#5: 10 công thức cho một tiêu đề hấp dẫn trên Facebook
Giúp bạn "dễ thở" hơn khi viết tiêu đề.
Trong tuần trước, tôi đã nhờ mọi người tham gia một khảo sát về kỹ năng viết Copywriting, nhằm mục đích tạo ra những nội dung thiết thực hơn với nhu cầu của người đọc. Sau đó, khi thu thập và phân tích kết quả, tôi nhận ra có tới quá nửa số người tham gia khảo sát gặp một vấn đề tương tự nhau: không biết phải viết tiêu đề ra sao cho hấp dẫn. Đó là lý do tôi đưa cách viết tiêu đề trở thành nội dung của bản tin số 5. Nếu bạn chưa tham gia khảo sát, bạn có thể dành 2 phút để điền tại đây.
Trong bản tin hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn các bạn 10 cách tạo ra tiêu đề hấp dẫn cho một bài viết quảng cáo. Nơi tốt nhất để bạn bắt đầu thực hành viết là Facebook, tuy nhiên những “công thức” này cũng có thể áp dụng cho các bài viết Blog, Website. Bạn hãy thử lưu lại và áp dụng nhé, tôi tin rằng chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian!
#1. Làm nổi bật lợi ích của khách hàng
Tâm lý của người đọc sẽ luôn quan tâm tới lợi ích của mình trước tiên. Sản phẩm này có thể giúp họ việc gì? Trẻ lâu hơn, hạnh phúc hơn, ngủ ngon giấc hơn, tiết kiệm tiền hơn,...? Dù lợi ích là gì, hãy cố gắng làm nổi bật điều đó trong tiêu đề bài viết.
Ví dụ:
Tiêu đề cũ: Dầu gội ngăn rụng tóc chiết xuất từ thiên nhiên.
Tiêu đề mới: Tạm biệt nỗi lo rụng tóc, tận hưởng dưỡng chất từ thiên nhiên!
#2. Nhấn mạnh hậu quả nếu bỏ qua bài viết/sản phẩm
Bạn có nhận thấy trong nhịp sống nhanh này, gần như ai cũng có tâm lý FOMO - sợ bỏ lỡ một thứ gì đó quan trọng? Dựa vào tâm lý này, nhấn mạnh hậu quả khi bỏ lỡ là một cách để tạo ra một tiêu đề có khả năng thu hút người đọc.
Ví dụ:
Tiêu đề cũ: Những điều bạn nên tránh khi giao tiếp với đồng nghiệp tại công sở.
Tiêu đề mới: 4 lỗi giao tiếp tại công sở có thể khiến bạn đánh mất cơ hội thăng tiến.
#3. Sử dụng con số ấn tượng
Từ trước tới giờ, con số luôn dễ nhớ và dễ tạo ấn tượng với người đọc. Bí quyết là hãy cố gắng lượng hóa những gì có thể, đồng thời tìm thêm những dẫn chứng là con số và đặt chúng vào tiêu đề. Bài viết của bạn sẽ vừa uy tín, vừa có sức hấp dẫn hơn!
Ví dụ:
Tiêu đề cũ: Freelancer cần biết cách deal giá với khách hàng.
Tiêu đề mới: Deal giá với khách hàng - kỹ năng quan trọng để x2 thu nhập của Freelancer.
#4. Sử dụng danh tiếng của người/sự vật/hiện tượng nổi tiếng
Đừng hiểu lầm rằng tôi đang khuyến khích các bạn “ké fame” từ người khác. Những tên tuổi, sự vật đã có danh tiếng rồi sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của người đọc. Tuy nhiên, bạn cũng cần thận trọng khi đặt tiêu đề hay viết nội dung với những thông tin này. Hãy chỉ sử dụng khi:
Đó là những tên tuổi trong sạch, có hình ảnh tích cực trong mắt công chúng.
Đó là những thứ thực sự có liên quan tới nội dung bạn đang viết ra.
Ví dụ:
Tiêu đề cũ: Vị trí đắc địa - Yếu tố không thể bỏ qua khi chọn mua bất động sản
Tiêu đề mới: Mua bất động sản, nhìn vào vị trí theo lời khuyên của tỷ phú Donald Trump
#5. Khẳng định một giải pháp đánh trúng nỗi đau khách hàng
Ai cũng mang trong mình rất nhiều “nỗi đau”, đó là một ước mơ họ khao khát nhưng chưa thực hiện được, một khó khăn không biết chia sẻ cùng ai, một vấn đề đã cố gắng nhưng không tìm ra giải pháp,... Nếu bạn có thể nhận diện và đánh trúng nỗi đau đó, bạn sẽ chiến thắng trong việc chinh phục khách hàng.
Ví dụ:
Tiêu đề cũ: Nước xả vải giúp áo quần thơm lâu.
Tiêu đề mới: Nước xả vải - “Cứu cánh” khử mùi hôi trên áo quần vào mùa mưa.
#6. Bắt trend
Xu hướng là những thứ đang khiến công chúng rất thích thú tại một thời điểm. Nếu như biết khéo léo nắm bắt xu hướng và lồng ghép vào tiêu đề, bạn sẽ được ghi nhận sự nhanh nhạy, gần gũi với mối quan tâm của độc giả. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng xu hướng cũng có thể qua đi rất nhanh. Nếu muốn bắt trend, đừng đợi tới khi trend đã … lỗi thời rồi mới bắt!
Ví dụ:
Tiêu đề cũ: Thiết kế thanh lịch, công năng mạnh mẽ của máy xay X
Tiêu đề mới: Bên ngoài thanh lịch, bên trong mạnh mẽ như máy xay X
#7. Sử dụng câu có vần điệu hoặc thơ
Trong quá trình tôi làm việc tại Agency, rất nhiều thương hiệu (nếu không muốn nói là tất cả) đều thích những tiêu đề có tính vần điệu. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà họ có cùng “sở thích” như vậy. Những câu văn ngắn, có nhịp điệu, có vần thường sẽ bắt tai hơn với người đọc. Bạn có thể thử áp dụng cách này và xem hiệu quả ra sao để đánh giá mức độ phù hợp.
Ví dụ:
Tiêu đề cũ: Chốn tụ họp bạn bè cuối tuần đầy hấp dẫn.
Tiêu đề mới: Mời bạn đến nhà, chơi bời thả ga!
#8. Hình tượng hóa/nhân hóa sự vật
Nếu bạn liên tục viết một sự vật hoặc một sản phẩm, sẽ tới lúc người đọc và cả chính bạn thấy nhàm chán. Để “đổi gió”, bạn có thể thử cách hình tượng hóa hoặc nhân hóa sự vật, tạo sự gần gũi hơn với người đọc.
Ví dụ:
Tiêu đề cũ: Đừng quên ghé thăm quán cafe Z vào cuối tuần này nhé!
Tiêu đề mới: Anh chàng mộng mơ Z đang ngóng trông bước chân bạn cuối tuần này.
#9. Khơi gợi trí tò mò của người đọc
Hầu hết người đọc đều có tính tò mò. Nếu biết nắm bắt điều này để tạo ra những tiêu đề “nửa kín nửa hở”, bạn sẽ thành công trong việc khiến họ click vào đọc tiếp bài viết.
Ví dụ:
Tiêu đề cũ: Những nguyên liệu làm nên món gà rán Y ngon tuyệt hảo.
Tiêu đề mới: Bí mật ẩn sau từng miếng gà Y thơm ngon, giòn rụm.
#10. Nhắm đến một đối tượng cụ thể
Giờ đây, ai cũng muốn đọc những nội dung được viết riêng cho mình. Vì vậy, nếu đã phân loại được các nhóm khách hàng, hãy thử những bài viết và tiêu đề cụ thể dành cho từng nhóm thay vì viết chung chung. Đó là cách giúp bạn tạo ra kết nối sâu hơn với người đọc và dễ khiến họ thấy được đồng cảm.
Ví dụ:
Tiêu đề cũ: 5 mẹo giúp phụ nữ sau sinh nhanh lấy lại vóc dáng.
Tiêu đề mới: 5 cách đơn giản giúp lấy lại vóc dáng cho phụ nữ sau sinh thiếu thời gian.
Trong viết lách, không có công thức nào luôn đúng hay trường tồn với thời gian. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng các cách được liệt kê ở trên, bạn cũng cần không ngừng thử nghiệm, quan sát những gì người khác đang làm và nắm bắt các xu hướng mới. Đồng thời, đừng quên rằng tuy rất quan trọng nhưng tiêu đề vẫn chỉ là phần mở đầu. Độc giả có thể đến vì tiêu đề, nhưng sẽ không ở lại nếu chất lượng bài viết của bạn không tương xứng.
Bạn thấy bài viết trên có hữu ích không? Bạn còn gặp khó khăn nào khi viết nữa? Hãy cho tôi biết để có thể giúp bạn tốt hơn trong những bản tin sau!