#90. Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, không thể bỏ qua 5 xu hướng hot nhất 2023
Đã làm Social Media, không thể không cập nhật trends!
Xin chào bạn,
Là một kênh tiếp thị mà thương hiệu nào cũng dùng, nhưng Social Media tại Việt Nam phần lớn chưa được các thương hiệu quan tâm và đầu tư đúng mực. Nếu không theo kịp các thay đổi, chúng ta sẽ chậm chân so với thế giới.
Trong bản tin tuần này, tôi đã chắt lọc 5 xu hướng siêu hot trên Social Media và có thể ứng dụng ngay tại Việt Nam để chia sẻ với bạn.
Cùng đọc nhé!
#1: Edutainment content
Edutainment là sự kết hợp giữ Education (giáo dục) và Entertainment (giải trí). Ban đầu, khi mới xuất hiện, Edutainment được ứng dụng nhiều cho các sản phẩm, dịch vụ có đối tượng là trẻ em. Tuy nhiên, giờ đây khi cuộc sống ngày càng trở nên áp lực và mệt mỏi, người dùng mạng xã hội càng tìm kiếm các nội dung giúp họ được thư giãn nhiều hơn.
Khi lướt đọc comment về thói quen xem Mukbang, tôi đã đọc được một số lý do người dùng thích thể loại video tưởng chừng vô giá trị này:
Vì nó khiến họ có thể tập trung vào việc nhìn blogger ăn mà không phải suy nghĩ gì.
Vì nó khiến họ cảm thấy được giải trí.
Vì nó giúp họ gợi cảm giác thèm ăn.
Như vậy, những thương hiệu có thể kết hợp hiệu quả giữa nội dung giáo dục và cách thể hiện mang khả năng giải trí sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận độc giả và khách hàng.
Một số ví dụ về Edutainment Content:
Một số gợi ý để bạn thử sản xuất các mẩu Edutainment Content đầu tiên:
Lồng ghép tính năng sản phẩm vào các trường hợp sử dụng cụ thể.
Kể các câu chuyện liên quan tới sản phẩm.
Sử dụng các định dạng như: Meme, Short video.
Luôn chú trọng yếu tố hài hước trong nội dung.
#2: Short form video & Bite-sized Content
Theo Influencer Marketing Hub, khoảng chú ý trung bình hiện nay của độc giả là 8,25 giây. Cũng theo dữ liệu từ trang này, đã có tới 91% doanh nghiệp sử dụng video phục vụ việc tiếp thị, truyền thông nhưng 73% độc giả lại chia sẻ rằng họ có hứng thú với các video ngắn. Điều này cho thấy sự kết hợp giữa định dạng short form như Video và các chủ đề bite-sized là vô cùng cần thiết để thu hút sự chú ý của độc giả trong thời kỳ có quá nhiều tác nhân gây xao lãng.
Sự phát triển thần tốc của các nền tảng hỗ trợ video ngắn như TikTok, Facebook Reel, Instagram Reel, Youtube Short… cũng là minh chứng cho nhu cầu xem các nội dung có thể tiêu thụ nhanh của người dùng mạng xã hội.
Dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thể kết hợp giữa short form video và nội dung bite-sized:
Triển khai nội dung theo mô hình kim tự tháp ngược: các thông tin quan trọng/gay cấn/đáng chú ý nhất được sắp xếp lên đầu (trong khoảng 5-10s đầu tiên), sau đó giảm dần thứ tự quan trọng của thông tin.
Đa dạng hóa nội dung bằng cách đa dạng hóa cách thể hiện. Ví dụ, cùng một content về dịch vụ làm sạch giày nhưng có thể đưa ra nhiều cách thể hiện khác nhau như “câu hỏi thường gặp”; “feedback khách hàng”; “quy trình”; “tips”...
Repurpose từ một nội dung dài thành nhiều nội dung ngắn.
Thử đăng chéo nội dung trên nhiều nền tảng để xác định sự phù hợp, từ đó tập trung phát triển nền tảng có tiềm năng.
#3: Authenticity
Trong lớp học Marketing Thinking, tôi được nghe một sự thật rất thú vị: Người tạo ra các trend trên mạng xã hội không phải là brand hay KOL, KOC mà chính là người dùng. Một trào lưu chỉ có các KOC thực hiện không thể được coi là một trào lưu thành công. Chỉ khi có sự hưởng ứng của những người dùng thực sự, với những cách thức đa dạng để bắt trend, thì trend đó mới thực sự có sức sống.
Đó là một ví dụ cho thấy tầm quan trọng của Authenticity - tính nguyên bản trong nội dung trên mạng xã hội. Khi AI càng phát triển, việc sản xuất nội dung càng dễ dàng cũng như việc sao chép diễn ra ở khắp mọi nơi, thương hiệu nào có thể tạo ra các nội dung độc đáo và có cá tính riêng sẽ là thương hiệu chiếm ưu thế.
Vậy các thương hiệu có thể làm tăng tính Authenticity của mình như thế nào? Điều đó phụ thuộc vào chiến lược, cá tính riêng của thương hiệu và xu hướng truyền thông, tiếp thị trong ngành. Tuy nhiên, có một số cách bạn có thể thử:
Kể các câu chuyện nhỏ từ những chi tiết có thật trong thực tế.
Bổ sung thêm sự xuất hiện của Founder/CEO/đội ngũ nhân sự vào nội dung.
Tìm ra Brand Voice của thương hiệu và nhất quán với Brand Voice đó.
Tìm ra một Concept và thử áp dụng nhất quán Concept đó trong một khoảng thời gian.
#4: Social Commerce
Theo nhiều báo cáo từ các tổ chức uy tín như Hubspot, Sprout Social, năm 2022 chứng kiến sự lên ngôi của Social Commerce và xu hướng này sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2023 và 2024. Nghĩa là, thay vì dẫn dắt khách hàng đi qua các kênh mua sắm khác, nhiều thương hiệu đã thành công trong việc bán luôn sản phẩm trên các kênh Social của mình.
(Số liệu từ Hubspot)
Hiện giờ, hầu hết các nền tảng đều bổ sung thêm tính năng Shopping, giúp thương hiệu “trưng bày” trực tiếp các mặt hàng để người dùng có thể dễ dàng chọn mua.
Tại Việt Nam, theo quan sát của tôi, TikTok Shop đang là kênh được các thương hiệu sử dụng để bán hàng mạnh mẽ nhất. Với tính năng hỗ trợ gắn link sản phẩm lên các video, đồng thời được hưởng lợi từ các chương trình trợ giá của nền tảng, việc gia tăng doanh số khi bán hàng trên mạng xã hội đang rất giàu tiềm năng.
Nếu thương hiệu của bạn cũng đang bán các sản phẩm tiêu dùng trực tiếp, đây là một xu hướng bạn không nên bỏ qua.
#5: UGC
Tâm lý của người dùng là sẽ tin nhận xét từ người dùng khác hơn là nội dung quảng cáo từ chính thương hiệu. Đó là lý do khiến UGC (User-Generated Content) lên ngôi trong một vài năm gần đây và được dự báo vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tiếp thị của các thương hiệu.
Nhiều brand nước ngoài như Daniel Wellington, Olay, Dove hay Airbnb đã cố gắng đưa ra các chương trình khích lệ người dùng đăng tải các nội dung liên quan tới thương hiệu với mong muốn tạo ra hiệu ứng thu hút các khách hàng mới.
Nếu bạn chưa bao giờ nghĩ tới việc sử dụng UGC, bạn có thể cân nhắc việc bổ sung thể loại n ội dung này vào kế hoạch sắp tới của mình.
Một số cách sẽ giúp bạn/thương hiệu của bạn có nhiều UGC hơn:
Trực tiếp hỏi xin feedback của khách hàng vào các thời điểm phù hợp.
Tạo ra bộ hashtag riêng cho thương hiệu/sản phẩm mới.
Tổ chức các sự kiện như: Giveaway, Minigame, Contest…
Tặng quà thể hiện sự ghi nhận cho các khách hàng sẵn sàng chia sẻ về thương hiệu trên mạng xã hội.
Social Media là một kênh tiềm năng để các thương hiệu khai phá và phát triển cả về mặt branding lẫn doanh số, tuy nhiên làm nội dung trên Social Media không đơn giản chỉ là viết một vài bài rồi set lịch air. Để làm tốt và có khả năng tư vấn cho sếp/khách hàng, bạn cần nắm bắt được các tính năng của Social Media, lựa chọn được nền tảng phù hợp với thương hiệu và không ngừng cập nhật các xu hướng mới nhất.
Nếu bạn muốn làm Social Media đúng cách, hãy đăng ký sớm khóa học Impactful Social Media của tôi để nhận ưu đãi tới 15% trong ngày cuối cùng.
Cảm ơn bạn đã đọc và hẹn gặp lại!