#16: Năm cấp độ của một người viết thương mại.
Cùng xem mình đang ở cấp độ nào và nhận những lời khuyên hữu ích để phát triển lên nấc thang tiếp theo.
Chào bạn,
Tuần này của bạn trôi qua thế nào? Mọi chuyện thuận lợi hay trắc trở, có nhiều niềm vui hay nỗi buồn? Tuần này của tôi khá bận rộn, với một khóa đào tạo cho doanh nghiệp vừa bắt đầu, một khóa đào tạo nhóm về Copywriting sắp khai giảng và các kế hoạch cá nhân khác. Nhưng được đắm chìm trong công việc mình yêu thích cũng là một loại niềm vui, và tôi hi vọng bạn đọc của mình đều sẽ tìm được niềm vui đó.
Nếu bạn đang đọc bản tin tuần này, rất nhiều khả năng bạn đã download bản Copywriting Checklist của tôi (cho tới thời điểm này đã có gần 500 lượt download, cảm ơn các bạn!). Tôi hi vọng bạn đang sử dụng Checklist một cách hữu ích. Nếu nó giúp ích được gì cho bạn, hãy nhắn cho tôi biết nhé. Tôi sẽ rất vui vì điều đó.
Trong bản tin ngày hôm nay, dựa trên những quan sát và phân tích cá nhân, tôi sẽ chia sẻ với bạn 5 cấp độ của một người viết thương mại. Tôi cho rằng dù bạn là một người theo đuổi sự nghiệp viết lách, hay coi viết là một kỹ năng bổ trợ cho sự nghiệp khác, bạn cũng nên biết bản thân đang ở cấp độ nào. Bởi đó sẽ là cơ sở giúp bạn xây dựng kế hoạch phát triển một cách sáng suốt hơn.
Cấp độ 1: Người qua đường.
Đây là cấp độ chỉ những người mới chỉ có hiểu biết rất sơ qua về viết thương mại. Bạn sẽ thuộc nhóm này nếu như bạn:
Nghe tới khái niệm này nhưng chưa tìm hiểu sâu, không thể diễn đạt gãy gọn viết thương mại là gì.
Không tự phân biệt được bài viết thương mại với bài viết thông thường.
Có hứng thú đọc các bài viết thương mại nhưng đọc xong để đó, không suy nghĩ hay phân tích gì thêm.
Chưa từng thử viết nội dung thương mại.
Nhìn chung, nếu bạn là Người qua đường, bạn mới chỉ nghe loáng thoáng về viết thương mại và đang bối rối vì không biết phải bắt đầu tìm hiểu từ đâu.
Điều bạn cần lúc này là kiến thức nền tảng về Marketing và Content. Một số lời khuyên tôi dành cho bạn là:
Hãy bắt đầu tìm hiểu từ khái niệm. Trước tiên, bạn cần phải hiểu viết thương mại là gì, bao gồm những thể loại nào.
Chọn lấy một kỹ năng cụ thể trong viết thương mại mà bạn quan tâm nhất và tìm hiểu kỹ hơn về nó. Ví dụ, nếu bạn có hứng thú với Copywriting, bạn có thể tìm đọc các cuốn sách cơ bản về viết quảng cáo, tự đọc tài liệu và hệ thống kiến thức về Copywriting hoặc đăng ký các khóa học dành cho người mới. (Trong đó, khóa học Effective Copywriting của tôi là một ví dụ).
Đừng quá tham lam. Tôi hiểu rằng khi biết đến một thứ gì đó mới, chúng ta sẽ có xu hướng muốn học thật nhanh và thật nhiều để biết hết mọi thứ. Nhưng đó sẽ là cách học không hiệu quả. Viết thương mại là một lĩnh vực rất rộng, nếu bạn chỉ tìm hiểu mọi thứ một cách “cưỡi ngựa xem hoa”, bạn sẽ không thể hiểu sâu và khó phát triển lên các cấp độ tiếp theo.
Cấp độ 2: Người quan sát.
Ở cấp độ này, sự quan tâm của bạn dành cho viết thương mại đã lớn hơn một chút. Cụ thể, bạn có các thói quen sau:
Theo dõi các fanpage, tham gia vào các hội nhóm và follow một số nguồn thông tin liên quan tới viết thương mại.
Chăm đọc các bài chia sẻ của những người nhiều kinh nghiệm đi trước.
Đã xác định được thể loại mà bản thân quan tâm nhất (ví dụ: Copywriting, Content Writing, PR…)
Đã có ý định viết nội dung thương mại nhưng chưa thực hiện.
Thông thường, khó khăn lớn nhất mà những Người quan sát gặp phải là không biết cách vận dụng những gì đã đọc được vào thực hành. Nghĩa là, bạn có thể thấy chia sẻ từ những người khác rất hay, nhưng tới khi bạn muốn hay cần viết thì vẫn không biết phải làm thế nào.
Nếu đang ở cấp độ này, bạn nên:
Dành sự quan tâm cho kỹ năng, thay vì chỉ thu nạp kiến thức như giai đoạn trước. Học và thực hành là hai việc luôn cần làm song song thì mới đem lại hiệu quả tốt nhất.
Chọn lọc những nguồn thông tin uy tín để tham khảo. Bạn đang giống như một miếng bọt biển, khao khát hấp thụ mọi thứ. Tuy nhiên, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Nếu bạn không muốn lạc vào ma trận kiến thức, bạn nên học một cách có chọn lọc. Tôi xin gợi ý bản tin
, nơi hội tụ nhiều bài viết chất lượng từ chị Linh Phan trong mục “Mastering Skill” có thể sẽ giúp ích cho bạn.Hãy chịu khó đặt câu hỏi. Đây là cách sẽ giúp bạn tiếp nhận thông tin một cách chủ động, từ đó cũng hiểu sâu và nhớ lâu hơn. Ví dụ, khi bạn đọc một khái niệm về Copywriting, hãy tự hỏi những câu như: Ai là người đã đưa ra khái niệm này? Khái niệm này xuất hiện từ bao giờ? Cách hiểu về khái niệm này tại Việt Nam và trên thế giới có khác nhau không?, v.v. Những câu hỏi đó cũng sẽ mở ra cho bạn nhiều chủ đề để tìm kiếm thông tin, và cuối cùng đem lại cho bạn hiểu biết toàn diện về một vấn đề.
Cấp độ 3: Người mới bắt đầu.
Theo quan sát của tôi, đa phần các bạn - những Subcriber của bản tin Content Hacks sẽ nằm trong cấp độ 3. Điều này có nghĩa là bạn:
Đã đọc và tìm hiểu khá nhiều nguồn thông tin liên quan tới viết thương mại.
Đang thực sự có nhu cầu học và luyện tập viết thương mại với một mục đích cụ thể.
Đã bắt đầu viết những bài đầu tiên, tuy nhiên viết bằng bản năng và kiến thức cóp nhặt chứ chưa theo quy trình.
Mất khá nhiều thời gian để hoàn thành một bài viết.
Phong độ thất thường, nhiều khi không hài lòng với những nội dung mình đã viết.
Nếu bạn thuộc nhóm Người mới bắt đầu, vấn đề khiến bạn lúng túng nhất có lẽ là cách thức để đều đặn tạo ra những bài viết hiệu quả. Bạn có thể tham khảo một số gợi ý của tôi:
Sẽ dễ dàng hơn cho bạn trong việc bắt đầu luyện tập viết thương mại nếu bạn chọn được một ngách cụ thể để tập trung vào. Bởi vì khác với viết sáng tác hay viết tùy hứng, để viết thương mại tốt, bạn cần dành nhiều thời gian để nghiên cứu, nắm rõ những thông tin về sản phẩm/thị trường/khách hàng.
Đừng viết ngay khi chưa có một manh mối nào trong đầu. Với những người chưa có kinh nghiệm, viết mà không có sự chuẩn bị sẽ khiến bạn sau đó mất rất nhiều thời gian để gỡ một sợi dây do chính bạn làm rối lên. Hãy đọc lại bản tin hướng dẫn cho người mới bắt đầu của tôi, để biết tối thiểu những gì bạn cần xác định trước khi viết.
Đừng quá cầu toàn. Một vài bài viết đầu tiên có thể không hiệu quả như kỳ vọng. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn nhận thức rõ mình đang làm gì, đang gặp vấn đề nào và sẽ giải quyết chúng ra sao. Khi lần lượt giải quyết được các vấn đề đó, rất có khả năng bạn sẽ tiến lên cấp độ 4.
Hãy tìm một người đồng hành hoặc hỗ trợ, nếu bạn muốn rút ngắn thời gian tự mò mẫm. Các học viên của tôi đều rất yêu thích khoảng thời gian được Mentor (kèm cặp) từ xa, khi tôi đọc các bài họ viết, đưa ra nhận xét và gợi ý để hoàn thiện chúng tốt hơn. Bởi vậy, trong khóa học Effective Copywriting sắp tới, tôi cũng dành tặng học viên một tháng Mentoring sau khi kết thúc Training với chi phí vô cùng ưu đãi. Nếu quan tâm, bạn có thể đăng ký tại đây.
Cấp độ 4: Người thực hành.
Chúc mừng bạn nếu đã vượt qua giai đoạn người mới bắt đầu, để trở thành thành viên của nhóm Người thực hành. Bạn sẽ thuộc nhóm này nếu tự thấy mình:
Đã thực hành liên tục việc viết thương mại trong thời gian tối thiểu 3-4 tháng hoặc hơn thế.
Đã tự hình thành được quy trình khi viết và không còn cảm thấy quá khó khăn để hoàn thiện một bài viết.
Đã rút ngắn được thời gian sản xuất một bài viết.
Có thể nhận diện đâu là một bài viết tốt hơn các bài còn lại.
Bước sang cấp độ này, đôi lúc bạn sẽ thấy nội dung của mình bắt đầu bị đi vào lối mòn, thiếu sự sáng tạo và đa dạng. Đó cũng là điều dễ hiểu và thường gặp, đừng quá lo lắng. Dưới đây là một vài lời khuyên của tôi:
Cách đầu tiên để đa dạng hóa nội dung là thay đổi góc nhìn. Với cùng một sự vật - sự việc, bạn hãy thử nghĩ xem có thể khai thác những khía cạnh khác như thế nào. Ví dụ, với cùng một sản phẩm là điện thoại thông minh, bạn có thể đặt mình vào vị trí những đối tượng khách hàng khác nhau, từ người cao tuổi, trung tuổi tới người trưởng thành, teenager, v.v. Bạn sẽ nhận ra có rất nhiều kiểu nội dung khác nhau bạn có thể khai thác.
Trong giai đoạn này, những công cụ, Template có thể sẽ hữu ích với bạn. Sử dụng mẫu có sẵn là một trong những cách để hình thành khả năng tư duy nội dung bài viết, và khi tới cấp độ 5, bạn sẽ có thể viết bài độc lập mà không cần phụ thuộc vào một nguồn nào khác.
Hãy dành thêm thời gian để quan sát thị trường và cách đối thủ của bạn đang làm nội dung. Bạn sẽ học được rất nhiều từ đó. Cụ thể hơn, bạn có thể xem lại bản tin số 10 của tôi về cách để tránh khỏi tình trạng bí ý tưởng.
Cấp độ 5: Người làm chủ.
“Làm chủ” ở đây có nghĩa bạn hoàn toàn làm chủ được quy trình và những nội dung mình viết ra. Bạn viết một cách có chủ đích, cho mỗi bài viết một sứ mệnh riêng biệt và không còn cảm giác sợ hãi mỗi khi viết. Ngoài ra, có thể bạn cũng sở hữu một vài đặc điểm sau:
Bắt đầu nhận được những phản hồi tích cực về các bài viết mình tạo ra.
Bắt đầu có khả năng nhận xét, góp ý bài viết của người khác.
Đã tự hệ thống được những kiến thức thu nạp vào, và học một cách có mục đích rõ ràng hơn.
Bắt đầu quan tâm tới việc sản xuất nội dung đa kênh.
Trong cấp độ này, có lẽ điều bạn quan tâm nhất sẽ là cách để xây dựng chiến lược nội dung, thay vì chỉ tập trung vào một vài bài viết nhỏ lẻ. Hãy tham khảo một số gợi ý sau từ tôi:
Để xây dựng chiến lược nội dung, bạn cần tập cách nhìn nhận mọi thứ bằng đôi mắt tổng quát. Hãy bắt đầu với việc xác định mục tiêu của bạn trong mỗi giai đoạn, rồi tiếp tục tư duy những gì mình có thể làm để đạt được mục tiêu ấy.
Nếu bạn đã đến cấp độ này, bạn nên suy nghĩ nghiêm túc về việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Đó sẽ là cách để bạn tạo ra thu nhập cao hơn và ảnh hưởng rộng hơn đến tệp độc giả mục tiêu. Một số hướng dẫn về xây dựng thương hiệu cá nhân đã được tôi đề cập trong bản tin số 15.
Trên đây là 5 cấp độ người viết thương mại, được đúc kết dựa trên kinh nghiệm và sự quan sát của tôi. Dù bạn đang ở cấp độ nào, bạn cũng hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển nếu học và luyện tập đúng cách. Để hỗ trợ bạn làm điều đó tốt hơn, tôi đã quyết định cùng các cộng sự xây dựng cộng đồng Viết thương mại - Vừa học vừa hành. Tại đây, bạn sẽ được trao kiến thức một cách có hệ thống và trực tiếp thực hành để ngày càng cứng cáp hơn. Nếu quan tâm, mời bạn tham gia nhóm ngay từ bây giờ.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bản tin tuần này. Hãy tiếp tục đón chờ các bản tin tiếp theo từ Content Hacks nhé!