#2: 4 lợi ích khi trở thành một Copywriter tự thân
Đây không phải một kỹ năng bạn nên trì hoãn học hỏi!
Tôi đã tận dụng Copywriting, từ trước cả khi tôi thực sự hiểu thuật ngữ “Copywriting” là gì.
Năm 2017, tôi tham gia một cuộc thi nhỏ của thương hiệu mỹ phẩm Lancome. Họ yêu cầu người chơi chia sẻ một câu chuyện tình yêu thật cảm động trên Facebook cá nhân. Người thắng cuộc là người đạt đủ hai yếu tố: Bài viết có lượng tương tác tự nhiên cao, và được sự đồng thuận của BTC. Giải thưởng rất hấp dẫn, là voucher nghỉ dưỡng 2 đêm tại JW Marriott Phú Quốc trị giá đâu đó 20 triệu VNĐ. Trong khi những người chơi khác kể rất nhiều câu chuyện ấn tượng, “dời non lấp bể”, tôi chỉ viết một bài chia sẻ về những chi tiết nhỏ bé nhưng đầy cảm xúc giữa tôi và chồng sắp cưới. Với số lượt tương tác tự nhiên cao nhất (loanh quanh gần 100 tương tác - dù số lượng bạn bè trên Facebook của tôi chỉ 500, 600) và điểm bình chọn từ BTC, tôi đã giành chiến thắng. Thực ra tôi không quá bất ngờ với kết quả ấy. Bởi dù không có câu chuyện hay xuất sắc, nhưng tôi may mắn sở hữu kỹ năng xâu chuỗi và viết chúng ra một cách mạch lạc, hấp dẫn.
Sau này, thi thoảng tôi cũng tham gia thêm một vài trò chơi Give Away nho nhỏ nếu thấy luật chơi yêu cầu cao về nội dung. Và nếu không bị ràng buộc bởi luật tương tác, gần như lần nào tôi cũng thắng. Ở thời điểm đó, tôi thậm chí còn chưa đặt chân vào ngành Marketing. Tới khi học hiểu thêm về Marketing, tôi càng thấm thía sức mạnh của Copywriting. Tôi nhận ra mình đã vận dụng Copywriting để thuyết phục, “lôi kéo” và kích thích người đọc tạo ra những hành động tôi mong muốn.
Bạn có muốn xây dựng kỹ năng Copywriting để đạt được những thứ tương tự, thậm chí lớn lao hơn? Nếu có, đừng bỏ qua chuỗi bản tin từ A Copywriting Inspirer!
Như tôi đã nhắc tới trong bản tin số 1, dù bạn là ai, bạn cũng sẽ cần tới Copywriting (thậm chí cần thường xuyên!). Copywriting sẽ giúp bạn thực hiện nhiều mục đích khác nhau thông qua việc sáng tạo nội dung. Những mục đích đó cụ thể là gì? Hãy cùng tìm kiểu kỹ hơn qua 4 lợi ích lớn tôi sẽ chia sẻ trong bản tin số 2 hôm nay.
Phát triển sự nghiệp
Nếu bạn làm các công việc liên quan tới sáng tạo nội dung (như Copywriter, Content Writer, Content Creator, tác giả sách, Blogger, v.v), có lẽ tôi không cần phải thích thêm nhiều về tầm quan trọng của kỹ năng Copywriting với công việc của bạn. Bạn cần hiểu về Copywriting để tạo ra những nội dung chạm hơn tới người đọc. Bạn cần thành thục Copywriting để tăng hiệu suất công việc và tối ưu hiệu quả truyền thông.
Tuy nhiên, thực tế là có nhiều công việc, ngành nghề khác cũng cần tới kỹ năng Copywriting. Ví dụ, tôi sẽ liệt kê ít nhất 5 nghề nghiệp có thể phát triển tốt hơn nếu bạn giỏi Copywriting.
Nghề Sales
Bạn muốn tạo thiện cảm với khách hàng, muốn họ bị thuyết phục và rồi quyết định mua sản phẩm bạn đang bán? Copywriting sẽ giúp bạn làm điều đó.
Nghề tư vấn bảo hiểm
Một trong những nhiệm vụ của tư vấn viên là thúc đẩy nhu cầu được an toàn tài chính cho khách hàng còn chưa quan tâm tới bảo hiểm. Bạn sẽ khó lòng làm tốt việc đó nếu không hiểu tâm lý khách hàng và kỹ năng viết quảng cáo sao cho vừa mạnh mẽ, vừa tinh tế.
Nghề Coach
Là một nghề rất hot trong thời gian trở lại đây, nhưng nhiều Coach vẫn chưa biết cách tạo ra thu nhập tốt với những kỹ năng mình đang có. Bạn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân, tiếp cận khách hàng mục tiêu tốt hơn nếu bạn thành thục kỹ năng Copywriting.
Nghề Planner
Tạo ra một kế hoạch thôi chưa đủ, Planner còn cần thuyết phục khách hàng tin và sử dụng kế hoạch đó. Sắp xếp thứ tự nội dung trình bày, chọn lựa điểm nhấn cần làm nổi bật, sử dụng từ ngữ sao cho đủ gây ấn tượng… sẽ là những việc Planner có thể làm tốt hơn nếu “nằm lòng” kỹ năng Copywriting.
Business Owner
Bạn là chủ một thương hiệu, đương nhiên bạn sẽ muốn lan tỏa thương hiệu đó tới càng nhiều người càng tốt. Nhưng bạn sẽ không thể hiện thực hóa mong muốn đó nếu không hiểu về Copywriting, để xây dựng chiến lược nội dung hợp lý.
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Có lẽ bạn đã nghe quá nhiều về tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân. Trong thời đại số, các kênh Digital (như mạng xã hội, website…) trở thành công cụ đắc lực để mỗi người tận dụng xây dựng thương hiệu cá nhân riêng biệt. Nhưng không phải ai cũng biết cách làm điều đó.
Bạn hãy tự đặt một câu hỏi: trên mạng xã hội, bạn có ấn tượng và thường follow những người như thế nào? Họ có phải người có tầm ảnh hưởng, thường xuyên chia sẻ các câu chuyện có giá trị, hữu ích hoặc truyền cảm hứng? Ngược lại, nếu bạn biết một người rất giỏi nhưng những nội dung đăng tải thường lộn xộn, cụt ngủn và khó hiểu, liệu bạn có đọc hết những gì họ viết?
Tôi tin rằng bạn đã tự có câu trả lời cho chính mình. Tương tự việc không phải vị học bá nào cũng có thể trở thành một giáo viên giỏi; rất nhiều người tài năng lại không biết cách thể hiện và tạo dựng thương hiệu cá nhân. Một nguyên nhân lớn là bởi họ không hiểu về Copywriting, dẫn tới gặp nhiều khó khăn khi định viết để chia sẻ điều gì đó.
Chị Ngô Như Quỳnh (Quynh Scarlett) là một ví dụ điển hình cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân bằng nội dung hấp dẫn mà bạn có thể học hỏi. Trong khi phần lớn hot girl, diễn viên, người đẹp khác đều đau đầu khi nghĩ caption cho hình ảnh và thường copy lại của nhau, chị Quỳnh đi theo một lối riêng. Mỗi bức ảnh của chị là một câu chuyện.
Cách chị viết rất hấp dẫn và lôi cuốn, thế nên chị đã xây dựng được tệp độc giả yêu thích chị không chỉ bởi vẻ bề ngoài, sự nổi tiếng mà còn vì những câu chuyện chị chia sẻ. Mỗi khi chị viết gì, họ đều hưởng ứng. Mỗi khi chị kêu gọi việc gì, họ sẵn sàng hành động. Tôi nghĩ, đó là kết quả trong mơ của bất kỳ ai khi bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân.
Kỹ năng Copywriting hoàn toàn có thể góp phần giúp bạn làm được điều đó.
Gia tăng thu nhập
Bạn không tin Copywriting có thể giúp bạn gia tăng thu nhập, dù nghề nghiệp của bạn không phải Copywriter? Hãy đọc hai ví dụ ngay sau đây.
Tôi có một người bạn làm nghề tư vấn bảo hiểm. Thay vì chỉ đi chào mời người quen hoặc post những nội dung na ná các tư vấn viên khác lên Facebook, cô ấy quyết định xây dựng một kênh Tiktok về tài chính cá nhân. Qua đó, cô chia sẻ những kiến thức về tài chính có thể áp dụng cho tất cả mọi người, và cũng giải đáp những thắc mắc của tệp khách hàng chưa hiểu hết về bảo hiểm. Kênh Tiktok của bạn tôi phát triển rất tốt, mang lại cho cô vô số khách hàng mới với giá trị hợp đồng từ vài chục tới hàng trăm triệu. Chưa kể, cô còn được các thương hiệu booking dịch vụ quảng cáo trong vai trò Influencer. Đương nhiên, chẳng cần tính toán chúng ta cũng có thể ước lượng được sự tăng trưởng trong thu nhập của cô.
Câu chuyện về fanpage Di tích nhà tù Hỏa Lò cũng rất nổi tiếng trong giới truyền thông, Marketing. Từ một di tích lịch sử, sau chiến dịch làm mới nội dung và trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội, nơi đây đã trở thành một điểm nhất định phải đến của các bạn trẻ. Nhà tù Hỏa Lò luôn trong tình trạng đông khách và các tour cũng thường xuyên “cháy vé”. Doanh thu của di tích này tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời cũng biến họ trở thành một case-study “tường thành” của việc kéo lịch sử lại gần hơn với người trẻ.
Tiến đến tự chủ và tự do
Nếu bạn muốn trở thành Freelancer hoặc có ý định Start-up, bạn càng không thể bỏ qua kỹ năng Copywriting. Khi bạn còn làm việc trong một tổ chức, bạn có nguồn data, các mối quan hệ và cả thương hiệu được bảo chứng từ tổ chức đó. Ngoại trừ nghề Sales, gần như bạn không phải tự đi tìm kiếm khách hàng. Nhưng khi bạn trở thành Freelancer hoặc Business Owner thì khác. Khách hàng không tự đến với bạn nữa, thay vào đó bạn phải chủ động tìm ra họ.
Để kiếm được khách hàng, bạn sẽ cần làm tối thiểu những việc sau:
Viết email chào hỏi, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ
Viết nội dung quảng cáo bản thân trên mạng xã hội
Xây dựng và duy trì Website/Blog
Tất cả những việc này đều cần tới kỹ năng Copywriting. Sẽ không có khách hàng nào đủ kiên nhẫn để đọc những bài viết lan man, rối rắm và nhàm chán.
Bạn có thể nói “Tôi sẽ thuê người viết!”. Nhưng đó chỉ là một giải pháp mang tính tạm thời. Người bạn thuê có thể viết nội dung cho sản phẩm, dịch vụ của bạn, nhưng sẽ không thể hiểu được những suy nghĩ trong đầu bạn. Họ không thể trở thành tiếng nói cho thương hiệu cá nhân của bạn. Bên cạnh đó, nếu bạn không hiểu về Copywriting, bạn cũng không có nền tảng để đánh giá chất lượng bài viết từ người khác.
Nhìn chung, nếu bạn hướng tới sự tự chủ (không phụ thuộc vào bất kỳ ai) và tự do (không phụ thuộc vào tổ chức nào), kỹ năng Copywriting là một thứ bạn rất nên học và thực hành.
Tôi hi vọng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn trực diện hơn về những lợi ích mà Copywriting có thể mang lại cho bạn và tổ chức của bạn. Copywriting không khó, nếu bạn tìm hiểu và thực hành đúng cách. Đó là điều tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn trong các bản tin sau, đừng quên đón đọc!