#38. 7 thành phần cốt lõi giúp bạn bắt đầu bài Storyselling dễ dàng.
Kể chuyện bán hàng từ con số 0 không khó đến thế!
Xin chào bạn,
Có lẽ hiện giờ bạn đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ thật vui vẻ. Tôi hi vọng bạn kịp sạc đầy năng lượng, trước khi quay lại với công việc trong những ngày tiếp theo.
Dù biết đang trong thời gian nghỉ ngơi, nhưng vì chủ đề Storyselling đang nhận được khá nhiều sự quan tâm từ bạn đọc, tôi vẫn quyết định gửi bản tin tuần này đúng hẹn. Trong số 38 tuần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các yếu tố cơ bản nhưng cần thiết để tạo ra một bài Storyselling hấp dẫn.
Cùng bắt đầu nhé!
#1. Nhân vật
Điều này vô cùng dễ hiểu đúng không? Một câu chuyện không thể được gọi là câu chuyện nếu như nó không có nhân vật. Khi bạn viết Storyselling, nhân vật sẽ là yếu tố đầu tiên bạn nên nghĩ tới. Ở đây, tôi sẽ đưa ra một số lưu ý và gợi ý liên quan tới quá trình bạn sáng tạo nhân vật cho câu chuyện:
Mỗi câu chuyện chỉ nên có một nhân vật chính xuyên suốt. Tùy thuộc vào mục đích của nội dung, nhân vật này có thể là chủ thương hiệu (trong Brand Story), hoặc là khách hàng (trong Customer Story).
Nhân vật chính sẽ là người thể hiện thông điệp bạn muốn truyền tải thông qua câu chuyện.
Trong Storyselling, khác với viết truyện hay tiểu thuyết, bạn không cần quá nhiều nhân vật. Để tránh việc kể một câu chuyện quá dài hoặc gây khó hiểu cho người đọc, một câu chuyện bán hàng chỉ nên có 1 nhân vật chính là 1-2 nhân vật phụ (Supporting characters).
#2. Bối cảnh
Bối cảnh là sự giải thích về không gian, thời gian và lý do cho sự xuất hiện của các vấn đề phía sau. Thông thường, bối cảnh được đặt ở đầu bài Storyselling để giúp người đọc hiểu được mục đích, nhu cầu của nhân vật. Đồng thời, điều đó cũng là cơ sở để lý giải cho các suy nghĩ, hành động của nhân vật.
Khi chia sẻ về bối cảnh trong Storyselling, đừng dành quá nhiều thời lượng cho nó. Tôi đề xuất bạn chỉ dành từ 1-3 câu để miêu tả về bối cảnh. Khác với một câu chuyện thông thường, ở đây, độc giả sẽ chỉ cần những thông tin quan trọng nhất để có thể nắm bắt được tình hình.
Một số ví dụ về bối cảnh:
“6 tháng trước, tôi gặp Vân ở cửa hàng khi cô sinh viên này muốn tìm mua một chiếc laptop trong tầm giá hơn 10 triệu, với yêu cầu có thể sử dụng để cắt dựng video”. [trích một bài Storyselling tôi viết làm ví dụ trong group Viết thương mại - Vừa học vừa hành].
“Năm ngoái, trong một chuyến du lịch, tôi gặp anh Hoàng - chủ một khách sạn nhỏ - người sau này trở thành khách hàng đầu tiên cho dịch vụ tư vấn chiến lược nội dung của tôi”. [đây có thể là phần mở đầu cho một bài Storyselling về dịch vụ tư vấn chiến lược nội dung].
“Một buổi tối ngày thứ 6, tôi đang cặm cụi dọp dẹp cửa hàng để chuẩn bị về nhà thì một người khách bước vào để hỏi mua một chiếc bánh kem. Nhìn chú có vẻ rất vội vã.” [đây có thể là phần mở đầu cho một bài Storyselling của cửa hàng bánh ngọt].
#3. Mâu thuẫn/Vấn đề
Đây là lúc bạn cần bắt đầu nêu ra vấn đề của nhân vật. Sau phần bối cảnh, người đọc đã hiểu sơ qua đó là ai, có nhu cầu gì. Họ sẽ tò mò muốn biết: điều gì xảy ra tiếp theo? Một số gợi ý để viết phần này là:
Một tình huống đột ngột xảy ra khiến nhân vật không thể đạt được điều họ muốn.
Một khó khăn bất ngờ xuất hiện.
Một nhân vật khác lộ diện trong câu chuyện và có sự tương tác với nhân vật chính.
Đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật chính hoặc hội thoại giữa hai nhân vật.
Tiếp tục hé lộ những tình tiết liên quan tới nhu cầu của nhân vật.
…
Nhìn chung, khi viết phần này, nhiệm vụ của bạn là tiếp tục dẫn dắt câu chuyện sao cho có thể đưa đẩy tới phần cao trào phía sau. Nếu có thể, hãy tạo ra cảm giác tò mò để độc giả muốn tiếp tục theo dõi câu chuyện.
Để bạn có thể hình dung rõ nhất, tôi sẽ viết tiếp câu chuyện của cửa hàng bánh ngọt.
“Chào chú ạ! Cuối ngày, cửa hàng chỉ còn duy nhất một chiếc bánh trong tủ thôi. Chú có muốn lấy không ạ?” Tôi cất lời.
“Vâng cô ạ.” Chú đáp, bằng chất giọng miền Trung đặc trưng. “Hôm nay sinh nhật con gái tôi, mà tôi đi làm về muộn quá ghé hàng nào cũng hết bánh. May mà ở đây còn một chiếc!”
Tôi nhanh nhẹn lấy bánh ra khỏi tủ, cho vào hộp.
“Bánh cuối ngày sẽ được giảm giá 50% và tặng kèm thìa dĩa với nến. Của chú tổng cộng hết 150,000 ạ!”
Người khách đưa tay sờ túi quần, và bỗng nhiên mặt chú biến sắc.
#4. Cao trào
Một trong những phần quan trọng nhất của Storyselling đã tới! Cao trào là tình huống khi vấn đề hoặc mâu thuẫn ở phía trước được đẩy lên cao, tạo ra những tác động tới nhân vật để họ buộc phải đưa ra một quyết định nào đó.
Thực ra, trong bài kể chuyện bán hàng, cao trào không nhất thiết phải là một tình tiết quá rùm beng hay gay cấn như trong phim hoặc truyện ở thể loại hư cấu. Tùy thuộc vào mục đích của câu chuyện và đối tượng độc giả, cao trào có thể chỉ đơn giản là một tình tiết thắt nút nào đó khiến người đọc cảm thấy cần tìm kiếm câu trả lời.
Hãy tiếp tục với ví dụ nhé!
Tôi kiên nhẫn chờ đợi. Sau khi kiểm tra một lần nữa, chú nói với tôi đầy bối rối.
“Xin lỗi cô, hình như tôi làm rớt ví mất rồi. Giờ tôi không có đồng nào trong người, cũng chẳng có vật gì giá trị để đặt cọc. Cô… Cô cất bánh đi giùm tôi, xin lỗi vì đã phiền cô!”
Tôi đọc được trong mắt chú một nỗi thất vọng khủng khiếp. Điều đó làm lòng tôi thắt lại.
#5. Giải pháp
Mọi câu chuyện, sau khi bị thắt nút đều phải được gỡ nút. Trong phần này, bạn sẽ đưa ra giải pháp hoặc cách thức các nhân vật đã chọn để giải quyết cao trào vừa nổ ra. Lưu ý, các thông tin quảng cáo về thương hiệu, sản phẩm nên được lồng ghép từ phần giải pháp trở về sau. Như vậy, khi theo dõi từ đầu cho tới cao trào, người đọc sẽ không phải cảm thấy khó chịu.
Cùng xem tiếp giải pháp trong câu chuyện phía trên sẽ được trình bày như thế nào nhé!
Khi chú chuẩn bị bước ra khỏi cửa, tôi nghĩ mình cần làm điều gì đó.
“Chú ơi!” Tôi gọi to vì sợ chú đi mất, sau đó xách hộp bánh chạy tới chỗ vị khách.
“Chú cầm đi ạ! Khi nào tìm lại được ví hoặc khi nào có tiền, chú quay lại trả cho con cũng được!”
“Vậy sao được cô ơi, tôi không dám nhận đâu!”
Tôi dúi hộp bánh vào tay chú.
“Con chuẩn bị đóng cửa rồi, giờ chú không lấy thì con phải xử lý. Mà con cũng không ăn hết được chiếc bánh này. Không sao đâu ạ, con gái chú chắc đang háo hức chờ bố về đấy!”
“Vậy… tôi cảm ơn cô nhiều nghe. Tôi nhất định sẽ quay lại trả tiền cho cô!”
#6. Kết quả
Sau khi giải pháp được đưa ra, kết quả nhân vật nhận được là gì? Đây sẽ là tình tiết tiếp theo mà độc giả muốn biết. Đây cũng là cơ hội rất tốt để bạn thể hiện cho khách hàng thấy lợi ích mà sản phẩm của bạn mang lại cho họ là gì. Hãy dành thời lượng để nhấn nhá vào những kết quả thực tế, có thể đo lường được ở phần này.
Một tuần sau, tôi gần như đã quên chuyện về vị khách đó. Vậy mà một buổi sáng, khi vừa mở cửa hàng, tôi thấy chú dắt theo một bé gái chừng 9, 10 tuổi bước vào.
“Cô ơi, tôi quay lại gửi tiền cho cô đây!”
Tôi mỉm cười nhận lấy số tiền đã được chú vuốt phẳng phiu. “Dạ, con cảm ơn chú.”
Người đàn ông cười rạng rỡ, xoa đầu con gái. “Con nhỏ cứ khen rối rít là bánh vừa ngon vừa đẹp, nó đòi tôi dắt đến xem cửa hàng để sau này lớn lên cũng mở một tiệm bánh đó!”
Rồi chú kể tiếp. “May sao trong cái ví của tôi có giấy tờ, nên người ta tìm được số điện thoại. Tối qua họ vừa gặp tôi để trả lại ví. Công nhận Hà Nội nhiều người tốt thật cô ha!”
Chỉ một câu vài câu nói như vậy mà khiến tôi vui cả ngày hôm đó.
#7. CTA
Đến đây, xem như người đọc đã thỏa mãn với câu chuyện mà bạn kể. Nhưng đừng vội kết thúc ở đó. Tận dụng cảm xúc tích cực mà họ đang có từ câu chuyện, hãy khéo léo đưa ra lời kêu gọi hành động để bài Storyselling thực hiện trọn vẹn “sứ mệnh” của nó - giúp bạn bán được hàng! Tất nhiên, khi viết CTA, bạn cũng phải lưu ý làm sao để lời kêu gọi phù hợp với Tone & Mood trong câu chuyện và không quá sỗ sàng.
Ví dụ, nếu là tôi, sau khi câu chuyện khép lại, tôi sẽ thêm một vài câu như thế này…
Thật may vì cửa hàng của chúng tôi không cho phép bán bánh tồn từ ngày hôm trước, và có chính sách trợ giá 50% cho khách hàng mua sau 9h30 tối. Thật may vì tôi đã quyết định đặt lòng tin, để khách hàng có thể mang lại một món quà sinh nhật trọn vẹn cho con gái.
Những chiếc bánh chính là phương tiện để chúng tôi trao tặng sự ngọt ngào cho khách hàng của mình.
Nếu bạn cũng muốn tận hưởng sự ngọt ngào này, mời bạn ghé cửa hàng … tại …!
Đó là những yếu tố sẽ bước đầu giúp bạn tạo ra một bài Storyselling cuốn hút. Tất nhiên, khi đã thành thục, bạn có thể biến hóa các yếu tố này thành nhiều cấu trúc đa dạng khác. Hai ngày nữa, độc giả của bản tin Premium sẽ nhận được một tài liệu gợi ý 4 cấu trúc dễ áp dụng nhất cho bài viết Storyselling. Nếu bạn đã nằm trong danh sách, hãy đón đọc nhé! Còn nếu bạn chưa phải độc giả trả phí, bạn có thể cân nhắc trở thành Paid Member để được unlock nhiều nội dung cũng như tài liệu hữu ích khác của Content Hacks.
Nếu bạn có bất kì câu hỏi gì về Storyselling, hãy chia sẻ với tôi nhé! Chúng ta còn rất nhiều chuyện để nói với nhau về kỹ năng này. Hẹn gặp lại trong các bản tin tới!