#98. 5 bí quyết đơn giản giúp kỹ năng Copywriting của bạn thăng hạng
Lưu lại ngay để dùng trong năm 2024!
Nếu bạn đã theo dõi bản tin của tôi đủ lâu, hẳn bạn đã hiểu tầm quan trọng của kỹ năng Copywriting. Đó là một kỹ năng chúng ta cần ứng dụng rất nhiều trong công việc và cuộc sống, bất kể bạn có đang trực tiếp làm nhiệm vụ của một người viết chuyên nghiệp hay không. Tuy nhiên, có thể trong quá trình luyện tập kỹ năng này, bạn sẽ gặp những trở ngại như:
Viết theo bản năng, không thể tự đánh giá được mức độ hiệu quả của nội dung.
Viết vào lối mòn, không có sự tiến bộ theo thời gian.
Thiếu cơ hội để rèn luyện trong thực tế.
Thực ra, có rất nhiều người khác muốn học kỹ năng Copywriting cũng đang gặp những trở ngại này. Trong năm 2023, tôi đã tạo ra nhiều nội dung hướng dẫn về Copywriting, cũng tạo các hoạt động trong cộng đồng Commercial Writing Hub để kéo kỹ năng Copywriting lại gần hơn với các bạn Newbie. Nhưng tất nhiên, để có thể nâng cấp kỹ năng này, mỗi người cần có kế hoạch rèn luyện và thực hành đều đặn, đúng hướng.
Nhân dịp có một vài bạn đọc trên Facebook hỏi tôi rằng nên làm gì để nâng cấp kỹ năng Copywriting của bản thân, tôi sẽ hướng dẫn bạn 5 cách đơn giản nhưng thiết thực để ngòi bút quảng cáo của bạn thăng hạng hơn. Cùng đọc và áp dụng trong năm 2024 sắp tới nhé!
#1: Đọc quảng cáo với con mắt “phán xét”
Đây là một thói quen tôi luôn yêu cầu các học viên của mình thực hiện thường xuyên. Để viết tốt, bạn cần tích nạp các nội dung tốt. Nhưng nếu thiếu đi màng lọc, các nội dung đó sẽ chỉ đi vào rồi lại đi ra, không để lại dấu vết gì. Cách tốt nhất để ghi nhớ và học hỏi chính là bạn cần động não để phân tích các nội dung quảng cáo mình gặp được.
Mỗi ngày, bạn tiếp xúc với vô vàn nội dung quảng cáo: trên các biển hiệu gặp ngoài đường, trong các tờ rơi được dúi vào tay, các bài đăng trên mạng xã hội, các email, v.v… Bạn thường đối xử với chúng như thế nào? Đọc lướt qua rồi tắt đi hay thậm chí vứt luôn vào thùng rác mà không buồn liếc mắt lấy một cái? Đó đều không phải những thói quen mà một Copywriter nên có. Hãy dành thời gian cho những mẩu quảng cáo ấy, đọc và thử phân tích xem tại sao chúng hấp dẫn, hoặc tại sao chúng không đủ để thuyết phục bạn mua sản phẩm.
Đừng nghĩ rằng phải trở thành một cây bút xuất sắc rồi, bạn mới có thể đánh giá nội dung quảng cáo do người khác tạo ra. Ngay cả khi chưa có kinh nghiệm, bạn vẫn hoàn toàn có thể học được rất nhiều từ việc phân tích các nội dung ấy. Ví dụ, ở giai đoạn mới bắt đầu, bạn có thể phân tích một vài câu hỏi đơn giản như:
Nội dung quảng cáo này muốn nhắm tới đối tượng người đọc nào?
Tác giả dựa trên cơ sở gì để viết ra nội dung này?
Trong nội dung này, có những điều gì thú vị? (cấu trúc, cách dùng từ, v.v…)
Nếu bạn là người viết nội dung này, bạn có thể làm gì để nó trở nên hấp dẫn hơn?
Dần dần, khi đã thành thục hơn, bạn có thể phân tích những thứ sâu hơn như Insight đằng sau bài quảng cáo, Hook mà tác giả lựa chọn, cách viết Headline hay CTA…
Khi đã hình thành được thói quen đánh giá nội dung quảng cáo khác, bạn cũng sẽ tự nâng cấp được khả năng nhìn nhận nội dung của chính mình. Từ đó, chất lượng nội dung do bạn tạo ra sẽ ngày càng có sự cải thiện.
#2: Học một điều mới mỗi ngày
Những người quan tâm tới kỹ năng Copywriting hẳn là sẽ đọc rất nhiều sách, tài liệu và follow nhiều kênh thông tin về chủ đề này. Nhưng việc thu nạp quá nhiều đôi khi cũng sẽ khiến bạn bị ngợp, thông tin tích trữ xong bị cất ở một góc, không bao giờ dùng tới. Thay vào đó, hãy thử cách học một và chỉ một kiến thức mới mỗi ngày. Nhưng đừng chỉ đọc, ghi chép lại và cho rằng mình đã học xong. Để nắm chắc một kiến thức, bạn cần:
Tìm hiểu thật kỹ, từ nhiều nguồn thông tin khác nhau để đảm bảo rằng nguồn tin mình đọc là chính xác.
Đặt các câu hỏi phản biện để hiểu vấn đề sâu hơn.
Thử phân tích các ví dụ theo kiến thức mới học được.
Mang vào thực hành với ít nhất 3-4 ví dụ khác nhau.
Ghi chép lại và chia sẻ với người khác.
Ví dụ, ngày hôm nay bạn quyết định học một cấu trúc Copywriting mới. Vậy thì những việc bạn có thể làm là:
Check 3-4 nguồn thông tin để đảm bảo cấu trúc này không sai lệch.
Tìm hiểu lý do tại sao cấu trúc này lại hiệu quả.
Tìm hiểu các trường hợp nên áp dụng cấu trúc này.
Tự tìm kiếm và phân tích các bài viết đang sử dụng cấu trúc này.
Áp dụng cấu trúc này để viết một vài bài quảng cáo bất kì, sau đó soi chiếu lại.
Chia sẻ với ai đó cũng quan tâm tới Copywriting về cấu trúc mà bạn mới học được.
Nếu áp dụng đầy đủ các bước thực hành này, mỗi kiến thức đều sẽ đọng lại rất lâu và việc học của bạn sẽ hiệu quả hơn đáng kể.
#3: Chia để “trị”
Tôi quan sát thấy một tâm lý rất thường gặp ở các bạn Newbie, đó là muốn biết càng nhiều càng tốt và cho rằng khi nạp được một kho kiến thức khổng lồ, bạn sẽ thăng hạng được kỹ năng. Khi tôi mở lớp dạy thử Copywriting đầu tiên, có những học viên nóng lòng muốn học ngay các phần nâng cao trong khi tư duy và kỹ năng cơ bản còn chưa nắm chắc. Đây là một tâm lý có thể hiểu được, tuy nhiên lại chưa hẳn là cách có thể giúp bạn cải thiện năng lực của mình.
Chia để “trị” chính là chiến lược bạn nên thử, đặc biệt trong giai đoạn đầu làm quen với kỹ năng Copywriting. Bạn không thể biết và giỏi mọi thứ ngay lập tức, nếu muốn luyện tập một cách nghiêm túc như tôi đã chia sẻ trong bí quyết số 2 phía trên. Vì vậy, hãy bổ nhỏ các kiến thức mà bạn muốn học ra, sau đó sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên và lên kế hoạch học chi tiết.
Ví dụ, trong Copywriting sẽ có các kỹ năng lớn cần trau dồi như:
Thu thập và phân tích Insight
Tìm kiếm ý tưởng nội dung
Xây dựng cấu trúc bài viết
Tăng độ thuyết phục cho bài quảng cáo
Viết Headline
Viết CTA
…
Hãy đánh giá xem đâu là điều bạn muốn học trước, hoặc là điểm yếu cần cải thiện nhất và tập trung vào nó trong khoảng 1-2 tuần. Khi đã tự tin với một kỹ năng rồi, lúc đó chuyển sang kỹ năng tiếp theo cũng chưa muộn. Khi tìm kiếm dữ liệu và tài nguyên, bạn cũng có thể sắp xếp chúng vào các Folder rõ ràng như thế này để tạo điều kiện cho việc tìm kiếm được thuận lợi hơn.
#4: Tìm kiếm phản hồi từ độc giả
Dù là Newbie hay một cây viết đã thành thục, chúng ta sẽ luôn có những “điểm mù” không thể tự mình phát hiện ra. Đó là lý do bạn cần có độc giả.
Nếu bạn đang có một công việc liên quan tới Copywriting - thật tuyệt vời, độc giả chính là khách hàng của bạn.
Nếu bạn chưa tìm được công việc nào - không sao cả, hãy tự tìm ra độc giả của mình.
Hãy bắt tay xây dựng một kênh bất kỳ để đưa tiếng nói của bạn ra thế giới.
Hãy tham gia vào các hội nhóm liên quan để được mở rộng vòng tròn kết nối và chia sẻ quan điểm cá nhân.
Hãy thử bắt cặp với một người bạn cũng đang cần rèn luyện kỹ năng này. Hai bạn có thể tự ra đề bài, thiết lập những quy định nhỏ, đọc và comment chéo cho nhau.
Việc làm cho nội dung của mình xuất hiện và được nhận feedback chính là một trong những điều kiện cần để bạn cải thiện kỹ năng. Đừng ngại ngùng vì cho rằng mình còn quá non kém, hãy cho ngòi bút của bạn cơ hội để lớn lên!
#5: Leo lên từng nấc thang
Thực ra, tôi chưa tìm được một bảng phân loại nào về kỹ năng Copywriting. Tuy nhiên, cá nhân tôi có một công thức riêng để đánh giá các học viên của mình. Tôi cho rằng, để upskill, bạn buộc phải biết mình đang ở đâu và cần phát triển tới đâu. Trong bản tin tuần này, tôi sẽ chỉ chia sẻ ngắn gọn về các nấc thang cho kỹ năng Copywriting.
Nếu bạn đang ở mốc Starter, bạn cần rèn luyện kỹ năng viết cơ bản để bài viết được mạch lạc, rõ nghĩa và không sai ngữ pháp, chính tả.
Nếu bạn ở giai đoạn Follower, bên cạnh việc tiếp tục viết theo các cấu trúc và lý thuyết được học, hãy thử bắt đầu mix chúng lại với nhau hoặc thêm vào một chút sự sáng tạo trong từng nội dung.
Nếu bạn đã ở giai đoạn , điều bạn cần làm là tìm ra Brand Voice riêng và liên tục thử nghiệm các cách viết quảng cáo mới mẻ.
Nếu bạn quan tâm tơi các nấc thang này, hãy đón đọc bản tin tiếp theo của tôi để được giải thích kỹ hơn.
Hi vọng 5 tips tôi chia sẻ trong bản tin tuần này đã cho bạn thêm các gợi ý để nâng cấp kỹ năng Copywriting của bản thân. Đừng ngại cho tôi biết nếu bạn còn câu hỏi nào muốn được giải đáp nhé! Cảm ơn và hẹn gặp lại trong các bản tin sau!