#115. 6 tips đơn giản giúp bạn tạo ra bài quảng cáo giàu cảm xúc hơn
Áp dụng ngay để thấy hiệu quả!
Nếu bạn đã nhiều lần thử đưa cảm xúc vào bài quảng cáo nhưng chưa thấy hiệu quả, hãy thử các tips tôi chia sẻ trong bản tin tuần này nhé!
Lưu ý: Đây chỉ là các tips để áp dụng nhanh. Để hiểu tường tận về bản chất, quy trình của nội dung quảng cáo giàu cảm xúc hay cách thức tự sáng tạo nội dung đầy linh hoạt, bạn có thể cân nhắc đặt trước cuốn Handbook về Emotional Copy của tôi. Thời hạn cuối để nhận ưu đãi tới 25% là hết ngày 28/3/2024!
Bây giờ thì cùng bắt đầu thôi!
#1: Khai thác trí tưởng tượng
Khi bán hàng trực tiếp, chúng ta có rất nhiều cơ hội để khách hàng được chạm, nhìn, nếm, nghe sản phẩm. Đó là cách mà thương mại truyền thống vẫn làm. Hãy nhớ đến các sự kiện trải nghiệm, các Workshop nước hoa, các booth tặng sản phẩm dùng thử hay giới thiệu đồ ăn mà bạn từng lướt qua. Chúng là những ví dụ cho thấy việc trực tiếp được thưởng thức sản phẩm sẽ giúp cho sự ham muốn của khách hàng tăng lên như thế nào.
Nhưng khi bạn viết quảng cáo để bán hàng từ xa cho khách hàng, bạn không có cơ hội để làm những điều ấy. Vì vậy, giải pháp thay thế là hãy khai thác trí tưởng tượng của họ. Để làm được điều này, tôi có một vài gợi ý cho bạn:
Đặt sản phẩm vào trong những bối cảnh cụ thể. Ví dụ: nếu bạn bán dịch vụ nghỉ dưỡng tại một homestay, hãy đặt ra những bối cảnh như khách hàng đi trăng mật, khách hàng đi relax sau một thời gian lao động miệt mài, khách hàng tổ chức tiệc độc thân, khách hàng có kế hoạch cầu hôn, v.v… Việc này sẽ giúp sự tưởng tượng bắt đầu trở nên dễ dàng hơn.
Hãy miêu tả thật chi tiết và sống động. Lúc này, ngôn ngữ chính là vũ khí của bạn. Hãy thiết lập các tình tiết có thể đẩy cảm xúc của khách hàng lên cao trào. Đồng thời, hãy miêu tả cho họ những thứ mà họ chưa thể trải nghiệm trực tiếp (như: màu sắc của cảnh vật, mùi vị của thức ăn, âm thanh của môi trường, v.v…)
#2: Tìm kiếm & sử dụng Emotional Attachments
“Emotional Attachments” có thể hiểu là những đối tượng có thể tác động sâu sắc về mặt cảm xúc đến khách hàng mục tiêu mà bạn đang nhắm tới. Trong cuộc sống, ai cũng có những emotional attachments mà khi nhắc đến họ, cảm xúc của chúng ta lập tức tuôn trào.
Với một số người, đó là gia đình. Với một số người khác, đó là thú cưng. Với một số người khác nữa, đó là một nhân vật có tầm ảnh hưởng, những cuốn sách, một môn thể thao, hoặc một địa điểm yêu thích, v.v… Việc của bạn là tìm hiểu khách hàng thật kĩ để nhận diện các emotional attachments, sau đó đưa chúng vào nội dung quảng cáo của mình.
Ví dụ: Nếu bạn đang kinh doanh một nhà hàng, thay vì chỉ liên tục nhắc đến chuyện thức ăn ngon ra sao, bạn có thể khéo léo lồng ghép việc khách hàng sẽ cảm thấy ấm áp như thế nào với một bữa tối quây quần bên gia đình, hoặc một bữa tiệc “quẩy” thật sung với hội bạn thân…
#3: Luôn kết thúc bài quảng cáo trong sự tích cực
Trong quảng cáo, có nhiều loại cảm xúc để bạn có thể đưa vào và gây tác động đến khách hàng. Trong số đó, có cả những cảm xúc tiêu cực như: giận dữ, sợ hãi, buồn bã… Tôi không phản đối việc sử dụng những cảm xúc này. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng tâm lý con người luôn hướng tới những thứ tốt đẹp hơn, đặc biệt khi họ tìm kiếm sản phẩm nào đó để mua. Ai cũng mong muốn những vấn đề của mình sẽ được giải quyết. Vì vậy, bạn hãy lưu ý rằng đừng bao giờ kết thúc bài quảng cáo của mình trong những cảm xúc tiêu cực. Điều đó có thể tác động đến khách hàng, nhưng lại để lại ấn tượng không tốt về sản phẩm và ngăn cản ý định mua.
Dù bài quảng cáo có sử dụng cảm xúc tiêu cực, hãy điều hướng chúng tới những điều tích cực hơn trước khi kết thúc.
Ví dụ: Nếu bạn đang bán một sản phẩm kem dưỡng da, hướng đến đối tượng có làn da thường xuyên bị mụn. Bạn có thể khơi gợi sự lo lắng và mệt mỏi của khách hàng khi liên tục phải đối diện với tình trạng da kém sắc. Nhưng sau đó, hãy chia sẻ với họ rằng họ hoàn toàn có thể có được làn da khỏe & đẹp hơn, kèm những case study trong thực tế khi khách hàng gặp tình trạng tương tự được giải quyết bởi sản phẩm của bạn.
#4: Kể chuyện
Storytelling vẫn luôn là cách thức tuyệt vời để kết nối với độc giả và tạo ra cảm xúc. Tuy nhiên, nhiều người lầm tưởng rằng bài Storytelling nào cũng phải viết rất dài và cho rằng Storytelling không phù hợp để áp dụng vào quảng cáo. Trong thực tế, kể chuyện vẫn luôn là một cách bán hàng đỉnh cao. (Tôi thậm chí đã có một chuỗi bài và một cuốn Ebook về STORYSELLING để chia sẻ về chủ đề này).
Storytelling có thể ứng dụng rất linh hoạt trong Copywriting. Bạn có thể:
Kể một câu chuyện ngắn trước khi chia sẻ về sản phẩm.
Lồng ghép sản phẩm vào trong câu chuyện.
Sử dụng câu chuyện như một Hook trong bài.
Tất nhiên, để vừa kể chuyện vừa bán hàng, bạn sẽ phải kiểm soát được cấu trúc, độ dài và cảm xúc mà câu chuyện muốn truyền tải.
Ví dụ: Bạn bán sản phẩm là bình cắm hoa. Bạn có thể viết bài quảng cáo dạng kể chuyện theo nhiều cách:
Kể câu chuyện tại sao bạn lại thích mẫu bình này và quyết định nhập về bán.
Kể tình huống 1 khách hàng đặt liền 1 lúc 5 chiếc bình để vừa dùng, vừa mang đi tặng.
Kể chuyện bạn đã thử cắm bao nhiêu loại hoa vào chiếc bình này và nó dễ dùng ra sao,
Kể lại 1 nhận xét hài hước của khách hàng về chiếc bình.
…
#5: Kéo người đọc tham gia vào câu chuyện
Trong mọi trường hợp, Relevant - sự liên quan là một yếu tố luôn luôn cần thiết trong nội dung. Khách hàng sẽ không quan tâm, chừng nào họ còn thấy đây là câu chuyện của người khác. Khách hàng sẽ càng không mua, chừng nào họ còn chưa nhận ra sản phẩm của bạn giúp giải quyết vấn đề của chính họ. Đáng tiếc là thay vì nhận ra điều này, nhiều thương hiệu lại chỉ chăm chăm đưa ra các thông tin về sản phẩm trong bài quảng cáo. Để tránh tình trạng đó, bạn có thể note lại một vài gợi ý:
Luôn có một danh sách các vấn đề/nỗi đau/suy nghĩ/câu hỏi của khách hàng trước khi viết quảng cáo.
Đưa các câu hỏi vào bài, để kích thích người đọc suy nghĩ sâu hơn về vấn đề của họ hoặc sản phẩm của bạn.
Khoanh vùng độc giả ngay tại Headline bài viết.
Chia sẻ về lợi ích thay vì tính năng.
#6: Sử dụng Tone of Voice phù hợp với người dùng
Hãy tưởng tượng thế này. Một buổi sáng, bạn mở Facebook ra, định tìm kiếm cửa hàng bánh ngọt quen thuộc để đặt đồ ăn. Thế rồi, trong sự háo hức của bạn, bạn đọc được một bài viết giới thiệu Menu trong ngày với ngữ điệu vô cùng nghiêm túc và không chút cảm xúc. Bỗng dưng bạn thấy… mất hứng. Bạn cảm thấy đây không còn là cửa tiệm mà mình hay trao đổi rất vui qua inbox nữa. Bạn quyết định chuyển sang ăn món khác vào ngày hôm nay.
Bạn có thể thấy tình huống này không thực tế, nhưng đó lại là điều mà tôi đã trải qua nhiều lần. Thiện cảm của tôi đối với một thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi cách mà họ dùng để giao tiếp với tôi. Thế nên, bên cạnh nội dung cốt lõi, Tone of Voice cũng là một yếu tố rất quan trọng khi viết nội dung quảng cáo. Hãy đánh giá xem đối tượng khách hàng chính của bạn là ai: là những bà mẹ đang chăm sóc con nhỏ, là các bạn sinh viên gen Z năng động hay là những người đàn ông công chức nghiêm nghị? Sau đó, cân nhắc xem họ thường trò chuyện với nhau bằng loại ngôn ngữ như thế nào: nghiêm túc, chỉn chu hay cởi mở, bắt trend? Cuối cùng, bạn đối chiếu lại các thông tin đó với hình ảnh thương hiệu mà mình đang muốn xây dựng rồi chọn ra Tone of Voice phù hợp.
Ví dụ: Cùng là bài quảng cáo về sản phẩm thời trang, nhưng 2 thương hiệu nhắm vào 2 phân khúc khách hàng khác nhau sẽ có Tone of Voice khác nhau.
Thương hiệu 1 (Cao cấp, sang trọng, nhắm tới tệp khách hàng high end):
Thương hiệu 2 (Trẻ trung, năng động, hướng tới tệp khách hàng trẻ):
Nào, giờ thì hãy cùng áp dụng ngay vào việc viết quảng cáo của bạn và xem kết quả nhé!
Đọc bài viết e có thêm nhiều cảm hứng và ý tưởng cho bài viết quảng cáo bán hàng của mình. Kiểu đây đúng là thứ mình cần rồi! Cảm ơn c nhiều!