#126. Khi nội dung hay hoặc nội dung tốt thôi là chưa đủ
Mà cần sự kết hợp giữa cả hai!
Trong suốt quá trình hướng dẫn và tư vấn cho các khách hàng và học viên, có một câu hỏi tôi nhận được rất nhiều: Làm sao để viết TỐT hơn? Hoặc làm sao để tạo ra nội dung HAY hơn?
Đây là đâu hỏi chính đáng, nhưng chưa đủ. Bởi nếu nội dung chỉ tốt hoặc chỉ hay, có thể bạn chỉ đang thỏa mãn một khía cạnh mà làm khuyết thiếu đi khía cạnh còn lại. Trong khi đó, thứ người viết và thương hiệu nên chú ý đến và đầu tư nguồn lực là nội dung HIỆU QUẢ.
Thế nào là nội dung HAY?
Giờ, hãy đặt bạn vào vị trí một người đọc. Đối với bạn, thế nào là một nội dung hay?
Đó có phải là một nội dung có tiêu đề hấp dẫn, khiến bạn bị thu hút và chú ý giữa hàng trăm nội dung khác được đăng tải?
Đó có phải là một nội dung khiến bạn cảm thấy như được viết ra cho mình?
Đó có phải là một nội dung cung cấp cho bạn một thông tin giá trị hoặc một góc nhìn thú vị?
Đó có phải là một nội dung khiến bạn muốn đọc đi đọc lại nhiều lần?
Đó có phải là một nội dung mà bạn muốn chia sẻ để những người khác cùng đọc?
Đó có phải là một nội dung làm bạn muốn được đọc thêm nhiều nội dung tương tự khác?
Nếu bạn đã từng bắt gặp, chia sẻ hay lưu trữ những nội dung như vậy, hãy mở ra và xem lại xem chúng có đáp ứng được những gạch đầu dòng kể trên không. Tất nhiên, định nghĩa “hay” của mỗi người lại rất khác nhau: Có người thích bài viết mạch lạc và logic, có người lại rung động trước những nội dung được trau chuốt câu từ, v.v… Nhưng nhìn chung, theo quan điểm của tôi, một nội dung được độc giả đánh giá HAY sẽ phải đạt được tối thiểu các tiêu chí sau:
Hấp dẫn và giữ chân được người đọc.
Mang lại một giá trị nhất định.
Thôi thúc người đọc lưu giữ hoặc chia sẻ.
Tạo ra sự khao khát cho những nội dung tương tự.
Nếu nội dung bạn tạo ra đáp ứng được các tiêu chí này, nó sẽ được người đọc đánh giá là một nội dung hay.
Nhưng tại sao nội dung chỉ hay thôi là chưa đủ? Bởi vì nó mới chỉ thỏa mãn người đọc! Còn từ phía người viết, hoặc thương hiệu thì sao? Một nội dung hay có giúp họ thỏa mãn? Tôi nghĩ là không, bởi vì doanh nghiệp thường chú trọng hơn vào nội dung TỐT.
Vậy, định nghĩa nội dung TỐT là gì?
Tôi đã từng làm ở vị trí kiểm duyệt nội dung trong nhiều năm, cũng từng tư vấn cho nhiều cá nhân & doanh nghiệp. Theo quan sát và đúc kết của tôi, thường họ sẽ đánh giá nội dung tốt bằng các tiêu chí sau:
Nội dung tiếp cận được đúng đối tượng mục tiêu.
Nội dung truyền tải chính xác thông điệp mà thương hiệu mong muốn.
Nội dung giúp thương hiệu đạt được mục tiêu đặt ra (đó có thể là mục tiêu truyền thông, mục tiêu kinh doanh, v.v…).
Hãy lấy một ví dụ thế này:
Một thương hiệu A cung cấp dịch vụ du lịch. Họ thường xuyên chia sẻ các bài viết về các địa điểm du lịch thú vị trên thế giới. Nhiều bài viết của họ khiến độc giả thấy HAY, nhận được lượt tương tác và share rất tốt.
Thế nhưng khi nhìn lại, đó lại không phải các nội dung tốt bởi vì:
Họ hướng đến khách hàng là đối tượng người có thu nhập cao và có nhu cầu đi du lịch thường xuyên. Tuy nhiên, nhóm người share nội dung của họ nhiều nhất lại là nhóm khách hàng trẻ và chưa có điều kiện kinh tế để đi du lịch nhiều.
Họ muốn truyền tải thông điệp về thương hiệu du lịch chuyên nghiệp, tận tâm. Nhưng những nội dung được chú ý lại là nội dung về các địa danh, thắng cảnh chứ không liên quan đến họ.
Họ đặt ra mục tiêu rằng nội dung sẽ giúp họ thu hút thêm một số lượng X leads chất lượng và mang lại Y doanh thu mỗi tháng. Nhưng với 2 gạch đầu dòng trên, tất nhiên họ không đạt được KPI này.
Vậy thì doanh nghiệp có thỏa mãn với những nội dung được chia sẻ nhiều kia không? Câu trả lời là không. Bởi dù chúng mang lại sự chú ý, tăng thêm lượt truy cập vào trang của thương hiệu nhưng chúng lại không đáp ứng được những tiêu chí quan trọng nhất.
Trong trường hợp này, ví dụ về một nội dung được thương hiệu đánh giá TỐT có thể sẽ trông như thế này:
Một bài viết chia sẻ về một chuyến đi mà doanh nghiệp lữ hành này đã tổ chức cho khách hàng tại địa điểm B. Chuyến đi rất thành công, khách hàng hài lòng và dành tặng doanh nghiệp nhiều feedback tích cực. Nhờ vậy, doanh nghiệp thêm tự tin để tiếp tục tổ chức nhiều chuyến đi mới cho các khách hàng mới với các ưu đãi đặc biệt.
Nội dung như vậy sẽ đáp ứng được tiêu chí tốt, bởi vì:
Hướng đến đúng đối tượng mục tiêu là những người có nhu cầu đi du lịch ở địa điểm B.
Truyền tải đúng thông điệp về chất lượng dịch vụ của thương hiệu.
Có khả năng giúp thương hiệu thu hút thêm khách hàng tiềm năng cho những chuyến du lịch sau.
Thế nhưng, nếu lật lại ở vị trí người đọc, liệu họ có thích những nội dung như vậy? Phần lớn câu trả lời sẽ là không. Một nội dung TỐT, nhưng lại không HAY thì sẽ có kết quả gì? Đó là không thể tiếp cận tới độc giả và khách hàng. Như vậy, nội dung chỉ thỏa mãn thương hiệu chứ không làm thỏa mãn khách hàng.
Nội dung HAY cũng chưa đủ, TỐT cũng không xong, thế tóm lại là phải làm nội dung như thế nào?
Đáp án rất đơn giản thôi. Đó là nội dung giao thoa giữa cả HAY và TỐT. Với tôi, tôi gọi đó là nội dung HIỆU QUẢ.
Rút cuộc nội dung HIỆU QUẢ là gì và có khả thi không?
Nói một cách đơn giản nhất, nội dung HIỆU QUẢ là nội dung mang lại trạng thái Win-Win cho cả người đọc và người viết (hoặc thương hiệu). Người đọc cảm thấy thích thú, người viết đạt được mục tiêu.
Một nội dung HIỆU QUẢ thường sẽ đi theo hướng:
Người đọc nhận được giá trị, người viết cũng khéo léo cài cắm thông điệp họ mong muốn.
Người đọc khao khát muốn biết thêm, và cũng sẵn sàng thực hiện một hành động nào đó để được biết thêm (như follow, trả phí, đăng ký phiên bản nâng cao hơn…)
Hiệu quả của nội dung nằm trong tính toán của người viết. (Ví dụ: mục tiêu là tiếp cận càng nhiều người càng tốt thì người viết sẽ cố gắng go viral; mục tiêu là thu hút khách hàng mua hàng thì bài viết sắc bén theo hướng Copywriting, v.v…)
Ví dụ, gần đây tôi có sử dụng một app theo dõi lịch sinh hoạt của em bé sơ sinh. Trong app này, mỗi ngày tôi sẽ được dành tặng một bài viết ngắn liên quan tới việc chăm sóc con. Các bài viết này khá thú vị và cần thiết với tôi, nên tôi thường đọc hết. Nhưng tất nhiên, một nội dung ngắn thì không thể giải thích kỹ và đầy đủ hết mọi vấn đề mà tôi quan tâm. Đó là lúc họ giới thiệu phiên bản nâng cấp hơn, với những tư vấn được tạo ra riêng biệt trên lịch sinh hoạt của mỗi em bé. Lời quảng cáo này rất hấp dẫn, và quả thực tôi cũng đang có ý định trả phí dù mới chỉ dùng app được khoảng một tuần.
Như vậy, cả tôi và cả thương hiệu đều có được điều mình muốn từ những nội dung hiệu quả đó.
Quay trở lại ví dụ về doanh nghiệp du lịch mà tôi đã nhắc đến ở phần trước. Làm thế nào để điều chỉnh nội dung TỐT thành nội dung HIỆU QUẢ? Cách tốt nhất là tìm kiếm những thứ độc giả mục tiêu của họ quan tâm và tìm cách kết nối chúng với mục tiêu của thương hiệu.
Ví dụ, trước khi đi du lịch, khách hàng sẽ tìm kiếm các lịch trình gợi ý cho chuyến đi của họ. Như vậy, doanh nghiệp có thể tạo ra một nội dung như sau:
Gợi ý lịch trình 4N3D cho nhóm bạn “quẩy tới bến” tại địa điểm B. ⇒ Tập trung vào một nhóm khách hàng nhất định với nhu cầu rõ ràng.
Trong lịch trình, cài cắm thêm các nội dung thể hiện sự cần thiết phải có một đơn vị lữ hành hỗ trợ chuyến đi (Ví dụ như: phòng thường hết rất sớm nếu không được hỗ trợ book; có thể đặt nhầm nơi lưu trú không như ý muốn, v.v…)
Sử dụng hình ảnh trong bài viết là hình ảnh thật của khách hàng đã sử dụng dịch vụ.
Cuối bài viết bổ sung thêm một đoạn quảng cáo ngắn.
Rõ ràng, bằng cách này, bài viết sẽ hấp dẫn hơn với người đọc mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của thương hiệu.
Tất nhiên, việc tạo ra nội dung hiệu quả không hề dễ. Nó đòi hỏi người viết phải nghiên cứu thật kỹ về đối tượng độc giả mình hướng đến, phải liên tục trăn trở để tìm ra cách làm sáng tạo hơn. Nhưng trong bối cảnh AI phát triển vượt bậc, nội dung được tạo ra chỉ trong vài giây như hiện nay, đây là điều vô cùng cần thiết để giúp nội dung của bạn có tính cạnh tranh hơn và mang lại kết quả tốt hơn.
Tôi sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm tạo ra nội dung hiệu quả trong những bản tin tới. Nhớ Subscribe để không bỏ lỡ nhé!