Nếu bạn đang có ý định luyện tập kỹ năng viết Copywriting và chưa biết bắt đầu từ đâu, bản tin này sẽ cho bạn hai manh mối quan trọng.
Bạn đã từng đọc những bài viết quảng cáo mà như không quảng cáo, lôi cuốn đến tận chi tiết cuối cùng? Bạn đã từng đọc những nội dung khiến mình “vỗ đùi đen đét” vì sao mà đúng quá, giống với mình quá? Bạn có muốn chính bạn cũng viết ra được những nội dung như vậy? Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu 2 “vũ khí” lợi hại giúp bạn làm được điều đó.
Điều 1: Phân tích insight người dùng
Insight, nói một cách đơn giản nhất, là những nhu cầu ẩn giấu mà người dùng không trực tiếp nói ra. Nếu như hiểu được insight của người dùng, bạn có thể viết ra những nội dung “chạm” hơn, khiến họ cảm thấy được thấu hiểu, từ đó nảy sinh sự yêu thích và hành động mua sản phẩm/dịch vụ.
Để tôi lấy một ví dụ giúp bạn dễ hiểu hơn.
Bạn đang viết bài quảng cáo để bán một khóa học Tiếng Anh. Nếu chưa nắm được insight người dùng, bạn sẽ có xu hướng viết nội dung chung chung dạng như:
Những lý do vì sao nên tham gia khóa học tiếng Anh tại trung tâm H
Chương trình học dự kiến
Năng lực của đội ngũ giảng viên khóa học
…
Những nội dung này không sai. Gần như khóa học, hay trung tâm nào cũng sẽ viết những bài như vậy. Điểm mấu chốt ở đây là những bài viết này quá phổ biến và phù hợp cho tất cả mọi độc giả. Bởi vậy, chúng sẽ khó tạo dấu ấn riêng cho thương hiệu hay thúc đẩy người dùng đưa ra hành động.
Nếu tìm hiểu kĩ về khách hàng, bạn sẽ nhận ra một số insight đặc biệt và thú vị hơn. Ví dụ như:
Nhiều người rất giỏi ngữ pháp tiếng Anh, nhưng lại không thể giao tiếp và cảm thấy tự ti về điều đó.
Nhiều người muốn học tiếng Anh giao tiếp, nhưng lại ngại ngùng khi phải nói và bộc lộ khuyết điểm trước đám đông.
Nhiều người cảm thấy học tiếng Anh là việc cần thiết nhưng không gấp, vì vậy nên cứ trì hoãn hết lần này đến lần khác.
Dựa vào những insight này, bạn có thể tinh chỉnh lại nội dung cho “chạm” hơn. Dưới đây là một vài ví dụ:
Bài viết về phương pháp thực hành trong chương trình học, giúp học viên vượt qua rào cản tâm lý để giao tiếp tốt hơn.
Bài viết về lợi thế của những người thành thạo tiếng Anh giao khi xây dựng, phát triển sự nghiệp
Bài viết phân tích những yếu tố tạo ra khả năng phản xạ khi giao tiếp tiếng Anh, lồng ghép khéo léo nội dung chương trình học.
Bài viết chỉ ra những lợi thế của người nắm chắc ngữ pháp khi học giao tiếp tiếng Anh
…
Với những nội dung này, bài viết sẽ nhắm đích xác tới một nhóm đối tượng cụ thể hơn, từ đó giải quyết đúng nhu cầu của người đọc hơn.
Sức mạnh của insight rất lớn, nhưng tìm ra insight không phải điều dễ dàng. Thông thường, những gì chúng ta có thể quan sát một cách nhanh chóng chỉ là “bề nổi của tảng băng”. Bởi vậy, muốn tìm được insight “chân chính”, bạn cần dành nhiều thời gian để quan sát, suy nghĩ, chiêm nghiệm.
Trong một bản tin ngắn gọn, rất khó để tôi chia sẻ kĩ hơn về cách tìm kiếm insight. Tôi xin gợi ý một vài phương pháp đơn giản, để bạn bắt đầu luyện tập:
Thường xuyên đọc các báo cáo, nghiên cứu về thị trường.
Chăm đặt câu hỏi “Tại sao” khi đứng trước mọi thứ mình quan sát được và chịu khó tìm kiếm câu trả lời.
Tiếp xúc, trò chuyện với thật nhiều người và ghi chép lại những gì “gặt hái” được.
Tham gia vào các hội nhóm, cộng đồng có chứa đối tượng khán giả mục tiêu để quan sát, tìm tòi từ những điều họ chia sẻ với nhau.
Hôm nay, tôi cũng muốn giới thiệu tới các bạn một bản tin chất lượng về Insight: Insights with Norah. Đây là bản tin trả phí một phần, được tạo ra bởi chị Ngọc Võ (Norah), hiện đang là Chuyên gia Insight tại IKEA, Thụy Điển và cũng là có vấn độc lập về Insight. Chị Ngọc cũng là Speaker trong một buổi workshop về Insight tôi từng tham gia và học được rất nhiều điều thú vị. Bạn có thể ghé đọc thử những bài viết miễn phí của chị Ngọc, riêng chừng đó thôi cũng khá hữu ích rồi.
Điều 2: Tập viết theo lối Storytelling
Storytelling có phải là thuật ngữ bạn đã nghe rất nhiều trong những năm gần đây? Với cá nhân tôi thì có.
Khi tôi phát hành bản tin số 1 của A Copywriting Inspirer và nhờ mọi người nhận xét, đã có tới 5/10 ý kiến mong muốn tôi lồng ghép thêm yếu tố Story telling vào bản tin (Và thực tế là tôi đã làm, bạn có thể đọc lại bản tin số 2 & 3 để kiểm chứng). Rõ ràng, ai cũng có nhu cầu được đọc những câu chuyện hấp dẫn thay vì số liệu cứng nhắc. Thậm chí, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những câu chuyện thú vị có tác dụng giải phóng oxytocin, từ đó tác động tích cực tới tâm trạng, thái độ và hành vi của người đọc.
Để bạn hình dung rõ hơn, dưới đây là một số lợi ích Storytelling sẽ mang lại cho thương hiệu:
Các bài viết có khả năng thu hút và giữ chân người đọc lâu hơn.
Khắc họa tính cách thương hiệu nhất quán và có nét riêng biệt, tạo ấn tượng so với đối thủ và góp phần thu hút khách hàng.
Tạo ra sự liên kết với người đọc, biến họ thành độc giả và rồi khách hàng trung thành.
Giờ hãy cùng làm một bài test nhanh: Khi nghĩ tới một thương hiệu Việt Nam có tính cách độc đáo, đâu là cái tên nảy ra trong đầu bạn? Thương hiệu đó hẳn đã làm rất tốt việc Storytelling. Với tôi, cái tên đầu tiên là Baemin. Từ các thông điệp, nội dung trên quảng cáo, OOH hay các bài post ngắn trên mạng xã hội của Baemin đều khiến tôi nghĩ tới một cậu bạn hàng xóm tốt bụng, vui vẻ, dễ gần. Và vì đã có cảm tình rồi, nên cậu hàng xóm có nói gì tôi cũng thấy… lọt tai hơn bình thường!
Thông thường, để bắt đầu viết ra những nội dung có tính storytelling đầu tiên, bạn cần nắm được 3 yếu tố:
Chân dung khách hàng mục tiêu
Những “nỗi đau” (Pain Point) của họ
Giải pháp mà sản phẩm/dịch vụ của bạn mang lại để giúp họ giải quyết nỗi đau đó.
Kỹ năng Storytelling là điều bạn nên luyện tập, và sẽ cần dành rất nhiều thời gian để học. Trong phạm vi bản tin số 4 này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn một vài tips để viết storytelling hiệu quả hơn.
Hãy nghiên cứu thật kĩ về độc giả mục tiêu trước khi viết. Bên cạnh chân dung khách hàng, bạn cũng nên để tâm tới các yếu tố khác như sở thích, sở ghét, thói quen, hành vi, những âu lo của họ. Có thể hiểu rằng đây chính là phần nghiên cứu insight khách hàng mà tôi vừa đề cập bên trên. Chỉ khi hiểu họ, bạn mới có thể xây dựng nhân vật và cốt truyện chạm tới họ.
Đừng vẽ ra những câu chuyện quá viển vông. Ngay cả phim viễn tưởng cũng được lồng ghép nhiều tình tiết rất đời thường! Vì vậy, để tạo ra sự đồng cảm với khách hàng, bạn nên xây dựng một câu chuyện gần gũi, chân thực. Vừa rồi, bộ phim “Thương ngày nắng về” trên VTV3 cũng thành công bởi khiến nhiều người xem đồng cảm và thấy chính mình trong đó.
Nhất quán là một yếu tố quan trọng. Bạn hãy tưởng tượng và viết ra tính cách thương hiệu mà bạn muốn xây dựng trong mắt người đọc. Sau đó, từng nội dung của bạn cần phục vụ chung mục đích khắc họa rõ nét tính cách đó. Bạn sẽ khó để thành công nếu cùng một thương hiệu nhưng buổi sáng có giọng văn trưởng thành, buổi tối lại nhí nhảnh, dễ thương.
Hãy tiết chế và kiểm soát độ dài và nhịp điệu câu chuyện của bạn. Không độc giả nào muốn đọc một câu chuyện lê thê và lan man. Nếu bạn viết quá dài mà vẫn chưa đi vào trọng tâm, có thể họ sẽ rời khỏi bài viết trước khi đọc tới phần quan trọng nhất. Câu chuyện nên có bố cục chắc chắn, đảm bảo truyền tải đủ các thông tin: giới thiệu, nút thắt, kết quả.
Đừng mải kể chuyện mà quên đi mục tiêu chính của bài viết. Hẳn là bạn đang viết storytelling để quảng cáo một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Vậy nên câu chuyện của bạn cũng cần xoay quanh trọng tâm ấy. Khéo léo lồng ghép CTA (thường ở giữa hoặc cuối bài viết) cũng sẽ giúp bạn đo lường hành động chuyển đổi của khách hàng tốt hơn.
Để nói về Insight và Storytelling sẽ tốn rất nhiều “giấy mực”. Trong bài viết này, tôi chỉ đang giới thiệu tới các bạn những kiến thức cơ bản. Bạn có quan tâm tới những điều này không? Bạn muốn biết thêm điều gì? Hãy để lại comment, hoặc gửi email câu hỏi của bạn để tôi có thể sản xuất và trao cho bạn những nội dung hữu ích hơn!
Nguồn tham khảo: https://storychief.io/blog/complete-guide-storytelling-content-marketing