#119. 5 bối cảnh đặc biệt khiến câu chuyện bán hàng của bạn “chạm” hơn.
Bạn đã hiểu tầm quan trọng của "Context" trong viết quảng cáo?
Trong buổi Q&A gần đây nhất giữa tôi và các học viên của khóa Becoming a Paid Copywriter, chúng tôi đã thống nhất với nhau một điều rằng: Khi đặt sản phẩm vào trong một bối cảnh, nhu cầu của người đọc sẽ được đẩy lên cao hơn so với việc chỉ cung cấp thông tin đơn thuần.
Hãy tưởng tượng thế này. Hiện tại, bạn không có nhu cầu mua quạt tích điện vì trong nhà đã đủ quạt. Nếu lướt thấy những bài quảng cáo sản phẩm quạt tích điện, bạn sẽ lướt qua. Tuy nhiên, tình cờ bạn đọc được một bài phân tích về khả năng thiếu điện tại các thành phố lớn trong hè năm 2024, và người viết cũng đồng thời nêu ra việc trong nhà có trẻ em thì việc mất điện sẽ gây ra những phiền toái gì. Nhìn lại bối cảnh gia đình mình - đang có trẻ em và đang sống ở thành phố lớn, nhớ lại một vài sự cố về điện trong năm ngoái, cuối cùng bạn quyết định mua một chiếc quạt tích điện để phòng trừ. Như vậy, rõ ràng việc người viết cung cấp bối cảnh đã khiến thay đổi quyết định mua hàng của bạn.
Ở vị trí người viết, bạn cũng hoàn toàn có thể vận dụng cách làm này để câu chuyện bán hàng của mình trở nên chạm hơn và tăng hiệu quả. Trong bản tin tuần này, tôi sẽ gợi ý 5 bối cảnh bạn có thể áp dụng vào bài viết.
#1: Một thời điểm mà khách hàng sẽ cần dùng tới sản phẩm.
Công thức vô cùng đơn giản: Hãy tìm ra càng nhiều hoàn cảnh khách hàng cần dùng tới sản phẩm càng tốt. Sau đó, với mỗi hoàn cảnh ấy, bạn có thể biến hóa thành một bài quảng cáo khác nhau.
Lấy ví dụ cho dễ hiểu nhé! Giả sử bạn đang muốn bán một chiếc bàn là cầm tay. Vậy thì đây là những tình huống mà có thể khách hàng sẽ cần dùng tới sản phẩm của bạn:
Khi đã có một chiếc bàn là kích thước lớn nhưng lại ngại sử dụng vì cồng kềnh.
Khi ở trọ hoặc nhà chật chội, không muốn mua bàn là size lớn nhưng lại cần là quần áo thường xuyên.
Khi bán hàng online, hay phải là quần áo để chụp ảnh mà lại không có không gian rộng.
Khi đi du lịch, muốn váy áo phẳng phiu nhưng sợ khách sạn không có bàn là.
Vậy thì, ít nhất bạn đã có thể sáng tạo ra 4 bài quảng cáo khác nhau cho 4 tình huống kể trên. Cấu trúc mẫu của một bài có thể trông như thế này: