Trong khóa học Becoming a Paid Copywriter của tôi, học viên được yêu cầu thực hành bước xây dựng Outline trước khi viết bài hoàn chỉnh. Vì Outline giống như xương sống của một bài viết, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mạch nội dung của bài. Trong quá trình sửa bài cho học viên, tôi nhận ra các bạn thường mắc một vài lỗi sai giống nhau:
Muốn đưa quá nhiều thông tin vào trong một bài viết.
Chưa biết cách gom nhóm và sắp xếp thứ tự thông tin.
Những lỗi sai này sẽ dẫn đến tình trạng bài viết trở nên quá dài, lan man, thiếu trọng tâm. Trong bản tin tuần này, tôi muốn giới thiệu với các bạn về Logical Flow - có thể được hiểu như luồng thông tin của bài viết, và các cách thức giúp bạn kiểm soát luồng thông tin này tốt hơn.
Tại sao bài viết cần có Logical Flow?
Để trả lời cho câu hỏi này, tôi muốn mời bạn xem 2 ví dụ - cùng viết về sản phẩm nồi chiên không dầu của thương hiệu A.
Ví dụ 1:
“Bạn về nhà sau một ngày dài mệt mỏi. Cả một bữa tối với ngổn ngang nguyên liệu đang chờ bạn nấu. Nồi niêu từ bữa ăn trước vẫn còn chất đống trong bồn rửa bát. Hôm nay, bạn đã trải qua rất nhiều căng thẳng ở công ty. Mọi thứ khiến bạn kiệt sức, chỉ muốn có 30 phút để nằm xuống nghỉ ngơi. Gọi đồ ăn bên ngoài thì không đảm bảo, đi ăn hàng lại tốn kém, mà chồng con bạn cũng cần có gì đó bỏ bụng cho bữa tối. Nhưng bạn có thể làm gì được đây? Bạn đành gắng gượng nấu nướng trong trạng thái chán nản, nấu xong cũng không còn cảm giác muốn ăn. Trong tình huống đó, nếu bạn sở hữu nồi chiên không dầu từ thương hiệu A, hẳn mọi chuyện đã khác.”
Ví dụ 2:
“Bạn về nhà sau một ngày dài mệt mỏi. Hôm nay, bạn đã trải qua rất nhiều căng thẳng ở công ty. Mọi thứ khiến bạn kiệt sức, chỉ muốn có 30 phút để nằm xuống nghỉ ngơi.
Vậy mà bạn phải cưỡng lại cơn buồn ngủ đang ập đến, bởi còn có quá nhiều việc phải làm. Nồi niêu từ bữa ăn trước vẫn còn chất đống trong bồn rửa bát. Cả một bữa tối với ngổn ngang nguyên liệu đang chờ bạn nấu. Dù đã tính đến một vài phương án khác, nhưng bạn đều thấy không ổn. Gọi đồ ăn bên ngoài thì không đảm bảo, đi ăn hàng lại tốn kém, mà chồng con bạn cũng cần có gì đó bỏ bụng cho bữa tối.
Bạn đành gắng gượng nấu nướng và dọn dẹp trong trạng thái chán nản, nấu xong cũng không còn cảm giác muốn ăn.
Trong tình huống đó, nếu bạn sở hữu nồi chiên không dầu từ thương hiệu A, hẳn mọi chuyện đã khác.”
Bạn có nhận ra điểm khác nhau giữa 2 ví dụ này, dù nội dung của chúng gần như giống hệt không? Thực ra, các ý tưởng về mặt nội dung ở ví dụ số 1 đều đã khá tốt. Tuy nhiên, do cách sắp xếp về mặt logic chưa hiệu quả, nên bài viết này gây ra một số vấn đề như:
Khiến người đọc khó theo dõi và hiểu được nội dung người viết muốn truyền tải.
Không thể truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng nhất.
Có thể làm cho người đọc bỏ đi sau 2-3 câu, bởi họ không có đủ kiên nhẫn để đọc hết.
Trong khi đó, ở ví dụ thứ 2, mọi thứ được sắp xếp một cách khoa học, dễ hiểu. Vì vậy, bài viết như thế này sẽ luôn mang lại hiệu quả cao hơn. Đó cũng là đáp án cho câu hỏi tại sao bài viết cần phải có Logical Flow.
Làm sao để đảm bảo Logical Flow cho nội dung của bạn?
Để bài viết có mạch nội dung hợp lý, bạn cần quan tâm tới các tiêu chí sau đây:
#1: Khối lượng thông tin
Bạn không thể đưa tới tận 5-10 thông tin mới vào trong một bài Social Post có dung lượng dưới 300 chữ và hi vọng độc giả sẽ hiểu hết. Bạn cũng không thể viết một bài Long-form dài 1000 chữ chỉ với 1 thông tin cốt lõi khi không biết cách đào sâu hay phát triển.
Tóm lại, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định thể loại nội dung mình muốn viết, nhận định độ dài phù hợp, khoanh vùng mục tiêu trọng tâm trong bài để quyết định mình sẽ đưa lượng thông tin như thế nào vào bài viết.
Ví dụ: Mình đang viết Newsleter với độ dài trung bình 1200 - 1500 chữ. Trong bài viết này, mình muốn giới thiệu kỹ với các bạn cách thức để khiến bài viết có mạch nội dung tốt hơn. Vậy thì mình sẽ chọn 2 nội dung lớn liên quan với Vai trò của Logical Flow & Hướng dẫn đảm bảo Logical Flow cho nội dung. Sau đó, mình tiếp tục chia nhỏ các ý phụ bên trong mỗi phần. Như vậy, mình xác định rằng 2 phần lớn trong bài viết sẽ có dung lượng từ 500 - 800 chữ, sau đó tiếp tục chẻ ra các phần nhỏ hơn. Nếu thấy nội dung đã dài quá kế hoạch ban đầu, mình sẽ xem xét để cắt bỏ/sửa đổi/đẩy sang phần khác.
#2: Nhóm thông tin
Có một lỗi sai các bạn mới bắt đầu viết thường gặp, là viết theo cách liệt kê liên tục. Trong khi đó, với những nhóm nội dung có điểm chung, bạn có thể gom chúng lại với nhau để tạo cảm giác gọn gàng và dễ theo dõi hơn. Ví dụ, ngay trong bài viết này, mình đã gom các hướng dẫn trong cùng một phương pháp/tiêu chí lại và chia bài viết thành các phần nhỏ hơn. Việc này vừa giúp người viết dễ dàng kiểm soát nội dung, vừa giúp người đọc dễ dàng theo dõi.
#3: Thứ tự sắp xếp thông tin
Đây là phần mình thấy mọi người thường gặp khó khăn nhiều nhất. Nếu bạn có nhiều nội dung để đưa vào bài nhưng chưa biết sắp xếp ra sao, hãy tham khảo một vài trình tự dưới đây:
Chronological Order (Trình tự thời gian): Sắp xếp thông tin theo trình tự xảy ra trước - sau.
Spatial Order (Trình tự không gian): Sắp xếp thông tin theo không gian (ví dụ: từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, từ tổng quát tới chi tiết, v.v.).
Cause & Effect (Nguyên nhân & Hệ quả): Sắp xếp thông tin theo trình tự đi từ nguyên nhân tới hệ quả (hoặc ngược lại: Hệ quả - giải thích nguyên nhân).
Similarities (So sánh tương đồng): Cung cấp lần lượt các thông tin có điểm tương đồng.
Differences/Contrast (So sánh khác biệt): Sắp xếp thứ tự thông tin theo thứ tự: Khác biệt 1 - Khác biệt 2…
Order of Importance (Phân cấp theo mức độ quan trọng): Sắp xếp thông tin theo mức độ giảm dần sự quan trọng từ trên xuống dưới. Đây còn được gọi là cấu trúc kim tự tháp ngược.
#4: Sự liên kết giữa các thông tin
Đôi khi, các thông tin bạn chọn đã có sự liên kết với nhau nhưng cách viết của bạn lại khiến chúng có cảm giác rời rạc. Vì vậy, bạn cũng cần học cách sử dụng các phương pháp liên kết nhằm giúp nội dung bổ trợ cho nhau tốt hơn.
Một vài phương pháp bạn có thể tìm hiểu thêm là:
Sử dụng tiêu đề phụ (trong bài viết dài, như cách mình đang làm).
Biến bài viết thành Checklist và các ý tương đương nhau thành các Bullet Point.
Sử dụng các từ nối (Ví dụ: Bởi vì, Do đó, Ngoài ra, Ngược lại, v.v.).
Sử dụng phép lặp (dùng đi dùng lại một cụm từ/một cú pháp ở các câu khác nhau).
Sử dụng phép thế (Thay từ ngữ nhất định bằng từ khác có ý nghĩa tương đương).
Bạn hãy thử những cách thức tôi vừa hướng dẫn và so sánh hiệu quả của chúng trong mạch bài nhé! Chúc bạn sẽ tạo ra được nhiều nội dung hấp dẫn.
Nếu bạn muốn trở thành Copywriter/Content Writer chuyên nghiệp, đừng quên khóa học Becoming a Paid Copywriter 03 của tôi đang tuyển sinh sớm với ưu đãi 10% học phí tới hết ngày 05/10/2023. Trong khóa học, bạn sẽ được trang bị thêm nhiều kiến thức nền tảng và rèn luyện kỹ năng viết thương mại sắc bén hơn. Đồng thời, bạn cũng sẽ được kèm cặp và chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm để phát triển sự nghiệp viết lách của mình.
Bạn có thể tham khảo một vài feedback từ các học viên khóa 01 của tôi:
Lịch tư vấn miễn phí hàng tuần vẫn đang mở cho các bạn quan tâm. Đừng ngần ngại book một cái hẹn với tôi nhé!