#35. Viết Headline tốt hơn ngay lập tức chỉ bằng việc trả lời một câu hỏi.
Hành động nhỏ, kết quả lớn.
Xin chào bạn,
Bạn đã bao giờ hoàn thành xong bài viết, nhưng loay hoay mãi chưa viết được một Headline (câu tiêu đề) ưng ý?
Bạn đã bao giờ “nhắm mắt” đăng tải bài viết với Headline qua loa, với suy nghĩ rằng dù sao đó cũng chỉ là một phần của nội dung?
Nếu bạn còn chưa hiểu tầm quan trọng của Headline, cũng chưa biết bắt đầu từ đâu để viết ra những câu tiêu đề hấp dẫn hơn, bạn chính là người tôi nghĩ đến khi viết bản tin tuần này.
Trước tiên, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm đáp án cho một câu hỏi…
Tại sao Headline lại quan trọng?
Tôi đã gặp nhiều người viết xem nhẹ chức năng của câu tiêu đề. Họ sẵn sàng dành hàng giờ để viết, rồi lại quýnh quáng chọn đại một câu tiêu đề nghe có vẻ ổn, sau đó chia sẻ bài. Thậm chí, nhiều bài viết còn chẳng có câu tiêu đề nào.
Nếu bạn cũng nằm trong số những người viết đó, bạn cần phải biết điều này.
Theo The Copy Blogger, nghiên cứu chỉ ra rằng khi có một nội dung được chia sẻ, 8/10 người sẽ đọc tiêu đề, nhưng chỉ có 2/10 sẽ đọc hết phần còn lại của bài viết. Trong khi đó, mục đích của mỗi câu trong bài quảng cáo là thu hút độc giả tiếp tục đọc tới câu sau, câu sau nữa cho tới khi chạm đến phần CTA (kêu gọi hành động). Vậy thì, nếu bạn không thể khiến người đọc hứng thú ngay từ câu Headline, bài quảng cáo của bạn coi như thất bại trước khi kịp tạo ra bất kỳ ảnh hưởng nào.
Đừng viết tiêu đề một cách cẩu thả nữa, vì dưới đây là danh sách ngắn gọn về những giá trị Headline mang lại:
Khoanh vùng độc giả mục tiêu của bài viết
Là một người viết quảng cáo, chúng ta không có nhu cầu thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Thay vào đó, mục tiêu của Copywriter là thu hút sự tập trung của các độc giả mục tiêu - những người sẽ quan tâm tới chủ đề này và có thể trở thành khách hàng tiềm năng của sản phẩm, dịch vụ này.
Nếu bạn viết một Headline chung chung, bạn có thể khiến 100 người vào đọc bài viết nhưng không một ai muốn tiếp tục hành động.
Nếu bạn viết một Headline đủ cụ thể để khoanh vùng độc giả mục tiêu, có thể bạn chỉ mang đến 20 người đọc, nhưng có tới 5 người trong số đó quyết định tiếp tục theo dõi hoặc tìm hiểu thêm về sản phẩm.
Và đó là sự khác biệt một Headline chất lượng sẽ mang lại!
Thu hút và kích thích nhu cầu đọc của độc giả
Chắc hẳn bạn giống như tôi, cũng thường xuyên lên Google để tìm kiếm tài liệu theo từ khóa. Trong một danh sách các bài viết hiển thị, đâu là lý do để chúng ta nhấp chuột vào một bài và bỏ qua các bài còn lại? Một yếu tố không thể phủ nhận nằm ở chính Headline của bài viết đó.
Góp phần giúp bài viết được search engine (SEO) ưa chuộng hơn
Đối với những nội dung trên Website, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) là một nhiệm vụ quan trọng. Bằng cách tạo ra tiêu đề chứa từ khóa phù hợp, đồng thời gia tăng lượt click và thời gian đọc của độc giả, Headlines sẽ giúp các bài viết đạt được vị trí cao hơn trong danh sách tìm kiếm.
Giúp độc giả định hình nội dung và lợi ích họ sẽ nhận được từ bài viết
Tiêu đề không chỉ thiết yếu với người viết hay thương hiệu, mà còn đóng vai trò quan trọng đối với độc giả. Khi đọc một Headline tốt, độc giả sẽ biết liệu nội dung này có phải thứ mình đang tìm kiếm và muốn tiếp tục đọc hay không. Khi đọc một Headline được viết đúng và đủ, độc giả cũng sẽ định hình được thể loại nội dung (ví dụ như tin tức, quảng cáo, thông báo…) mà họ sẽ đọc và lợi ích họ có thể nhận được từ nội dung này.
Chuyển hóa “người qua đường” thành độc giả tiềm năng
“Virality” - tính lan truyền là một điều bất kỳ người viết nào cũng quan tâm và muốn cải thiện cho nội dung của mình. Hãy tưởng tượng thế này: bạn có một bài viết công phu, tâm huyết với nội dung thực sự hay. Có một người đọc đã chia sẻ bài viết đó. Như vậy, bạn tăng được khả năng hiển thị với khoảng vài chục với vài trăm người nữa - người người trong vòng tròn của người đã chia sẻ. Nếu bài viết của bạn có thêm tiêu đề tốt, bạn sẽ có thể khiến cho nhiều “người qua đường” - vốn không quan tâm lắm tới nội dung này, vẫn dừng lại và đọc. Trong số những người đó, bạn sẽ chắt lọc được thêm các followers mới và thậm chí là khách hàng tiềm năng mới.
Rồi, bây giờ tôi tin rằng bạn đã thấy sức mạnh của Headlines lớn hơn một chút. Để bạn có cái nhìn thực tế hơn nữa, tôi sẽ thống kê Top 3 tiêu đề email có lượt đọc cao nhất của tôi trong vòng 3 tháng trở lại đây.
#1. 5 phương pháp giúp bạn level up kỹ năng viết thương mại trong năm 2023 - Tỷ lệ mở 41%
#2. Trở thành Copywriter - lộ trình thiết thực cho người mới bắt đầu - Tỷ lệ mở 38%
#3. Top những lý do bạn nên học kỹ năng Copywriting ngay hôm nay - Tỷ lệ mở 36%
Trong khi đó, các email khác thường sẽ có tỷ lệ mở trong khoảng 20 - 30%. Tất nhiên, tỷ lệ này còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác, như việc tôi có quảng bá cho bài viết không, bài viết được gửi thẳng vào email chính của Subscribers hay rơi vào hòm quảng cáo, v.v. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Tiêu đề là một trong những yếu tố quan trọng để sau khi nhận được thông báo, Subscribers của tôi quyết định tiếp tục đọc hay bỏ qua các nội dung này.
Bây giờ, như lời hứa từ đầu bài viết, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách viết Headline tốt hơn chỉ với việc trả lời một câu hỏi.
Có thể bạn sẽ không tin, nhưng đây là cách tôi đã áp dụng cho hàng trăm bài viết của mình.
Câu hỏi đó, đơn giản là…
TẠI SAO ĐỘC GIẢ CẦN ĐỌC BÀI VIẾT NÀY CỦA BẠN?
Hay đầy đủ hơn là: Tại sao giữa hàng chục, thậm chí hàng trăm bài viết khác về cùng chủ đề, độc giả lại nên chọn bài viết này của bạn? Có điều gì họ sẽ chỉ tìm được ở bài viết này hay không?
Nếu bài viết của bạn là bản tổng hợp đầy đủ nhất từ 10 nguồn tài liệu khác nhau, hãy chỉ ra điều đó ngay từ Headline.
(Ví dụ: Tổng hợp 10 cách để viết Headline tốt hơn từ 10 bloggers nổi tiếng thế giới).
Nếu bài viết của bạn hướng dẫn một cách thức độc đáo chưa ai từng giới thiệu, hãy nhấn mạnh điều đó trong Headline.
(Ví dụ chính là email này của tôi - tôi đã research và thấy chưa có ai viết một nội dung về việc tạo ra Headline hấp dẫn bằng cách “trả lời một câu hỏi”).
Nếu bài viết của bạn chia sẻ một góc nhìn khác biệt từ một người nào đó, hãy tóm tắt ý tưởng của họ ở Headline.
(Ví dụ: Một triết lý đơn giản nhưng trường tồn về Headline từ ông vua quảng cáo Oligvy)
Nếu bài viết của bạn hàm chứa một câu chuyện hay trải nghiệm thực tế từ chính bạn, hãy cho độc giả biết điều đó từ Headline.
(Ví dụ: Từ vị trí Newbie, tôi đã học viết Headline hiệu quả hơn như thế nào?)
Tại sao đây lại là một câu hỏi quan trọng?
Thứ nhất, nó giúp bạn tìm ra điểm khác biệt cốt lõi trong nội dung của bạn. Từ đó, bạn có thể dùng chính USP này thành “nam châm” thu hút khách hàng.
Thứ hai, nó giúp bạn rà soát xem bài viết của mình đã thực sự độc đáo hay chưa. Bạn không thể thuyết phục người đọc chọn bài của mình thay vì của tác giả khác, nếu những gì bạn cung cấp không có giá trị nào mới lạ hay nổi bật hơn. Nếu bạn không thể tìm ra USP để viết Headline, đây cũng là dấu hiệu cho thấy bạn cần dành nhiều thời gian hơn cho bài viết.
Bài tập hôm nay dành cho bạn: Hãy mở lại một bài viết cũ của mình, rà soát theo câu hỏi mình đã hướng dẫn và nghĩ xem có điểm độc đáo nào ở bài viết mà bạn có thể đưa vào Headline không?
Trong tuần sau, mình sẽ chia sẻ hai cách viết Headline có thể ứng dụng cho mọi thể loại nội dung. (Bạn đọc trả phí của Content Hacks Premium sẽ nhận được các nội dung thực tiễn hơn, như gợi ý các loại Headline, hay danh sách mẫu Headline có thể sử dụng ngay. Nếu bạn quan tâm, hãy cân nhắc trở thành người đọc trả phí).
Cảm ơn bạn vì đã đọc bản tin tuần này. Chúc bạn sẽ tạo ra những Headline thật thu hút và hiệu quả!