể đặt lịch học Mentor 1:1 với tôi.
Hôm nay, hãy bắt đầu viết và chia sẻ những thành quả của mình nhé!
Chúc bạn thành công!
P/s: Có thể bạn chú ý hoặc không, nhưng A Copywriting Inspirer đã thay một bộ nhận diện thương hiệu mới. Tôi hi vọng bạn thích điều này. Hãy tin rằng tôi sẽ không ngừng cải tiến bản tin, từ hình thức tới nội dung, để mang lại cho bạn những giá trị tuyệt vời hơn.