#11: Đừng đăng tải những bài viết không hiệu quả nữa, vì email này sẽ giúp bạn lật ngược thế cờ.
Hay có thể coi đây là tấm gương soi chiếu các nội dung bạn viết ra.
Hãy tưởng tượng bạn cần sản xuất một bài viết để gửi cho khách hàng, hoặc để đăng tải trên trang cá nhân. Bạn chỉ có tối đa 3h để viết. Bạn loay hoay mất 2h đầu tiên để tìm chủ đề. Bạn dành nửa giờ tiếp theo để tìm kiếm dữ liệu. Cuối cùng, bạn chỉ còn 30 phút để vội vàng viết cho xong nội dung. Sau đó, bạn đọc lại một lượt và thấy bài viết vẫn còn thiêu thiếu thứ gì đó. Nhưng tất nhiên, như một “điểm mù”, bạn không thể tìm ra hạt đậu lấn cấn đang trốn trong bài viết của mình. Và cũng không còn thời gian nữa, bạn đành nhắm mắt nhấn nút “Gửi đi” hoặc “Đăng”.
Bạn có thấy viễn cảnh này quen thuộc không? Rất nhiều học viên của tôi chia sẻ rằng họ viết theo bản năng, và không nắm rõ những quy tắc của một bài viết có chất lượng. Đó là mấu chốt của vấn đề. Nếu không hiểu rõ, bạn sẽ làm thế nào để kiểm soát hay đo lường giá trị của nội dung đã viết?
Khi còn làm việc tại Agency, mỗi ngày trung bình tôi cần kiểm duyệt từ 10 - 15 nội dung khác nhau. Để có thể làm tốt việc đó trong khoảng thời gian hạn hẹp, tôi đã tự hình thành một bộ tiêu chí trong tư duy. Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ chia sẻ bộ tiêu chí ấy với bạn. Dựa vào đó, bạn có thể tự đánh giá bài viết của mình và tránh đáng kể những lỗi sai trong bài viết của mình.
Bạn có hứng thú không? Cùng bắt đầu thôi!
#1: Nội dung bài viết đã truyền tải đúng thông điệp chính chưa?
Như tôi từng chia sẻ trong bản tin số 6, bước đầu tiên mỗi người viết phải thực hiện là xác định mục đích của bài viết. Từ mục đích và “giao điểm vàng” tìm ra trong bước thứ ba, bạn sẽ cần khoanh vùng một thông điệp lớn nhất mà bài viết muốn truyền tải.
Vậy sau khi hoàn thành nội dung, bạn hãy đối chiếu lại với thông điệp mình đã đặt ra lúc ban đầu. Các ý nhỏ trong bài của bạn đã bổ trợ tốt cho thông điệp ấy chưa? Còn phần nào đang chưa liên quan lắm tới thông điệp chính đó không? Liệu sau khi đọc bài viết, độc giả sẽ nhớ tới điều gì? Những câu hỏi này sẽ giúp bạn rà soát lại tính nhất quán của bài viết.
#2: Các phần trong bài viết đã logic với nhau chưa?
Flow (mạch đọc) của bài viết là một yếu tố quan trọng tác động tới trải nghiệm đọc của độc giả. Gần như sẽ không có ai dành thời gian đọc hết bài viết nếu họ thấy các đoạn rời rạc, không liên quan tới nhau hay được sắp xếp lộn xộn. Thế nhưng đây lại là lỗi mà rất nhiều người mới viết thường gặp phải.
Bởi vậy, tôi khuyên bạn hãy dành thời gian xem xét lại tính logic trong flow của bài viết. Có nội dung nào đang bị nhảy cóc không? Có nội dung nào đang lặp lại không? Có nội dung nào đang khiến người đọc khó hiểu không?
Nếu có thể tự rà soát và đảm bảo sự logic cũng như mạch trôi chảy của bài viết, bạn sẽ khiến nội dung của mình có nhiều khả năng được đọc từ đầu tới cuối.
#3: Bài viết đã đủ liên quan tới người đọc chưa?
Hãy thử nghĩ xem, nếu bạn lướt qua một bài viết với tiêu đề như thế này:
“Dầu gội đầu từ thương hiệu 10 năm kinh nghiệm trên thị trường”.
Liệu bạn có quan tâm tới nội dung họ viết bên trong không? Tôi đoán phải tới 80% chúng ta sẽ bỏ qua. Còn nếu bạn nằm trong 20% người kiên nhẫn đọc tiếp và thấy các nội dung sau:
Sản phẩm được nghiên cứu bởi các chuyên gia uy tín hàng đầu
Sản phẩm được chế tạo từ những nguyên liệu tốt nhất
Sản phẩm được sản xuất trên công nghệ tiên tiến chuẩn quốc tế.
Liệu bạn có muốn mua, hay chí ít là tìm hiểu kỹ hơn về loại dầu gội đầu này không?
Tôi cho là không.
Vậy nguyên nhân nằm ở đâu? Đó là bởi những thông tin trên dù rất ấn tượng, rất uy tín, nhưng lại không liên quan tới người đọc. Bài viết sẽ hiệu quả hơn nếu:
Chỉ ra được lợi ích sản phẩm sẽ mang đến cho người đọc.
Vẽ ra được viễn cảnh tốt đẹp của người đọc sau khi dùng sản phẩm.
Giải quyết nỗi đau mà người đọc đang gặp phải.
#4: Điểm thuyết phục của bài viết nằm ở đâu?
Chúng ta hãy quay trở lại với câu chuyện về bài viết quảng cáo dầu gội trong phần 3. Nếu tôi nói rằng bạn cần đưa ra các thông tin có liên quan tới người đọc, điều đó có đồng nghĩa với việc bạn phải hoàn toàn loại bỏ các thông tin về mặt lý tính không? Câu trả lời là không.
Chúng vẫn rất cần thiết, để tạo ra sức thuyết phục với người đọc.
Muốn cho người đọc thấy đây là sản phẩm lành tính, bạn cần cung cấp thông tin về thành phần cấu tạo nên sản phẩm.
Muốn chứng minh với người đọc đây là sản phẩm đã giúp hàng ngàn người có một mái tóc khỏe hơn, bạn cần đưa ra dẫn chứng hoặc phản hồi từ các khách hàng đó.
Nếu chỉ khẳng định mà không chứng minh, bạn không có cơ sở để khiến độc giả tin vào những gì mình nói.
Vì vậy, hãy đánh giá xem bài viết của mình đã có dữ kiện gì đủ thuyết phục người đọc chưa nhé!
#5: Bài viết có tạo ra cảm xúc gì cho người đọc không?
Bạn sẽ không thể tạo ra mối liên hệ với độc giả hay thúc đẩy họ đăng ký tư vấn, liên hệ và mua hàng nếu nội dung của bạn không tạo ra cảm xúc gì cho họ. Trong trường hợp đó, bài viết của bạn sẽ chỉ như một mẩu tin rác lẫn trong hàng nghìn nội dung họ lướt qua mỗi ngày, tới hôm sau là bay biến không dấu vết.
Cảm xúc là yếu tố rất quan trọng trong viết lách nói chung, và cả viết thương mại nói riêng. Tất nhiên, sự khác biệt giữa hai thể loại nội dung này nằm ở chỗ bạn làm thế nào để tạo ra cảm xúc cho người đọc.
Với nội dung thương mại, có một số cách sau để giúp tạo ra cảm xúc:
Nắm bắt nỗi đau hoặc khát khao của người đọc để nhấn mạnh vào điều đó.
Thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu với vấn đề người đọc đang trải qua và mong mỏi giúp họ giải quyết vấn đề ấy.
Cung cấp thông tin thực sự hữu ích, khiến độc giả cảm thấy được giúp đỡ.
Tạo ra những điểm bất ngờ, khiến họ thích thú với nội dung.
#6: Headline đã đủ ấn tượng để người đọc click vào chưa?
Nếu áp dụng theo quy luật 80/20, có rất nhiều lời khuyên từ các Copywriter lão luyện cho rằng bạn nên dành 80% thời gian để đầu tư vào Headline (tiêu đề) của bài viết. Đặc biệt, trong bối cảnh Internet bùng nổ và con người có xu hướng “sống vội” như hiện nay, tiêu đề gần như là yếu tố then chốt để người đọc quyết định click vào bài viết.
Trong bản tin số 5, tôi đã hướng dẫn một số cách thức giúp bạn viết tiêu đề hấp dẫn hơn.
Còn hôm nay, tôi sẽ chia sẻ ba tiêu chí để đánh giá chất lượng của tiêu đề bài viết:
Khoanh vùng cụ thể đối tượng độc giả của bài viết.
Đủ ấn tượng để thu hút sự chú ý của người đọc.
Đủ gợi mở để kích thích độc giả đọc tiếp nội dung.
Hãy cùng thực hành một chút vẫn với ví dụ về bài quảng cáo dầu gội đầu.
Headline cũ: Dầu gội đầu từ thương hiệu 10 năm kinh nghiệm trên thị trường.
Headline mới: Đây là cách giúp hơn 1000 phụ nữ có mái tóc suôn mượt sạch gàu, tăng 200% sự tự tin.
Nhìn vào Headline mới, chúng ta có thể phân tích được:
Đối tượng độc giả của bài viết: phụ nữ muốn có mái tóc suôn mượt sạch gàu.
Ấn tượng: đã có hơn 1000 người dùng thành công, tăng 200% sự tự tin.
Gợi mở: Đọc tiếp để tìm hiểu cách gì đã giúp hơn 1000 phụ nữ đạt được hiệu quả lớn như vậy?
Sau khi đối chiếu với cả 6 tiêu chí trên, bạn thấy bài viết của mình đang làm tốt điều gì và cần cải thiện ở đâu? Đừng tiếc thời gian bỏ ra để biên tập, vì đây là bước tối quan trọng tạo nên chất lượng của nội dung. Khi đã biên tập đủ nhiều, bạn sẽ dần hình thành tư duy viết và viết tốt hơn trong tương lai.
Bạn cảm thấy những lời khuyên này hữu ích chứ? Hãy để lại comment hoặc chia sẻ bài viết tới những người cần thông tin này!
Bài viết rất cần cho chị ngay lúc này.
Bài viết hay quá nè 👍🏻