#28. Những cú hích để kiếm tiền tốt hơn từ viết lách
Hay việc tôi đã tăng giá dịch vụ của mình như thế nào.
Tôi đã viết một thời gian, nhưng vẫn chỉ được trả mức giá rất thấp.
Tôi thấy ngoài thị trường nhiều người đều đang bán mức giá như vậy mà vẫn không có khách, tôi không dám tăng giá vì sợ không cạnh tranh nổi.
Đây là mức giá chung rồi, tôi làm sao có thể một mình một giá được?
Bạn có thấy những điều trên quen thuộc: hoặc bạn đã nghe ở đâu đó, hoặc chính bạn đang trải qua? 6 tháng trước - khi mới bắt đầu sự nghiệp Freelancer, tôi cũng đã từng như vậy. Ban đầu, tôi nghĩ mình mới làm, có thể chấp nhận giá thấp một chút để tạo network và có các Case Study chứng minh năng lực. Sau đó, khi nghe nhiều người khác (là Freelancer hoặc khách hàng) nói rằng mức giá tôi đưa ra đang khá cao so với mặt bằng trên thị trường, tôi đã cho rằng mình đang bán giá cao thật. Vậy là tôi ép mình phải hài lòng với mức giá đang bán, và gần như không nghĩ tới chuyện tăng giá nữa. Mọi thứ có lẽ vẫn sẽ mãi như vậy, cho tới khi có 2 chuyện xảy ra làm tôi thay đổi.
Chuyện thứ nhất là khi tôi ngồi tính toán thu nhập của bản thân. Nếu chỉ cung cấp dịch vụ viết và giữ nguyên mức giá hiện tại, để đạt được mức thu nhập mong muốn, tôi sẽ phải viết tới khoảng 60 bài mỗi tháng. Thông thường một khách hàng sẽ chỉ cần trung bình 10 bài, vậy là đồng nghĩa với việc tôi phải kiếm được 5-6 khách hàng và làm chừng đó dự án khác nhau. Nghĩ đến việc này khiến tôi rùng mình. Tôi rời bỏ vị trí Head of Content tại Agency không phải là để “lao đầu” vào một “mini Agency” khác như vậy. Đó là lúc tôi biết tôi buộc phải thay đổi.
Chuyện thứ hai là khi tôi đã thiết lập niềm tin rằng mình PHẢI tăng giá, mình XỨNG ĐÁNG với một mức giá tốt hơn. Đó cũng là thời điểm tôi được giới thiệu hai khách hàng mới. Khi gửi họ báo giá, tôi đã nâng mức giá cao hơn so với các khách hàng trước đây. Thay vì sợ rằng làm như vậy sẽ mất khách hàng, tâm thế của tôi là sẽ thuyết phục để họ tin rằng đây là chi phí phù hợp. Và quả thực, sau một vài trao đổi, cả hai khách hàng nọ đều đồng ý với mức giá tôi đưa ra. Lúc đó tôi mới hiểu rằng, thứ đang níu mình trở nên đắt giá hơn chỉ là chính những suy nghĩ của mình mà thôi.
Tôi có tham gia vào một số hội nhóm việc làm cho Freelance Content Writer/Copywriter và thường quan sát, dù chưa bao giờ tìm việc trên đó. Dưới đây là một vài điều tôi đã thấy:
Các bài tuyển dụng Freelancer thường ít khi công khai mức giá. Trong nhiều trường hợp, đây là dấu hiệu cho thấy budget của bên tuyển dụng tương đối thấp.
Các bài tuyển dụng có public giá thì tỷ lệ cạnh tranh sẽ rất cao. Chỉ với chi phí khoảng 50 - 100,000 VND cho một bài viết SEO 1000 chữ hoặc một bài post Social 400 chữ, tôi đã thấy có hàng trăm comment phía dưới đăng ký nhận.
Trước khi đi tiếp, tôi muốn làm rõ quan điểm của mình: Giá thấp không có lỗi, lỗi nằm ở việc bạn chấp nhận đóng đinh mình ở mức giá đó mãi mãi.
Dưới đây là những lý do khiến tôi không khuyến khích các bạn nhận quá nhiều job giá thấp:
Bạn sẽ chỉ được làm việc với các doanh nghiệp không thực sự hiểu và coi trọng tầm ảnh hưởng của nội dung.
Bạn sẽ làm những việc lặp đi lặp lại trong một thời gian dài mà không có nhiều “đất” để phát triển.
Bạn sẽ mất động lực để cải thiện năng lực của mình.
Vậy thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: Nếu không làm theo cách này, tôi phải làm thế nào?
Trong bản tin số 28 của tuần này, tôi sẽ chia sẻ một số điểm quan trọng có thể chuyển hóa bạn thành một người viết có mức giá cao hơn.
#1: Nhận thức về bản thân
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là nhận thức của bạn về bản thân mình. Bạn cho rằng mình xứng đáng với mức giá nào, bạn sẽ theo đuổi tầng giá trị đó. Ví dụ, một người viết hài lòng với mức giá 50,000VND cho một bài SEO thì sẽ chỉ giới hạn bản thân ở việc đi tìm thông tin, xào xáo lại, chắp vá với nhau và gửi cho khách. Nhưng một người khác tin rằng mình xứng đáng với mức giá 500,000VND cho một bài SEO thì sẽ chuyên tâm làm các bước thật chuẩn chỉnh, dành thời gian và công sức để tạo ra một bài viết vừa đúng kỹ thuật, vừa có nội dung độc đáo. Nâng cao tiêu chuẩn thì luôn khó, còn hạ thấp thì lại rất dễ. Nếu bạn bắt đầu với mức giá 50,000VND, điều đó không có vấn đề gì. Nhưng hãy luôn đặt các mục tiêu xa hơn, để tránh cho bản thân rơi vào cái bẫy “dậm chân tại chỗ”.
#2: Chuyên môn & ngách
Đây là câu chuyện không mới, nhưng vẫn bị khá nhiều người viết bỏ qua. Đặc biệt, nếu mục tiêu của bạn là trở thành Freelancer, bạn càng cần phải có ngách. Hãy tưởng tượng bạn đi gặp khách hàng và đưa ra 2 lời giới thiệu như sau:
“ Chào anh, em là A, em là người viết tự do đã có 6 tháng kinh nghiệm viết cho nhiều ngành hàng khác nhau. Em có thể viết trong lĩnh vực mà anh đang tìm kiếm, em gửi anh báo giá.”
“Chào anh, em là A, một cây viết tự do trong lĩnh vực giáo dục. Em đã có kinh nghiệm 6 tháng làm việc với một số dự án giáo dục có nhiều điểm tương đồng với dự án hiện tại của anh. Em tin rằng mình sẽ tạo ra những nội dung hiệu quả cho dự án”.
Bạn nghĩ xem, trong trường hợp nào khách hàng sẽ cảm thấy tin tưởng và dễ chấp nhận mức giá bạn đề xuất hơn?
Chúng ta không vào hàng thịt để nhờ tư vấn chọn rau, cũng không vào hàng bán đồng hồ để tìm mua túi xách. Vì vậy, tìm ra ngách là một việc thiết yếu để bạn khẳng định chuyên môn và gắn mình với một key word - điều sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong hành trình phát triển tiếp theo. Như tôi, sau khi giới thiệu với bạn bè rằng mình làm chiến lược nội dung trong ngách du lịch - khách sạn, thi thoảng các mối quan hệ đã tự giới thiệu khách hàng đến với tôi mà không cần phải chủ động tìm kiếm.
Hiểu được sự khó khăn và phân vân của mọi người trong việc chọn ngách, cộng đồng “Viết thương mại - Vừa học vừa hành” của tôi sắp đưa ra chuỗi hướng dẫn trong việc tìm ra ngách phù hợp với bản thân. Tham gia ngay nếu bạn chưa là thành viên!
#3: Mức độ ảnh hưởng
Trong bản tin so sánh giữa “Người viết đắt giá” và “Người viết đại trà”, tôi đã từng đề cập đến tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Sau một thời gian, tôi càng thấm thía vai trò của thương hiệu cá nhân, hay lớn hơn là mức độ ảnh hưởng của chúng ta trong sự đóng góp vào thu nhập. Khi mức độ ảnh hưởng tăng lên, bạn sẽ:
Có cơ sở để deal mức giá cao hơn với khách hàng.
Có nhiều dự án và được quyền lựa chọn khách hàng/dự án bạn muốn làm việc cùng.
Có nhiều cách thức khác để tạo ra thu nhập như làm Affiliate Marketing, nhận Booking, v.v.
Tôi từng làm việc với một khách hàng. Sau khi đồng ý với mức phí tôi đưa ra, trong một lần trao đổi về cách thức làm việc, họ lại bóng gió rằng: “Chị đang trả em mức phí cao hơn cả lương dành cho một bạn Content Full-time, nên chị nghĩ những gì chị yêu cầu không có gì quá đáng”. Khi tôi ấm ức kể lại điều này với Mentor của tôi, chị đã nói rằng: “Việc khiến họ nghĩ rằng họ đang trả cho em giá cao là lỗi của em. Em cần xây dựng thương hiệu cá nhân ĐỦ MẠNH để em mới là người có quyền quyết định mức giá mà mình muốn”.
Vì vậy, nếu bạn chưa có thương hiệu cá nhân, hãy bắt đầu ngay bây giờ. Dù bạn là người hướng nội, tự ti, hay nghĩ rằng mình chưa có đủ kiến thức để chia sẻ, vẫn luôn có những cách để bạn tạo dựng tầm ảnh hưởng của riêng mình.
Nếu bạn không muốn xuất hiện, hãy thu Podcast và đăng tải trên Spotify/Youtube. Ngoài ra, ở tất cả các kênh khác như Facebook/Instagram, bạn đều có thể đăng tải nội dung mà không cần thiết phải cho mọi người biết bạn là ai.
Nếu kỹ năng nói của bạn chưa tốt, hãy viết, hoặc vẽ.
Nếu bạn chưa biết thiết kế ảnh và video, bạn có thể bắt đầu bằng việc tập trung vào chất lượng nội dung. Những kỹ năng khác đều có thể được từ từ bồi đắp.
Nếu bạn thấy kiến thức của mình còn chưa nhiều, hãy chia sẻ từ những thứ nhỏ nhất mà bạn học được mỗi ngày. Sẽ luôn có những người bắt đầu sau cần tới những chia sẻ của bạn.
#4: Profile và kỹ năng giao tiếp
Có lần, tôi giúp công ty cũ đăng tải tin tuyển dụng Freelance Copywriter. Tôi nhận được khá nhiều email và inbox ứng tuyển. Tuy nhiên, trong số khoảng 20 bạn ứng tuyển đó, chỉ có 2-3 bạn có Profile đủ chỉn chu để tôi muốn trao đổi chuyên sâu hơn. Các bạn còn lại, dù có thể năng lực không tồi, nhưng lại tự đánh mất đi cơ hội của mình vì các lý do sau:
Không trình bày được những thông tin nổi bật trong Profile
Quá dài và lan man
Cách sắp xếp thông tin thiếu khoa học
Thiết kế chưa hấp dẫn
Nếu bạn có điều kiện và muốn trở nên thực sự chuyên nghiệp, hãy tạo một trang Website. Còn nếu chưa có điều kiện, bạn hoàn toàn có thể làm một Portfolio chỉn chu trên Canva, hoặc thiết kế miễn phí trên Wixie. Đưa ra thông tin đủ - quan trọng - hấp dẫn với khách hàng chính là cách thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn nhanh chóng nhất. Tôi đã có được sự tin tưởng của nhiều khách hàng dựa vào việc xây dựng một Website chuyên nghiệp, khoa học.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Khi đi phỏng vấn hoặc trao đổi với khách hàng về công việc, hãy lưu ý những điều sau:
Luôn tìm hiểu về doanh nghiệp/khách hàng mình chuẩn bị gặp trước buổi phỏng vấn. Nếu được, hãy note ra một vài điều bạn thích ở họ và một vài điều bạn cho rằng có thể cải thiện để tốt hơn.
Luôn chuẩn bị sẵn một đoạn ngắn để giới thiệu về bản thân sao cho cô đọng và chân thực nhất.
Hãy tìm cơ hội để chia sẻ với họ một chút về thế mạnh của bạn: kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng hoặc nhỏ nhất là thái độ tích cực.
Chuẩn bị sẵn câu trả lời cho mức lương/mức giá mà bạn mong muốn. Sự luống cuống khi nhận câu hỏi này có thể giảm bớt sự thuận lợi của bạn khi deal giá.
Nếu bạn muốn trở thành Copywriter/Content Writer chuyên nghiệp, tôi biết bạn có rất nhiều thứ phải học. Vì vậy, tôi đang đóng gói những kiến thức và trải nghiệm mình có trong một chương trình Training & Mentoring mang tên “Becoming a Paid Copywriter”. Để đóng góp vào việc xây dựng chương trình, nhận ưu đãi giảm giá 10% cho khóa học và cơ hội trở thành 1 trong 10 người được chọn HỌC THỬ MIỄN PHÍ, hãy dành chút thời gian tham gia trả lời khảo sát của tôi.
Cảm ơn các bạn đã đọc bản tin tuần này! Hẹn gặp lại trong các bản tin tiếp theo.