Xin chào bạn,
Mấy ngày nay, cộng đồng Viết thương mại của tôi đang rất sôi nổi với thử thách “7 ngày nhập vai Storyseller”. Trong thử thách này, mỗi ngày chúng tôi đưa ra một đề bài khác nhau, yêu cầu người tham gia đặt mình vào vị thế một người bán hàng để viết những câu chuyện hấp dẫn, kích thích người mua. Thông qua thử thách, tôi khám phá ra khả năng sáng tạo vô biên của các thành viên - kể cả những người trước đó chưa từng có kinh nghiệm viết nội dung. Bên cạnh đó, các thành viên cũng tích cực đọc bài của nhau và chia sẻ sự thích thú trước những bài có nội dung hay. Điều này đã minh chứng cho sức hút của thể loại Storyselling, cũng như tiềm năng phát triển của tất cả người viết với kỹ năng này.
Trong bản tin tuần này, tôi sẽ giới thiệu với bạn các bước để tạo ra một bài Storyselling hiệu quả.
Cùng bắt đầu nhé!
Bước 1: Xác định mục đích và độc giả mục tiêu
Đây gần như luôn là bước đầu tiên và không thể thay thế khi bạn viết bất kì một nội dung thương mại nào. Với thể loại Storyselling, bước này sẽ càng quan trọng hơn bởi:
Khi viết truyện, bạn rất dễ bị cuốn theo mạch câu chuyện mà quên mất nội dung chính mình cần chú tâm là gì.
Có nhiều câu chuyện tưởng chừng rất thú vị, nhưng lại không thể phát huy tác dụng nếu không phù hợp với độc giả mục tiêu. Giả sử bạn đang cần nhắm tới đối tượng các bà mẹ đang nuôi con nhỏ nhưng lại viết một câu chuyện thất tình của cô gái trẻ, sẽ rất khó để bạn chạm được tới họ.
Vì vậy, hãy cố gắng thực hiện bước này trước khi bắt tay vào viết. Hãy trả lời những câu hỏi sau:
Bạn muốn người đọc sẽ có suy nghĩ, cảm xúc và hành động gì sau khi đọc bài viết này?
Nhóm độc giả trọng tâm mà bạn muốn hướng đến trong bài viết là ai?
Họ có nỗi đau, ước mơ, hay mối quan tâm nào? Điều gì có thể thúc đẩy họ? Họ có những trải nghiệm hay suy nghĩ nào mà câu chuyện của bạn có thể chạm tới?
Ví dụ, bạn là huấn luyện viên thể dục online và muốn nhắm đến đối tượng khách hàng là phụ nữ ngoài 30 tuổi, đã có con, eo hẹp thời gian tập luyện.
Ở bước này, bạn cần xác định: