#39. 3 xu hướng có thể khiến bạn thay đổi cách viết Storyselling.
Nổi bật trên thế giới, và có thể ứng dụng tại Việt Nam.
Xin chào bạn,
Chúc bạn có một tuần làm việc thật nhiều năng lượng!
Nơi bạn ở đang có thời tiết thế nào? Tôi ở Hà Nội, sau vài ngày nắng nóng đỉnh điểm thì sang tuần này trời đã dịu mát hơn với những cơn mưa. Bình thường tôi vốn là người không thích mưa, nhưng giờ thấy trời mưa lại khá vui, vì nó là dấu hiệu cho thấy hôm ấy trời bớt nóng, đồng nghĩa với việc tôi cũng bớt “đau ví” khi trả tiền điện cuối tháng. Sức mạnh của việc xuất hiện “đúng lúc” cũng rất quan trọng, bạn có công nhận với tôi không?
Chúng ta đã đi với nhau qua 2 bản tin về Storyselling trong 2 tuần vừa rồi. Tuần này, tôi đã nghiên cứu một số xu hướng liên quan tới Branding & Storytelling mà bạn có thể kết hợp để đưa vào nội dung Storyselling của mình. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Vậy nếu bạn không muốn bị tụt lại đằng sau trên hành trình sáng tạo nội dung, nhớ đọc đến cuối bản tin nhé!
#1. Data-driven storyselling
“Data Talks” có lẽ là một trong những điều chúng ta được nghe rất nhiều về Marketing ở thời hiện đại. Đúng vậy, data(dữ liệu) ngày càng trở thành một thông tin được quan tâm và có sức mạnh trong việc tạo dựng niềm tin của độc giả. Theo thống kê, ở năm 2020, đã có 1.7 megabytes data được tạo ra mỗi giây cho mỗi người trên Trái đất. Vì vậy, khi viết Storyselling, một gợi ý cho bạn là hãy tìm kiếm và bám vào các dữ liệu đáng tin cậy, nếu tuyệt vời hơn nữa thì kết nối chúng thành một câu chuyện.
Chiến dịch Lookback của Google Trends là một minh chứng hấp dẫn về data-driven storyselling. Năm 2015, Google trends đã thu thập các dữ liệu được tìm kiếm nhiều nhất và trình bày chúng thành một câu chuyện theo các mốc thời gian. Thông qua đó, người xem có thể nắm bắt được những sự kiện lớn đã diễn ra trong năm hoặc các xu hướng làm mưa làm gió trong thời gian qua. Chiến dịch này đã mang về hơn 15 triệu lượt view cho Google Trends, đồng thời khẳng định vị thế của một trong những công cụ research hàng đầu dành cho Marketers.
Nếu là một người thường xuyên sử dụng Facebook, chắc hẳn bạn cũng đã nhiều lần bắt gặp các video framework mà Facebook dành tặng user - Facebook sẽ thu thập lại các hình ảnh và nội dung mà bạn đã chia sẻ, tạo thành một video ngắn để bạn có thể share chúng với những người dùng khác. Đây cũng chính là một ví dụ của hình thức data-driven storyselling, khiến khách hàng gia tăng sự kết nối với sản phẩm.
Bạn cũng có thể tận dụng xu hướng này bằng cách tạo ra các nội dung dựa trên số liệu: tri ân khách hàng thân thiết, nhìn lại hành trình khách hàng đã đi qua, v.v…
#2. Customer-led storyselling
Trong bản tin hồi đầu năm nay về xu hướng nội dung nói chung, tôi đã nhắc tới UGC (User-Generated Content - nội dung do người dùng khác tạo ra). Trong Storyselling, chúng ta có khái niệm Customer-led với ý nghĩa gần tương tự.
Theo tổ chức Digital Intelligence Today, 92% người dùng tin vào các recommendations - sự giới thiệu từ người dùng khác hơn là tin vào quảng cáo từ chính thương hiệu. Trong thời đại ngày nay, chúng ta đều biết rằng phần lớn các doanh nghiệp đều cố gắng đưa ra các thông tin hấp dẫn nhất vào quảng cáo để thu hút người dùng. Vì vậy, để đi tới quyết định mua hàng, người dùng nào cũng không thể bỏ qua việc lướt tới phần đánh giá trên các ứng dụng mua sắm, hoặc tìm kiếm ý kiến thật từ những khách hàng thật khác đã trải nghiệm sản phẩm đó.
Ví dụ, bạn có thể tham khảo ý tưởng này từ Airbnb. Họ đã sáng tạo một platform mang tên “Stories from the Airbnb Community”, trong đó khách hàng chính là trung tâm của những câu chuyện được chia sẻ.
Mặc dù hiện giờ hạng mục này đã thay đổi thành Host Stories, nhưng những câu chuyện từ thực tế vẫn có sức hút rất lớn với những người muốn gia nhập mạng lưới của Airbnb.
Ở vai trò một người sáng tạo nội dung, hãy tìm ra nhiều cách thức khác nhau để xây dựng kho Customer-led storyselling cho thương hiệu của bạn. Ví dụ: bạn có thể làm một series phỏng vấn (dưới dạng video hoặc podcast) với khách hàng; mời họ xuất hiện trong một sự kiện; nhờ họ chia sẻ câu chuyện của mình với những khách hàng khác; viết một câu chuyện ẩn danh về hành trình họ đã đi qua nếu họ không muốn được nhắc tên, v.v…
#3. Emotion-focused storyselling
Tôi đã nhiều lần nhắc tới tầm quan trọng của cảm xúc đối với nội dung thương mại. Với Storyselling, cảm xúc càng đóng vai trò thiết yếu hơn. Đó là điều bạn có thể dễ dàng nhận thấy khi đọc bình luận của khán giả về các bộ phim đang được phát sóng. Hầu hết những bộ phim nổi tiếng, được yêu thích đều là bộ phim có thể đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào - hoặc là tò mò, hoặc là giận dữ, hoặc là cảm động, hoặc là hả hê. Bởi vì đó là những cảm xúc có thể khiến người xem cảm thấy liên kết với bộ phim hơn và mong ngóng từng tập mới.
Với Storyselling cũng vậy. Nếu bạn chạm được vào cảm xúc của khách hàng, bạn gần như sẽ có được họ. Nhưng thay vì nhắc tới cảm xúc chung chung, trong bản tin này, tôi muốn nhấn mạnh vào cảm xúc delighted (hân hoan) và motivated (được trao động lực). Đây là hai cảm xúc được Bloomberg nhắc tới trong bài viết đánh giá các xu hướng về Brand Storytelling trong năm 2023. Tôi cho rằng, trong giai đoạn kinh tế và đời sống đều gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đây sẽ là những cảm xúc nhiều khách hàng tìm kiếm.
Một số định hướng nội dung bạn có thể làm để khơi gợi các cảm xúc này:
Chia sẻ câu chuyện thành công, từ đó truyền động lực cho những người mới bắt đầu.
Chia sẻ câu chuyện thất bại, từ đó trao thêm nghị lực cho những người đang gặp khó khăn.
Chia sẻ câu chuyện về các cột mốc, để khách hàng có thể hình dung được hành trình họ sẽ đi qua.
Chia sẻ về câu chuyện của Founder, để tạo sự đồng cảm với khách hàng.
…
Trên đây là 3 xu hướng có liên quan tới Storyselling mà tôi muốn giới thiệu với bạn trong tuần này. Ngoài ra, tôi có một vài thông báo quan trọng mà có lẽ bạn sẽ không muốn bỏ lỡ.
Trong tháng 5 này, cộng đồng Viết thương mại sẽ có:
Thông báo về sự thay đổi trong cách vận hành và các hoạt động dành cho thành viên, nhằm mang lại một không gian mở, kết nối và hữu ích hơn.
Một Challenge viết Storyselling có thưởng.
Workshop chuyên sâu về kỹ năng Storyselling.
Nếu bạn quan tâm tới những điều kể trên, đừng quên gia nhập cộng đồng (và trả lời đủ 3 câu hỏi) để được duyệt nhé!
Hẹn gặp lại bạn, trong những ngày đầy ắp điều hứng thú phía trước!
Nguồn thông tin tham khảo:
https://digitalmarketinginstitute.com/blog/6-ways-brands-can-boost-their-storytelling
https://sponsored.bloomberg.com/immersive/bms-2023